Nguyễn Thị Lan Hương (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 15:12 - 04.10.2022
Pháp môn hạnh phúc - Sự nghiệp là một tập trong bộ sách Pháp môn hạnh phúc viết về cuộc sống dưới cái nhìn của một bậc Đại sư đã thành danh trong cuộc đời tu hành nhập thế của mình - Đại sư Tinh Vân. Ông luận về phương pháp sống, mà nếu áp dụng bạn có thể có cả thành công và hạnh phúc, hoặc nếu không thành công thì vẫn thấy hạnh phúc đúng theo triết lý "Tịnh độ nhân gian" - cõi tịnh độ ngay giữa cuộc sống đời thường
Tại sao lại lựa chọn đọc Pháp môn hạnh phúc - Sự nghiệp?
Ở các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc)... với sự phát triển của Phật giáo hiện đại, thì đi tu cũng là một công việc, người tu hành cũng có nguyện vọng phấn đấu đạt được các thành tựu (gọi là sự nghiệp). Bản thân tác giả - Đại sư Tinh Vân cũng là 1 nhà quản trị tổ chức, khác biệt là tổ chức tôn giáo. Ông xây chùa, mở Thiền Viện... và đã từng vấp phải nhiều tranh cãi trong xã hội (giống như Thiếu Lâm Tự).
Vậy nên, nếu đã đọc quá nhiều những cuốn sách “kỹ trị” được coi là “thực chiến” cho doanh nghiệp với bề bộn những con số, bí quyết, và logic vận hành của phương Tây thì bạn cũng nên tham khảo một góc nhìn mới sâu đậm chất Á Đông.
Nội dung của cuốn sách
Trong cuốn Pháp môn hạnh phúc - Sự nghiệp, Đại sư đưa ra những bài học ẩn dụ đặt trong bối cảnh động của các mối quan hệ, sự cống hiến, lợi ích, vấp ngã, cạnh tranh… và làm thế nào để không bị đánh gục, kiểm soát số phận, xử lý nguy cơ, vượt quá những tình cảnh ngặt nghèo…
Phần 2 có tên là Cẩm nang nghề nghiệp để người đọc thấu triệt được niềm vui, hạnh phúc đến từ chính sự cống hiến, là phương pháp sử dụng thời gian hiệu quả trong công việc, là tiềm năng lớn tự thân mà không phải ai cũng có thể nhận biết, là thái độ quyết định hiệu quả của công việc, là sự tự tin, không sợ chê bai…Tôi rất nhớ những trích dẫn khi nói về người không có tài cũng không có năng lực thì vẫn còn “một cách cống hiến, đó là bạn thấy người khác thành công, ít nhất bạn có thể khởi cái tâm tùy hỉ, nói một lời khen ngợi, hoặc nở một nụ cười,… tức là bạn đang dâng tặng niềm vui cho người khác… bấy nhiêu cũng có thể được xem là cống hiến”.
Cuốn sách cũng chia sẻ nhiều về vai trò của người lãnh đạo, triết lý dành cho người phụ tá, sự dung hòa khác biệt và đặc biệt và quan niệm về tiền bạc. Nổi bật trong cuốn sách, Hòa thượng Tinh Vân đề cao chữ NHẪN để hóa giải, tu tiến, bình tĩnh trước mọi biến cố nhưng lại kích động sức mạnh bên trong, không phiền não, không nổi sân và cuối cùng Nhẫn trở thành một thứ trí tuệ, đạt được sự quân bình về nội tâm đấy chính là hạnh phúc.
Chúng ta ứng dụng được gì cho chính mình?
Có người đo lường thành công bằng tiền tài, địa vị, danh hiệu, nhưng cũng có người coi thành công trong sự nghiệp đơn giản chỉ là một trạng thái tâm khi ta sở hữu mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Đơn giản, không có nghĩa là dễ dàng thực hiện.
Cuốn sách không kịch tính, không có điểm nhấn, hay nút thắt, có lẽ vì thế mà Pháp môn hạnh phúc - Sự nghiệp khá nhàm chán với nhiều người và cũng không phải là một tác phẩm quá xuất sắc. Giá trị tuyệt vời nhất của cuốn sách với tôi là sự hướng nội: thay vì dạy cách đối phó với thực tại khách quan thì chúng ta sẽ chăm chút hoàn thiện chính mình – khi bạn hạnh phúc thì những mối quan hệ khác cũng sẽ được cải thiện, bạn sẽ có sức hấp dẫn từ chính bên trong.