Tuấn Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:05 - 14.04.2023
Ngôi nhà khởi nghiệp 16 Cát Linh
Ngôi nhà đơn sơ, giản dị tại số 16 Cát Linh là "đại bản doanh" đầu tiên, là nơi làm việc của SIGELCO sau khi được thành lập năm 1989, đi vào hoạt động trong điều kiện kinh tế khó khăn của đất nước những năm đầu Đổi mới.
Những người lính Thiết bị thông tin thời ấy đã vượt qua muôn vàn thiếu thốn về, nhân lực, vật lực để xây dựng thành công tuyến viba số AWA đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là công trình viễn thông đầu tiên của Viettel, đặt nền móng cho Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội sau này.
Tòa nhà số 1 Giang Văn Minh
Với kiến trúc đậm nét của “thời bao cấp”, Tòa nhà số 1 Giang Văn Minh được Bộ Quốc phòng cấp lại cho VIETEL (tên gọi Viettel khi ấy có 1 chữ ''T") vào năm 1996.
Trụ sở số 1 Giang Văn Minh (cũ) đã chứng kiến những thành tựu của ngành bưu chính viễn thông giai đoạn 1996 - 2000, cùng với xuất hiện của Internet tại Việt Nam. Người Viettel thời ấy đã làm nên lịch sử với việc thông tuyến hoàn toàn mạng đường trục cáp quang 1A dài 2.000km - đường trục đầu tiên do người Việt Nam xây dựng, hình thành nên một thế hệ người Viettel vững vàng về kỹ thuật, tự tin bước vào giai đoạn đầu tư kinh doanh.
Khi trụ sở chính của Tập đoàn được chuyển các vị trí khác về sau, trụ sở tại số 1 Giang Văn Minh được bàn giao Viettel Telecom tiếp quản và khai thác cho SXKD. Những yếu tố từ khởi đầu đến hiện tại của tòa nhà số 1 Giang Văn Minh được gắn với viễn thông khiến nơi đây thành "thánh địa" của viễn thông Viettel.
Tòa nhà "Cây táo" M48 Nguyên Hồng
Từ năm 2002 đến 2006, VIETEL khởi công xây dựng lại trụ sở số 1 Giang Văn Minh. Toàn bộ CBNV Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội chuyển sang làm việc tại Nhà khách Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc tại địa chỉ M48, đường Nguyên Hồng (nay là đường Trúc Khê).
Giai đoạn cơ quan đầu não đi thuê địa điểm làm việc này cũng là giai đoạn Viettel chính thức bước chân vào kinh doanh dịch vụ viễn thông với các dịch vụ: VoIP 178, 098, tạo tiền đề cho sự phát triển bùng nổ của Tập đoàn cũng như ngành viễn thông Việt Nam.
Dịch vụ lan tỏa nhanh, quy mô công ty phát triển nhanh chóng, rất nhiều CBNV gia nhập Viettel trong thời gian có trụ sở tại M48. Hầu hết họ đều trưởng thành và hiện vẫn công tác tại Viettel trên toàn cầu. Vì vậy, M48 trở thành nơi lưu giữ những kỷ niệm ngày đầy tuổi trẻ của rất nhiều người Viettel.
Tòa nhà số 1 Giang Văn Minh
Trụ sở mới số 1 Giang Văn Minh đón chào CBNV TCT Viễn thông Quân đội về làm việc vào năm 2006, với tên gọi VIETTEL đầy đủ như hiện nay. Tòa nhà 17 tầng cao vút, khang trang chưa từng có của Viettel biểu trưng cho sự lớn mạnh không ngừng, cũng là thời điểm mà viễn thông, di động được bình dân hóa và trở nên bùng nổ nhờ sự xuất hiện của Viettel trên thị trường, phục vụ nhu cầu kết nối thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Viettel Mobile trở thành nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam chỉ sau 3 năm hoạt động, chiếm lĩnh thị trường viễn thông Việt Nam. Sóng Viettel kết nối mọi miền của tổ quốc. Viettel tài trợ cho một loạt các chương trình giáo dục, y tế… với triết lý kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội.
Với doanh thu hàng chục nghìn nghìn tỷ đồng mỗi năm, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đưa Viettel trở thành Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Hiện tòa nhà là trụ sở của TCT Viễn thông Viettel (VTT).
Tòa nhà số 1 Trần Hữu Dực
Năm 2010, Viettel vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghiệp quốc phòng. Về lĩnh vực kinh doanh, Viettel mở ra thêm lĩnh vực mới về nghiên cứu sản xuất, đầu tư nước ngoài. Viễn thông trở thành 1 trong các trụ chiến lược của Tập đoàn. Về phạm vi, Viettel mở rộng thị trường kinh doanh ra 10 nước trên thế giới ở 3 châu lục: Á, Phi, Mỹ.
Đại bản doanh tại số 1 Trần Hữu Dực là nơi chứng kiến những quyết sách quan trọng của Tập đoàn trên phạm vi toàn cầu, giữ vững vị thế nhà mạng số 1 Việt Nam, đứng trong Top 30 nhà mạng lớn nhất trên thế giới, Top 500 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu.
Tòa nhà D26 Tôn Thất Thuyết
Năm 2019, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Tập đoàn, tòa nhà lịch sử với kiến trúc độc đáo chính thức đi vào hoạt động. Thiết kế của trụ sở mới lấy cảm hứng từ logo Viettel – đại diện cho thương hiệu, triết lý kinh doanh và các giá trị cốt lõi của Tập đoàn. Trụ sở có địa chỉ tại Lô D26, Khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy, được xây dựng trên diện tích 18.121 m2. Toàn bộ mái của công trình được phủ xanh, vuốt cong từ dưới chân mái lên đỉnh theo hình logo thể hiện khát vọng vươn cao, vươn xa của Viettel.
Trụ sở mới được thiết kế để trở thành văn phòng thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường và được áp dụng các công nghệ 4.0 tiên tiến, thể hiện nỗ lực của Viettel trong việc đem lại môi trường làm việc tốt nhất cho CBNV.
Từ khi chính thức đi vào hoạt động tới nay, trụ sở tòa nhà D26 Tôn Thất Thuyết luôn là niềm tự hào của mỗi người Viettel. Những CBNV không làm việc tại Khối Cơ quan tập đoàn khi có dịp luôn chụp những bức ảnh kỷ niệm với tòa nhà D26 và chia sẻ lại với niềm tự hào.
Bên cạnh đó, tòa nhà D26 luôn là đề tài thú vị trên mạng xã hội khi cư dân mạng nói về sự lớn mạnh của Viettel. Năm 2021, bức ảnh so sánh trụ sở Viettel ở số 16 Cát Linh, năm 1989 và tòa nhà D26 đã gây bão trên Facebook và nhận tới hơn 57.000 lượt yêu thích.