Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 15:23 - 24.09.2024
Còn anh Vũ Quốc Việt, một lính kỹ thuật khác từ Chi nhánh Công trình Viettel Đà Nẵng bất ngờ khi được trao tay suất cơm. Anh Việt nghĩ cảnh ứng cứu sau bão, trong những cơn mưa trắng trời của hoàn lưu, hàng quán dọc đường không mở nên anh chuẩn bị sẵn mì tôm. Nay gói mì đành gửi lại chi nhánh.
Câu chuyện của những người lính kỹ thuật Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác nhưng ăn cơm tại chi nhánh Quảng Ninh diễn trong những ngày cao điểm bão Yagi vừa qua. Trải qua hàng cả chục giờ đồng hồ ứng cứu thông tin không nghỉ, nước mưa hòa với mồ hôi trên áo, anh em kỹ thuật vẫn ấm lòng nhờ những bữa cơm đầy đủ dưỡng chất nhưng cũng không kém phần thơm ngon.
Cơm ngày bão
Có những bát cơm đầy ấy, với chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chị Lê Thị Thoa - đầu bếp tại chi nhánh Viettel Quảng Ninh - là rất nhiều nỗ lực, xoay sở trong cái thiếu thốn và những cơn gió rít, mưa giông bên ngoài.
Trong bão lũ, lực lượng kỹ thuật từ các tỉnh hướng về Quảng Ninh hỗ trợ đông đảo làm khối lượng công việc của 2 chị “bếp” tăng đột biến. Có ngày Viettel Quảng Ninh phục vụ gần 600 suất cơm, gấp 5 - 6 lần bình thường. Chưa kể nước sạch trong những ngày bão trở nên khan hiếm, làm chị Hạnh, chị Thoa phải tìm kiếm các thùng nước đóng chai ở khắp thành phố, thu gom để đủ nước nấu ăn.
Đứng trước khối lượng công việc nhân lên nhiều lần, hai chị “bếp” xác định “đóng quân” ở chi nhánh trong suốt thời gian cao điểm, đồng hành với anh em kỹ thuật. Tờ mờ sáng, khi lính kỹ thuật tất bật trên tuyến thì chị Hạnh, chị Thoa cũng đã bắt đầu quá trình sơ chế. Rồi người vo gạo, người thổi cơm, nhặt rau,… cho đến khi thức ăn đã sẵn sàng thì hai chị bếp san vào các nồi to.
“Do nhà đông anh em, mình phải chuyển phương án phục vụ theo kiểu buffet. Mỗi người một bát tô, có thể tự xúc các món phù hợp với khẩu vị và nhu cầu của mình”, chị Hạnh nói. Cứ như vậy, ngày ba bữa, suốt những hôm cao điểm của Yagi tại Quảng Ninh, không khi nào anh em kỹ thuật Viettel phải chịu đói.
“Có vất vả hơn ngày thường, nhưng không là bao nhiêu so với anh em đang tất bật ngoài tuyến. Anh em đi làm cả ngày trời dưới mưa bão rất cực khổ, phải ăn thật no, thật ngon thì mới có sức!”, bếp trưởng Hạnh bày tỏ.
Cùng nhau góp sức nối lại thông tin
Phụ trách chính công việc bếp núc cho người Viettel chống bão tại Quảng Ninh, nhưng chị Hạnh, chị Thoa không bị quá tải mà được sự cộng hưởng từ chính chồng, con và gia đình người Viettel. Trong hoàn cảnh toàn bộ tỉnh bị cắt điện và nước, trụ sở chi nhánh giống như một pháo đài kiên cố, mở rộng cửa để đón gia đình CBNV đến tá túc.
Chứng kiến sự tấp nập của những người lính kỹ thuật, những người chồng, người con trong gia đình CBNV cũng không thể ngồi yên mà sẵn sàng xắn tay áo tham gia hỗ trợ việc bếp núc. Những bữa cơm nóng sốt cũng là sự chung tay của cả lực lượng khối phòng ban, tranh thủ ngày thứ 7, Chủ nhật hỗ trợ nhau.
“Ai ai cũng nhiệt tình, chung tay gánh vác một phần sự vất vả. Người thì vận chuyển cơm, bê nước, người thì tranh thủ rửa bát, đũa… Nhiều khi chẳng cần ai bảo ai, thấy việc là tự khắc vào làm”, chị Thoa nói.
Trong mỗi trận chiến, dù là với thiên tai hay chỉ tiêu kinh doanh, những “anh nuôi, chị nuôi” vẫn luôn miệt mài gửi đi tình yêu thương trong từng suất ăn đến các đồng đội. Sự chung tay, đồng lòng giúp đỡ từ hậu phương sẽ tiếp sức cả về dinh dưỡng và tinh thần cho anh, chị, em Viettel vững tâm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.