Bích Hường (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:02 - 11.02.2025
Trong tập podcast Viettel Vibes với chủ đề "Lời tiên tri tự ứng", chúng ta đã cùng bàn về sức mạnh của niềm tin và cách niềm tin tích cực có thể định hình thực tế, đồng thời giúp ta vượt qua khó khăn. Trên thực tế, niềm tin có thể tạo ra thực tế.
Niềm tin (belief) của một người là việc họ chấp nhận một điều gì đó là sự thật hoặc đúng đắn, bất kể có bằng chứng rõ ràng hay không.
Niềm tin có thể ảnh hưởng đến cách con người cảm nhận và xử lý thông tin, đồng thời định hình hành vi và quyết định của họ. Sức mạnh của niềm tin có thể tạo ra thực tế một cách mạnh mẽ và rõ rệt. Khi một người tin vào khả năng của mình hoặc tin rằng một sự kiện nào đó sẽ xảy ra, họ thường hành động và suy nghĩ theo hướng làm cho niềm tin đó trở thành hiện thực. Hiện tượng này trong tâm lý học được gọi là Lời tiên tri tự hoàn thành (Self-fulfilling prophecy).
Điều đó có nghĩa là khi chúng ta tin, rất tin vào điều gì, hành động của chúng ta sẽ vô thức hướng đến việc biến điều đó thành sự thật. Bởi vì khoa học lý giải niềm tin tạo ra cảm xúc, cảm hứng, động lực & điều hướng các hành động đi theo hướng niềm tin đặt ra. Và khi hành động liên tục mà có thêm động lực thúc đẩy, thì tỷ lệ cao là, kết quả của chúng ta nhận được sẽ xảy ra tương đồng với niềm tin chúng ta đã tạo dựng ban đầu.
Ví dụ: Một người trong công ty tin rằng sếp của mình không thích mình. Do đó, người đó có thái độ xa cách và không hợp tác với sếp. Sếp cảm nhận được sự xa cách này và cũng bắt đầu có ấn tượng xấu về người đó. Cuối cùng, người đó cảm thấy sếp không thích mình và điều này trở thành sự thật, mặc dù ban đầu chỉ là một niềm tin không có cơ sở.
Niềm tin tạo động lực và niềm tin giới hạn
Xung quanh chúng ta luôn có những người sở hữu sự tự tin mạnh mẽ, họ tin tưởng vào khả năng, mục tiêu và con đường mà mình đang theo đuổi. Những người này mang trong mình niềm tin tạo động lực. Khi con người tin rằng mình có thể đạt được điều gì đó, họ sẽ kiên trì hành động, vượt qua thử thách và không dễ dàng bỏ cuộc. Niềm tin đó là nguồn sức mạnh giúp họ duy trì nỗ lực, quyết tâm và thái độ tích cực, qua đó tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.
Niềm tin tạo động lực có thể thể hiện qua 3 dạng chính:
Niềm tin vào bản thân: Là sự tự tin vào năng lực cá nhân, khả năng học hỏi và phát triển qua quá trình rèn luyện. Niềm tin này giúp chúng ta tin rằng mình có thể vượt qua những giới hạn bản thân để đạt được những điều lớn lao.
Niềm tin vào người khác: Là sự tin tưởng vào sự hỗ trợ và hợp tác từ đồng nghiệp, bạn bè và những người xung quanh. Khi ta tin rằng môi trường làm việc hay cộng đồng là nơi tạo điều kiện cho sự phát triển thay vì là nơi chứa đựng rào cản, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn và đạt được kết quả tốt hơn.
Niềm tin vào tương lai: Là khả năng nhìn nhận cơ hội trong thử thách, coi khó khăn là cơ hội để trưởng thành, và tin rằng những nỗ lực chính đáng sẽ mang lại thành quả xứng đáng trong tương lai, dù con đường đi có gian nan.
Ngược lại, niềm tin giới hạn chính là những suy nghĩ tạo ra những "rào cản" vô hình trong tâm trí, khiến con người không thể phát triển hay đạt được mục tiêu. Ví dụ như suy nghĩ "Tôi không đủ thông minh để học thêm kỹ năng mới", "Tôi quá già để học tiếng Anh", hay "Người như tôi không thể thành công",...Thực tế, những niềm tin giới hạn thường không có cơ sở vững chắc và thường là kết quả của những trải nghiệm cá nhân như thất bại trong quá khứ, ảnh hưởng từ xã hội, gia đình hay môi trường xung quanh, như thông tin truyền thông và các định kiến xã hội.
Vì niềm tin có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi, quyết định và từ đó tạo ra một thực tế tương ứng nên chúng ta cần nỗ lực chuyển dần những niềm tin giới hạn thành niềm tin tạo động lực. Điều này không chỉ giúp chúng ta mở rộng khả năng của bản thân mà còn tạo ra những cơ hội mới để đạt được mục tiêu và thành công trong cuộc sống.
Ai cũng có quyền quyết định niềm tin
Ai cũng có quyền tự chọn niềm tin cho mình. Hành trình thay đổi niềm tin bắt đầu từ việc tự nhận thức và thách thức những niềm tin cũ. Khi đối mặt với những niềm tin giới hạn, bạn hãy dành thời gian để tự hỏi: "Liệu những đánh giá này có thực sự chính xác không?", "Có bằng chứng nào cho thấy niềm tin đó là không đúng không?", "Có một ngoại lệ nào xảy ra không?"... Hãy thách thức những suy nghĩ này bằng cách kiểm tra tính đúng đắn của chúng.
Sau khi tự nhận thức, hãy biến niềm tin mới thành sự thật bằng cách đặt mục tiêu và ghi nhận thành tựu. Một trong những lý do khiến niềm tin tiêu cực tồn tại là do chúng ta thường đặt mục tiêu quá cao, dẫn đến thất bại và mất niềm tin vào bản thân. Thay vì thế, hãy thiết lập các mục tiêu vừa sức, cụ thể và khả thi. Bắt đầu từ những bước nhỏ, như hoàn thành một nhiệm vụ đơn giản mỗi ngày. Mỗi khi đạt được một mục tiêu, hãy dành thời gian ghi nhận nỗ lực của mình. Ví dụ, nếu bạn quyết tâm dậy sớm để đọc sách, hãy ghi nhận mỗi lần bạn hoàn thành. Những thành công nhỏ chính là những viên gạch đầu tiên xây dựng lại sự tự tin và phá bỏ các niềm tin giới hạn. Chúng chứng minh rằng bạn có thể làm được, rằng bạn có khả năng tiến xa hơn nếu tiếp tục cố gắng.
Tuy nhiên, thay đổi niềm tin không phải là hành trình đơn độc. Hãy tìm đến những người tin tưởng và ủng hộ bạn, bởi một cộng đồng hỗ trợ có thể là nguồn động viên mạnh mẽ. Đó có thể là bạn bè, gia đình, hoặc những người có cùng mục tiêu với bạn. Sự chia sẻ kinh nghiệm và những lời động viên từ họ sẽ giúp bạn cảm thấy không cô đơn, đồng thời là động lực để bạn vượt qua khó khăn. Khi tự nhận thức, đặt mục tiêu và tìm kiếm sự đồng hành từ cộng đồng, bạn đang từng bước tự tay định hình niềm tin tích cực, mở ra cánh cửa để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Niềm tin có sức mạnh rất to lớn trong việc định hướng các lựa chọn và hoạt động trong thực tế. Ai cũng có quyền chọn một lẽ để tin, nhưng nếu nó có thể ảnh hưởng bạn một cách âm thầm thì hãy chọn tin vào điều tích cực để tốt hơn.
Kính mời đồng chí cùng theo dõi lại Viettel Vibes với chủ đề "Lời tiên tri tự ứng" qua chia sẻ của khách mời là đồng chí Nguyễn Trần Ngọc Linh, Giám đốc TT Phân tích dữ liệu (TCT Viễn thông Viettel):