1A - Thuở cầm sợi cáp như 'nâng trứng'

Viettel Family đã đăng lúc 17:01 - 09.09.2022

Từ đơn vị Phòng không Không quân sang Viettel, đồng chí Lương Ngọc Hải (nay là Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao Viettel) được tham gia dự án 1A ngay từ đầu, cùng đội với đồng chí Đỗ Mạnh Hùng (nay là Chủ tịch HĐQT TCT CP Công trình Viettel), biệt danh là “Hùng đen”.

Thuở cầm sợi cáp như “nâng trứng”

Dọc theo đường điện 500KV, cứ khoảng 100km có 1 trạm lặp, các cán bộ kỹ thuật Viettel phải kết nối từ đó sang trạm của Viettel. Từ Hòa Bình vào Phú Lâm - Tp.HCM có khoảng 20 trạm lặp như thế, cơ bản đều nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh ngày trước, vắng vẻ và rất khó đi, chưa đẹp như bây giờ. Anh Hải và anh “Hùng đen” làm từ Hà Nội, ban đầu định đến Huế rồi trở ra, nhưng các sếp lại bảo cứ ở đấy, công ty gửi tiền vào đi tiếp lên cao nguyên Kon Tum rồi tới Sài Gòn.

Anh Hải kể, khi làm 1A, được tiếp xúc với cáp quang thấy bỡ ngỡ lắm. Hồi ấy, cáp quang là cái gì đó mới mẻ, hiện đại, cầm sợi cáp mà “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Cả Viettel ngày đó có 2 bộ máy hàn, máy đo, làm gì thì làm, nhưng ôm giữ cái máy rất cẩn thận, thao tác phải đúng nguyên tắc, đúng quy trình. Nếu cáp không sạch, hay cắt vết không vuông góc là dứt khoát không hàn được.

Máy hàn trị giá khoảng 500 triệu, máy đo khoảng 1 tỷ - cả khối tài sản lớn vào thời điểm ấy, công tác thì không có xe riêng, anh em mang ba lô đi chung xe tải với bộ đội lữ đoàn 132. Đi đến đâu mình liên hệ, thuê các đơn vị bộ đội triển khai kéo cáp, mình thì hàn và đo. Thiết bị chưa về để lắp đặt nhưng cáp thì vẫn phải sẵn sàng.

Lúc hàn măng xông đầu tiên ở huyện Chư Păh, Gia Lai, anh Hải ngồi một đầu tiến hành hàn, anh Hùng "đen” ngồi đầu còn lại để đo. Hàn xong 2 anh dùng bộ đàm alo cho nhau, chưa được lại cắt ra hàn lại, loay hoay mối hàn đầu tiên ấy mất gần 1 ngày. Dần dà, anh Hải là người hàn cáp quang nhiều nhất trên đường trục 1A. Bên bán thiết bị cũng phải công nhận mình hàn nhanh, đẹp, chất lượng. "Thực ra trước đó chẳng có nghề hay kinh nghiệm, tay nghề lên do được làm nhiều, rèn luyện nhiều", anh Hải nói.

Không chỉ kỹ năng thao tác, các chỉ tiêu kỹ thuật khi làm 1A cũng rất khắt khe. Ban điều hành cáp quang 1A yêu cầu chỉ số suy hao phải đạt dưới 0.05dp, nhưng Viettel đã chứng minh được là trong cùng 1 cuộn cáp thì đạt, còn giữa cuộn này với cuộn kia thì không thể. Đầu tiên, họ không tin, bảo làm gì có chuyện đấy, Viettel phải mời ra thực nghiệm để chứng minh. Cuối cùng, họ ngạc nhiên và đánh giá rất cao trình độ của Viettel.


Xe tải vận chuyển và chia thiết bị đi lắp đặt trạm dự án cáp quang 1A

Khoản nợ chưa trả ở trạm Q12

Sau khi triển khai xong cáp thì thiết bị về, đội của anh Lương Ngọc Hải lại đi lắp đặt đường trục 1A. Đầu phía Nam đã thông ra đến Kon Tum, ngoài Bắc đã thông vào đến Đà Nẵng. Lúc ấy, miền Trung có bão lụt rất lớn, chia cắt Quảng Nam và Đà Nẵng. Anh Hải và anh Tống Viết Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tham gia thông trạm Q12 - trạm cuối cùng ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam cũng là trạm để lại nhiều kỷ niệm nhất.

Bây giờ đến trạm Q12 dễ dàng vì có đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua nhưng hồi Viettel làm 1A, ai ra vào trạm này đều ngán ngẩm. Cách Đà Nẵng hơn 100km nhưng không có điện lưới, địa hình hiểm trở, hoang sơ, đường đá lổn nhổn, hồi ấy đi xe ô tô u-oát từ sáng đến tối mới tới nơi. Anh Hải ngồi theo xe chở toàn bộ thiết bị từ Sài Gòn ra, anh Trung đi từ ngoài Bắc vào, hẹn nhau rồi 2 xe vào trạm. Ngồi nhiều loại xe rồi nhưng cái xe anh Hải đi lúc bấy giờ cũng nhớ mãi, một loại xe tải đời cũ của Mỹ, không có cần gạt nước nên trời mưa, anh em phải với ra gạt nước bằng tay.

Cách trạm khoảng chục cây số, sốt ruột nên anh Trung chạy trước để chuẩn bị, xe anh Hải đi sau. Vừa chia tay được lúc, đến dốc Cổng Trời thì xe bị gãy trục các-đăng, nguy cơ bị trôi mất cả khối thiết bị tiền tỷ. Khu vực đó ít xe qua lại, anh Hải cùng 1 cậu nữa đi bộ lên trước để lấy xe con của anh Trung.

Được khoảng 3km, gặp 1 bác xe ôm, hôm ấy anh Hải thấy mình cũng “đen”, đường xấu, chạy được tầm cây số thì xịt lốp, đẩy được 1km tìm được hàng vá xe, đi tiếp cũng được tầm cây số nữa lại xịt. Anh em bảo bác ấy dắt xe quay lại sửa, mình đứng đó đợi. Một lúc sau, may gặp 1 chiếc xe chở công nhân đi làm đường, các anh đi nhờ lên trạm, lấy ô tô ngược ra Đà Nẵng để làm trục các-đăng. Xong xuôi lái xe quay lại dốc Cổng Trời, nhìn thấy chiếc xe vẫn còn mà mừng rơi nước mắt vì trước đó cứ sợ đêm mưa to, trôi mất xe.

Trước khi vào trạm, anh em chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm. Gặp nhau, 1 cậu ở lại trông xe kể, gần sáng, con gà gáy, cậu ấy mới lẩm bẩm nói với con gà: “Số tao còn đen hơn mày!”. Tếu táo thế nhưng lại là những kỷ niệm khó quên.

Nhớ lại đến giờ, bao nhiêu năm rồi, anh Hải vẫn còn nợ tiền bác xe ôm trên đường vào trạm Q12 hôm ấy, mấy lần cũng cố gắng liên hệ tìm lại nhưng không được.

  • 1445
  • 3
  • 1

Dự án 'để đời': Đường trục cáp quang quân sự 1A

  • 999

Viettel Hà Giang và 20 năm biến giấc mơ thành sự thật nơi địa đầu Tổ quốc

  • 132

Nghe hacker mũ trắng Viettel bật mí cách đặt mật khẩu

  • 961

Tư lệnh Quốc phòng Malaysia 'cực kỳ ấn tượng' với khí tài của Viettel

  • 280

Giám đốc Viettel Bắc Giang chia sẻ khát vọng vào Top 10 chi nhánh tốt nhất

  • 736
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua