Nguyễn Thương (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 08:22 - 10.06.2023
"Quang ơi, tại trạm kiểm lâm Bảy Cạnh cũng có thể bắt được sóng 3G rồi, nay anh có thể gọi về cho gia đình thường xuyên hơn để yên tâm công tác. Anh vui quá chú ạ!".
Triển khai lắp trạm, mọi mệt mỏi, khó khăn, mồ hôi của những kỹ sư TT Kỹ thuật KV3 (VTNet) dường như tan biến hết khi được nghe những câu nói hay nhìn thấy nụ cười trên môi những "khách hàng", trong đó có "khách gần gũi" như anh Lâm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh.
Nơi biển đảo trắng sóng
Sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Khu vực bảo tồn vích, hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo mỗi buổi sáng đều tấp nập xe đón khách, tiễn khách, chở hàng hóa từ những chuyến tàu nối với đất liền. Ít người biết rằng nơi đây từng là vùng khó khăn thiếu thốn trăm bề, sóng viễn thông là thứ xa xỉ dù là khu bảo tồn nổi tiếng.
Năm 2019, Đ/c Vũ Văn Quang, kỹ sư Vô tuyến KV3 nhận nhiệm vụ cùng đồng đội xây dựng trạm VTU6051. Đây là trạm 3G phục vụ tại khu bảo tồn vích lớn nhất Việt Nam trên hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo. Khu vực này lại là một thung lũng nằm giữa 2 ngọn núi nên mặc dù trên hòn Bảy Cạnh, Viettel đã có 1 trạm nhưng ở đó vẫn gần như trắng sóng. Tất cả các mạng di động khác cũng vậy.
Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo. Nằm về phía Đông và cách cảng đảo chính khoảng 20 phút đi ca nô, có diện tích 683 ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng đồi cát ở giữa. Hòn Bảy Cạnh như một nét xanh chấm phá giữa biển trời mênh mông Côn Đảo, toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới. Đây cũng là khu bảo tồn vích, theo ghi nhận của Vườn Quốc gia Côn Đảo, nơi có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam. Với cảnh quan hoang sơ, xinh đẹp, ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm tại hòn Bảy Cạnh.
Bản lĩnh trưởng thành qua thách thức
Kể về những ngày xây dựng trạm VTU0651, anh Quanh bồi hồi nhớ lại: “Hành trình xây dựng trạm VTU0651 chính là kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi và các đồng nghiệp KV3. Dự án khó, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều đơn vị. Tôi nhớ như in khoảng thời gian cùng anh em kỹ sư tối ưu vô tuyến, cơ điện, truyền dẫn và công trình dốc toàn sức lực để hoàn thành dự án này”.
“Sau khi khảo sát được địa điểm đặt trạm thì chúng tôi phải mất 2 năm dịch bệnh và chờ cấp giấy phép. Tưởng chừng có thể thuận lợi và xây trạm ngay sau đó thì chúng tôi đã gặp phải khó khăn nối tiếp khó khăn”, anh Quang kể lại.
Địa hình biển đảo phức tạp, dốc cao hiểm trở xen kẽ rừng nguyên sinh, con đường vận chuyển cáp vật tư, thiết bị trở nên đầy thử thách. Thời tiết đặc thù biển đảo, tháng 10 đến tháng 3 năm sau là mùa gió chướng, sóng lớn, việc vận chuyển thiết bị trên biển gần như không thể. Khung thép dựng trạm nặng đến 60 tấn, không thể chở bằng bất cứ loại xe chuyên dụng nào.
Để giải quyết khó khăn này, Viettel đã phải huy động nguồn lực của lực lượng chức năng trên đảo kết hợp cùng nguồn lực nội tại của Viettel với trọng tâm là TCT Công trình Viettel (VCC).
Vạn sự khởi đầu nan, những khó khăn ban đầu không làm các kỹ sư KV3 nản trí. Đội thi công vận chuyển bằng cách tháo rời từng thiết bị sau đó di chuyển bằng cano ra đảo. Tuy nhiên, những ngày mưa bão, biển động cộng với đá ngầm, cano chỉ có thể thả neo cách bờ cả trăm mét. Không có cách nào khác, các kỹ sư phải mang theo vật tư, thiết bị bơi vào bờ giữa những cơn sóng lớn. Có khi phải dùng đến sức người mang vác thiết bị lên từng đoạn đường dốc chênh nhau cả sải tay. Nhiều đồng chí không biết bơi, lần đầu ra đảo say sóng dữ dội, thậm chí có người còn... nôn ói xanh cả mặt.
Khu bảo tồn không có điện cũng không thể sử dụng máy phát. Để gỡ rối cho vấn đề này, đội ngũ KV3 phải tính toán lượng tiêu thụ điện năng, sử dụng pin năng lượng mặt trời hay hệ thống lưu trữ để phát điện ban đêm.
Khó khăn nối tiếp khi đặc thù khu bảo tồn vích không thể sử dụng vi ba. Những phương án truyền dẫn đã tính toán từ trước không phù hợp, buộc đội ngũ kỹ sư phải thay thế bằng phương án mới là sử dụng cáp quang. Trạm đã xây xong, chỉ còn 5 km cáp kéo xuyên rừng nữa thôi là có thể phát sóng trạm. Rừng nguyên sinh trên núi, trông rợn người với dốc đá chông chênh, rất nhiều thú hoang và những nguy hiểm rình rập không thể lường trước khiến cả đoàn lo lắng. Không thạo đường rừng, anh Quang cùng đồng nghiệp phải tìm cách liên hệ phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và Biên phòng trên đảo dẫn đường hỗ trợ kéo cáp.
"Vấn đề khó khăn nhất để phát sóng được trạm VTU0651 chính là truyền dẫn. Nơi đây hoang vu, địa hình hiểm trở. Anh em phải tự triển khai thủ công hơn 5 km cáp quang xuyên rừng từ trạm VTU4915 về trạm VTU0651. Sau đó khai báo đồng bộ luồng từ SRT và NodeB sang luồng của tuyến viba mới từ VTU8390 đến VTU4915", anh Quang giải thích thêm.
Sau gần 4 năm kiên trì bám mục tiêu, với sự đoàn kết phối hợp hỗ trợ của các đơn vị, VTNet, VCC,.. trong đó có cả lực lượng Kiểm lâm và Biên phòng trên đảo, cuối cùng trạm VTU0651 cũng đã kịp thời phủ sóng phục vụ khách tham quan trong dịp lễ lớn.
“Trước những khó khăn thách thức, con người lại càng trở nên vững vàng hơn. Với tinh thần người lính không ngại khó khăn, chúng tôi không bỏ cuộc mà tìm mọi cách làm mới, sáng tạo trong công việc. Từ đó, anh em tích lũy kinh nghiệm cho những công trình sau”, anh Quang chia sẻ lý do khiến những người làm kỹ thuật không nản chí.
Niềm vui lan tỏa
Vào lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, trạm BTS đi vào hoạt động đã giúp người dân và khách du lịch đến đảo có cơ hội tiếp cận được sóng viễn thông. Bên cạnh đó, các chiến sĩ khi cần giải quyết thủ tục hành chính và theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ có thể thao tác trên điện thoại thông minh.
“Khi vạch sóng điện thoại đầu tiên xuất hiện, tất cả đều reo lên. Mọi người ngay lập tức gọi về cho gia đình, người thân. Ngày hôm đó vui như tết vậy, chúng tôi như vỡ òa trong vui sướng. Những nỗ lực, kiên trì, mô hôi và nhiều khi cả máu, giờ đây đã kết thành trái ngọt. Khoảnh khắc hạnh phúc ấy cũng chính là động lực để tôi cùng các đồng đội vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ”, anh Quang nhớ lại.
Lực lượng nhân sự tham gia phát sóng trạm khó VTU0651 tại Côn Đảo.
Anh Lâm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh chia sẻ, hệ thống mạng lưới viễn thông phát triển không chỉ giúp đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp mà còn giúp cập nhật thông tin trong nước và thế giới nhanh chóng, chính xác, đời sống tinh thần thêm phong phú. Công tác chỉ đạo, báo cáo của chốt kiểm lâm thường trực cũng trở nên thuận tiện hơn nhiều.
“Giờ chỉ cần một cái nhấp chuột, việc gửi, nhận công văn, thông báo có thể thực hiện trong tích tắc. Việc triển khai họp trực tuyến cũng diễn ra dễ dàng. Mạng lưới Viettel thông suốt còn là cầu nối từ nơi hải đảo xa xôi về với gia đình để cán bộ, chiến sĩ thêm vững tinh thần, niềm tin để gắn bó với công việc”, anh Hùng bày tỏ.
Hiện tại, Viettel đang phối hợp với Bộ TT&TT để xóa vùng lõm sóng di động theo tinh thần, “điện đi tới đâu, viễn thông tới đó”. Tiếp nối thành công của dự án trạm VTU0651, dự án xây dựng trạm sóng tại Bà Rịa Vũng Tàu đang được các kỹ sư KV3 phát huy sức mạnh tổng lực để hoàn thành. Mục tiêu kế hoạch phấn đấu trong quý 2/2023 và đến hết năm 2023 sẽ xử lý, hoàn thành 136 trạm BTS và xóa các điểm lõm sóng viễn thông di động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.