Đào Thị Hoa Mai (Viettel Quảng Trị) đã đăng lúc 11:59 - 10.10.2023
Có Viettel- Tình yêu chúng tôi thêm tròn
0985.003.001 – Đây là số điện thoại đầu tiên trong dãy số di động ngày Viettel Quảng Trị đưa dịch vụ di động về quê hương tôi, cũng chính là số điện thoại của người đồng nghiệp đặc biệt, người bạn đời của tôi. Ngày ấy, anh từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chuyển sang Viettel với niềm hứng khởi và say mê vô cùng tận. Anh dành toàn thời gian cho Viettel, từ nghiên cứu triết lý kinh doanh, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tận tình giới thiệu dịch vụ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ xa nhà… “Hay em vào Viettel đi. Vào Viettel để thấy được nhiều cái hay lắm!”.
Viettel đã cho tôi trọn vẹn niềm hạnh phúc.
Tôi gật đầu sau lời rủ rê đầy hấp dẫn đó. Rời bỏ công việc đã gắn bó gần 14 năm ở Bưu điện tỉnh Quảng Trị để thi vào Viettel Quảng Trị. Tôi nhanh chóng bắt nhịp với công việc của mình nhờ sự hỗ trợ tận tình của các đồng nghiệp và sự chia sẻ cùng anh sau mỗi ngày làm việc trở về. Viettel giúp chúng tôi thêm gắn bó, những câu chuyện ngày thường dường như dài hơn, vui hơn. Tôi nhìn thấy ở anh niềm say mê tìm tòi và khát khao sáng tạo. Cụm từ thường trực ở anh là “Viettel hay lắm!”. Sau này, khi anh đã đi xa, tôi tiếp tục công việc ở Viettel không chỉ vì cuộc sống, một phần khác vì đó là tình yêu của anh. Tôi thường hình dung niềm vui lộ trên gương mặt anh mỗi khi có một dịch vụ mới ra đời.
Có Viettel - Tôi tự hào là một mắt xích kết nối
Tôi nhớ, trận đại hồng thủy tháng 10 năm 2020, nước lũ nhấn chìm làng mạc, có nơi nước ngập ngang trần nhà. Sau lũ, Ban giám đốc Viettel Quảng Trị huy động toàn bộ lực lượng, chia tổ đến từng nhà dân để hỏi thăm tình hình, kiểm tra dịch vụ đường truyền wifi để kịp thời hỗ trợ bà con. Lần đó, tôi nhìn thấy trên mái nhà một người dân, modem wifi Viettel vẫn được treo chắc chắn. “Mọi thứ có thể mất nhưng mạng Viettel không thể mất được. Có mạng để các con ở xa gọi về hỏi han kẻo chúng lo lắng”. Câu nói của một khách hàng đã ngoài 70 tuổi khiến tôi xúc động.
Sau trận lũ lớn năm 2020, CBNV Viettel Quảng Trị triển khai công tác CSKH cố định.
Cũng năm đó, khi đường mòn Hồ Chí Minh qua các xã miền núi Hướng Hóa bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông chia cắt, nước lũ cô lập. Khi sóng Viettel được nối lại về xã Hướng Việt, cả người dân lẫn những người lính biên phòng đều nở nụ cười thật tươi. Mọi lo lắng hướng về vùng cô lập trong suốt cả tuần lễ đã được giải tỏa bởi những dòng tin nhắn, cuộc gọi muôn nơi.
Những người lính Viettel cứu sóng ở Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị) sau trận đại hồng thủy
Còn nhớ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện lệnh giãn cách, nhiều trường học dừng đến trường nhưng không dừng học. Trên đồi núi cao của huyện Đakrông, những căn chòi được dựng lên tạm bợ bằng vài trụ cây, tấm bạt chăng ngang che nắng mưa làm nơi học tập cho học sinh. Các em đồng bào thiểu số ngồi học bài thông qua mạng 4G của sóng Viettel. Một hình ảnh khó hình dung nhưng thật sự xúc động.
Có Viettel - Tôi có nhiều giây phút thư giãn với “nghề tay trái”
Những ngày cuối tuần, tôi xách ba lô đón xe đò ngược miền biên giới Hướng Hóa để gặp những người lính kỹ thuật Viettel chăm sóc tuyến cáp miền biên, nối sóng trên dãy Trường Sơn, hay xuôi về vùng biển bãi ngang, lắng nghe những câu chuyện bán hàng của các nhân viên bán hàng thu cước xuất sắc của Viettel. Những chuyến đi để lại cho tôi kỷ niệm khó quên.
Những người đồng nghiệp của tôi và câu chuyện bán hàng mang lại cho tôi niềm yêu thích được chia sẻ với người Viettel khắp nơi.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi cộng tác cùng Viettel Family là trong một cuộc thi nhân ngày 20/10 – ngày Phụ nữ Việt Nam với chỉ để: “Viết về người phụ nữ quanh tôi”. Tôi nghĩ ngay đến Thúy, một cô gái đầy nghị lực của Viettel Quảng Trị, dẫu gặp phải những biến cố nhưng vẫn nỗ lực, vượt qua tất cả những khó khăn để vừa làm tốt công việc, vừa chăm sóc con cái. Bài viết đạt giải được yêu thích nhất cho tôi thêm động lực để thực hiện niềm yêu thích viết lách của mình.
Bài viết “Đưa Internet Viettel lên đỉnh Trường Sơn” tham gia một cuộc thi có tên gọi “Người Viettel yêu sản phẩm Viettel” và đạt giải ba, mang lại cho tôi nhiều niềm vui khi được đồng nghiệp đọc và yêu mến.
Lần khác, tôi gặp Tạ Quang Hưng, người lính kỹ thuật Viettel huyện Vĩnh Linh sau một chuyến hải trình hơn 3 tháng trên vùng biển đảo Trường Sa với nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng nhà trạm. Câu chuyện tròn 100 ngày lênh đênh trên đảo Trường Sa của người lính kỹ thuật mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Ký sự “Chuyện người về từ đảo Trường Sa” ra đời sau câu chuyện ấy.
Ký sự “Chuyện người về từ đảo Trường Sa” ra đời sau những chia sẻ đầy xúc động về 1 chuyến hai trình tròn 100 ngày của người lính kỹ thuật Tạ Quang Hưng.
Tôi có dịp được chuyện trò cùng TVV Hồ Thị Mỹ Hằng, Trần Thị Luận… những người phụ nữ Viettel nhỏ bé làm công tác bán hàng thu cước với thành tích không hề nhỏ, từng góp mặt trong top 100 nhân viên bán hàng xuất sắc nhất toàn quốc…
Ấn tượng nhất là lần tôi đến Ba Lin, xã A Vao, huyện Đakrông, nơi giáp biên giới Việt Lào, khi ấy Ba Lin chỉ có sóng 2G và một đường truyền cáp quang dành riêng cho biên phòng. Tôi được anh Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh giới thiệu với đồn trưởng đồn Ba Lin tôi là “Nhà báo Viettel”. Tôi ngỡ ngàng và một niềm vui khó tả dâng lên! Sóng 4G giờ đã về bản Ba Lin, bản xa nhất trên tuyến biên giới Việt - Lào, mang lại sự thay đổi và niềm vui cho người dân và những người lính biên phòng nơi này.
Và…
Còn rất nhiều câu chuyện khác mà Viettel với triết lý sáng tạo vì con người và tiên phong kiến tạo xã hội số đã mang đến những giá trị hữu ích cho cộng đồng mà tôi không thể gói gọn những trải nghiệm đầy tự hào của mình – của một thành viên nhỏ bé trong ngôi nhà lớn Viettel trong một bài viết.
If not Viettel - nếu không phải Viettel? Phản biện cho câu hỏi ấy có lẽ không cần phản biện bởi khi tôi thấy cái gật đầu 14 năm trước của mình là chọn lựa đúng đắn. Đó là Viettel my way!