Metfone và hành trình trường kỳ đưa sóng đi muôn nơi

Huy Hoàng (Metfone) - Mai Lan (Viettel Global) đã đăng lúc 18:26 - 18.02.2024

Trước khi Metfone có mặt tại Campuchia, chưa đầy 20% dân số tiếp cận được với di động, người ta nghĩ viễn thông là xa xỉ. 15 năm sau kể từ ngày Metfone xuất hiện, con số này đã tăng lên thành 98%.

Điều kỳ diệu kể trên được tạo nên từ ý chí quyết tâm của những người Metfone không ngại khó, không ngại khổ đi phủ sóng mọi vùng miền, đưa viễn thông trở thành dịch vụ phổ thông trên khắp đất nước chùa tháp.

Làm việc xuyên mùa mưa để hoàn thành tuyến cáp đầu tiên

Ngày 31/08/2006, Viettel Cambodia chính thức khởi công tuyến cáp quang đầu tiên. 93km cáp đầu tiên của Viettel Campuchia được hoàn thành vào tháng 10/2006 nối từ văn phòng số 242 đường Sangkat Chatomuk, Phnom Penh đến trạm An Giang 18 và 19 của Viettel tại Việt Nam, đánh dấu bước chân đầu tiên của Metfone trên con đường xây dựng hạ tầng viễn thông lớn nhất Campuchia.

Để đến được Phnom Penh từ Việt Nam có nhiều con đường tốt, không bị ảnh hưởng bởi mùa mưa, việc thi công dễ dàng nhưng đặc điểm chung của các phương án này là đều khá xa, gây ra tốn cáp. Lựa chọn con đường An Giang – Phnom Penh là lựa chọn khả dĩ nhất với nguồn vốn của Viettel Cambodia khi đó.

Giấy phép kéo cáp được cấp vào cuối tháng 6 năm 2006, đến tháng 7 anh em Viettel Cambodia nhanh chóng bắt đầu lên đường kéo cáp. Tuyến cáp đầu tiên này chạy dọc sông Hậu và được bắt đầu thi công vào cao điểm mùa mưa tại Campuchia. Mùa nước nổi biến gần một nửa đoạn tuyến cáp đi qua bị ngập, xen lẫn với đó là cây bụi rậm rạp. 

Thông thường, các doanh nghiệp khác ở Campuchia sẽ chọn đợi đến hết mùa mưa vào tháng 11 để thi công. Nếu giữ thông lệ đó và chờ 4 tháng để nước rút rồi mới thi công thì năm nào công ty cũng chỉ làm việc được trong 7-8 tháng. Quyết định thi công xuyên 3 tháng mùa mưa, Viettel Cambodia là doanh nghiệp đầu tiên tại Campuchia kéo cáp viễn thông vào mùa nước nổi. 

“Việc ngồi chờ 4 tháng mùa mưa không thi công là phương án thiếu thực tế so với vốn đầu tư của Viettel Cambodia khi đó. Lúc ấy tôi đang phụ trách dự án đầu tư của Viettel tại Campuchia, quyết định chỉ đạo anh em thi công bất kể thời tiết, địa hình. Anh em kỹ thuật thời đó từ trên xuống dưới được truyền đạt và củng cố tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ", anh Nguyễn Đức Quang – Phó Tổng Giám đốc Viettel Global kể lại về những ngày tháng đầu tiên tại Campuchia. 

Ngoài khu vực gần thủ đô Phnom Penh, hầu hết ở đường xá ở Campuchia khi đó là đường đất, rất khó di chuyển vào mùa mưa nên việc chuyển cáp bằng xe trâu kéo được anh em lựa chọn. Từ đó, những chiếc xe trâu, xe bò đã trở thành người bạn đồng hành của Metfone trong quá trình mang viễn thông đi khắp Campuchia. 

“Khó khăn nhất là có nhiều đoạn chưa có cột điện lực, anh em phải tự trồng cột. Mùa khô thì còn biết chỗ nào đất cứng vững để thi công. Vào mùa mưa, chúng tôi phải lội xuống đầm lầy, dựa vào kinh nghiệm bản thân để ước lượng, từ đó chọn ra vị trí đặt cột tối ưu nhất”, anh Hoeung Kuch Chandara, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Viettel Cambodia, người trực tiếp tiến hành chỉ đạo thi công tuyến cáp đầu tiên, chia sẻ về thử thách lớn nhất khi thi công. 

“Gần như 100% các hoạt động thi công, lắp đặt thời điểm đó ở Campuchia đều tránh mùa mưa, tránh những khu đầm lầy quanh khu vực sông Mekong. Khi nhận nhiệm vụ từ anh Quang tôi cũng rất lăn tăn vì anh em chưa bao giờ thi công trong điều kiện như vậy. Nhưng nhìn ánh mắt kiên định của anh, tôi biết không gì có thể lay chuyển quyết định này. Niềm tin về một ngày chúng tôi sẽ trở thành những người xây dựng hạ tầng viễn thông số 1 tại Campuchia đã được gây dựng như thế.", anh Chandara tự hào.

Tuyến cáp hoàn thành sau gần 3 tháng thi công, đánh dấu 93 km cáp đầu tiên trong tổng số 44000 km cáp quang hiện có của Metfone. Ươm mầm từ những tinh thần không ngại khó, không ngại khổ đó, trải qua 15 năm, Metfone vẫn là doanh nghiệp viễn thông duy nhất xây dựng hạ tầng cả 12 tháng trong năm bất kể mùa mưa hay mùa khô. Những kinh nghiệm như thế đã giúp đội ngũ kĩ sư Metfone trưởng thành, chinh phục mọi nẻo đường tại Campuchia. 

Đến tận nơi xa xôi

Tháng 3/2008, rời Viettel Quảng Ngãi, anh Trịnh Quốc Cường (hiện làm việc tại Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 3 - Tổng Công ty VTNet) sang Campuchia làm việc tại Metfone. Anh cùng với hai đồng nghiệp Việt Nam được phân công về vùng 2, trụ sở tại tỉnh Kampong Cham chịu trách nhiệm quản lý 7 tỉnh gồm: Kampong Cham, Prey Veng, Svay Rieng, Kratie, Mondulkiri, Stung Treng, Ratanakiri.

Ít lâu sau, nhằm đảm bảo tiến độ phát triển trạm Metfone thành lập chi nhánh kỹ thuật tại từng tỉnh, anh được điều chuyển về tỉnh Kratie. Nhiệm vụ là phải phát sóng 31 trạm theo quy hoạch ban đầu, đồng thời cung cấp dịch vụ trước ngày khai trương dự kiến đầu năm 2009. 

Kratie vốn là tỉnh có địa hình chủ yếu là rừng núi và sông ngòi ở vùng Đông Bắc Campuchia, nhiều khu vực biệt lập với thế giới bên ngoài. Thời gian đầu khi anh vừa đến, cả tỉnh chưa phát sóng được trạm nào, chỉ mới xây dựng, dựng cột và lắp đặt thiết bị BTS xong vài trạm, nhân sự vỏn vẹn hai nhân viên, một phiên dịch điều từ vùng 2 lên. Tất cả ở chung trong căn nhà hai tầng 4x20 m vừa là văn phòng làm việc, vừa làm kho cũng kiêm luôn chỗ ăn uống, sinh hoạt. 

“Chân ướt chân ráo đến một vùng đất lạ, chưa biết ngôn ngữ, chưa có mối quan hệ, thực sự lúc đầu mình cũng không biết bắt đầu từ đâu, phải làm gì đầu tiên, ăn uống như thế nào… Nhiều câu hỏi tự mình đặt ra và tự mình giải quyết”, anh Cường kể. 

Nhưng anh còn không có thời gian để mà bỡ ngỡ vì công việc lắp trạm mới là ưu tiên hàng đầu lúc bấy giờ. Anh Cường còn nhớ, trạm lắp đặt và kinh doanh khó khăn nhất là trạm ở một xã trong rừng thuộc huyện Sambour.

Để vào được trạm này phải đi xe bán tải ít nhất một ngày vì khoảng cách từ trung tâm tỉnh hơn 80 km mà quá nửa là đường rừng, dọc đường không có dân cư sinh sống. Mỗi lần đi vào đây, anh em phải ở lại ít nhất một đêm chờ hôm sau mới ra được. Còn nếu gặp mưa thì xác định phải ngủ lại trong rừng vì đường lầy xe không chạy nổi. Chưa kể, đi đường rừng nguy cơ bị cướp cao, nhà nghỉ và quán ăn cũng chẳng có nên phải xin tá túc nhờ chủ nhà trạm rồi tự lo ăn uống.

Mỗi chuyến như vậy thường kéo dài cả tuần. Ban ngày mỗi người mỗi việc tự chạy, đến tối mới về ăn cùng nhau, ở cùng nhau và tâm sự để quên đi mệt mỏi, ngày mai lại tiếp tục vào guồng công việc. Nếu chẳng may đau ốm cũng chỉ biết tự chăm sóc bản thân, uống thuốc cảm, sốt, đau bụng… mang từ Việt Nam sang. 

Trong cảnh thiếu thốn đủ đường, các anh em vẫn kiên nhẫn gõ cửa từng hộ dân và ngồi nói chuyện giới thiệu sản phẩm bằng cái tâm của mình. Sau khi hiểu dùng Metfone giá rẻ hơn, sóng tốt hơn, bà con mua rồi giới thiệu cho hàng xóm xung quanh. Có lần người dân muốn mua nhưng không có tiền và đề nghị trao đổi bằng con gà, con vịt nhà nuôi, anh em vẫn sẵn lòng đồng ý. Thế là tối đó, mọi người lại được bữa cải thiện. 

Gian khổ ư? Có chứ. Để “trường kỳ” đi được những chuyến như thế, động lực của các anh em qua Campuchia giai đoạn đầu như anh Cường lúc đó chẳng có gì khác ngoài niềm đam mê khi triển khai được tại một thị trường mới, khi phát sóng được một trạm mới, khi sử dụng sim đầu 097 để gọi đi thành công.

Sau nhiều tháng phải làm việc liên tục từ 6h sáng đến 22h đêm mỗi ngày cùng với sự đồng hành của các nhân viên, anh chỉ dám thở phào một chút khi tỉnh Kratie đã phát sóng đủ 31 trạm theo quy hoạch ban đầu trước ngày khai trương của Metfone.

Từ khi Metfone xuất hiện, dịch vụ viễn thông mới phổ cập được đến người dân trên toàn tỉnh. Còn trước đó, chỉ có sóng của mạng 011, 012 tại trung tâm tỉnh, huyện. Anh tự hào lắm vì sau này đi đến trạm, mọi người dân đều nói rằng “Sóng Metfone là khỏe nhất”, nghe cũng sướng!

Mọi vất vả đều đáng giá

Anh Hak Samnang là nhân viên phiên dịch của giám đốc chi nhánh tỉnh Kandal khi vào Metfone làm việc từ tháng 8/2008, hiện đang là Giám đốc chi nhánh Kandal. Thời điểm ấy, việc lắp đặt mạng lưới trạm phát sóng phục vụ việc khai trương dịch vụ của Metfone được đẩy mạnh, công việc của anh là cùng cả đội đi xây trạm.

Với vị trí bao quanh thủ đô Phnom Penh, Kandal có nền kinh tế phát triển nhưng 1/3 tỉnh giáp biên giới Việt Nam, địa hình toàn đầm lầy nên nghe đến việc lắp trạm ở đây, gần như ai cũng vô cùng lo lắng.

Mùa mưa năm 2009, đội của anh được giao lắp trạm cho một xóm ở xã Kam Samnor, huyện Leuk Daek gần biên giới Việt Nam. Vì công việc cấp bách nên không thể đợi đến mùa khô. 


Ngày ấy đường sá còn thô sơ, trạm thì ở xa, chỉ có cầu ván, cầu cây tạm bợ nên xe tải, xe vận chuyển không qua được. Anh em đi hết đường bộ thì phải gửi lại xe ở nhà dân rồi tìm thuê ghe, xuồng chở cột ăng-ten, thiết bị vượt sông. Nghe thì thấy đơn giản nhưng mùa mưa nước lớn, ngồi trên ghe chỉ sợ nếu có gì sơ sót trong quá trình vận chuyển, không biết gì điều gì sẽ xảy ra với mình, với thiết bị. Lên đến bờ thì vẫn còn phải bốc vác vật tư chất lên vài chuyến xe trâu nữa mới đi tới vị trí trạm để lắp đặt, xây dựng được.

Xung quanh khu vực đặt trạm rất hẻo lánh, hàng quán ăn không có, cũng chẳng tìm đâu ra chợ để mua thức ăn mà nấu. Bởi thế mà mì tôm sống trở thành lựa chọn số một. Được vài bữa ngán quá, anh em mới phát hiện gần trạm có chỗ câu cá, tôm ở dưới sông nên chế được 7-8 cái cần câu để cải thiện bữa ăn. “Chiến lợi phẩm” chỉ đủ nấu được món đơn giản thôi nhưng trong tình cảnh ấy lại ngon đến lạ. 

Đường sá xa xôi nên cũng phải ngủ nghỉ tại trạm, không trở ra ngoài được. Thời gian ấy cực khổ lắm, ăn uống không đầy đủ đã đành, mỗi người chỉ được ngủ 4-5 tiếng, còn lại chia nhau làm ngày làm đêm để đảm bảo tiến độ. Kệ trời gió mưa hay muỗi đốt sưng chân “cũng không phải điều gì đáng bận tâm lắm”.

Thế mà 7 người, gồm anh Samnang, giám đốc chi nhánh tỉnh, một cậu nhân viên kỹ thuật và 4 người phía đối tác, cũng lắp xong trạm chỉ trong 4 ngày, từ dựng cột, thông luồng tuyến viba đến phát sóng. 

Xong việc, ai nấy đều vui lắm, khi mạng được phát sóng, bà con có thể sử dụng dịch vụ, liên lạc cho người thân ở ngoài tỉnh và khắp cả nước. 

Người dân Campuchia cũng dành tình cảm dạt dào quý mến cho những con người Metfone. Nhiều chuyến anh em đi lắp trạm được bà con nhiệt tình cơm nước, mổ gà, mổ vịt nấu cho ăn mà muốn gửi tiền thì họ xua tay, nói là miễn sao có sóng sử dụng tốt hơn thì tốn vài con gà, vài con vịt không là gì cả. Với mong muốn bà con được sử dụng mạng với giá cước rẻ, chất lượng tốt, anh em của chi nhánh tỉnh cũng dốc sức làm việc không quản mệt nhọc, ngày đêm, không biết đến ngày nghỉ. 

Bởi vậy mà mỗi khi nghe chính quyền, người dân khen Metfone là mạng có sóng mạnh nhất, trong lòng anh Samnang hạnh phúc lắm, không ăn cơm cũng thấy no!

Ngồi kể lại những chuyện này, anh thấy xao xuyến, bồi hồi nghĩ về những kỷ niệm mà cuộc đời anh không bao giờ quên được. Cùng với đó là niềm tự hào vì được làm việc tại Metfone và giúp cho cuộc sống của đồng bào mình ngày càng tốt lên.

Câu chuyện của anh Trịnh Quốc Cường và anh Hak Samnang chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện của những con người Metfone cần cù, bền bỉ trên hành trình phụng sự vì cuộc sống của người dân và đất nước Campuchia suốt hơn một thập kỷ qua, một hành trình phi thường, quả cảm và đầy tình yêu.

  • 1435
  • 3

Metfone và sứ mệnh chuyển đổi số giáo dục tại Campuchia

  • 1749

Đáp án người Viettel chờ đợi ở vòng 4 cuộc thi an toàn lao động

  • 265

Viettel nhí rạng rỡ ngày đầu của trại hè Quân đội

  • 597

Viettel Media trong Top 3 đơn vị sản xuất nội dung uy tín và nổi bật 2024

  • 200

Vì sao xem EURO trên TV360 là trải nghiệm thú vị nhất?

  • 594
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua