Xuân Ninh (TCT Bưu chính Viettel) đã đăng lúc 16:34 - 06.09.2024
Trước tình hình nguy hiểm và phức tạp của siêu bão Yagi, Ban TGĐ VTPost đã tổ chức họp khẩn cấp công tác phòng, chống với các chi nhánh trong tâm bão và bị ảnh hưởng. Chủ trì cuộc họp, Phó TGĐ VTPost Phạm Văn Tuyên yêu cầu các đơn vị rà soát, xây dựng phương án phòng chống lụt bão dựa trên tối đa nguồn lực, phương tiện tại chỗ, rà soát, xây dựng phương án phòng chống lụt bão dựa trên tối đa nguồn lực, phương tiện tại chỗ.
"Chúng ta phải tiên quyết đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, sau là tài sản và phương tiện để không có câu chuyện giá như xảy ra", Phó TGĐ VTPost nhấn mạnh.
Theo đó, các đơn vị của VTPost nhanh chóng gia cố lại bảng biển, nhà kho, bưu cục, dọn dẹp vệ sinh và sắp xếp lại công cụ dụng cụ, huy động nhân sự tham gia công tác phòng chống bão, trực 24/24 trong suốt thời gian dự báo. CBNV được trang bị đầy đủ các công cụ dụng cụ như: áo mưa, bảo hộ, đèn pin, ni lông, bao tải… để bảo quản hàng hóa, đơn thư, chứng từ.
Tại VTPost Thái Bình, Giám đốc Chi nhánh Lê Văn Sao cho biết: "Ngay khi nhận được chỉ đạo, chi nhánh đã thành lập ngay ban chỉ đạo phòng chống bão. BGĐ chi nhánh cũng đã triển khai phương án gia cố, chuẩn bị các tình huống giả lập. Đặc biệt là họp triển khai đến từng bưu cục, nhân viên để nắm được sự nguy hiểm khi bão đổ bộ để giám thiểu rủi ro nhất".
Đơn vị đã chỉ đạo CBNV kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các nhà kho, bưu cục, đảm bảo không bị dột nước khi mưa bão. Các khu vực có khả năng ngập úng cao được CBNV tại đơn vị phát quang cây cỏ, khơi thông cống thoát nước, đảm bảo không bị ứ đọng làm ngập nhà.
Chi nhánh VTPost Quảng Ninh đã huy động 50% quân số tham gia trực đêm ứng phó mưa bão. Quảng Ninh được đánh giá là khu vực bão đổ bộ trực tiếp. Vì vậy, BGĐ ở đây đã liên tục chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra phương án khắc phục, trực tiếp di chuyển đến các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của cơn bão.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Chi nhánh VTPost Quảng Ninh cho biết: "Khi nhận được chỉ đạo, chi nhánh đã khẩn trương đánh gia các bưu cục. Những bưu cục như Móng Cái, Trần Phú... có lịch sử ngập lụt đều được kê cao hàng hóa bằng pallet, các bưu cục có nguy cơ cao sẽ dừng kết nối hàng hóa tại Trung tâm khai thác để đảm bảo hàng hóa. Đến hiện tại, chúng tôi đã gần như hoàn thành công tác chống bão tại các bưu cục, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản".
Tại Hải Phòng, hàng hóa được phân công phát ngay trong ngày, hạn chế tối đa tình trạng hàng tồn kho, hàng hóa còn lại tại bưu cục được phân loại gọn gàng và đưa lên pallet, giá kệ cao, tránh mưa ướt. Các trang thiết bị điện tử được xếp lên cao, ngoài camera giám sát, các hệ thống đường điện đều tạm thời ngắt đề phòng chấp điện do mưa bão. Toàn bộ các cửa hàng, bưu cục, kho được gia cố lại biển bảng, cửa chắc chắn, tránh va đạp vỡ gây tổn hại về tài sản.
Hoàn lưu cơn bão này rất rộng, có thể ảnh hưởng trên phạm vi rộng cả sâu trong đất liền như Hà Nội, Hà Nam, Lạng Sơn, Hải Dương và xuống đến Ninh Bình, Thanh Hoá. Cả Bắc Bộ và Thanh Hoá - Hà Tĩnh sẽ có mưa lớn diện rộng từ đêm 6/9, nguy cơ xảy ra mưa với cường suất lớn gây ngập lụt, lũ, sạt lở, lũ quét.
Tuy nhiên, với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phụ khẩn trương và hiệu quả), các đơn vị VTPost trên cả nước đã sớm chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó mưa bão, đảm bảo an toàn.
Ban TGĐ VTPost chỉ đảo các đơn vị cần làm tốt công tác phòng tránh bão tại chỗ với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục hiệu quả”, khẩn trương triển khai thu dọn và lên phương án giao bưu phẩm, bưu kiện đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.