Bạch Tiến Tuân (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 08:24 - 19.06.2024
Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và đã thành lập hệ thống hành chính cũng như xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ cho việc quản lý và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên quần đảo này, thể hiện quyết tâm và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Thật vinh dự khi tôi là một trong những CBNV của Viettel có cơ hội được tới thăm Trường Sa thân yêu cùng với đoàn công tác trên con tàu KN-491. Đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tập đoàn làm cho chuyến đi của chúng tôi càng trở nên ý nghĩa hơn.
16h ngày 22/5/2024, đoàn công tác đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ đảo Gạc Ma, bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương.
Chuyến đi trong 7 ngày, thăm 7 đảo và Nhà giàn DKI/9 (Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, An Bang, Đá Đông C, Đá Tây A, Trường Sa lớn) mang lại nhiều cung bậc cảm xúc đối với mỗi thành viên trong đoàn. Chuyến đi cho tôi cảm nhận được cuộc sống thật hạnh phúc biết bao khi được sống trong thời bình và cảm thấy yêu Tổ quốc Việt Nam của mình hơn nữa.
Tàu KN-491 xuất phát từ cảng Cam Ranh - Khánh Hòa vào một buổi sáng mùa hè. Chào đón đoàn đến thăm Trường Sa là những con sóng xanh bạc đầu của biển cả, phối cùng những ánh nắng lấp lánh ánh ban mai của mặt trời như 1 bức tranh đầy đủ sắc màu. Giờ đây, khi hòa mình vào biển khơi mới thấy con người mình trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết giữa biển trời mênh mông.
Bước chân lên đảo dưới cái nắng chói chang đầu hè, chúng tôi được chào đón bằng tình cảm chân thành, ấm áp của các chiến sĩ. Từ những chiếc xuồng bé nhỏ chòng chành trên con sóng bạc đầu để đón, đưa đoàn vào với đảo, cho đến hình ảnh người chiến sĩ trẻ tuổi đời mới đôi mươi, làn da rám nắng, đứng hiên ngang canh gác cột mốc biên cương trên đảo đã làm xúc động lòng người. Họ hy sinh tuổi xuân, không ngại gian khổ, không ngại nắng gió, tạm biệt gia đình, tạm biệt đất liền để đứng đây gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Và tất cả họ đều có chung một cái tên: “Chiến sĩ Trường Sa”.
Giữa nơi sóng gió trùng khơi
Người chiến sĩ giữ biển trời quê hương
Tình riêng chẳng chút vấn vương
Tuổi xuân chẳng tiếc - kiên cường vững tâm
Hy sinh, cống hiến lặng thầm!!!
Nếu chưa đến Trường sa chúng ta sẽ không thể tưởng tượng được cuộc sống trên đảo như thế nào. Tôi cũng như bao người khác, trước đây chỉ được biết đến Trường Sa qua những thông tin trên báo đài. Nhưng thực tế khi đặt chân lên những hòn đảo yêu thương mới thấy được sự vất vả, gian nan, thiếu thốn của các chiến sĩ nơi hải đảo, đặc biệt là sự thiếu thốn tình cảm. Nhưng các chiến sĩ cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, để bảo đảm cho các chiến sĩ có đầy đủ cơ sở vật chất như ở đất liền, từ việc xây dựng nhà cửa, cung cấp vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm…đến cả những ngôi đền, chùa phục vụ cho việc tâm linh cũng đã được quan tâm xây dựng.
Người dân và chiến sĩ trên đảo cũng thường xuyên vun trồng nhằm phủ xanh đảo quê hương, đặc biệt là rau xanh do chính các chiến sĩ tăng gia để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nhìn vườn rau xanh tốt của những người lính đảo không ai có thể nghĩ là mình đang đứng giữa biển khơi bốn bề là nước mặn!
Các hộ dân trên đảo đã cùng với chiến sĩ làm nên những ngôi nhà nhỏ ấm áp, trẻ em trên đảo cũng được học tập, vui chơi như trong đất liền. Những đứa trẻ từ bé đã gắn bó với biển, đảo lớn lên sẽ tiếp tục là những chiến sĩ, tiếp nối cha anh bảo về quê hương Tổ quốc.
Nơi đặt chân sau cùng của đoàn là Nhà giàn DKI/9. Thực sự, tôi không thể không rơi nước mắt khi trèo được lên đến tầng cao nhất của Nhà giàn, được chứng kiến sự dũng cảm của chiến sĩ nơi đây. Họ vì Tổ quốc mà ngày đêm canh giữ vùng biển đầy sóng gió, bốn bề chỉ có những con sóng cao, hung giữ dồn dập lúc nào cũng như hăm dọa nuốt chửng tất cả. Nhưng vậy cũng không làm người lính Nhà giàn nản chí, lùi bước. Với cảm xúc dâng trào, tôi thực sự thán phục những người chiến sĩ mạnh mẽ, anh dũng nơi đầu sóng, ngọn gió.
Mỗi điểm đến trong hải trình đều mang lại cho chúng tôi những cảm xúc và để lại những dấu ấn, kỷ niệm khác nhau. Song, điều đọng lại chung nhất là tình cảm chân thành, là những nụ cười rạng ngời sự lạc quan, là ý chí bản lĩnh, tinh thần quyết tâm bám biển, bám đảo của các chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Qua hải trình này, tôi thấu hiểu hơn những khó khăn, vất vả, thêm khâm phục ý chí, bản lĩnh kiên cường của những người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió. Càng thêm trân trọng sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam nói chung, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên hải đảo nói riêng cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương yêu dấu, củng cố thêm niềm tin vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cảm ơn những người lính đảo, cảm ơn đoàn công tác đã cho chúng tôi những trải nghiệm sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời. Trường Sa luôn rất gần trong trái tim, trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Qua chuyến công tác thực tế tại Trường Sa, tôi càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với quốc phòng, an ninh của đất nước. Đảo là tuyến phòng thủ lớp bên ngoài của đất liền, là lá chắn vững chắc từ hướng biển. Để giữ vững chủ quyền quần đảo, chúng ta cần tăng cường phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế với tinh thần bờ mạnh, biển vững.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội chúng ta là cầu nối thông tin quan trọng, kịp thời giữa các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên các đảo với đất liền. Và sóng viễn thông Viettel cũng là kênh thông tin duy nhất giúp các chiến sĩ liên lạc với gia đình, người thân. Do vậy, mỗi chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa, sẵn sàng hỗ trợ tốt nhất cho Trường Sa thân yêu để chung tay, sát cánh cùng các chiến sĩ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc”.