Thu Hường (Cơ quan Chính trị) đã đăng lúc 17:33 - 21.04.2025
Trong không khí xúc động, những câu chuyện về một thời “bom cày, đạn xới” được kể lại, như minh chứng cho nghị lực và sự hy sinh lặng thầm nhưng kiên cường của những “bông hoa thép” nơi chiến trường.
Buổi tọa đàm đã tiếp nhận 50 bài tham luận chất lượng cao đến từ các nhà khoa học, nhà báo, nhà giáo, lãnh đạo Hội LHPN các cấp và đại diện các cơ quan, đơn vị toàn quân. Trong đó, bài tham luận của Tập đoàn Viettel vinh dự được lựa chọn là 1 trong 8 bài phát biểu trực tiếp, mang đến góc nhìn hiện đại về vai trò của phụ nữ trong môi trường công nghệ cao.
Trung tá QNCN Đinh Thị Thu Hường – Trợ lý Phụ nữ Tập đoàn Viettel – đại diện chia sẻ tại chương trình với chủ đề: Phụ nữ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội chung nhịp hành quân trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Bài phát biểu tập trung vào ba nội dung lớn: đổi mới tư duy, phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao và lan tỏa giá trị nhân văn – ba bước đi chiến lược mà phụ nữ Viettel đang kiên trì thực hiện để đóng góp vào sự phát triển bền vững của tổ chức và đất nước.
Theo đồng chí Thu Hường, tư duy phải đi trước hành động, và phụ nữ Viettel ngày nay không chỉ là người thực thi mà là chủ thể sáng tạo. Trong các lĩnh vực như viễn thông, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp quốc phòng, dữ liệu lớn, phụ nữ Viettel đã và đang chủ động dấn thân, làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhiều gương mặt nữ tiêu biểu đã góp phần tạo dấu ấn mạnh mẽ trong các dự án chiến lược. Trong đó có thể kể đến đồng chí Lê Thị Hằng – Giám đốc Trung tâm C4, người đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu radar và tác chiến điện tử, hay đồng chí Nguyễn Trần Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Phân tích Dữ liệu, đại diện tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam tại các diễn đàn AI toàn cầu.
Tư duy đổi mới là khởi điểm, nhưng phát triển con người mới là con đường dài hạn. Viettel đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ bài bản, đồng bộ trên ba trụ cột: thu hút – gìn giữ – phát triển. Qua các chương trình học bổng, hợp tác đại học và Viettel Digital Talent, Tập đoàn đã chủ động tạo đầu vào cho đội ngũ nữ kỹ thuật. Đồng thời, chính sách làm việc linh hoạt, chăm sóc thai sản và tăng cường đào tạo chuyên môn là những yếu tố giúp phụ nữ an tâm cống hiến.
Không dừng lại ở đó, Viettel đang triển khai mạnh mẽ các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, xây dựng mạng lưới mentor nữ và khuyến khích tham gia các dự án lớn. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tỷ lệ cán bộ quản lý nữ trong toàn Tập đoàn đạt 20% – thể hiện cam kết chiến lược và sự đầu tư có chiều sâu cho tương lai.
Song song với những đóng góp chuyên môn, phụ nữ Viettel còn là lực lượng gìn giữ và lan tỏa các giá trị nhân văn qua hàng loạt chương trình vì cộng đồng như “Lan tỏa tri thức – Kết nối yêu thương”, “Trái tim cho em”, “Sóng và máy tính cho em”… Trong nội bộ, họ là người kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, văn minh, thông qua các hoạt động đoàn – hội đa dạng và sáng tạo.
Kết lại bài tham luận, Trung tá Thu Hường khẳng định: “Phụ nữ là người gìn giữ linh hồn văn hóa của tổ chức. Khi phụ nữ mạnh về tư duy và sâu về cảm xúc – tổ chức sẽ vững về tinh thần và rộng về ảnh hưởng”.
Phụ nữ Viettel hôm nay, tiếp nối truyền thống kiên trung của người phụ nữ Việt Nam, đang tích hợp tinh thần công nghệ, tư duy đổi mới và trách nhiệm xã hội – trở thành lực lượng tiên phong trong hành trình chuyển mình của Tập đoàn và của đất nước. Không đứng sau, không đứng ngoài, mà đứng cùng – hành quân với đất nước trong kỷ nguyên mới.