Trương Quang Việt (TCT Dịch vụ số Viettel) đã đăng lúc 13:49 - 09.06.2024
Viettel Family xin gửi tới đồng chí những dòng nhật ký của Phó TGĐ TCT Dịch vụ số Viettel Trương Quang Việt trong hành trình tới Trường Sa, để chúng ta cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp con người và nghĩa tình quân dân tại nơi đảo xa.
“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Đây là câu nói xúc động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thăm các chiến sĩ Quân chủng Hải quân ngày 16/3/1961. Tôi biết đến câu nói này qua sách, báo nhưng chỉ ngờ ngợ về ý nghĩa, cảm xúc của Bác vào thời điểm đó. Đến khi được trực tiếp nhìn thấy trích dẫn này, được treo trang trọng tại tất cả những phòng họp trên các đảo mà mình có cơ hội ghé thăm trong chuyến đi Trường Sa từ 23/5 - 29/5/2024, tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa sâu sắc lời của Bác, thấy xúc động và trách nhiệm của mình khi là một người lính, người lính Viettel.
Chuyến đi Trường Sa lần này quả là cơ hội may mắn của cá nhân tôi, khi lần đầu tiên Viettel có đến 50 nhân sự tham gia thăm hỏi, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Chuyến đi cũng thực sự ý nghĩa khi rơi đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Viettel, để bản thân tôi càng thấy trân trọng cơ hội được làm việc, cống hiến tại Viettel; nơi không chỉ cho người Viettel nhiều việc mới, khó, nhiều cơ hội cống hiến cho đất nước, cho Quân đội, mà đồng thời luôn cho người Viettel những trải nghiệm không nhiều doanh nghiệp dễ dàng có được.
07:30 ngày 23/5, đoàn đại biểu lên tàu kiểm ngư KN491 và rời bến. Ba tiếng còi tàu chào đất liền gợi lên sự háo hức, đồng thời cũng không khỏi khiến cả đoàn bồi hồi khi vẫy tay chào tạm biệt đội nghi lễ vùng 4. Tạm biệt đất liền!
Ra khỏi vịnh, sau khi nhìn thấy những dấu hiệu cuối cùng của đất liền, chỉ còn thấy trời và biển. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được màu biển xanh như ngọc bích, đẹp đến mê hoặc. Thi thoảng tàu đi qua vùng cá chuồn, những chú cá vút lên và bay là là mặt biển rồi biến mất vào bao la xanh thẳm. Giữa trời biển mênh mông, chưa bao giờ cảm thấy mình nhỏ bé đến thế.
24/5, tàu tiếp cận Song Tử Tây sau khoảng 29h lênh đênh trên biển. Chỉ cách đó khoảng 3km, có thể nhìn thấy Song Tử Đông. Đảo nhỏ, lác đác cây cối khi nhìn từ xa, chỉ đến khi đặt chân lên đảo, tôi mới cảm nhận rõ sự khó khăn của những chiến sĩ và các hộ dân trên đảo. Ở đây đã gần 1 năm không có cơn mưa nào đủ lớn, vì thế nước sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào tiếp tế và tích trữ. Màu xanh lác đác trên đảo chủ yếu đến từ cây phong ba và biểu tượng của biển đảo - cây bàng vuông.
Điện trên đảo, dĩ nhiên phải dùng tiết kiệm. Việc làm mát, chủ yếu đến từ những con gió tự nhiên, không thực sự mát mẻ như ở đất liền - nơi có nhiều cây xanh, bóng mát, còn mang theo sự mặn mòi của biển. Vì thế những con người nơi đây, dù là chiến sĩ, dân quân tự vệ hay lũ trẻ con, đều có nước da rám nắng, rắn rỏi. Tiếp xúc với họ, ta luôn cảm nhận được sự vui vẻ, lạc quan, nụ cười hiền hậu và ánh mắt luôn ngời sáng, đủ để thấy hẳn bên trong là ý chí bám biển, bám đảo lớn đến nhường nào. Những cảm nhận này cũng dễ dàng gặp lại trong suốt hành trình, khi tàu lần lượt ghé Cô Lin, Sinh Tồn, rồi An Bang, Đá Đông C, Đá Tây A và Trường Sa Lớn.
Trong 7 đảo mà đoàn ghé thăm trong chuyến đi này, chỉ có 4 đảo nổi là Song Tử Tây, Sinh Tồn, An Bang và Trường Sa Lớn. 3 đảo Cô Lin, Đá Đông C và Đá Tây A đều là những đảo chìm; trong đó, Đá Đông C là nơi có điều kiện vật chất ít ỏi nhất. Thông thường, các hệ thống đảo chìm đánh dấu chủ quyền đều gồm hai nhà nổi kiểu nhà ống, được liên kết với nhau bằng hệ thống hành lang được xây kiên cố để phục vụ di chuyển giữa hai nhà. Riêng ở Đá Đông C, nơi còn đang được hoàn thiện, thì mới chỉ có nhà chính - nơi gắn bia chủ quyền, phần công trình còn lại đang được hoàn thiện từ móng. Các chiến sĩ sinh hoạt và công tác tại Đá Đông C chủ yếu tập trung ở nhà chính, nơi diện tích khá chật hẹp, đặc biệt khi đoàn công tác ghé thăm.
Lần đầu tiên trong hành trình, đoàn công tác phải thay nhau lên xuồng thăm đảo rồi quay lại để đoàn khác lên, vì diện tích đảo không đủ để cùng lúc tất cả hai trăm con người cùng ở trên đó. Đứng gần hơn đồng đội, giữa hoàn cảnh vật chất của đảo, rồi cùng nghe các chiến sĩ trẻ chủ yếu ở độ tuổi 18 đôi mươi cất cao tiếng hát "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,...", mọi người trong đoàn đều không khỏi xúc động. Nhiều cảm xúc không thể kìm nén, trào ra trên khoé mắt; một số người lặng lẽ quay mặt đi.
Trước khi ra đảo ai cũng có những phỏng đoán nhất định, nhưng phải đặt chân lên đảo, rồi tận mắt chứng kiến, thì mỗi người mới thực sự hiểu được gian khổ ở đây lớn đến chừng nào. Nhưng khó khăn thế nào, trên hết vẫn là sự kỷ luật, ngăn nắp của chiến sĩ. Giường dù nhỏ thì đặc trưng của lính là chăn, gối xếp vuông vức ở đầu giường vẫn được duy trì. Tủ thuốc dù chỉ có trang bị cơ số tối thiểu nhưng được bố trí gọn gàng, khoa học, luôn sẵn sàng cho việc sử dụng nhanh chóng. Diện tích ở được tận dụng cho những cây ớt nhỏ, vừa trang trí vừa mang lại vitamin cho chiến sĩ. Và không thể thiếu được, là những cây guitar được treo, xếp ngăn nắp, luôn sẵn sàng cho các chiến sĩ những phút giải lao. Những điều nhỏ bé này, đến từ sức mạnh kỷ luật của quân đội - là một trong tám giá trị văn hoá cốt lõi mà người Viettel đã thấm nhuần suốt 35 năm quá, ắt hẳn sẽ còn giúp Viettel vĩ đại hơn nữa.
Nếu đảo chìm mang đến cho đoàn công tác sự cảm thông và yêu thương chiến sĩ vì điều kiện chiến đấu, sinh hoạt còn khó khăn, thì các đảo nổi sừng sững, vững chãi giữa mênh mông biển trời lại mang đến cảm giác tự hào, tin tưởng cho ý chí, sức mạnh của quân và dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nếu An Bang nhỏ nhưng lại nhiều cây xanh mát hơn Song Tử Tây thì Sinh Tồn không chỉ lớn hơn, mà còn vượt qua mọi điều kiện khắc nghiệt, thể hiện sức sống mãnh liệt của đảo, đúng với cái tên Sinh Tồn. Từ tàu KN491 nhìn vào, nổi bật trên màu nước biển xanh ngọc bích, Sinh Tồn hiện lên với màu xanh mát của cây cối trên đảo. Cây trên đảo không chỉ phong phú mà còn xanh tốt, mang lại bóng mát trên đảo. Đến Sinh Tồn, cảm giác gió hết sức thân thương - cảm giác gió mát ở đất liền.
Bên cạnh các mốc chủ quyền sừng sững, vững chãi trên các đảo nổi, là một người Viettel, tôi không thể không tự hào vì những trạm phát sóng của Viettel vẫn ngày đêm đứng đó, không chỉ đảm bảo liên lạc thông suốt cho quân dân trên đảo, mà còn lừng lững, kiễu hãnh giữa trời xanh, khẳng định thêm chủ quyền đất nước.
Điều đặc biệt ở đảo, dù là đảo nổi bề thế, hay đảo chìm khiêm tốn, biển Việt Nam thật đẹp. Giữa đại dương thì biển xanh thẫm như ngọc bích, nhưng càng vào gần đảo thì nước càng trong, có những chỗ nhìn thấy đáy sâu 2, 3m. Từ đảo nhìn ra xung quanh, nước chuyển màu từ trong đến xanh thẫm, lung linh dưới nắng khiến người yêu cái đẹp của thiên nhiên không thể không lay động.
Biển đảo đẹp, con người trên đảo còn đẹp hơn. Họ mang vẻ đẹp của những người con đất Việt được trui rèn qua nắng gió của biển với làn da khoẻ khoăn, qua kỷ luật quân đội và tình yêu mãnh liệt với Tổ quốc với ánh mắt luôn ngời sáng. Chắc hẳn tình yêu phải rất lớn lao, mãnh liệt mới cho con người trên những đảo tôi ghé thăm sự vui vẻ, lạc quan thường trực, qua đó thêm hun đúc cho ý chí mạnh mẽ để bám đảo, bám biển, giữ vững chủ quyền đất nước. Không chỉ biết huấn luyện, chiến đấu, những chiến sĩ, đại diện cho đảo, còn chơi đàn, nhảy và cất cao tiếng hát. Tiếng hát mộc mạc nhưng khoẻ khoắn, tình cảm, chứa đựng tình yêu lớn lao với Tổ quốc, với con người Việt Nam.
Chuyến thăm và động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa quả thật là một chuyến đi mang lại nhiều cảm xúc. Từ cảm giác may mắn, tự hào khi được tham gia; cảm giác rung động trước vẻ đẹp của trăng rằm và mặt trời hoàng hôn trên biển; cảm giác háo hức khi lần đầu nhìn thấy và đặt chân lên đảo; đến cảm giác xúc động khi chứng kiến chiến sĩ khắc phục trong chiến đấu, sinh hoạt tại các đảo chìm mà vẫn mạnh mẽ, vui vẻ. Mỗi cảm xúc diễn ra đều là một dấu ấn đặc biệt trong đời. Nhưng trên hết, trong tôi vẫn còn nguyên cảm xúc đầy tự hào, xúc động khi được tham gia Lễ chào cờ ở Trường Sa lớn.
Lễ chào cờ ở Trường Sa thực sự là một sự kiện hết sức thiêng liêng cho những người được tham gia, chứng kiến.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới
Hoà trong tiếng nhạc, lời hát của Tiến quân ca
Tôi không thể không xúc động, nghẹn ngào, có những lúc tiếng hát không thể cất lên.
Tự hào lắm khi được đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Việt Nam trên biển Đông, không chỉ là nơi đánh dấu lãnh thổ, chủ quyền trên biển, mà còn là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của con người, ý chí sắt đá của quân, dân Việt Nam đang ngày đêm bám đảo.
Đong đầy những cảm xúc đẹp mang về từ Trường Sa, được dự "Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Tập đoàn", tôi càng thấy thêm tự hào vì mình là người Viettel, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào một Tập đoàn hùng mạnh có bề dày lịch sử, qua đó góp phần xây dựng Quân đội, đất nước với những thành tích ngày càng lớn lao.
Chúc cho Tập đoàn Viettel ngày càng phát triển lớn mạnh, trường tồn, mặt trời không bao giờ tắt trong Viettelverse.