Viettel ePass 5 năm – Hành trình không dừng, chuyển mình vươn lên
- 19:58 - 13.07.2025
Năm 2025 đánh dấu hành trình tròn 5 năm phát triển của ePass, với những bước tiến vượt bậc về công nghệ, mở rộng dịch vụ và vai trò trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia ngành giao thông.
Khi niềm tin được gieo giữa thử thách
Năm 2020, hoạt động thu phí tự động không dừng tại Việt Nam còn nhiều bất cập, tắc nghẽn… Dù đã triển khai nhiều năm, tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ ETC chỉ dưới 10%, phần lớn người dân vẫn xếp hàng trả phí thủ công, ùn tắc trạm thu phí diễn ra như “chuyện thường ngày”… Chủ đầu tư BOT không có nhiều động lực đàm phán. Giấc mơ giao thông số tưởng chừng dang dở. Trong bối cảnh đó, Viettel được giao trọng trách – mang theo kỳ vọng từ Chính phủ, quốc hội và nhân dân với sứ mệnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động - nhiệm vụ trọng yếu quốc gia chuyển đổi số ngành Giao thông.
Ngày 14/7/2020, Viettel ePass chính thức được thành lập.
Không sao chép – mà sáng tạo. Không mua công nghệ – mà làm chủ hoàn toàn. ePass lựa chọn tự mình xây dựng hệ thống. Từng dòng code, từng cấu trúc hệ thống được dựng nên – chính xác, bền bỉ và phù hợp với thực tiễn giao thông Việt Nam. Một “hệ sinh thái giao thông số” của người Việt sẵn sàng bứt phá từ vạch xuất phát bằng chính đôi chân mình.

Trên nền tảng công nghệ vững chắc được kế thừa từ Tập đoàn và đội ngũ nhân sự trình độ cao, cuối năm 2020, một “cuộc tổng tấn công” được triển khai. Với 4 mũi thần tốc, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2020, ePass đã hoàn tất lắp đặt 21 trạm thu phí. Sự thần tốc này là bước khẳng định năng lực tổ chức và nền tảng kỹ thuật mạnh mẽ của đơn vị còn rất mới trên thị trường khi đó. Vào ngày 1/1/2021, ePass chính thức Golive toàn quốc, đúng thời hạn Chính phủ giao.
Nỗ lực của Viettel ePass trở thành nhân tố thúc đẩy dự án thu phí tự động không dừng ETC cán đích sau nhiều năm lỡ hẹn.
Vượt khó không dừng - Kiến tạo tương lai
Thời gian đầu hệ thống đi vào vận hành, đội ngũ ePass phải liên tục chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống đáp ứng nhu cầu thực tế của nhà đầu tư BOT cũng như chủ phương tiện. Hệ thống xử lý giao dịch siêu tốc chỉ trong 0,2 giây với độ chính xác nhận diện biển số lên tới 99,8%. Nhờ đó, thời gian lưu thông qua trạm thu phí được rút ngắn tới 60 lần, góp phần giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả vận tải một cách vượt trội.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, 2021 – 2022 là giai đoạn thử thách nhất trong lịch sử non trẻ của ePass. Đại dịch COVID-19 ập đến bất ngờ gây gián đoạn toàn bộ hoạt động các trạm thu phí trên toàn quốc. Doanh thu sụt giảm 50% so với kế hoạch, song đơn vị vẫn giữ ổn định chi phí vận hành và cam kết bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn, ePass quyết định tự lực cánh sinh vượt qua nguy cơ không đủ dòng tiền để duy trì hoạt động vào đầu năm 2023. Tiến hành tối ưu nhân sự vận hành, rút gọn bộ máy, làm việc 3 ca 4 kíp và liên tục tìm kiếm cơ hội mở rộng đa dạng dịch vụ tạo tiền để vững chắc để tăng trưởng doanh thu, ổn định dòng tiền, thu nhập của người lao động bình quân tăng 7% mỗi năm. Những nỗ lực không dừng, bền bỉ, kiên định đi đến cùng đã mang đến kết quả xứng đáng. Năm 2023, duy trì hệ thống trên 43 trạm toàn quốc. Tỷ lệ phương tiện sử dụng tăng từ 30% lên hơn 80%.
Tăng tốc để bứt phá
Bứt phá với khát vọng tiến sâu hơn vào thị trường giao thông thông minh, ePass mở rộng hợp tác với Viettel Money, HDBank, FPT... mở ra hệ sinh thái thanh toán giao thông toàn diện. Chỉ với một chạm, người dân có thể thanh toán đa dạng dịch vụ – từ qua trạm thu phí, đến gửi xe điểm đỗ, sân bay, thanh toán bảo hiểm. Người dân có nhiều hành trình thông suốt và an tâm với ePass. Ứng dụng ePass ngày càng được thiết kế tối ưu, thân thiện với người dùng, với hơn 95% giao dịch được xử lý tự động.

Hai năm 2024-2025, ePass trúng thầu liên tiếp dự án thu phí không dừng tại tuyến cao tốc Lào Cai - SaPa và Bến Lức Long Thành, tiếp tục khẳng định năng lực cạnh tranh, vận hành dịch vụ trên các tuyến cao tốc chiến lược quốc gia. Mặc dù đi sau đối thủ gần 5 năm, song Epass hiện đã chiếm lĩnh 42% thị phần ETC với 50 trạm thu phí, 235 điểm đỗ, cung cấp dịch vụ thu phí điểm đỗ tại 5 sân bay lớn: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Đà Nẵng, Phú Bài.

05 năm – gần 3 triệu khách hàng, kết nối hàng triệu hành trình: niềm tin đã được khẳng định, nhưng chưa phải là đích đến. Để tiếp tục mở rộng kênh chăm sóc, gia tăng điểm chạm với khách hàng, Epass đã kí hợp đồng hợp tác chiến lược với các "ông lớn" như Tổng Công ty Công trình Viettel, Tổng Công ty Viễn thông Viettel. Hơn 1.400 đại lý và 15.000 nhân viên phủ toàn quốc – một “đội quân đặc nhiệm” sẵn sàng có mặt tại mọi tuyến quốc lộ, thị xã, thôn bản.
Với ePass, tăng tốc không chỉ là chỉ số tăng trưởng, mà là tốc độ lan tỏa giá trị. Những giải thưởng lớn như Stevie Awards, Vietnam Digital Awards, Make in Vietnam – là bằng chứng sống động cho tinh thần dấn thân và khát vọng vươn lên.
Tương lai – viết tiếp bằng khát vọng
Mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội là kim chỉ nam cho hành trình kiến tạo tương lai của ePass. 05 năm – một hành trình “không dừng”. Mỗi lượt qua trạm là minh chứng cho niềm tin vào công nghệ Việt, trí tuệ Việt, và tinh thần Viettel không lùi bước, sẵn sàng chinh phục đỉnh cao mới.
ePass sẽ không dừng lại ở “thu phí tự động” mà vươn tới hệ sinh thái giao thông số thông minh:
- Tài khoản giao thông đa tiện ích – kết nối thanh toán mọi dịch vụ giao thông.
- Trung tâm dữ liệu thông minh phục vụ quản lý đô thị, điều hành giao thông.
- Các nền tảng đỗ xe không chạm, không tiền mặt, không chờ.

Vượt qua hành trình 5 năm đầy thử thách, ePass sẵn sàng bứt phá, chinh phục đỉnh cao phát triển mới. Trên từng cung đường Việt Nam, ePass vẫn đang không ngừng hiện diện – thầm lặng nhưng bền bỉ – đúng như cách mà Viettel đã đi suốt hơn 35 năm qua.