Khánh Linh (Công ty Quản lý tài sản Viettel) đã đăng lúc 23:28 - 08.09.2024
Căng mình ứng phó với bão
Từ trưa ngày 7/9, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình… bắt đầu mưa to đến rất to. Hầu hết các tòa nhà phải sử dụng máy phát điện do mất điện lưới diện rộng. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão VAM, lực lượng Quản lý tòa nhà liên tục rà soát, đóng chặt hệ thống cửa, dừng toàn bộ hoạt động của thang máy, quán triệt CBNV tuyệt đối không ra ngoài trong thời gian gió mạnh.
Đặc biệt, tòa nhà Viettel Quảng Ninh lúc này với đặc thù vách kính lớn và cao, gió giật liên hồi, khung nhôm cửa tòa nhà rung lắc mạnh vì gió. Trước sức mạnh quá lớn của thiên nhiên, đội ngũ nhân sự VAM phối hợp cùng toàn bộ lực lượng đang có mặt tại tòa nhà, chằng các vật dụng, che chắn, giữ cửa chính để không sập cả hệ, hạn chế thiệt hại lớn. Sau hơn 1h nỗ lực triển khai, hệ thống cửa trước của tòa nhà Quảng Ninh đã an toàn.
Tương tự, tại Hải Phòng lúc này một số cửa đã bị bung do tác động của gió, cả đội cật lực gia cố lớp phòng tuyến cuối cùng, các tài sản có trọng lượng đều được mang ra kê chắn bão.
Anh Lê Minh Nguyên là nhân viên quản lý tòa nhà duy nhất tại Viettel Hải Phòng, sau 3 đêm không ngủ “canh bão” chia sẻ: “Khi bão đến mặc dù anh em đã triển khai hết các đầu việc chuẩn bị để ứng phó, nhưng gió quá mạnh, kết hợp với mưa lớn, những địa phận xây dựng đã lâu, tầng cao không tránh được thiệt hại. Đứng trước những đợt gió liên tục va đạp vào tòa nhà, ai cũng lo lắng và có chút hoảng sợ, nhưng mọi người đều cùng hô hào, động viên nhau cố gắng”.
Thông tin từ lực lượng trực tại tòa nhà các tỉnh liên tục gửi đến:
- Báo cáo Hải Phòng khu vực làm việc tầng 4, 6 bung cửa
- Hải Dương tầng 8 bị bung vách nhôm kính ạ
- Hưng Yên gió giật rất lớn đội bảo vệ được huy động để giữ cửa
- Quảng Yên báo cáo tòa nhà bị cây đô thị đổ làm hư hỏng biển quảng cáo, thủng mái tôn tầng 1…
- Hải Dương báo cáo nhà ăn thấm nước sập trần thạch cao…
- Hà Nam báo cáo cửa hầm bị tụt cánh! Ban chỉ huy giúp em phương án xử lý với ạ!...
Đội ngũ hơn 200 cán bộ Quản lý tòa nhà, bảo vệ, vệ sinh VAM từ các tỉnh “oằn mình” chống bão liên tục hơn 24h.
Tối ngày 7/9, bão đã di chuyển và đổ bộ vào Hà Nội kèm theo mưa lớn kéo dài, tàn phá diện rộng khu vực nội đô và ngoại thành Hà Nội. Ban Quản lý tòa nhà trọng điểm VAM huy động 100% quân số trực, ứng phó với bão.
Tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương… chưa kịp tân dụng chút thời gian bão tạm lắng để nghỉ ngơi, đội quản lý tòa nhà VAM vẫn tiếp tục trực xuyên đêm, điều hòa phải sửa, máy phát điện cần bổ sung dầu để đảm đảm bảo nguồn điện cho Tổng trạm, có gì khắc phục được đội cũng cố gắng xử lý luôn trong đêm.
Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão
Sáng 8/9, bão qua đi nhưng toàn thể lực lượng VAM tại các tỉnh chịu ảnh hưởng vẫn chưa ngơi tay. Đội quản lý tòa nhà phối hợp lực lượng bảo vệ, vệ sinh khẩn trương thống kế thiệt hại, đồng thời bắt tay vào dọn dẹp, khắc phục các thiệt hại có thể xử lý trước.
Nhờ chủ động lên kế hoạch, triển khai ứng phó bão từ sớm, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão VAM, cũng như tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các bộ phận. Hầu hết các tòa nhà Viettel khu vực chịu ảnh hưởng của bão không gặp sự cố lớn, các tòa nhà đều đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Mặc dù vậy, các tòa nhà tại khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng là nhưng nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp nhất của bão khó tránh khỏi những thiệt hại.
Nằm trên đường đi của bão số 3, các tòa nhà Viettel tại Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… gặp một số sự cố như bật gốc cây, bung trần, rơi biển quảng cáo ngoài trời…
Sau bão, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão ngay lập tức điều người trực tiếp đến hỗ trợ khắc phục tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên - là 3 nơi chịu thiệt hại tương đối nặng nề. Các tỉnh còn lại, lực lượng VAM phối hợp chặt chẽ với đội ngũ bảo vệ, vệ sinh và đơn vị nhà thầu triển khai xử lý.
Đồng chí Hoàng Tuấn Linh, Trưởng ban Quản lý tòa nhà tỉnh/huyện VAM cho biết: “Có rất nhiều việc phải làm, chúng tối ưu tiên khắc phục ngay những gì có thể, đặc biệt là đảm bảo nguồn điện, gỡ bỏ các vật dụng, chướng ngại vật, dọn dẹp, vệ sinh gọn gàng đảm bảo đi lại an toàn. Dự kiến thứ 2 đầu tuần CBNV có thể làm việc bình thường. Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, chúng tôi tiếp tục vừa sửa vừa làm”.