Khi cả nước 'không có chỗ cho sự trì hoãn', hãy đọc cuốn sách này
- 09:37 - 01.07.2025
Khi gấp cuốn sách lại, tôi nhớ đến lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính...
Câu nói đó chính là: “Tinh thần làm việc ba ca bốn kíp, vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió. Làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ ngày tết. Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ bàn làm, không bàn lùi” cho một kỉ nguyên vươn mình của dân tộc".
Và nếu cần chọn một nơi mà tinh thần “không trì hoãn” trở thành nếp sống, thành văn hóa, thì đó chính là Viettel – nơi mọi người coi “Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh”. Chính vì vậy, cuốn Chấm dứt thói trì hoãn không chỉ phù hợp với từng cá nhân, mà còn là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ tổ chức nào muốn tồn tại trong một xã hội vận hành gấp áp cá nhanh nuốt cá chậm (chứ không phải cá lớn nuốt cá bé)
Bạn có biết! Có một kiểu mệt mỏi rất kỳ lạ – không phải vì công việc quá nhiều, không phải vì bạn không đủ năng lực, mà là vì bạn biết rõ mình phải làm gì, nhưng vẫn không làm. Bạn nhìn vào một danh sách những việc quan trọng, thậm chí là cấp bách, mà cứ thấy đầu óc nặng trĩu, tay chân cũng dường như buồn bã. Rồi bạn mở điện thoại, lướt một vòng không mục đích. Và buổi sáng trôi qua. Rồi một buổi chiều khác. Rồi một ngày nữa. Bạn kết thúc tuần với một cảm giác xấu hổ mơ hồ ngay cả khi không ai mắng bạn cả, trừ chính bạn. Cho đến khi tôi đọc Chấm dứt thói trì hoãn của Petr Ludwig.
Tất nhiên, một cuốn sách không giúp bạn đổi đời, không khiến bạn trở thành người hoàn hảo, nhưng nó cho bạn thấy mình hoàn toàn có thể làm chủ bản thân từng ngày, từng giờ. Và nếu có điều gì đó tôi muốn nhắn bạn sau cùng, thì đó là: đừng đợi cảm hứng đến mới bắt đầu. Hãy hành động đi. Rồi bạn sẽ thấy cảm hứng đến như một phần thưởng xứng đáng.
Petr Ludwig không bảo bạn “hãy làm đi”, cũng không kể về những tỷ phú làm việc 18 tiếng một ngày. Cuốn sách nói một điều rất thật, rất gần và rất tỉnh: con người hiện đại không trì hoãn vì họ lười, mà vì họ không biết rõ mình cần phải làm gì như cách tác giả mở đầu cuốn sách bằng việc nhấn mạnh: sự trì hoãn không đơn thuần là vấn đề của năng suất, mà là vấn đề của ý nghĩa sống. Khi bạn không có một mục tiêu dài hạn, một “la bàn bên trong” để chỉ đường, thì mọi việc dù có quan trọng đến mấy cũng chỉ là áp lực trống rỗng. Cuốn sách mời bạn dừng lại để trả lời câu hỏi: “Tôi sống vì điều gì?” Và chỉ khi bạn có đáp án dường như mọi thứ mới bắt đầu đổi hướng.
Chính vì thế cuốn sách tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của sự trì hoãn và đưa ra các chiến lược khoa học để vượt qua nó, dựa trên nghiên cứu từ tâm lý học, thần kinh học và khoa học hành vi bao gồm:
- Tư duy có mục đích (Purpose-driven mindset): Một trong những lý do chính khiến con người trì hoãn là do thiếu ý nghĩa trong công việc. Ludwig khuyến khích người đọc xác định "Tại sao" của mình - lý do sâu xa khiến ta hành động.
- Tạo hệ thống, không chỉ dựa vào ý chí: Thay vì cố gắng ép bản thân phải làm việc bằng kỷ luật thép, sách hướng dẫn cách xây dựng môi trường và thói quen để tự động hóa hành vi tích cực.
- Hiệu ứng Dopamine và phần thưởng trì hoãn: Sách giải thích cách não bộ chúng ta hoạt động với phần thưởng và sự hài lòng tức thời, và làm thế nào để “lập trình lại” để ưa thích phần thưởng dài hạn hơn.
- Công cụ trực quan: Ludwig sử dụng rất nhiều hình vẽ, sơ đồ đơn giản để giải thích khái niệm. Điều này giúp việc tiếp thu trở nên dễ dàng và trực quan hơn rất nhiều.
- Chiến lược cụ thể: Ví dụ: kỹ thuật “To-Do Today,” vòng tròn thói quen, mô hình ra quyết định nhanh, quy tắc 3 mục tiêu,…
Hãy dừng việc "để mai tính". Hãy đứng dậy, tắt thông báo trên điện thoại, và viết xuống một vài điều bạn muốn làm ngay trong hôm nay. Một hành động đơn giản. Một lựa chọn mới. Một bước ngoặt nhẹ. Nhưng rất có thể, đó chính là khởi đầu cho một phiên bản mạnh mẽ hơn, sống có chủ đích hơn – mà bạn vẫn luôn mong được trở thành.
Trì hoãn – dù ở quy mô cá nhân hay tập thể đều là biểu hiện của sự không thích nghi. Mỗi lần trì hoãn một quyết định, ta có thể lỡ một cơ hội. Mỗi lần chần chừ hành động, ta tụt lại phía sau. Và điều đáng sợ nhất? Trì hoãn tạo ra một “ảo giác ổn định” – nơi con người tưởng mình an toàn trong vùng chờ, nhưng thực chất đang bị vượt mặt trong im lặng. Tại Viettel, “thích ứng nhanh” không chỉ là năng lực đối phó, mà là năng lực dẫn dắt, không đến từ cảm hứng bốc đồng, mà đến từ tư duy và mục tiêu tổ chức.
Vì thế, nếu bạn đang tìm kiếm một cú hích để thoát khỏi sự trì trệ, hãy bắt đầu bằng một hành động nhỏ. Đọc cuốn sách này. Viết lại mục tiêu của mình. Lên lịch cho một ngày làm việc rõ ràng hơn.
Không trì hoãn. Không đợi hoàn hảo mới làm để chấm dứt thói trì hoãn được cài đặt vào bộ ADN của Viettel.