Đào Thanh Giang (Viettel Phú Yên) đã đăng lúc 11:51 - 12.09.2023
Ngày ấy, khi dịch vụ Homephone vừa mới ra đời, cả cửa hàng chúng tôi nhận được 10 máy để bắt đầu kinh doanh. Khi còn chưa hiểu hết những khái niệm về zone, vùng kích hoạt sử dụng thuê bao thì đã có một anh lính đến hỏi mua máy.
Nơi anh đóng quân và làm việc tận trên đỉnh núi Chóp Chài (Phú Yên), vì vậy đơn vị anh rất cần một chiếc điện thoại Homephone để tiện liên hệ và sinh hoạt. Với tính “thích thể hiện” của một thời "trẻ trâu", mình sẽ là cửa hàng đầu tiên bán máy trên toàn tỉnh, nên khi có khách đến mua máy, tôi mừng rỡ ra mặt và lập tức bán ngay mà không cần tìm hiểu vị trí anh cần lắp đặt như thế nào, sóng có đang ổn định không...
Sau khi đấu nối xong, cột sóng đã hiển thị đầy ắp sóng Viettel. Chúng tôi bấm 900 kích hoạt và test máy cho anh. Khi tiếng chuông điện thoại vang lên, chúng tôi liếc mắt nhìn nhau vui mừng ... (Thời đó đấu nối hệ thống hay bị disconect).
Tiếp đó, chúng tôi reset lại zone cho thuê bao và hướng dẫn anh về địa chỉ sử dụng để kích hoạt lên dùng. Nhưng về đến nơi anh đã gọi điện đến cửa hàng để báo là không sử dụng được. Hôm sau, anh mang máy đến “bắt đền” và đề nghị có nhân viên đến xử lý.
Tôi vội vội vàng vàng dắt xe máy theo anh nhưng anh vừa cười vừa nói đường đi khó để anh chở tôi đi và sẽ “trả người” về đúng nơi quy định. Không nghĩ ngợi gì, tôi lên xe và ngồi yên vị sau lưng anh.
Núi Chóp Chài khá cao, có hình dáng như một kim tự tháp khổng lồ. Đường lên núi tuy ngắn nhưng dốc và khó đi. Ngồi sau lưng anh, lúc nào tôi cũng muốn bật ngã ra phía sau, vì vậy tuy mới quen biết nhưng 2 tay tôi bám chặt hai bên vạt áo của anh cho đến khi lên tới nơi.
Núi Chóp Chài là một trong những biểu tượng quen thuộc của Phú Yên
Lên đến đỉnh núi, từ trên cao nhìn xuống cả thành phố nằm gọn trong đôi mắt sau cặp kính của tôi, xa xa là một màu xanh của biển cả. Một cảm giác thật dễ chịu. Anh vẫn vừa cười và vừa nói “Ngắm cảnh cho thích rồi vào sửa máy nhé!”. Người lính từ xưa đến giờ vẫn dễ gần như vậy.
Tôi loay hoay tắt máy, khởi động máy, tháo sim, chỉnh cần ăng ten... nhưng vẫn không kích hoạt được. Tiếp sau đó là các cuộc gọi nhờ hỗ trợ từ hot line hỗ trợ nghiệp vụ cho đến các đầu mối hỗ trợ Kỹ thuật của Khu vực. Tôi làm theo chỉ dẫn, tắt, bật, tắt, bật ... và chờ.
Sau hơn 1 tiếng đồng hoang mang và phối hợp xử lý thì bất ngờ anh Trưởng phòng Kỹ thuật gọi lại cho tôi. Anh nói: “Em đi xử lý sự cố sao không báo qua anh để bây giờ bị kẹt trên núi, anh điều người lên chở em về nhé, anh xử lý ok rồi, em test lại xem sao”. Và sau đó những hồi chuông dồn dập vang lên làm tôi thở phào nhẹ nhõm.
Lý do không kích hoạt được đơn giản là ngọn núi này quá cao, sóng không ổn định và các bước xử lý tiếp theo thuộc về nghiệp vụ của kỹ thuật để xử lý thông cuộc gọi đi và đến cho số thuê bao này. (Phòng Hỗ trợ nghiệp vụ VTT và Kỹ thuật khu vực gọi trực tiếp cho anh Trưởng phòng Kỹ thuật để phối hợp cùng xử lý).
Và tất nhiên sau đó, trên đỉnh núi Chóp Chài đã có một trạm biển đảo của Viettel ra đời để phục vụ những người lính Hải quân canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. (Trạm xây dựng năm 2009).
Đó là một kỷ niệm vui khi tôi còn làm nhân viên giao dịch và cho đến tận bây giờ mọi người trong Chi nhánh vẫn còn nhắc về kỷ niệm bị kẹt trên núi ấy.
Tháng 10 này sẽ là 17 năm tôi gắn bó với Viettel, cũng từng kinh qua một vài chức danh khác nhau và cũng từng có những sai sót nhất định trong quá trình tư vấn, bán hàng và CSKH. Nhưng quan trọng tôi đã "chín chắn" hơn, kinh nghiệm hơn và trưởng thành hơn từ những sai sót ấy.
Tôi hi vọng vẫn còn được ngồi mãi nơi đây để viết tiếp những cuộc hành trình của Viettel mà tôi đã đi qua ...