Những bóng hồng VMC giữ lửa nhiệt huyết nghề giáo

Thu Cúc - Ngọc Hải (TCT Sản xuất thiết bị Viettel) đã đăng lúc 15:12 - 22.10.2023

Chính tình yêu thương con trẻ vô bờ bến là động lực để cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà và các cô giáo trường mầm non Cánh Sóng (trực thuộc VMC) nỗ lực vượt khó, giữ lửa nhiệt huyết với nghề.

Trường mầm non Cánh Sóng do Công ty Thông tin M1 trước đây, nay là Tổng Công ty Sản xuất thiết bị Viettel (VMC) mở ra. Trường song hành cùng sự phát triển của Tổng Công ty từ khi thành lập, với mục đích ban đầu chỉ là cơ sở trông trẻ, hỗ trợ cho công nhân làm việc ca kíp tại nhà máy, nhưng sau này được đầu tư để có một cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để phụ huynh yên tâm công tác, phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị. Hiện trường có 10 đồng chí nữ đang công tác với 2 đồng chí thuộc Ban giám hiệu, 7 đồng chí giáo viên, 1 nhân viên nuôi dưỡng.

1-519

“Cô giáo như mẹ hiền”

Đó không đơn thuần chỉ là một câu hát, mà còn là thực tế đang diễn ra tại trường mầm non Cánh Sóng. Khác với các trường công lập bắt đầu nhận trẻ từ 8 giờ sáng, mầm non Cánh Sóng bắt đầu nhận trẻ từ 7 giờ sáng hàng ngày, kể cả thứ Bảy và các ngày lễ, nhằm tạo điều kiện tối đa cho CBCNV yên tâm công tác.

2-442

Điều đó đồng nghĩa với việc các cô giáo phải thức dậy sớm hơn, kết thúc công việc muộn hơn các trường khác. “Một ngày làm việc của chúng tôi thường bắt đầu từ 6h30, mở cổng trường, tiếp nhận thực phẩm, vệ sinh, quét dọn, sắp xếp lớp học, chuẩn bị đón trẻ”, Cô Hà cho biết.

Áp lực lớn nhất nhưng đồng thời cũng là động lực của cô Hà và các cô giáo trường Cánh Sóng đó là việc chăm sóc, nuôi dạy con em của chính đồng nghiệp. Bản thân các cô luôn luôn chú ý, cẩn thận trong từng hành động, không để xảy ra bất kỳ sự cố, dù là nhỏ nhất.

Cô Hà dí dỏm: “Chúng tôi vẫn hay đùa với nhau rằng nếu mỗi buổi tối khi kết thúc công việc và trở về nhà, phụ huynh không gọi điện, không có vấn đề gì thắc mắc thì các cô mới ngủ ngon được”.

DSC09571

Những lúc trẻ ương bướng, không nghe lời, thay vì sử dụng các hình thức trách phạt như một số cơ sở khác, các cô giáo trường Cánh Sóng sẽ kiên trì giảng giải, hoặc tìm phương án tối ưu nhất dựa trên tinh thần giúp trẻ hiểu được bản chất vấn đề để thay đổi, ví như “khi tổ chức hoạt động trong lớp, khi gặp trường hợp trẻ không chịu hợp tác, các cô có thể tạm thời tách trẻ ra khỏi hoạt động, để trẻ đứng bên ngoài quan sát và cảm nhận, sau đó lựa cách giảng giải để trẻ chủ động tham gia” hoặc những khi trẻ biếng ăn, thay vì từ bỏ, cắt suất, các cô giáo sẽ kiên trì dỗ dành hoặc tìm cách đổi mới thực đơn để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ…

3 -1

Nhưng áp lực cũng đồng thời là sự tự hào khi được tận tay chăm sóc con em đồng nghiệp. Cô Hà bộc bạch: “Sau tất cả những khó khăn, vất vả, chúng tôi cảm thấy rất vui vì được góp phần công sức nhỏ bé của mình để hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị”.

Đóng nhiều vai

Không chỉ giảng dạy, các cô giáo trường mầm non Cánh Sóng còn kiêm nhiệm thêm nhiều vai trò khác nhau. Trẻ đông, nhân sự mỏng nên mặc dù có phân công phụ trách cụ thể nhưng những lúc có nhiều hoạt động, sự kiện hoặc khi thiếu nhân sự, mọi người đều cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ nhau để đảm bảo công việc. Cô Trương Thị Bích Huyền – Hiệu phó trường Cánh Sóng chia sẻ: “Chúng tôi vừa trong vai quản lý, vừa là giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy, vừa là nhà bếp, vừa là tạp vụ, chăm sóc cây cối, cảnh quan. Bếp thiếu thì vào bếp, giáo viên thiếu thì vào lớp”.

4-200

Đặc thù nhà trường không có đàn ông, nên các cô giáo cũng kiêm thêm các công việc nặng nhọc của phái mạnh từ việc bê nước hàng ngày đến các lớp, lau quạt trần, đóng đinh, khoan đục…

5-164

Ngoài những hoạt động nội bộ tại trường, các cô giáo còn tích cực tham gia các hoạt động chung của Tổng Công ty như văn nghệ, thể thao… thậm chí không nề hà tham gia tăng ca sản xuất vào những dịp cao điểm.

Không ngừng đổi mới

Càng yêu thương trẻ và gắn bó với nghề, cô Hà càng mong muốn áp dụng các hình thức giảng dạy tốt nhất để tạo ra môi trường cho trẻ phát triển toàn diện.

6-111

Từ vai trò phụ trách trở thành hiệu trưởng khi cơ sở mầm non M1 chính thức được nâng cấp thành trường mầm non Cánh Sóng (từ năm học 2016-2017), cô Hà luôn ấp ủ mong muốn đổi mới phương pháp sư phạm, cập nhật xu hướng, triển khai đa dạng các hình thức giảng dạy kết hợp ngoại khóa.

Vừa bám sát theo định hướng chuyên môn của Phòng Giáo dục huyện Hoài Đức (Hà Nội) và Ban Phụ nữ Quân đội, các cô giáo tại trường mầm non Cánh Sóng không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tiếp cận những phương pháp giáo dục tiên tiến và đưa vào tiết học như ứng dụng Montessori, STEAM, toán tư duy… khơi dậy trong các con sự tò mò, sáng tạo, ham học hỏi, khám phá, phát triển khả năng vận động tinh, các kỹ năng và phát triển tư duy cho các con học sinh.

7-115

Học tập tại trường Cánh Sóng, trẻ có điều kiện tiếp xúc với khuôn viên rộng, có sân bóng của đơn vị để các con vận động, vườn rau xanh… ngay tại đơn vị, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như “Bé tập làm chiến sĩ”, giao lưu các hoạt động thể thao, trải nghiệm chăm sóc và thu hoạch rau, củ, quả…

Để đảm bảo dinh dưỡng ăn của trẻ, các cô giáo trường mầm non Cánh Sóng áp dụng phần mềm nuôi dưỡng vào việc tính toán khẩu phần ăn hàng tháng cho trẻ. Nhờ đó, công tác ăn bán trú áp dụng mô hình bữa ăn học đường được đảm bảo dinh dưỡng, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân.

Giữ lửa nhiệt huyết

“Nếu được hỏi rằng có khi nào chán nản, tủi thân, muốn từ bỏ công việc hay không? Câu trả lời là “Có”. Nhưng sau tất cả, chúng tôi luôn cố gắng động viên nhau, chia sẻ với nhau trên tinh thần cởi mở, khích lệ nhau cùng nỗ lực.

Mỗi khi có ý định từ bỏ, tôi lại nghĩ đến thời điểm khi “chân ướt chân ráo” về trường, hồi đó tôi còn nhút nhát, nhưng được giao nhiều việc, từ giảng dạy đến tham gia hoạt động của các tổ chức quần chúng. Áp lực lớn nhưng tôi cố gắng vượt qua, chính điều đó cho mình những kinh nghiệm, sự tự tin và trưởng thành” – Cô Hà chia sẻ.

Để giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, bên cạnh sự nỗ lực bản thân, các cô giáo luôn nhận được sự quan tâm, song hành, chỉ đạo, động viên kịp thời của Ban lãnh đạo Tổng Công ty. Khi nhớ lại những ngày tháng chuẩn bị tham gia giáo viên giỏi toàn quân, cô Hà không thể nào quên những buổi tối phải ở lại làm việc đến gần nửa đêm, nhưng lúc đó nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của anh chị em các phòng ban trong đơn vị, cùng xây dựng các mô hình sáng tạo để kịp tiến độ dự thi.

53-2

Ở phía sau, gia đình luôn là chỗ dựa vững chãi tiếp thêm sức mạnh để các cô giáo yên tâm công tác. Cô Hà nhận được sự tin tưởng, ủng hộ tuyệt đối từ “anh nhà”, phụ giúp cô từ việc chăm sóc con cái, đến tham gia hỗ trợ công việc: “Năm 2011, khi tham gia thi giáo viên giỏi toàn quân do Tổng cục Chính trị tổ chức tại Phú Thọ, chồng tôi chính là bạn diễn trong bài năng khiếu múa, tiếp thêm động lực để tôi hoàn thành xuất sắc phần dự thi, giành giải Nhất”. Còn đối với cô Huyền, “anh nhà” chính là tài xế hàng ngày đưa ba mẹ con đến trường.

Ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim những cô giáo trường mầm non Cánh Sóng được nuôi dưỡng như cách các cô giáo đang nuôi dưỡng, chăm sóc con trẻ hàng ngày, từ đó xây chắc niềm tin, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, giữ vững danh hiệu “Trường mầm non tiên tiến xuất sắc cấp toàn quân”.

12-50

 

 

  • 997
  • 7

VTFR: Phụ nữ Viettel với Sở hữu trí tuệ

  • 936

Hình ảnh đẹp ngày Quốc tế phụ nữ tại VTT

  • 5119

Người Viettel an toàn: Phương tiện chữa cháy - Dùng sao cho đúng?

  • 305

Viettel hoàn thành phát sóng 4G trên nhà giàn DK1

  • 274

Viettel giải bài toán hạn chế kết nối Internet khi xuất ngoại

  • 203

Viettel Marathon 2024 - giải chạy đầu tiên kết nối Việt Nam, Lào, Campuchia

  • 944
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua