Dấu ấn Trường Sa qua nhật ký của người lính công nghệ Viettel

Trần Minh Quảng (Công ty An ninh mạng Viettel) đã đăng lúc 19:22 - 20.05.2025

Từ ngày 8/5 - 16/5/2025, anh Trần Minh Quảng và hơn 50 cán bộ Viettel đã tận mắt chứng kiến cuộc sống của các chiến sĩ hải quân và người dân tại Trường Sa với nhiều cung bậc cảm xúc khó quên.

Viettel Family xin gửi tới các đồng chí những dòng ghi chép chân thực và đầy cảm xúc của anh Trần Minh Quảng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và chia sẻ nguy cơ, Công ty An ninh mạng Viettel trong hành trình ý nghĩa tới quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1. 

Ngày 1: Một nhiệm vụ đặc biệt

Tôi nhận được thông báo tham gia đoàn công tác Trường Sa một cách khá bất ngờ. Không nằm trong kế hoạch, không chuẩn bị trước, nhưng khi nghe đến cái tên “Trường Sa và nhà giàn DK-1”, tim tôi như chững lại – vừa hồi hộp, vừa như có điều gì đó rất thiêng liêng gọi tên. Tôi nhận nhiệm vụ ngay, không chút do dự.

Tôi hiểu rằng đây không chỉ là một chuyến đi, mà là một nhiệm vụ thiêng liêng. Là cơ hội hiếm hoi để tận mắt nhìn thấy những nơi mà bấy lâu nay mình chỉ biết qua bản đồ, báo đài và ký ức dân tộc.

10
Hành trang cho chuyến đi gồm vài bộ quân phục, thuốc men, sổ tay và lá cờ đỏ sao vàng được gấp gọn.

13h chiều, đoàn tập trung ra sân bay Nội Bài. Nhiều anh chị em từ các đơn vị trong Tập đoàn cũng tham gia chuyến đi này. Có người đã từng đi, có người như tôi - lần đầu. Nhưng ai cũng mang một vẻ gì đó rất giống nhau: hào hứng, trang trọng, và tự hào.

Tối đến Khánh Hòa, đoàn nghỉ tại Khách sạn Hải Quân - điểm tập kết trước khi bắt đầu hành trình. Tôi nhận phòng, gặp gỡ vài anh em trong đoàn, rồi tranh thủ nghỉ sớm để giữ sức cho ngày mai.

Ngày 2: Viếng Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma và cảm nhận sức mạnh giữ biển

Sáng sớm, trời Nha Trang nắng gắt - thứ nắng đầu hè rát mặt nhưng rất đỗi quen thuộc với người lính biển. Đoàn công tác rời khách sạn, chỉ khoảng 10 phút sau, chúng tôi dừng chân tại Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma - nơi bắt đầu cho một ngày đặc biệt nhiều cảm xúc.

Vừa đến nơi, tôi ấn tượng ngay với không gian trang nghiêm và lặng gió. Khu tượng đài được chăm chút cẩn thận, xung quanh có các chiến sĩ hải quân đứng gác nghiêm trang, như một lời nhắc rằng nơi đây không chỉ là điểm đến, mà là nơi rất linh thiêng.

Đoàn làm lễ viếng trang trọng, thắp nén nhang tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, sẵn sàng quên mình để bảo vệ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc tại bãi đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Sau đó, từng người trong đoàn đến khu mộ gió tập thể, lặng lẽ thắp nhang, nghiêng mình trước tấm bia khắc tên 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh - một biểu tượng thiêng liêng của lòng quả cảm và khí phách bất tử giữa trùng khơi.

01
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Chúng tôi kết thúc buổi viếng bằng việc tham quan nhà trưng bày - nơi lưu giữ tư liệu, hình ảnh và hiện vật về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cùng những chứng tích lịch sử về sự kiện Gạc Ma. Có những di vật vô cùng xúc động: chiếc quần, áo, mũ len do mẹ đan gửi tặng con trước khi ra chiến trường, bức thư chưa kịp gửi về nhà, hay những món đồ sinh hoạt mộc mạc của người lính biển. Mỗi bức ảnh, mỗi dòng chú thích đều khiến lòng mình lặng lại - và thầm nhắc rằng: chủ quyền ấy không tự nhiên mà có.

Tiếp theo đó, đoàn tới thăm Lữ đoàn 189 – đơn vị tàu ngầm tinh nhuệ và Lữ đoàn 186 – đơn vị tàu chiến đấu mặt biển. Ấn tượng đặc biệt là chai nước biển lấy từ độ sâu 285m, món quà nhỏ mà Lữ trưởng 189 trao cho đoàn, như một minh chứng sống động về năng lực tác chiến của tàu ngầm Kilo - niềm tự hào hiện đại của Hải quân Việt Nam. Càng lắng nghe các cán bộ lữ đoàn thuyết minh về trang bị, khí tài, năng lực chiến đấu của các đơn vị, càng cảm nhận rõ sự chuyên nghiệp, hiện đại, tinh nhuệ và bản lĩnh của lực lượng giữ biển hôm nay.

Buổi chiều tối, cả đoàn cùng xem phim tài liệu “70 năm hành trình giữ biển”, rồi nghe báo cáo về tình hình biển đảo hiện tại. Có những thứ trên bản tin nghe qua tưởng hiểu, nhưng phải đến khi tận mắt, tận tai, mới thấy mỗi con sóng ngoài kia đều gắn với mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ người lính biển.

Một ngày chưa ra đến Trường Sa, nhưng trái tim đã thấy gần biển hơn bao giờ hết!

Ngày 3: Lên tàu - bắt đầu hành trình giữa biển xanh

Khởi hành

Sáng ngày thứ ba, chúng tôi dậy từ trước 5 giờ. Trời Nha Trang vẫn còn tối mờ, gió biển lùa nhẹ qua mặt. Cả đoàn nhanh chóng kéo vali ra xe. Có lẽ ai cũng đang giữ riêng mình một cảm xúc - háo hức, hồi hộp, chờ đợi.

02
Khoảnh khắc chụp cùng tàu Trường Sa trước giờ khởi hành.

Xe rẽ vào cảng quân sự. Khi nhìn thấy con tàu hải quân lớn nằm im sừng sững dưới ánh mặt trời, tôi bất giác chững lại vài giây. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió biển sớm, ánh nắng buổi sáng miền biển chiếu rọi lên thân tàu - một hình ảnh vừa uy nghiêm, vừa thiêng liêng, khiến tôi thấy lặng đi một chút, rồi nóng ran vì tự hào.

Lần đầu tiên trong đời, tôi được đặt chân lên một con tàu hải quân. Bước đi trên sàn thép, tay bám vào lan can lạnh, tôi nghe tim mình đập nhanh hơn bình thường. Hành trình ra Trường Sa bắt đầu từ đây.

Sau khi ổn định vị trí, mọi người tranh thủ chụp ảnh, gọi điện về nhà lần cuối trước khi điện thoại mất sóng.

Tàu hú ba hồi còi dài, rền vang cả quân cảng. Dưới bến, các cán bộ chiến sĩ hải quân xếp hàng nghiêm trang vẫy chào. Trên boong, toàn bộ anh chị em trong đoàn đứng mạn trái, vẫy tay chào tạm biệt đến khi tàu rời xa hẳn cầu cảng.

Chúng tôi chính thức bước vào hành trình lênh đênh giữa biển.

Ra khơi 

Toàn đoàn công tác được chia thành 5 tổ để sinh hoạt và tham gia các hoạt động nhóm trên tàu. Tôi được phân công về Tổ 5 - tổ có cái tên đặc biệt và rất thiêng liêng: Tổ Trường Sa. Càng ý nghĩa hơn khi chính con tàu đưa chúng tôi ra đảo cũng mang tên Tàu Trường Sa.

12
Các cán bộ chiến sĩ Hải quân xếp hàng ngay ngắn chào tàu rời bến.

Buổi chiều, tôi lên boong tàu. Biển chòng chành hơn hẳn. Tôi ngồi một mình, nhìn ra bốn phía chỉ thấy chân trời. Biển hôm nay đẹp và phẳng, xanh biếc, rộng lớn. Thỉnh thoảng vài con cá chuồn bay nhảy trên mặt nước, vài con hải âu lượn qua tìm ăn.

Đồng chí Nam – cán bộ Hải quân đã có hơn 5 năm công tác ngoài đảo – kể lại những chuyến đi sóng to gió lớn, có khi tàu bị hất tung lên rồi lại rơi xuống mặt biển. Nghe anh kể, tôi thấy chuyến đi của mình quá đỗi bình yên, dù một vài người đã bắt đầu say sóng.

Trước khi ngủ, chúng tôi được nghe bản tin của tổ công tác - những thông tin cập nhật trong ngày, phát qua hệ thống loa trên tàu. Đó là nguồn tin tức duy nhất còn lại giữa biển khơi.

Không mạng xã hội, không thông báo dồn dập, ai cũng trở nên tĩnh lặng hơn. Chỉ còn tiếng máy tàu trầm đều, tiếng sóng vỗ mạn.Trong khoảnh khắc đó, tôi lặng lẽ nghĩ về đất liền phía sau, về những người lính nơi đầu sóng, và về lý do tôi có mặt ở đây, điều đó chắc hẳn không phải là ngẫu nhiên.

Ngày 4: Song Tử Tây - Bước chân đầu tiên trên chủ quyền

Sáng nay, tôi tỉnh dậy không bởi chuông báo thức từ điện thoại, mà bởi những giai điệu quen thuộc của các ca khúc về Trường Sa vang lên từ hệ thống loa trên tàu. Tiếng nhạc gọi dậy một ngày mới - ngày chúng tôi sẽ đặt chân lên hòn đảo đầu tiên trong hành trình: Song Tử Tây.

Chúng tôi lên boong tàu từ sớm. May mắn thấy một đàn cá heo bơi ngang qua mũi tàu - dấu hiệu bình yên chào đón đoàn công tác. Không lâu sau, đảo Song Tử Tây dần hiện ra trên đường chân trời - vệt trắng đỏ của cột mốc, của các công trình kiên cố, của lá cờ Tổ quốc nổi bật giữa biển khơi.

Tới gần, 2 chiếc xuồng từ đảo tiến ra. Khi xuồng cập tàu, các chiến sĩ đứng nghiêm chào điều lệnh, sẵn sàng đón đoàn. Từng vật phẩm phục vụ đảo được đưa lên trước, rồi lần lượt các thành viên trong đoàn xuống xuồng - ai cũng hồi hộp, háo hức.

Khoảnh khắc đặt chân lên cầu cảng đảo là khoảnh khắc tôi nhớ mãi. Các chiến sĩ xếp hàng ngay ngắn chào đón. Ai nấy đều nghiêm trang, ấm áp và đầy tự hào.

Chúng tôi đi thăm từng công trình: cột mốc chủ quyền, chùa Song Tử Tây, trường tiểu học, khu nhà dân với 7 hộ gia đình, các công trình tăng gia, chăn nuôi, vườn rau.

13
Hình ảnh vô tư, hồn nhiên của các em nhỏ trên đảo.

Khi vào khu nhà dân và trường học, chúng tôi mới gặp các em nhỏ trên đảo. Các em đồng loạt hồn nhiên chào: “Chúng con chào các bác ạ!” - lời chào thân quen khiến lòng ai cũng dịu lại. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những đứa trẻ chính là biểu tượng sống động nhất của chủ quyền đất nước.

Tôi trò chuyện với thầy Chiến, một trong hai giáo viên duy nhất tại đảo. Thầy kể, ở đây chỉ có 9 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, và hai thầy thay nhau dạy tất cả các em - đủ các môn học, kiêm cả việc dạy đạo đức và kể chuyện quê hương đất nước. Tôi nhìn ánh mắt bình thản, giọng nói điềm đạm mà thấy lòng trào dâng một cảm phục âm thầm.

04
Đoàn chụp ảnh cùng các thầy giáo và người dân tại Trường Tiểu học Song Tử Tây.

Trò chuyện với các chiến sĩ, tôi được biết trận bão lớn năm 2021 (cơn bão số 9 cấp 17) đã làm gãy đổ hơn 90% cây xanh trên đảo. Vậy mà nay, dưới nắng gió khắc nghiệt, đảo lại xanh mát trở lại nhờ sức người. Màu xanh ấy không chỉ là màu cây lá, mà là màu bền bỉ, kiên cường của những người dân, người lính đang từng ngày giữ đảo.

Trong lúc đoàn công tác đi thăm đảo, các nghệ sĩ từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã tổ chức chương trình biểu diễn phục vụ chiến sĩ và người dân. Tôi nghe tiếng hát vang trên nền sóng vỗ - “Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình…” - lời hát thân quen mà hôm nay thấy bồi hồi, thấm thía lạ thường.

Tôi chủ ý ở lại trên đảo tới chuyến xuồng cuối cùng. Muốn được đứng thêm vài phút trên mảnh đất đảo xa, nơi Tổ quốc hiện hình trong từng viên đá, từng ánh mắt. Khi xuồng rời bến, các chiến sĩ và cư dân vẫn đứng vẫy chào đến khi đoàn chúng tôi khuất dần sau làn nước.

Song Tử Tây - nơi tôi lần đầu bước chân lên đảo, và lần đầu đứng thẳng trên một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 5: Sinh Tồn xanh, Cô Lin đỏ và Gạc Ma bất tử

Sinh Tồn xanh

Sáng ngày thứ 5 của chuyến hành trình, chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ, không cần đợi loa báo thức. Tàu đã gần tới đảo Sinh Tồn. Từ xa, hòn đảo hiện lên giữa đại dương xanh thẳm - nhỏ gọn nhưng phủ kín một màu xanh tươi mát như một ốc đảo nổi lên giữa biển trời.

05
Đảo Sinh Tồn từ tầm nhìn xa.

Đảo Sinh Tồn có diện tích khoảng 12 ha, là đảo nổi, có dân cư sinh sống, có nhà dân, trường học, trạm y tế, chùa và nhiều công trình quân sự kiên cố. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh với tôi không phải là nhà cửa, mà là cây xanh phủ kín từng góc đảo, xòe bóng mát trên từng lối đi nhỏ.

Đặc biệt, trên đảo có rất nhiều cây mù u - loài cây vốn quen thuộc ở miền Tây sông nước. Không ngờ giữa đại dương trùng khơi, lại thấy mù u nở hoa, tỏa bóng. Tán lá dày, xanh biếc, tỏa hương nhè nhẹ như một nhịp cầu nối đất liền với đảo xa.

Trước cột mốc chủ quyền, một chiến sĩ trẻ đứng gác nghiêm trang giữa nắng. Ánh nắng gắt miền biển đổ xuống không ngừng, mồ hôi thấm đẫm cả khuôn mặt và lưng áo, nhưng anh vẫn đứng thẳng người, mắt hướng về biển, ánh nhìn rắn rỏi, không một giây xao động. Khoảnh khắc ấy, tôi như thấy cả ý chí sắt đá của dân tộc - đứng vững giữa gian nan, gìn giữ chủ quyền bằng tư thế không bao giờ cúi xuống.

Tôi trò chuyện với các chiến sĩ về nhiệm vụ giữ đảo, và với người dân về cuộc sống nơi đây – nơi nước ngọt quý hơn vàng. Trên đảo không có nguồn nước ngọt tự nhiên, chỉ có thể hứng nước mưa để tích trữ dùng dần. Có một giếng nước lợ, vào mùa mưa được tận dụng để rửa thực phẩm (chỉ tráng bằng nước ngọt), tắm rửa hoặc tưới cây. Vào mùa khô, nước ngọt càng khan hiếm hơn. Người dân và chiến sĩ phải tiết kiệm từng gáo, từng can, thậm chí tái sử dụng nước sinh hoạt để tưới rau.

Điều khiến tôi bất ngờ và xúc động nhất trên đảo Sinh Tồn sáng nay, là khi các em nhỏ - những “mầm xanh giữa biển trời” - đứng xếp hàng ngay ngắn và tự tin hát vang bài “Chú bộ đội” tặng đoàn công tác. Tiếng hát trong trẻo, ánh mắt ngây thơ, nụ cười rạng rỡ dưới nắng. Giữa nơi đầu sóng ngọn gió, những đứa trẻ ấy vẫn hồn nhiên, vui tươi và tràn đầy niềm tin, như một lời khẳng định nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ rằng: “Ở đây có các em - là có tương lai. Ở đây có sự sống - là có chủ quyền.”

Thời gian trên đảo vỏn vẹn hai tiếng. Tôi tranh thủ đi từng ngõ xóm, bắt tay từng chiến sĩ, trò chuyện từng nhà - rồi phải vội vã quay lại xuồng. Các chiến sĩ và người dân xếp hàng vẫy tay chào từng chiếc xuồng rời đảo, cho đến chiếc cuối cùng.

Cô Lin đỏ

Tàu tiếp tục hành trình, đến gần đảo Cô Lin - một điểm đảo nhỏ, nằm gần ngay Gạc Ma, nơi 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988 trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.

Khi chúng tôi đang ngồi trong phòng nghỉ, một con bướm nhỏ bất ngờ bay vào. Nó lặng lẽ chao liệng giữa không gian kín gió, rồi đậu lên thành cửa sổ. Trong khoảnh khắc ấy, tôi bất giác tự hỏi: “Phải chăng… có người trở về?” Không cần lời lý giải, giữa trùng khơi, có những điều chỉ cần lặng im để cảm.

06
Đảo Cô Lin – đảo nhỏ giữa trùng khơi.

Tàu dừng sát đảo Cô Lin. Nhìn từ xa, Cô Lin rất nhỏ, toàn đảo chỉ có hai khối nhà dựng trên bãi đá chìm, nối với nhau bằng một cây cầu nhỏ, không bóng cây, không có sân đảo như những nơi khác. Chiến sĩ ở đây sống, sinh hoạt và làm nhiệm vụ ngay trong không gian vài chục mét vuông.

Tôi được biết, các anh phải tận dụng cả những thanh ván, bao tải, khung sắt… để dựng vườn rau dã chiến, tiện thu dọn mỗi khi biển động. Vừa nuôi quân, vừa giữ đảo, vừa chống chọi với thời tiết khắc nghiệt - vậy mà họ vẫn lạc quan, vẫn hát.

Ngay tại bảng chủ quyền trên đảo Cô Lin, đoàn văn công đã ngẫu hứng cất tiếng hát, gửi tặng chiến sĩ đang đứng gác bài “Viết tiếp câu chuyện hoà bình”. Giữa sóng gió và nắng gắt, tiếng hát vang lên chân thành, ấm áp. Người chiến sĩ vẫn đứng nghiêm trang, ánh mắt rắn rỏi không rời vị trí gác. Còn bên cạnh anh, những nghệ sĩ - và cả chúng tôi - ai cũng rơm rớm nước mắt.

Gạc Ma bất tử 

Sau khi chia tay đảo Cô Lin và trở về tàu, toàn đoàn được thông báo lên boong để làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma. Tàu đứng giữa biển, ở vị trí nhìn thẳng sang đảo Cô Lin, và xa hơn là Gạc Ma - nơi 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988 để giữ cờ, giữ đảo.

Trưởng đoàn cất giọng đọc diễn văn tưởng niệm. Gió ngừng thổi. Nắng chiều vẫn nhẹ. Nhưng lòng ai cũng nặng. Mỗi câu nhắc lại trận chiến 1988 đều như xé vào tim. Tôi lặng người, mắt không rời khỏi đường chân trời.

Đứng bên tôi là một bác sĩ quan Hải quân lớn tuổi, trầm mặc từ lúc lên boong. Khi nhạc tưởng niệm vang lên, tôi thoáng thấy bác lau mắt. Có lẽ những người nằm lại ngoài kia… từng là đồng đội, từng sát cánh bên bác.

07
Từng đóa hoa vàng được thả xuống biển, hoa trôi đi nhẹ như khói, nhưng nặng như linh hồn Tổ quốc.

Tôi nhắm mắt, tự nói với mình: “Chúng ta được sống trong hoà bình, là bởi có những người đã hoà mình vào biển.” Và tôi hiểu, Gạc Ma mãi là một phần thiêng liêng sống mãi trong lòng người Việt.

Ngày 6: Đá Đông rắn rỏi - Đá Tây vững vàng

Đá Đông rắn rỏi

Sáng ngày thứ 6, tàu chúng tôi cập đảo Đá Đông B - một trong ba điểm đảo thuộc cụm Đá Đông. Đây là một đảo chìm, toàn bộ phần đảo nằm trên một bãi cạn san hô rộng lớn, tổng diện tích toàn bãi khoảng 6 km2, nhưng phần nổi chỉ là những cụm nhà được dựng lên để làm nơi canh giữ và sinh sống của chiến sĩ.

08
Nhà chính trên đảo Đá Đông B.

Đá Đông là đảo có điều kiện khó khăn nhất từ đầu hành trình đến nay. Đảo chia thành 3 điểm, mỗi điểm chỉ có hai công trình nhỏ chừng vài chục mét vuông, không sân đảo, không bóng cây. Không gian sinh hoạt chật hẹp, vật chất thiếu thốn. Ấy vậy mà các chiến sĩ vẫn tăng gia được rau xanh, nuôi được lợn. Thế mới thấy sự siêng năng, khéo léo của các chiến sĩ nơi đây.

Tôi uống một chén trà do chính tay chiến sĩ trên đảo pha để mời đoàn công tác. Giản dị thôi, nhưng giữa gió biển và muối mặn, chén nước ấy ấm hơn bất kỳ thứ trà nào tôi từng uống.

Trên đảo, đoàn tổ chức một chương trình văn nghệ nhỏ, không sân khấu, không ánh đèn - chỉ có tấm phông in đơn giản, vài chiếc micro, khán giả là những người lính đảo - có khi còn ít hơn số nghệ sĩ. Nhưng tiếng hát vang giữa biển khơi lại ấm áp và mạnh mẽ hơn bất kỳ khán phòng nào.

09
Vườn rau xanh “cơ động” do các chiến sĩ tự tay trồng và chăm sóc.

Khi tiếng hát “Biển này là của ta, đảo này là của ta…” vang lên giữa nền trời Đá Đông, tôi đứng lặng. Không gian nhỏ bé, khán giả ít ỏi, nhưng lời ca ấy vang lên mạnh mẽ như một lời tuyên thệ giữa biển trời Tổ quốc.

Rời đảo, tôi ngoái lại, trên đỉnh công trình giữa sóng gió, một chiến sĩ vẫn đứng gác, nghiêm trang nhìn theo, không rời mắt. Một hình ảnh như đóng đinh vào ký ức - lặng lẽ mà hiên ngang.

Đá Tây vững vàng

Chiều, tàu cập đảo Đá Tây - một đảo chìm giống như Đá Đông, nằm trên một bãi san hô rộng lớn giữa biển khơi. Nhưng khác với Đá Đông còn đơn sơ, Đá Tây đã được xây dựng quy mô và hiện đại bậc nhất trong các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa.

14
Toàn cảnh đảo Đá Tây A nhìn từ xa, nổi bật là toà nhà Đại đoàn kết các dân tộc.

Nhìn từ xa, các công trình dân sự và quân sự nối tiếp nhau nổi bật giữa màu xanh cây cối, tạo nên một cụm đảo sinh động, vững chãi. Đảo được chia thành ba cụm chính: Đá Tây A - trung tâm hành chính và dân sinh, Đá Tây B và C - các điểm chốt quân sự.

Nổi bật trên đảo là một tòa nhà lớn vươn cao giữa nền trời và màu xanh cây lá. Khi đặt chân lên đảo, tôi mới biết đó chính là Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - công trình đầu tiên của chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, tòa nhà này còn là biểu tượng của lòng dân, là nơi gắn kết tình quân dân giữa đất liền và đảo xa.

Trên đảo có tới 16 hộ dân - đông nhất trong các đảo tôi đã đi qua. Tôi gặp nhiều anh chị cư dân, ai cũng thân thiện, nồng hậu. Các em nhỏ chạy nhảy khắp đảo. Hôm nay, nhiều em mặc áo cờ đỏ sao vàng, nô đùa rộn rã. Tôi xin chụp chung một tấm hình - và trong tấm hình ấy, tôi thấy rõ tương lai đang hiện hữu nơi đảo xa.

16
Các em nhỏ với màu áo cờ đỏ sao vàng trên đảo Đá Tây A.

Trường học trên đảo khang trang, sân chơi có tiếng cười trẻ thơ giòn tan. Bệnh xá sạch sẽ, đủ thiết bị. Tôi ghé thăm vườn dưa hấu trên đảo, xanh tốt, sai quả - một biểu tượng cho sức sống và sự bền bỉ giữa muôn trùng sóng gió.

Trên đảo còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, là nơi ngư dân được cung cấp miễn phí nước ngọt; đá lạnh, xăng dầu, lương thực… được bán với giá như trong đất liền. Họ có thể nghỉ ngơi, chữa bệnh, sửa chữa tàu thuyền, tiếp tục bám biển dài ngày.

Đảo sử dụng nguồn điện chủ yếu từ năng lượng gió, mặt trời, thân thiện với môi trường, bền vững và linh hoạt. Hệ thống truyền hình, viễn thông, sóng điện thoại phủ sóng khắp đảo.

Rời đảo trong ráng chiều buông nhẹ, chúng tôi mang theo trong tim sắc xanh kỳ diệu của Đá Tây A - sắc xanh từ thiên nhiên, từ cây lá, nhưng cũng là sắc xanh từ lòng người.

Ngày 7: “Trường Sa Lớn - Thị trấn giữa biển trời”

Sáng ngày thứ 5 trên biển, tàu cập bến Trường Sa Lớn. Từ xa, đảo hiện lên vững chãi với những dãy nhà mái đỏ, những cột ăng-ten, trạm radar, chùa, trường học, trạm y tế và cả đường băng sân bay - một Trường Sa rất khác, không chỉ là những điểm đảo đơn sơ, mà là một thị trấn thực thụ giữa đại dương.

18
Đảo Trường Sa lớn nhìn từ xa rất hiện đại.

Trường Sa Lớn là đảo có quy mô lớn nhất mà chúng tôi đi qua trong hành trình này. Đây là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Bề mặt đảo có hình tam giác, phần lớn đã được mở rộng và bồi đắp vững chắc. Có thể đi bộ dọc theo những con đường bê tông nối các khu vực từ quân sự đến dân sinh, từ cầu cảng đến khu tăng gia, trường học, bệnh xá.

Ngay khi lên đảo, chúng tôi tham gia lễ chào cờ trang nghiêm cùng cán bộ, chiến sĩ và cư dân Trường Sa Lớn. Khi tiếng hô vang “Chào cờ, chào!” của đồng chí cán bộ Hải quân cất lên, toàn thể các lực lượng trên đảo cùng đoàn công tác chúng tôi đồng thanh hát vang: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”.

Tiếng hát vang đồng loạt, mạnh mẽ mà đầy xúc cảm, hòa quyện cùng tiếng sóng và gió biển, như chạm vào từng sợi dây xúc cảm trong lòng người. Giữa nền trời xanh ngắt và lá cờ đỏ thắm tung bay, tiếng hát ấy dội thẳng vào tim, thiêng liêng và hào hùng. Tôi bất giác đứng thẳng người hơn, cảm thấy tim mình đập mạnh theo từng nhịp ca.

Ngay sau lễ chào cờ là phần duyệt đội hình đội ngũ. Các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo xếp thành từng khối đội hình chỉnh tề, lần lượt diễu hành qua lễ đài trước sân chào cờ. Những bước chân dứt khoát, đều tăm tắp - bước chân của kỷ luật, thống nhất và ý chí kiên cường.

Sau buổi lễ, tôi một mình đi dọc đường băng sân bay trên đảo - nơi hiếm hoi trong quần đảo Trường Sa có thể cho máy bay cánh bằng cất hạ cánh. Mặt đường băng trải dài thẳng tắp, hai bên là những dãy cây thấp mọc xanh tốt. Gió biển thổi mát rượi, mang theo vị mặn đặc trưng, tiếng sóng rì rào như một bản nhạc nền không lời. Tôi bước chậm rãi, lòng nhẹ đi lạ thường. Không gian nơi đây tuy nhỏ bé, nhưng khiến người ta cảm nhận được sự vững chãi và yên bình, như một mảnh đất quê hương đã bám rễ sâu giữa đại dương mênh mông.

Trên đảo có giếng nước ngọt - một điều hiếm có ở Trường Sa, cùng hệ thống điện mặt trời, điện gió và sóng viễn thông phủ rộng khắp, bảo đảm sinh hoạt và liên lạc ổn định. Một ngọn hải đăng cao nổi bật giữa đảo, phát sáng suốt đêm như một điểm mốc tin cậy, dẫn đường cho tàu thuyền giữa vùng biển rộng lớn. Gần đó là cảng cá và khu neo đậu, nơi thường xuyên có hàng chục tàu cá từ các tỉnh ven biển như Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên… ghé vào tiếp tế, tránh trú hoặc nghỉ ngơi sau những ngày dài bám biển. Sự tấp nập ấy tạo nên một vòng đời sinh động, khẳng định sự hiện diện rõ ràng và bền vững của Việt Nam giữa vùng biển đảo tiền tiêu.

20
Cán bộ chiến sĩ và cư dân trên đảo ra cầu tàu vãy chào tạm biệt đoàn.

Thời gian trên đảo trôi qua nhanh. Khi tàu chuẩn bị rời bến, các chiến sĩ và cư dân lại xếp hàng ngay ngắn trên cầu cảng, vẫy tay và hát vang không ngớt những bài ca về Trường Sa. Tiếng hát dội theo từng nhịp sóng, vang lên tha thiết giữa biển trời bao la. Suốt hơn 20 phút, họ vẫn đứng đó, vừa vẫy tay, vừa ngân vang từng câu hát như níu bước chân người rời đảo.

Chợt nhận ra, đây là đảo cuối cùng tôi được đặt chân lên trong hành trình. Cảm giác lưu luyến chợt dâng lên nghèn nghẹn. Tôi siết chặt tay vào lan can, cố nán lại thật lâu trên boong tàu, nhìn theo hình bóng các chiến sĩ, cư dân, và hòn đảo ấy cho đến khi tất cả dần nhòa đi sau làn sóng nước. Chỉ mong giữ thật lâu hình ảnh ấy trong lòng: một Trường Sa kiêu hãnh, đón đi tiễn về bằng cả tấm lòng.

Tối cùng ngày, tàu chuyển hướng về nhà giàn DK1/18 - Phúc Tần, một trong những điểm tiền tiêu giữa thềm lục địa phía Nam. Đêm nay, tàu sẽ neo lại gần nhà giàn. Khi trời tối dần, từ boong tàu, chúng tôi đã thấy những ánh đèn pin lấp loáng phát ra từ nhà giàn - những tín hiệu chào đón âm thầm nhưng ấm áp từ các chiến sĩ nơi đầu sóng. Một cảm giác lặng người giữa biển đêm, khi ánh sáng mong manh kia chính là hơi ấm của Tổ quốc.

Chúng tôi chuẩn bị cho ngày mai, ngày cuối cùng của hành trình, và cũng là lần đầu tiên được đặt chân lên công trình giữa biển mà ai cũng mong một lần được đến - nơi mà ý chí con người đã thay mặt đất vươn lên giữa trùng khơi.

Ngày 8: DK1/18 - Pháo đài thép giữa thềm lục địa

Hôm nay, từ rất sớm, thậm chí trước cả tiếng loa báo thức toàn tàu, chúng tôi đã rủ nhau lên boong, tay cầm điện thoại, máy ảnh, ánh mắt không rời khỏi mặt biển phía xa. Không ai bảo ai, nhưng ai cũng mong được nhìn thấy nhà giàn thật sớm, từ những tia sáng đầu tiên của bình minh trên biển.

6 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu hành trình lên nhà giàn DK1/18 bằng xuồng. Biển lúc ấy rất yên, trời không gió, nắng đẹp, vậy mà xuồng vẫn dập dềnh lên xuống liên tục khoảng gần một mét. Tôi đứng trên xuồng, nhìn theo nhịp sóng mà bất giác rùng mình: “Nếu hôm nay đã thế này, thì những ngày biển động chắc hẳn việc tiếp cận nhà giàn gần như là bất khả thi.” Nghe các chiến sĩ kể, có đợt sóng cao, tàu và xuồng không thể nào ghé được sát chân giàn, chỉ biết đứng từ xa nhìn nhau qua bộ đàm.

22
Toàn cảnh nhà giàn DK1/18 nhìn từ xa trong nắng sớm.

Để bảo đảm an toàn, các chiến sĩ Hải quân đã cử hẳn bốn người hỗ trợ đoàn lên giàn - hai người ở dưới xuồng giữ thăng bằng và đỡ tay, hai người trên chân nhà giàn kéo từng người lên theo nhịp sóng. Chỉ một đoạn chuyển tiếp vài mét từ xuồng lên chân giàn, nhưng là cả một sự phối hợp nhịp nhàng, vững vàng và rất chuyên nghiệp.

DK1/18 là nhà giàn tôi cảm nhận rõ sự kiên cố và hiện đại nơi đây. Từ dưới nhìn lên, kết cấu thép đồ sộ, vững chãi như một pháo đài nhỏ giữa biển. Toàn bộ DK1/18 gồm hai khối nhà giàn, được nối với nhau bằng một cây cầu thép dài và chắc chắn: một là nhà giàn cũ, diện tích khoảng 30 mét vuông - nay được dùng làm khu tăng gia, sinh hoạt hỗ trợ; một là nhà giàn mới, rộng gần 60 mét vuông, xây dựng cao hơn, hiện đại hơn, có sân đáp trực thăng trên tầng mái và chia thành nhiều không gian chức năng gọn gàng, tiện nghi.

Tôi leo lên nóc nhà giàn, nơi cao nhất của DK1/18. Trên này là sân đáp trực thăng - một mặt sàn thép rộng, được sơn phủ chống gỉ, viền vàng đánh dấu khu vực hạ cánh. Ở giữa sân, lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật trong gió, nổi bật giữa nền trời xanh và trùng khơi mênh mông phía dưới. Góc bên phải là hệ thống pin năng lượng mặt trời, gắn chặt trên các khung thép, hứng trọn nắng biển để cung cấp điện cho sinh hoạt và thiết bị liên lạc.

Tôi đứng im nhìn lá cờ bay - thấy trong lòng dâng lên một cảm giác đầy tự hào. Đứng ở đây, tôi mới cảm nhận được rõ DK1 không chỉ là một trạm trú, mà là một điểm chốt chủ quyền sống động. Một pháo đài canh giữ giữa thềm lục địa Tổ quốc.

Tôi đi dọc theo cây cầu thép nhỏ, sang thăm nhà giàn cũ nằm tách biệt một đoạn. Công trình cũ kỹ, thô sơ, lớp sơn bong tróc, vết gỉ loang trên khung thép. Bên trong, một phần diện tích được tận dụng để tăng gia - trồng rau, nuôi gà, để dành cải thiện bữa ăn. Đi qua từng vách tường, từng thanh lan can đã mòn theo năm tháng, tôi chợt nghĩ - trước khi có được nhà giàn thế hệ mới khang trang như hiện tại, các chiến sĩ đã từng phải trải qua biết bao khó khăn, sóng gió để sống và bám trụ tại đây suốt nhiều năm. Giữa biển khơi bốn bề sóng gió, trong điều kiện thiếu thốn, ẩm mặn, nguy hiểm luôn rình rập, vậy mà các anh vẫn luôn vững vàng, vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

24
Cây dưa leo xanh mướt vươn mình trên nhà giàn.

Dù sống giữa biển khơi, các chiến sĩ trên DK1/18 vẫn cố gắng tự tạo cho mình một nhịp sống như đất liền - có rau xanh, có gà, có cá. Góc tăng gia được tận dụng tối đa: vài thùng xốp trồng rau cải, hành, rau muống xanh mướt; chuồng gà nhỏ gọn nép bên tường; và dây câu luôn sẵn sàng buông xuống mặt biển mỗi khi rảnh tay.

Lúc tôi đang quan sát khu vực sinh hoạt, ánh mắt chợt dừng lại ở một thùng xốp trắng đặt gọn gàng bên góc bàn. Trên đó dán một mảnh giấy viết tay: “Cá DK1/18 Tặng đoàn công tác số 20”. Hỏi ra mới biết, các anh đã câu được từ vài hôm trước, để dành sẵn làm quà tặng lại cho đoàn. Tôi thật sự xúc động. Lẽ ra chúng tôi mới là người ra thăm, ra tặng quà, động viên các anh giữa nơi sóng gió này. Nhưng ở đây, chính họ lại là người chuẩn bị sẵn quà tặng ngược lại cho chúng tôi.

Thời gian trên nhà giàn DK1/18 không nhiều, đoàn văn công cũng chỉ kịp chuẩn bị vài tiết mục văn nghệ nhỏ để tặng các chiến sĩ. Thế nhưng… chưa kịp cất lời, các chiến sĩ đã “chiếm mic” trước. Không cần nhạc đệm, không cần dàn dựng cầu kỳ - chỉ cần một cây micro, là các anh đã thay nhau hát liền mạch, bài nối bài, câu nào cũng đầy cảm xúc. Giọng hát mộc, khỏe, ngân vang giữa nền thép và sóng biển - nghe mà thấy lòng mình cũng căng tràn như gió. Không khí trên sân nhà giàn lúc ấy rộn ràng mà ấm áp đến lạ. Tôi chợt nghĩ: Ở đây, có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng tuyệt đối không thiếu tinh thần lạc quan và tình người.

Một lúc thôi đã hết thời gian trên giàn. Khi đoàn bắt đầu chia tay để xuống xuồng trở lại tàu, một cơn giông nhẹ bất chợt kéo đến. Gió nổi lên, mây đùn xám lại, những hạt mưa đầu tiên bắt đầu rơi lất phất trên mặt sàn thép. Sóng dưới chân nhà giàn bắt đầu nhấp nhô mạnh hơn. Tôi nhìn xuống mặt biển, như thể biển cũng chẳng nỡ rời chúng tôi. Thiên nhiên như đang gửi lời tạm biệt, không lời nói, không hoa, không cờ - chỉ là một trận gió, một chút mưa, và những con sóng dập dềnh níu lại bước chân.

Tàu bắt đầu rời đi, thực hiện nghi thức đi hai vòng quanh nhà giàn để chào tạm biệt. Chúng tôi đứng kín trên boong, tay vẫy cao trong gió, miệng hát vang những ca khúc quen thuộc - gửi lời tri ân và tiếp sức cho những người ở lại giữa biển khơi. Nhà giàn DK1/18 sừng sững giữa sóng, các chiến sĩ trên nóc giàn cũng vẫy tay không ngừng, lá cờ đỏ vẫn tung bay rực rỡ trong nắng muộn. Tôi đứng im, không rời mắt. Càng xa, nhà giàn càng nhỏ dần, rồi thu lại như một chấm nhỏ giữa đại dương, giống hình dáng một con tàu đơn độc, nhưng kiêu hãnh. Một nỗi lặng đi len lỏi trong lòng - vừa tự hào, vừa thương, vừa biết ơn.

Tạm biệt DK1/18, chuyến công tác của tôi khép lại bằng hình ảnh cuối cùng là những bàn tay vẫy chào từ nóc nhà giàn, nhỏ dần trong tầm mắt. Tôi biết, mình sẽ không bao giờ quên được cảm xúc ngày hôm nay - được đặt chân lên một công trình không có trong bất kỳ bản đồ du lịch nào, nhưng nằm sâu trong tim của những người Việt Nam biết yêu Tổ quốc.

Vậy là hành trình Trường Sa - DK1 của tôi đã khép lại, nhưng trong tôi là một cánh cửa vừa mở ra.

Mở ra một cảm xúc rất riêng - sự tự hào và biết ơn đong đầy, vượt xa những gì tôi hình dung khi còn đứng trên đất liền. Tôi đã tận mắt thấy những lá cờ đỏ giữa trùng khơi, những chiến sĩ gác đảo trong nắng gió, những em bé hồn nhiên cười đùa trên lớp học giữa biển, những ngọn rau xanh mọc lên từ thùng xốp, và những người lính hát vang giữa nhà giàn lay lắt sóng mưa.

Tôi khâm phục sức mạnh của con người nơi đầu sóng ngọn gió - không chỉ mạnh về thể chất, mà vững vàng trong tinh thần, ý chí và niềm tin vào Tổ quốc.

Và đúng như câu khẩu hiệu được treo trang trọng trên những con tàu, cầu cảng, công trình mà tôi đã đi qua: “Mang ra tình cảm - Mang về niềm tin”. Tôi mang ra Trường Sa lòng biết ơn và tự hào, và trở về với một niềm tin vững chắc: Biển đảo của Tổ quốc đang được gìn giữ bởi những con người kiên trung, ý chí thép, trái tim nóng và đôi chân bám chắc giữa trùng khơi.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, từng tấc biển, từng hòn đảo, từng cột mốc chủ quyền thiêng liêng đều được canh giữ bằng sự hy sinh thầm lặng, bền bỉ và bất khuất. Và chính nơi đó, Tổ quốc hiện lên không chỉ là bản đồ, mà là máu thịt, là niềm tin, là tương lai trường tồn của đất nước này.

  • 443
  • 5
  • 3

'Vòng tròn bất tử' - Cảm xúc Trường Sa của Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn

  • 1094
  • 3

'Lính đảo Trường Sa' trong lòng cô gái Viettel

  • 1294
  • 5

Tập đoàn tăng cường đảm bảo y tế và vệ sinh môi trường sau lũ, lụt

  • 1174

Dấu ấn Trường Sa qua nhật ký của người lính công nghệ Viettel

  • 443
  • 3

Viettel chung tay khám tim miễn phí cho gần 700 em nhỏ Quảng Bình

  • 211

'Khoảnh khắc tuyên thệ khiến tim mình rung lên'

  • 558

'Vòng tròn bất tử' - Cảm xúc Trường Sa của Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn

  • 1094
  • 3
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua