10 năm thị trường ký: Dấu chân đầu tiên trên đất nước Triệu Voi

Trịnh Văn Duy (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 11:01 - 02.10.2023

Hành trình 10 năm tại 5 thị trường mà Viettel đầu tư từ năm 2009 đến năm 2022 từ lúc tốt nghiệp đại học là một hành trình đáng nhớ với đủ cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố…

Cây đã muốn sống dù mọc ở đâu nó vẫn sống xanh tốt, con người cũng vậy khi có ý chí, không ngại khổ, khó khăn thì ở đâu vẫn sống tốt

Người ta thường nói cuộc đời là những chuyến đi, là những hành trình, trải nghiệm, với mỗi người có chuyến đi, hành trình, trải nghiệm của riêng mình, với tôi những trải nghiệm 10 năm khi làm ở Viettel tại 5 thị trường: Lào, Mozambique, Burundi, Indonesia và Timor Leste là điều rất khó quên.

Với mỗi cuộc đời của mỗi người thì 10 năm là một chặng đường lớn để có một cái gì đó trong đời để học hỏi, trải nghiệm, trưởng thành và có một kỷ niệm đáng nhớ nào đó. Với tôi hành trình 10 năm tại 5 thị trường mà Viettel đầu tư từ năm 2009 đến năm 2022 từ lúc tốt nghiệp đại học là một hành trình đáng nhớ với đủ cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố, từ con số 0 theo đúng nghĩa tôi đã trải nghiệm nghề, tình bạn, tình đồng chí, tình anh em, văn hóa và phong cảnh đất nước sở tại….

Để có được điều này nếu tôi không công tác tại Viettel thì sẽ khó có được. Tôi biết có nhiều anh chị em có những trải nghiệm tuyệt vời hay khó khăn hơn tôi nhiều, tuy nhiên tôi xin chia kỷ niệm này với người anh, người em, người bạn, đã làm việc cùng tôi tại 5 thị trường, cho những ai đã, đang và sẽ đi công tác tại các thị trường Viettel đầu tư, có thể anh chị em sẽ nhìn thấy mình ở trong những câu chuyện của tôi, có thể là thành viên trong câu chuyện cũng có thể anh chị em gặp những tình cảnh tương tự trong hành trình của mình.

Picture1

Triết lý Dò đá qua sông

Thời điểm 2009 sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi và một số người bạn đi phỏng vấn tại Viettel Global (VTG) và trúng tuyển và hướng sang thị trường Lào và Campuchia sau khóa đào tạo Sau tuyển dụng 16 (STD16), có thể nói thời điểm đó tôi chưa biết về đất nước Lào là như thế nào, luôn có một vài câu hỏi: Sang đó đất nước Lào như thế nào, giàu nghèo ra sao? Mình làm gì bên đó? Không biết tiếng Lào thì làm việc với người bản địa làm sao? An ninh có an toàn không? Đồ ăn thức uống ra sao?...

Lứa chúng tôi thời đó sau khóa đạo tạo tại Học viện hơn 1 tháng đều quyết định đi, khó đến đâu xử lý đến đó, xác định đi mà sợ thì không đi. Với khí thế thanh niên hừng hực và tò mò về đất nước mới tôi bắt đầu hành trình tại Lào - Đất nước Triệu voi. Đây cũng là triết lý "Dò đá qua sông" mà chúng tôi thấm nhuần bài học đầu tiên trong đời - Không có gì là chắc chắn 100%, cứ đi gặp khó thì khắc phục, không có gì là không khó khăn, dễ dàng sẽ không đến lượt mình. Đây cũng là triết lý xuyên suốt hành trình của tôi.

Cú vả đầu

Kết thúc STD16 chúng tôi chia 2 ngả, 1 nửa sang Lào, 1 nửa sang Campuchia. Đội sang Lào di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội sang Viên Chăn, hành trình đến Tĩnh Gia - Thanh Hóa xe khách có 1 tiếng nổ lớn giữa đường khi chúng tôi đang say giấc nồng và mơ theo các câu hỏi ban đầu và tự kỷ ám thị về các viễn cảnh tương lại, xe hỏng động cơ gãy trục, giữa đoạn đường vắng không có nhà cửa, chủ xe đi bộ rất xa đến 1 hộ dân để nhờ hỗ trợ sửa chữa, chúng tôi liên hệ để về 1 nhà nghỉ tại thị trấn cách đó 7 - 8km.

Tôi và các thành viên trong đoàn đã gặp trục trặc từ bước đầu tiên, đã có 1 số cảm xúc lo lắng xuất hiện trong các thành viên trong đoàn, cũng đã có các ý tưởng kiểu ''bàn lùi", tuy nhiên anh em chúng tôi động viên nhau và cũng đã bước lên thuyền rồi và coi đây chỉ là trục trặc nhỏ. Sau 2 ngày tại nhà nghỉ, chúng tôi tiếp tục lên đường sau khi xe đã sửa xong.

Chạm chân đến xứ sở Triệu Voi

Tại Cửa khẩu Cầu Treo, chúng tôi được chủ xe làm thị thực vào Lào, sau khi sang bên kia cửa khẩu đây là lần đầu tiên tôi chạm chân sang đất nước bạn, tại đây chúng tôi được nghỉ ngơi 1 tiếng để vệ sinh và ăn uống. Tôi được giới thiệu ăn xôi Lào với bò khô gác bếp, đây là món ăn cực ngon, xôi Lào không như xôi Việt, nó chỉ như cơm tẻ nhưng dẻo, ăn cùng với bò thì rất tuyệt vời, đây cũng là một món ăn truyền thống và hàng ngày tại Lào. Vậy là 1 câu hỏi đồ ăn thức uống ra sao đã được giải đáp, tôi và các thành viên lúc đó rất tích cực trở lại chắc cũng do được nạp thức ăn sau 1 chặng dài đói bụng.

Những ngày đầu tại Lào

Chúng tôi được sắp xếp ở tạm 2 tuần tại Tham tán Thương Mại Việt Nam tại Lào trước khi phân về các nhà công vụ 1, 2, 3, 4. Những ngày đầu tại Lào chúng tôi tiếp tục được đào tạo về nghiệp vụ và văn hóa Lào tại trường Hà Nội – Viêng Chăn đối diện Star Telecom. Các giảng viên đều là anh chị đã sang công tác tại Lào một thời gian có chuyên môn nghiệp vụ tốt cùng với am hiểu văn hóa Lào: Chị Hằng, chị Hà, anh Namph, anh Namdq. Với chuyên nghành Điện tử viễn thông được học trong đại học với tôi mà nói khi học các kiến thức thực tế về mang vô tuyến thì cả một sự khác nhau lớn, thêm 1 cú vả nữa về kiến thức với công việc thực tế, anh Namdq chính là người thầy đầu tiên dạy cho tôi về mạng vô tuyến, ngoài ra chúng tôi được học về văn hóa thực tại Lào với trải nghiệm thực của các anh chị như với người Lào không ưa quát mắng, kiêng kị các từ: khôi, khỉ, má tài, về văn hóa mẫu hệ tại Lào…và một số điều kiêng kị liên quan tới đạo Phật tại Lào do Lào đa số theo Đạo Phật.

Tất cả những kiến thức được dạy rất có ích trong hành trình tại Lào mà nó trả lời cho các câu hỏi ban đầu của chúng tôi, nó góp phần cũng cố lòng tin của chúng tôi khi chọn con đường này, thêm 1 bước dò đá qua sông, thở phào nghĩ bụng ‘Chà thực ra cũng không có gì như mình tự kỷ ám thị nghĩ ra trước khi sang Lào’.

Picture2Thanh niên háo hức đi cổ vũ chung kết Seagame Việt Nam với Malaysia.

Lễ 2-9 đầu tiên tại Lào – Trải nghiệm điệu múa Lăm bông

Sau khóa học chúng tôi có quyết định phân về các đơn vị thuộc Star Telecom, người về tỉnh làm Trưởng cửa hàng, người vào trung tâm kỹ thuật, tôi được phân về Ban Vô tuyến thuộc Phòng Kỹ thuật.

Chúng tôi được tham gia bữa tiệc mừng ngày Quốc Khánh được Công ty tổ chức tại sân lớn, lần đầu tiên tôi được dự tiệc cùng các bạn Lào, người Lào rất thích uống bia Lào trong các buổi tiệc, tôi cũng hòa vào bữa tiệc với đồng nghiệp mới, thủ trưởng và những người bạn Lào, đặc biệt khi điệu múa Lăm bông theo vòng tròn bắt đầu, điệu múa này có 2 người nên mỗi người sẽ chọn một người cho mình để múa cùng, các bạn người Lào rất thân thiện và 1 người bạn đã mời tôi múa cùng, tôi thực sự không biết múa nhưng sau khi nhìn 1 lúc thì đã có thể làm được, trài nghiệm này thật khó quên.

Chuyến công tác đầu tiên - Đầy thử thách

Tôi sang làm việc tại Star Telecom đúng dịp công ty đang có đợt tối ưu mạng lưới với đội hỗ trợ từ KV3, sau khi nhận việc tại Ban Tối ưu 1 tuần tôi được anh Namdq cho đi công tác với 1 đội của KV3 xuống 3 tỉnh miền nam: Champasak, Atapu và Xekong. Trong chuyến đi này tôi học hỏi được rất nhiều chuyên môn cũng như nghiệp vụ từ các anh có kinh nghiệm thuộc KV3 về vô tuyến: Driving test, điều chỉnh vùng phủ, phân tích logfile, phân tích giải pháp tối ưu, báo cáo, kỹ năng excel…tuy nhiên kỷ niệm mà tôi nhớ nhất chính là lần đầu tiên trèo cột BTS.

Anh Trí báo tôi trèo cột và bảo trèo từ thấp lên cao cho quen nhưng tôi với khí thế hừng hực và ngông cuồng tôi bảo tôi sẽ trèo lên cao hẳn cột BTS 72m, sau khi lên đến đỉnh tôi mới bắt đầu sợ, chỉ ôm cột không dám làm gì và rất lâu sau tôi mới đủ dũng khí xuống và quá trình xuống tôi cũng phải mất 1 giờ đồng hồ. Cảm giác đó thực sự rất sợ, bây giờ tôi vẫn chưa quên, sau khi xuống cột tôi mới biết mình còn sống, một thoáng trong đầu tôi là sẽ bỏ việc. Sau khi các anh động viên và ai cũng vậy trèo vài cột là quen thì tôi bình tĩnh hơn 1 chút, quả thật sau khi trèo 2 cột nữa tầm 42m cùng các anh tôi đã quen và có thể làm việc trên cột cùng các anh ấy.

Đội công tác chúng tôi trong 2 tháng trời đã lang thang đo kiểm tối ưu trên mọi ngõ nghách tại 3 tỉnh miền nam này, đi qua những chùa, con sông, cánh đồng café, cao su bạt ngàn, tôi cũng đã dần học được các nội dung và quen công việc tối ưu onsite một công việc chiếm một nửa của nghề vô tuyến ngoài ra anh lái xe Khampuon là người Lào gốc Việt đã sinh sống ở Lào lâu năm cũng dạy cho tôi ít tiếng Lào, có cả tiếng thông dụng hàng ngày và một số từ chợ búa, xã hội mà hiếm khi trường học nào có thể dạy được.

Sau 2 tháng công tác này hầu hết các câu hỏi ban đầu đặt ra trong đầu đã đươc trả lời xác đáng và tôi vững tin trên con đường mình đi, dò đá qua sông đã thêm một bước mới.

Picture3Lang thang trên những nẻo đường thanh bình của Lào.

Thử thách mới

Sau tối ưu onsite tôi bước vào một thử thách mới với tối ưu mềm (offsite), tiếp tục học hỏi tối ưu tham số, những kiến thức về vô tuyến cần phải hiểu sâu để có thể thực hiện các công việc hàng ngày. Việc đi thị trường nước ngoài buổi tối xa gia đình nên chúng tôi ở lại cơ quan để học các kiến thức do các anh có kinh nghiệm lâu năm và anh Namdq giảng dạy với các case trực tiếp vào hệ thống, do đó tôi học và hiểu nhanh hơn rất nhiều so với đọc từ các hướng dẫn của vendor, ngày đó Lào mới chỉ có 2G dung Nokia và chưa có các công cụ như bây giờ mọi cái đều làm thủ công từ quản lý cơ sở dữ liệu, làm tần số, neighbor, BA list…sau những cuộc seminar tôi cùng các anh đồng nghiệp giải tỏa bằng những chầu bia say ngất ngây. Cứ như vậy cuộc sống ăn, ngủ, làm việc cùng nhau tôi đã nắm bắt và làm được việc sau 3 tháng. Có những lúc kiến thức cùng với kỹ năng của tôi sai lệch và bị các anh mắng rất nhiều, đôi khi cái tôi cá nhân lớn cũng rất không hài lòng và tự ái chỉ muốn rời bỏ, tuy nhiên sau cho cùng tất cả các anh đồng nghiệp và sếp Nam cũng chỉ muốn cho tôi tốt để tránh các lỗi sẽ mắc phải sau này nên mọi cái trở nên bình thường và tôi cũng trưởng thành hơn về kiến thức và cả tính cách.

Picture4Phòng làm việc của Ban Tối ưu thế hệ F2,3 đời đầu.

Tết Lào đầu tiên

Vào dịp tháng 4 năm 2010 tôi có dịp ăn tết Lào đầu tiên tại Lào, công ty có tổ chức tiệc cả người Việt và Lào tại sân lớn cơ quan, tôi được khuyến cáo bọc điện thoại hoặc không cầm theo điện thoại vì sẽ bị té nước rất nhiều. Tết Lào là tết truyền thống hàng năm của các nước theo Đạo Phật như Campuchia, Myanmar, Thái Lan có phòng tục té nước, bôi phẩm màu lên mặt và không được né tránh nếu không sẽ không gặp may. Tôi hòa vào các vũ điệu nhảy Patsalop tập thể và múa Lăm bông và tất nhiên không thể thiếu bia Lào, bữa tiệc tết Lào diễn ra từ 10 giờ trưa tuy nhiên khoảng 15 giờ thì hầu hết người Việt đã ra về vì say và ướt hết quần áo, chỉ còn một số người ở lại tiếp tục cùng các bạn Lào với điệu nhảy tập thể cùng tiếng nhạc cho đến 21 giờ tối. Có thể nói tết Lào còn vui hơn tết Việt, một trải nghiệm văn hóa tuyệt vời dành cho tôi và sau này được tham gia thêm một vài cái tết Lào tại Lào và tại Việt Nam cảm giác vẫn không thay đổi, vẫn những con người ấy có người đã ra ngoài startup người vẫn đang công tác tại Viettel, người đã nghỉ hưu, các thủ trưởng xưa giờ đã làm lên chức danh khá to tuy nhiên chúng tôi tụ họp ở Việt Nam trong dịp tết Lào vẫn giữ tình cảm đồng chí và anh em như xưa, ôn lại những thời đã từng trinh chiến cùng nhau, một kỷ niệm đẹp mà trong đời chỉ trải qua 1 lần 1 thời điểm.

Picture5Những cô gái Lào cháy hết mình trong Tết té nước.

Picture6Khuôn mặt rạng ngời.

Seagame tại Lào

Năm 2010 có seagame tổ chức tại thủ đô Viên Chăn, đây là kỳ seagame đầu tiên được tổ chức tại Lào, người Lào rất háo hức và công tác chuẩn bị của nước bạn rất chu đáo từ vài năm trước đó. Việc đảm bảo dịch vụ cho các khu vực tập trung đông người của sự kiện này cũng được Star telecom quan tâm, Ban vô tuyến phụ trách đưa ra giải pháp nâng cấp tài nguyên mạng tại khu vực sân vận động, nơi ở vận động viên bằng nâng cấp card và trạm tạm, ngày đó Star Telecom không có nhiều xe cơ động việc lắp đặt các trạm tạm là giải pháp duy nhất và tôi có tham gia quá trình chuân bị đảm bảo này.

Cũng do quá trình chuẩn bị từ trước khai mạc rất lâu nên tôi và các đồng nghiệp có cơ hội xem một vài trận đá bóng nam của Việt Nam đá, đó cũng là lần đầu tiên tôi xem trực tiếp đội tuyển nhà đá, trước đó tôi chỉ xem trên TV, đúng thật nếu không làm ở Viettel thì tôi không có cơ hội như này.

Trận chung kết giữa Việt Nam và Malaysia tôi và các anh đồng nghiệp rất háo hức đi xem hy vọng đội nhà sẽ giành huy chương Vàng, tuy nhiên đội tuyển đã thua trong sự khó hiểu, chúng tôi đã rất thất vọng. Dù sao giây phút đó cũng là duy nhất trong đời với đồng nghiệp của tôi, tại thời điểm đó, con người đó.

Picture7Tôi cũng có một thời cháy như thế.

Lễ hội Thatluong, Viên Chăn 400 năm

Tôi nhớ vào thời điểm giữa mùa đông năm 2010 có sự kiện lớn là lễ hội Thatluong (Chùa lớn nhất tại Lào nằm tại Viên Chăn, có quảng trường lớn) để kỷ niểm 400 năm ngày thành lập thủ đô. Tôi đươc giao phụ trách chuẩn bị tài nguyên mạng vô tuyến cho sự kiện này dự kiến hơn 50 nghìn người tham gia, là sự kiến lớn nhất đến thời điểm đỏ ghi nhận. Nhiệm vụ này tôi triển khai rất nhiều giải pháp nâng cấp cho các đường vào quảng trường, dọc quảng trường, triển khai 8 trạm tạm có cosite và cấu hình cao. Quá trình chuẩn bị rất lâu và rất khó khăn trong việc đặt vị trí cùng với đảm bảo truyền dẫn và nguồn điện cho trạm, nhưng sau cùng với sự hỗ trợ tối đa từ các đồng nghiệp phòng ban và chi nhánh chúng tôi cũng đã hoàn thành tuy một số khu vực xảy ra nghẽn do tắc đường.

Kết quả kinh doanh cụ thể trong sự kiện này tôi không nắm rõ tuy nhiên khi trực onsite tại khu vực sự kiện diễn ra 1 tuần rất nhiều SIM, homephone, handset được bán ra từ các cửa hàng tại khu vực sự kiện tôi thấy thật có ý nghĩa. Có 1 cụ già từ tỉnh miền núi Bokeo lên và đặt mua homephone cho cả bản, hiện tại cụ có dung 1 cái nhưng phải nối antenna lên ngọn cây mới có sóng để gọi điện, tôi cảm thấy việc phủ sóng các khu vực xa xôi là điều cần thiết với doanh nghiệp Viễn thông như Unitel nói riêng và Viettel nói chung, một phần kinh doanh dịch vụ một phần ý nghĩa hơn đó là cung cấp cho người dân tại đó cuộc sống tốt đẹp hơn-rất phù hợp với sologan của Unitel đó là Brighter (có một câu chuyện ý nghĩa tương tự khi tôi công tác tại Mozambique sẽ trình bày tại kỳ tới).

Lễ hội này cũng là dịp tôi chứng kiến trải nghiệm rất nhiều truyền thống văn hóa của nước Lào do các tỉnh thuộc Lào đều đổ về đây để trưng bày các sản phẩm địa phương, các tiết mục văn hóa địa phương diễn ra trong 1 tuần. Về đồ ăn lễ hội cũng rất đa dạng các món ăn dân tộc và địa phương, đặc biệt đã đến Lào thì phải ăn món Tăng mạt hung (là món nộm rau cải bắp với cua và đặc biệt rất nhiều ớt) thưởng thức cùng món nướng và nước chấm đặc biệt từ mật các gia cầm gia súc và không thể không có bia Lào.

Picture8

Vang viêng – Đà Lạt của Lào

Nhắc đến địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào không thể không nhắc đến Vang viêng, đó là một khu vực đặc biệt phía bắc thủ đô với khí hậu đặc biệt rất mát mẻ thậm chí lạnh về ban đêm cho dù đang là mùa hè. Trong chuyến công tác với anh Đào Quang Nam – Tp Tối ưu Lào lên 4 tỉnh phía bắc lúc quay về tôi có cơ hội được anh cho nghỉ lại Vang viêng 1 buổi chiều và 1 đêm vào dịp cuối tuần, một phần đã hoàn thành công việc chuyến công tác phần nữa để trải nghiệm địa điểm du lịch nổi tiếng này mà ngày bình thường chúng tôi khó có cơ hội đi đến đây.

Sau khi thuê nhà nghỉ tôi và anh Nam ra bờ suối để tắm, tại đây rất nhiều khách du lịch tây, phải nói thời tiết tại đó rất mát mẻ, không khí trong lành, khách tây chủ yêu chơi môn chèo kayard và đu dây. Buổi chiều có rất nhiều quán ăn ven suối với đồ ăn chủ yếu là cá nướng rau rừng đặc biệt chỉ khu vực này mới có. Chúng tôi có giao lưu uống bia với vài cậu thanh niên tây, họ đang có chuyến du lịch vòng quanh thế giới và đang dừng chân tại Lào, về điều này lúc đó tôi có 1 ý niệm rằng làm sao có thể giống họ đi các nước trên thế giới trải nghiệm thiên nhiên, con người, văn hóa các quốc gia. Với ý niệm này và tôi đang làm tại Viettel tôi sẽ có thể thực hiện được, tuy không phải đi du lịch thuần mà tôi sẽ phải kết hợp giữa làm việc và trải nghiệm và đất nước tôi sẽ đến cũng sẽ bị giới hạn bởi các thị trường mà Viettel sẽ đầu tư, nhưng như vậy là quá đủ rồi, nếu không phải Viettel thì tôi hay bạn có nhiều cơ hội như các bạn tây kia không?

Thử thách mới tại Savanaket

Sau một thời gian phấn đấu tôi được sự tin tưởng của Ban Tổng Giám đốc bổ nhiệm vào chức danh Phó Giám đốc kỹ thuật tại tỉnh lớn thứ 2 tại Lào là Savanaket, tỉnh này có diện tích rộng nhất Lào với khoảng 400 vị trí trạm thời điểm đó. Nhiệm vụ này rất mới với tôi vì không chỉ riêng mảng vô tuyến mà có cả các mảng kỹ thuật khác như truyền dẫn, cơ điện, hạ tầng. Việc này bắt buộc tôi phải học hỏi thêm các kiến thức về các mảng này để có thể làm việc, ngoài ra đây cũng là cấp bậc quản lý, tôi quản lý 5 đội kỹ thuật tại 5 cụm huyện nên tôi cũng phải học kỹ năng quản lý thay vì với cấp bậc nhân viên tối ưu như trước kia.

Có 1 sự việc tôi vẫn nhớ khi công tác tại đây, thứ nhất là vụ lụt năm 2011, sau khi ảnh hưởng của bão từ Việt Nam gây mưa lớn và lụt tại nhiều nơi, mạng lưới lúc này rất nhiều trạm bị gián đoạn thông tin do đứt cáp và mất điện. Tôi và các đội kỹ thuật tham gia ứng cứu thông tin và khắc phục mạng lưới. Có 1 trạm thuộc khu vực trũng gây ngập vào nhà trạm tuy trạm đã thuộc trạm vượt lũ cao 2m, tôi trực tiếp đi đến trạm này do có thể gây chết card BTS và node truyền dẫn quan trọng, xe ô tô không vào được do ngập, tôi và cậu đội trưởng lội nước đến ngang ngực để vào, vào đến nơi cũng là lúc nước đã chuẩn bị dâng lên rack chứa card, tôi và nhân viên tiến hành di chuyển tất cả thiết bị truyền dẫn quan trọng và cho 1 phần lên vị trí cao của rack, ngắt nguồn BTS chỉ để accquy nuôi thiết bị truyền dẫn, 2 card BTS quan trọng tôi và cậu nhân viên vác lên vai và di chuyển ra xe cách đó 500m. Cảm giác ứng cứu mạng lưới bằng mọi giá, mọi công cụ, mọi cách đã thay đổi suy nghĩ của tôi về kỹ thuật, làm kỹ thuật đôi khi chỉ cần nhất trách nhiệm với mạng lưới, chỉ cần hành động đơn giản mà mang lại giá trị lớn, cũng không cần phải cao siêu như mình nghĩ, back to basic, responsible.

Tại đây tôi cũng có trải nghiệm tham gia đám cưới người Lào của chị Tinh phòng tài chính, được chứng kiến các phong tục cưới hỏi tại Lào, tiệc cưới phần lớn giống tại Việt Nam, người được mời sẽ bỏ phòng bì vào chính thiệp mời cưới, khách đến ăn cưới ăn uống, vui chơi, nhảy múa chỉ khác ở chỗ đám cưới tại Lào làm thêm một số thủ tục theo Đạo Phật, có sư thầy làm lễ và buộc dây, sau khi ăn tiệc mọi người ở lai rất lâu để múa lăm bông và nhảy Pat xa lop.

Picture9

Chuyến công tác tại Xayabuli – Đầy mưa gió

Trong mùa mưa cuối năm 2011 để hoàn thành chiến dịch 45 ngày đêm để hoàn thành kế hoạch phát triển hạ tầng của Unitel, tôi được Ban Giám đốc điều đi hỗ trợ khảo sát, triển khai phát sóng trạm BTS tại tỉnh Xayabuli một tỉnh phía bắc giáp Thái Lan – Udonthani. Tôi di chuyển bằng xe buýt từ Savanaket tới tỉnh này, khi rơi khỏi quốc lộ để đi vào tỉnh lộ (thời đó tỉnh lộ nhỏ là con đường đất chưa có nhựa, tôi không rõ bây giờ đã có chưa), do trời mưa xe khách bị lầy không thể di chuyển tại 1/3 quãng đường.

Tôi nhớ mãi là tất cả các khách đi xe được yêu cầu xuống xe chổng mông để đẩy xe, trong đó có tôi, tôi bỏ giày, sắn quần cùng các khách khác lội đường đẩy xe tuy nhiên xe lầy quá sâu không thể di chuyển, kết quả tôi và tất cả hành khách phải dừng chân tại đó 1 ngày sau khi có xe khác đến kéo đi, cảm giác đói, khát và lạnh cho tôi và các hành khách khác thật khó quên, có một số hành khách đã chửi bới, than vãn, đặc biệt hơn 1 điều khiến tôi tan biến mệt mỏi là chủ xe gọi điện để nhờ xe khác hỗ trợ tuy nhiên chủ xe dùng số của nhà mạng LTC không thể gọi điện do không có sóng. Tôi thấy trên điện thoại của tôi vẫn có 2 vạch sóng (mức thu tầm -95- -99dbm) do đó tôi cho chủ xe mượn điện thoại và đã liên lạc thành công, sau đó mọi người đều khen sóng Unitel khỏe, tôi cũng thấy ấm lòng, cái khác chỉ là chuyện nhỏ.

Sau khi đặt chân đến chi nhánh XAY tôi và anh Quang tại phòng Hạ tầng Unitel cũng xuống hỗ trợ liền triển khai vào công việc. Chúng tôi có nhiệm vụ khảo sát chi tiết 03 vị trí tại bản làng xa khó khăn để đưa ra vị trí chính xác, chi tiết các thông số xây dựng hạ tầng (km cáp quang, chi phí vận chuyển, nguồn vật tư để xây dựng móng, điện…). Chúng tôi di chuyển bằng xe Hilux đến 03 vị trí bản này (đều nằm trên 1 trục đường đất nhưng cách xa nhau, tầm 9-10km, đường núi đồi), công việc được triển khai tại vị trí thứ 1 và thứ 2 đã ok do tôi là dân vô tuyến sẽ quyết luôn được vị trí phù hợp, anh Quang là dân hạ tầng sẽ tính toán ngay ra dự toán hạ tầng. Chúng tôi dừng ăn trưa vào lúc 2h chiều, sau đó tiếp tục di chuyển vào vị trí thứ 3 là vị trí xa nhất.

Tuy nhiên trời đổ mưa vào lúc 15h30 chiều khiến đường lầy lội xe Hilux không thể vào do trơn và dốc. Chúng tôi liền thuê 1 chiếc xe Tạch tạch (dạng xe như công nông đầu kéo của Việt Nam) có khả năng lội lầy và leo dốc tốt. Thế là xe cũng vài lần lên dốc và xuống dốc vào bản lúc 5h (đoạn đường chỉ có gần 10km mà di chuyển mất hơn 1 giờ đồng hồ), chúng tôi tiến hành khảo sát và hoàn thành lúc 6h tối, trời vẫn mưa dầm từ chiếu chưa dứt, lúc này chúng tôi xác định phải di chuyển ra để kịp về trung tâm gần nhất để ăn tối và nghỉ ngơi do trong bản này không có chỗ ăn và chỗ ngủ.

Lúc xe Tạch tạch di chuyển được đến giữa quãng được đầy cố gắng do đường ngấm nước mưa từ chiều càng lầy lội hơn thì con dốc tiếp theo xe không thể leo được cho dù tôi và anh Quang lội đường đẩy, sau cùng xe phải tụt xuống chân dốc, tai chân dốc này không có hộ gia đình nào, đây là một vùng trũng nhỏ chỉ có cánh đồng lúa, lúc này chúng tôi xác đinh đêm nay sẽ không về được nhà do đó nhận ra có 1 chòi nhỏ giữa cánh đồng của nông dân Lào nghỉ khi trông coi khi thu hoạch chúng tôi 3 người cả lái xe Tạch tạch liền vào đó ngồi khỏi dính mưa và xác định ngủ tại đó đêm hôm đó.

Anh lái xe và chúng tôi rất đói và lạnh, anh đó báo đi kiếm gì ăn, tôi mới hỏi quanh đây làm gì có hộ gia đình mà kiếm anh ta liền trả lời đi Chắp Pa (bắt cá), tôi và anh Quang mới thấy cánh đồng có một mương nhỏ và cùng nhau tìm cá để lót dạ. Sau khi dùng dụng cụ vợt thô sơ tại chòi chúng tôi vợt được 1 số con cá con, sau đó về chòi nướng bằng vài cọng rơm của chòi và mỗi người 2-3 con cá bằng ngón tay lót dạ và ôm nhau ngủ đợi đến sáng mai. Kỷ niệm này thật thú vị, giữa cánh đồng hoang vu, không có sóng điện thoại, không thức ăn, không tắm, không chỗ ngủ. Tôi luôn nghĩ về việc này khi thi thoảng ăn cơm tại cơ quan VTNet khi về Việt Nam công tác, vẫn có những cô cậu chê cơm thế này thế nọ mà họ đâu biết rằng chúng tôi có những thời điểm như thế này, chỉ ước 1 bát cơm thôi là hạnh phúc.

Tuy nhiên mọi so sánh là khập khiễng do thời điểm, hoàn cảnh, xuất phát điểm, điều kiện khác nhau, tôi chỉ chia sẻ thế hệ chúng tôi đã có những ngày như thế và các bạn trẻ phải trân trọng những gì mình đang có và hãy dấn thân để trải nghiệm, cứng rắn và trưởng thành hơn.

(Rất tiếc lúc đó các máy điện thoại đều hết pin tôi không thể chụp ảnh lưu niệm cho trải nghiệm đó - Ảnh bên dưới là một trường hợp khác, tuy nhiên chuyện này chúng tôi gặp như cơm bữa vào mùa mưa tại Lào)

Picture10Chuyện xảy ra thường xuyên vào mùa mưa tại Lào.

Kết thúc hành trình tại Lào

Tôi hoàn thành chuyến công tác tại Xayabuli trở về chi nhánh Savanaket, lúc này thị trường Mozambique đang cần người hỗ trợ phát triển mạng lưới để kịp khai trương vào tháng 5/2012. Tôi nhận được cuộc gọi sẽ cùng đội hỗ trợ từ các đơn vị khác đi sang Mozambique vào 27 Tết Âm lịch năm đó.

Với mỗi người đi công tác xa nhà như tôi thì dịp Tết luôn muốn đoàn viên cùng gia đình tuy nhiên theo tính chất công việc và chỉ đạo từ lãnh đạo chúng tôi gồm khoảng 40 người rời Hà Nội vào 27 Tết Âm lịch để lên đường sang lục địa mới cho ước mơ Châu Phi.

Hành trình tại Lào kết thúc với hành trang kiến thức và trải nghiệm tôi tự tin dò đá qua sông 1 lần nữa bởi thời điểm đó tôi không còn sợ gì nữa mà còn rất háo hức do cuộc đời lại được thêm trải nghiệm mới, thử thách mới tại chân trời mới.

Picture11Đội bóng của Unitel thêm tình gắn kết Việt - Lào.

Kết thúc hành trình tại Lào

Tôi hoàn thành chuyến công tác tại Xayabuli trở về chi nhánh Savanaket, lúc này thị trường Mozambique đang cần người hỗ trợ phát triển mạng lưới để kịp khai trương vào tháng 5/2012. Tôi nhận được cuộc gọi sẽ cùng đội hỗ trợ từ các đơn vị khác đi sang Mozambique vào 27 Tết Âm lịch năm đó.

Với mỗi người đi công tác xa nhà như tôi thì dịp Tết luôn muốn đoàn viên cùng gia đình tuy nhiên theo tính chất công việc và chỉ đạo từ lãnh đạo chúng tôi gồm khoảng 40 người rời Hà Nội vào 27 Tết Âm lịch để lên đường sang lục địa mới cho ước mơ Châu Phi.

Hành trình tại Lào kết thúc với hành trang kiến thức và trải nghiệm tôi tự tin dò đá qua sông 1 lần nữa bởi thời điểm đó tôi không còn sợ gì nữa mà còn rất háo hức do cuộc đời lại được thêm trải nghiệm mới, thử thách mới tại chân trời mới.

  • 2162
  • 6
  • 10

Cứ đi rồi sẽ tới... Campuchia

  • 3051
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua