Văn Minh (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 15:22 - 18.08.2024
Chiều ngày 23/7/2024, chiếc tàu mang số hiệu 631 của Hải quân Vùng 2 cập bến, mang theo đoàn công tác của KV3 thuộc VTNet trở về đất liền, sau 92 ngày lênh đênh trên biển, thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng đặc biệt: “Bảo dưỡng trạm BTS và phát sóng 2 trạm 4G trên các nhà giàn DK1”.
Đoàn công tác Viettel gồm 10 thành viên (trong đó KV3 có 4 người), do đồng chí Lê Văn Thường, PGĐ KV3 trực tiếp tham gia và làm trưởng đoàn. Theo dự kiến ban đầu, kế hoạch sẽ hoàn thành trong vòng 2 tháng. Nhưng do điều kiện thời tiết khó khăn, mưa to, gió lớn, nên phải sau hơn 3 tháng, toàn bộ nhiệm vụ của kế hoạch mới được hoàn tất.
Khối lượng công việc là rất lớn để phát sóng 2 trạm 4G, bảo dưỡng toàn bộ 8 trạm trên 8 Nhà giàn. Cụ thể:
- Thay thế thiết bị mới, vệ sinh và test kiểm tra card dự phòng. Đo kiểm chất lượng mạng tại nhà giàn. Đo kiểm đánh giá vùng phủ khi di chuyển cột sang nhà giàn mới.
- Bảo dưỡng 08 máy phát điện 20KVA và swap 08 máy phát điện 15KVA. Thu hồi 08 máy phát điện cũ. Lắp đặt ATS 3 pha 63A. Đấu nối giám sát MPĐ, ắc quy, tủ nguồn DC. Thay thế toàn bộ ắc quy lithium.
- Bảo dưỡng toàn bộ thiết bị truyền dẫn VSAT (Modem VSAT, thiết bị tối ưu, LLNB và BUC). Vệ sinh và test kiểm tra thiết bị dự phòng. Khảo sát vị trí lắp đặt cột VSAT tại Nhà giàn mới.
- Thay thế 16 nhà minishelter, thay thế 04 cột carbon, bảo dưỡng 04 cột antenna và thu hồi 04 cột antenna. Bảo dưỡng cột và trống VSAT.
Nói về chuyến đi, Trưởng đoàn Lê Văn Thường, cũng là người lần đầu tiên có chuyến công tác trên biển dài ngày như vậy chia sẻ: “Nghe báo đài, xem tivi nhiều, nhưng giờ tôi mới được tận mắt chứng kiến điều kiện ăn ở, sinh hoạt, công tác của cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn. Khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt nhưng các chiến sĩ vẫn luôn đoàn kết, vui tươi và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, người lính trên nhà giàn luôn dành những tình cảm chân thành nhất, sự hỗ trợ nhiệt tình nhất với đoàn công tác của Viettel”.
PGĐ KV3 cũng cho rằng đó là động lực để đoàn công tác phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, và may mắn là đã thực hiện được mục tiêu đó cùng với sự an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị.
Hàng hóa, thiết bị được vận chuyển qua nhiều công đoạn mới đưa lên đúng vị trí. Hàng được cẩu xuống ca nô, từ ca nô được cẩu lên nhà giàn lớn, từ đó lại vận chuyển qua nhà nhỏ. Với các thiết bị lớn như máy nổ, nhà mini shelter thì phải được tời lên nhà giàn nhỏ (vì không vận chuyển từ nhà lớn sang nhà nhỏ được). Thiết bị thu hồi thì được chuyển theo chiều người lại.
Đồng chí Đoàn Minh Quốc, kỹ sư cơ điện KV3, người có kinh nghiệm trong các chuyến công tác, cho biết: “Hơn 40 tấn hàng hóa thiết bị được anh em vận chuyển như vậy. Hàng lên, xuống tàu và nhà lớn thì có thiết bị chuyên dụng và được các chiến sĩ Hải quân hỗ trợ, còn tời lên, xuống nhà nhỏ thì chủ yếu là anh em đoàn công tác thực hiện. Đây có thể nói là công đoạn nguy hiểm nhất, bởi chỉ cần 1 sơ suất nhỏ là có thể xảy ra tai nạn, hoặc hư hỏng thiết bị”.
Các thành viên của KV3 tham gia công tác lần này, mỗi người có một ấn tượng riêng. Đồng chí Vũ Văn Quang, kỹ sư vô tuyến, người cũng đã có 2 lần tham gia công tác nhớ như in cảm xúc của Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1-21. Chuyện là sau khi có sóng 4G, anh Chỉ huy trưởng nhà giàn gọi video call về cho bố mẹ ở quê. Bố mẹ anh có hỏi: “Sao con được về bờ sớm à?”, do nghĩ con về bờ mới gọi được video call, lâu nay ở nhà giàn chỉ có 2G không gọi video được. Anh liền nói “Dạ không, con chưa được về, ngoài này Viettel mới phát sóng 4G rồi”.
Đồng chí Quang cũng cho biết đã nhiều lần tham gia phát sóng trạm 4G, kể cả khu vực khó như bảo tồn Vích - Côn Đảo, nhưng lần này mới thấy ý nghĩa thực sự của việc kết nối 4G, nó đã giúp cán bộ chiến sĩ ở trên các Nhà giàn DK1 được “gần nhà, gần bờ” hơn.
Nửa sau của chuyến công tác, thời tiết đã vào mùa mưa, giông tố xuất hiện nhiều vào các buổi chiều. Làm việc trên giàn trong những điều kiện đó hết sức nguy hiểm. Có lúc di chuyển giữa các Nhà giàn, gần đến đích thì biển động mạnh, anh em không thể lên giàn được mà phải ngủ lại trên tàu, cả đoàn say sóng, bỏ luôn cả ăn tối. Nhiều lúc sóng to, xuồng cũng không thể cập sát trụ Nhà giàn, người muốn lên cũng phải bám vào dây, sau đó anh/em trên giàn kéo vào mới lên được.
Dù vậy, khi hoàn thành chuyến công tác, đồng chí Hà Hoàng Long, kỹ sư truyền dẫn local tại Bình Phước vẫn mang đầy cảm xúc và tự hào. Tự hào, vinh dự vì là lần đầu tiên được đi trên tàu Hải quân, lần đầu tiên được đặt chân lên các nhà giàn DK1 - những con mắt biển canh giữ chủ quyền Tổ quốc; còn cảm xúc khi chứng kiến điều kiện sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trên giàn: Vào những ngày đầu công tác, đang mùa nắng, mỗi thành viên trong đoàn và cán bộ chiến sỹ trên nhà giàn phải tắm nước biển và sau đó được xả lại bằng 2 lít nước ngọt.
Hiện tại, Viettel mới phát sóng 4G được 2 Nhà giàn. Nhiều cán bộ chiến sĩ ở các Nhà giàn còn lại mong muốn một ngày không xa, các anh cũng sẽ được thấy hình ảnh người thân hàng ngày mà không cần phải vào bờ. Các thành viên trong đoàn cũng thầm hứa, nếu được, sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ để được đóng góp sức mình phục vụ tốt hơn cho chiến sĩ và ngư dân hoạt động trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc.