Minh Anh (Ban Thương hiệu và Truyền thông) đã đăng lúc 11:45 - 05.01.2024
Tiết mục mang tên “Nhiệm vụ có khả thi - 8 giá trị cốt lõi" với cách truyền tải thông điệp hóm hỉnh và gần gũi đã giúp Viettel AI tiến vào vòng chung kết, sẵn sàng tranh tài cùng nhiều đối thủ “nặng ký" trong toàn Tập đoàn.
Lời bài hát bắt tai, dễ thuộc dễ nhớ giúp bài hát gây ấn tượng trước Hội đồng BGK và nhiều CBNV. Nhưng không mấy ai biết rằng một chàng kỹ sư trẻ tuổi từ Khối Công nghệ mới của Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo lại chính là tác giả.
Chân ướt chân ráo đến với âm nhạc
Chia sẻ về cơ duyên đến với việc ca hát, anh Phạm Mạnh Tường - Kỹ sư trí tuệ nhân tạo tại Viettel AI cho biết anh yêu âm nhạc như người nghiện cafe, lâu dần khó bỏ. Âm nhạc như đã chảy trong máu anh từ lâu, trở thành một nguồn năng lượng tươi mới giúp anh thư giãn sau những bộn bề, căng thẳng.
Anh chia sẻ: “Tại đơn vị, tôi và những đồng nghiệp cùng đam mê lập ra ban nhạc VTCC (tên gọi trước đây của Viettel AI). Ban nhạc tập hợp đủ các vị trí: trống, guitar điện, piano,... Trong đó, tôi giữ vai trò vocal”. Mỗi buổi tối sau giờ làm việc, các thành viên lại hò hẹn nhau đem nhạc cụ ra biểu diễn cho toàn thể CBNV cùng lắng nghe",
“Lâu dần thành thông lệ, ai ai cũng mong chờ những sản phẩm mới từ band. Mỗi tuần chúng tôi đều đặt mục tiêu biên soạn ra những bản nhạc acoustic, mashup mới sau đó luyện tập nhuần nhuyễn, ghi hình lại và đăng lên để người Viettel AI có thể nghe đi nghe lại. Những bài hát bỗng trở thành một món ăn tinh thần mà các thành viên trong đơn vị đón chờ hàng tuần", Tường nhớ lại.
Từ một người bập bẹ, chân ướt chân ráo thử sức với âm nhạc, Tường dần tự tin hơn với khả năng của mình. Không chỉ nhận sự ủng hộ lớn từ đồng nghiệp, anh còn được ban lãnh đạo tạo điều kiện hết mức để lan toả văn hoá nội bộ. Anh Tường hào hứng chia sẻ: “Đã có những sản phẩm của tôi được ban lãnh đạo khen thưởng, các anh còn động viên và gửi gắm tôi sáng tác những bài hát tiếp theo”.
Nhờ bước đệm từ ban nhạc VTCC, khi nghe thông tin về WOW Viettel - Sân khấu nghệ thuật lớn nhất của người Viettel, Phạm Mạnh Tường không ngần ngại mà xung phong ngay làm nhạc sĩ cho tiết mục của đơn vị.
Anh khẳng định: “Tôi tin rằng không gì hay hơn việc để người nội bộ tự biên soạn bài hát. Chính chúng tôi là những người hiểu rõ về Viettel AI nhất, hiểu rõ về văn hoá đơn vị nhất. Hơn nữa, việc tôi tự sáng tác có thể giúp đơn vị tối ưu chi phí để hỗ trợ ngân sách cho những hạng mục cần thiết hơn”.
Chuỗi ngày miệt mài tìm ý tưởng và chất liệu sáng tác của người kỹ sư công nghệ cũng bắt đầu từ đây.
“Thâu đêm", “khản cổ" quyết không dừng
Theo Mạnh Tường, anh lựa chọn soạn lời dự thi WOW Viettel dựa trên giai điệu bài “Tân thời" - nhạc phim Cô Ba Sài Gòn. Lý do là bởi “Tân thời" mang âm điệu vui vẻ, hài hước, giàu tính kịch và hơi hướng disco rất phù hợp cho thể loại quay video ở vòng online. Hơn nữa, bài hát còn mang ý nghĩa về một “thời đại mới" như mục tiêu mà Viettel AI luôn khát khao - tiên phong dẫn dắt về công nghệ để kiến tạo một tương lai mới.
Tuy nhiên, chính bản thân anh cũng sớm nhận thấy điệu nhạc disco, kịch tính sẽ trở thành bất lợi cho đội tại vòng thi sau. Tin tưởng Viettel AI sẽ lọt vào Chung kết, anh Tường đã sớm lên kế hoạch remake lại bản nhạc với sự hoà quyện của các yếu tố: trap, house, dance. Tiết mục cũng chuyển đổi thành dạng song ca nam - nữ, kết hợp rap hiphop và lồng ghép thêm các hình ảnh biểu trưng cho tinh thần người Viettel AI trong công việc.
Nhờ gia nhập hơn 3 năm tại ngôi nhà chung Viettel AI, thấm nhuần 8 giá trị cốt lõi nên anh viết bài hát vòng online khá dễ dàng. Song với bản rap, việc lồng ghép sửa đổi trên bản nhạc cũ là một thách thức lớn với người nhạc sĩ “tay ngang" như anh.
Tường bày tỏ: “Bài hát vòng thi online tôi chỉ viết trong 3 giờ đồng hồ là xong nhưng bản rap cho vòng Chung kết tôi đã viết đi viết lại cả tháng nay vẫn chưa ưng ý”.
Việc công tác tại cơ quan đã chiếm gần hết thời gian trong ngày, anh không ngần ngại dùng những đêm muộn để hoàn thành công việc viết nhạc. Công việc của người nghệ sĩ “part-time” bắt đầu từ 11h đêm và kết thúc vào 2h sáng mỗi ngày. “Đêm muộn tại nhà không có thiết bị xịn như ở phòng thu. Tôi cứ đóng cửa phòng, cặm cụi viết, thu qua loa bằng điện thoại rồi ngồi nghe lại. Thu nhiều đến khản cả cổ, viết và nghe nhiều đến ám ảnh cả bài hát nhưng tôi vẫn tự nhủ cố gắng thêm 1, 2 câu nữa”, Tường tâm sự.
Kỹ sư trẻ cho biết việc phải viết đi viết lại nhiều làm anh khá stress. Có lúc anh muốn thay đổi hẳn bài hát vì thấy khó viết quá. Nhưng anh vẫn quả quyết: “Mình phải thử nghiệm qua nhiều phong cách rap như: fastflow, oldschool… mãi mới tìm ra cách viết phù hợp. Mình không phải rapper chuyên nghiệp nên càng phải cố gắng hơn. Quan trọng nhất là mình không bỏ cuộc, mình dò đá qua sông dần dần kiểu gì cũng tới nơi”.
Trong thời điểm khó khăn nhất, gần như ngày nào anh cũng rơi vào trạng thái “bí, tắc, viết không nổi". Khi đó anh biết có ép mình đến mấy cũng không hiệu quả, anh tìm phương pháp để thư giãn rồi quay lại viết nhạc khi tinh thần đã phấn chấn, minh mẫn hơn.
Người lính trên mặt trận nghệ thuật
Tại đơn vị, Tường là một Kỹ sư trí tuệ nhân tạo, hàng ngày chỉ tiếp xúc với con số, logic, tính toán và lập trình. Công việc ấy đối lập hoàn toàn với khả năng nghệ thuật mềm mại, bay bổng của việc sáng tác nhạc. Chỉ tự nhận là một kỹ sư yêu thích âm nhạc, anh xác định mình phải tốn nhiều thời gian, bỏ nhiều công sức hơn so với những người làm nhạc chuyên nghiệp.
Dù gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhưng kỹ sư genZ quyết không từ bỏ. Anh bảo trách nhiệm với đồng đội, với đơn vị chính là thứ thôi thúc anh nghĩ thêm, viết thêm. Anh coi đây là một nhiệm vụ được đơn vị giao phó, anh đã nhận là anh sẽ làm đến tận cùng.
Tuy là người đóng vai trò quan trọng, anh chia sẻ: “Tôi nhận nhiệm vụ lớn không phải để chứng tỏ, để thể hiện bản thân mà là vì lợi ích của tập thể. Tôi mong mình có thể mang đến các đồng nghiệp nguồn năng lượng tích cực mỗi sáng đi làm, tôi luôn nghĩ làm sao để các “cư dân" xung quanh luôn được vui vẻ".
Theo anh, sự cống hiến thế này tuy rất nhỏ bé nhưng có thể giúp các đồng nghiệp có cái nhìn mới về tổ chức, yêu mến và sẵn sàng hòa mình vào văn hoá của tổ chức.
Sau tất cả, Mạnh Tường khẳng định: “Được anh chị em đồng nghiệp đón nhận các tác phẩm và có một mái nhà chung đoàn kết, gắn bó đã là một giá trị rất lớn đối với tôi. Những giá trị này không thể đong đếm bằng vật chất mà là những giá trị tinh thần rất đáng quý”. WOW Viettel là một dấu mốc để những tác phẩm của riêng anh đến gần hơn không chỉ với người Viettel AI mà với tất cả CBNV Tập đoàn. Nhờ có những cuộc thi như WOW Viettel, văn hoá và cách làm, cách nghĩ của người Viettel không còn ở trên lý thuyết, qua tài liệu mà trở nên gần gũi và thực sự đi sâu và cuộc sống mỗi người.
Mời các đồng chí cùng theo dõi lại bài hát do Kỹ sư Phạm Mạnh Tường soạn lời TẠI ĐÂY và cùng đón chờ diện mạo mới của Viettel AI tại Chung kết WOW Viettel 14h30 ngày 9/1!