3 kiến nghị của Chủ tịch Tập đoàn với Chính phủ để thúc đẩy kinh doanh

Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 18:39 - 19.09.2023

Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã đề xuất các giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước.

Trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo Chính phủ, Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương, Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng đã thẳng thắn nhận định tình hình 8 tháng đầu năm 2023, bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, các dịch vụ viễn thông hiện nay khá bão hoà, tốc độ tăng trưởng đang suy giảm. 

"Tuy nhiên, là một Tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, quy mô rộng cả trong và ngoài nước, Viettel đã lường trước nguy cơ, xác định đây là khó khăn chung, chủ động xây dựng các giải pháp hành động và hoàn thành tốt các kết quả, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh", Chủ tịch Tập đoàn cho biết tại Hội nghị ngày 14/9 vừa qua và khẳng định Viettel luôn mong muốn tìm ra phương hướng mới và phải thật sự khác biệt để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Cùng với những kết quả tích cực về sản xuất kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm, Viettel đã được Chính phủ và các Bộ, ngành quyết liệt chỉ đạo, điều hành tháo gỡ các cơ chế, chính sách quan trọng như phê duyệt chiến lược phát triển của Tập đoàn, cơ chế duy trì nguồn ngân sách từ 30% lợi nhuận sau thuế, các chương trình phục vụ an ninh quốc phòng,... 

Đây là những cơ chế chính sách rất quan trọng đối với Viettel, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới.

Hợp tác quốc tế tạo động lực tăng trưởng

Hợp tác quốc tế là lĩnh vực đầu tiên Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đề cập trong nội dung đề xuất của Viettel. Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn nhắc đến việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện và Viettel mong Chính phủ sẽ sớm đưa ra lộ trình rõ ràng, từ kế hoạch, nhiệm vụ và phân công các đơn vị, bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc phối hợp với các đối tác Hoa Kỳ. Từ đó, các doanh nghiệp Nhà nước có thể nhanh chóng tận dụng cơ hội này tiếp nhận công nghệ hàng đầu, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số. 

"Viettel rất mong muốn thông qua hợp tác chiến lược để đẩy mạnh hợp tác với các nước lớn như Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI, Chip, Cloud, phân tích dữ liệu và giáo dục số", Chủ tịch Tào Đức Thắng chia sẻ tại Hội nghị.

Bên cạnh việc hợp tác với các đối tác quốc tế, việc duy trì tốt cái cũ đồng thời tìm kiếm, mở rộng không gian và phát triển sản phẩm dịch vụ, thị trường mới, theo Chủ tịch Tập đoàn, là điều không chỉ riêng Viettel, mà các doanh nghiệp Nhà nước nói chung cần phải làm để có thể thúc đẩy SXKD và đầu tư phát triển ở thời điểm hiện tại.

Người đứng đầu Tập đoàn cho rằng các doanh nghiệp Nhà nước cần vừa tự lực, tự cường trong nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, đảm bảo an toàn thông tin, tạo ra những sản phẩm “Make in Việt Nam”, vừa kết hợp với hợp tác quốc tế để tận dụng tinh hoa và trí tuệ của nhân loại.  

Quote 1

Trong năm 2023, Viettel đã tham gia nhiều thỏa thuận hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Google... nhằm đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân Việt Nam, thông qua những lĩnh vực cụ thể như trợ lý ảo, giáo dục số, dịch vụ Cloud và AI...

Đẩy nhanh đầu tư hạ tầng số

Theo Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng, hạ tầng số Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế so với các nước trong khu vực, cụ thể hạ tầng di động 5G chưa được triển khai trong khi nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Phillipines đã thương mại hóa 5G từ năm 2020, Indonesia từ năm 2021.

Bên cạnh hạ tầng về 5G, trung tâm dữ liệu của Việt Nam mới chỉ bằng 15% so với Singapore, chưa có các trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn (>10.000 rack) trong khi Singapore đã có 10 trung tâm dữ liệu siêu lớn. Đồng thời, hạ tầng kết nối quốc tế của Việt Nam hiện tại có 5 tuyến, ít hơn so với các nước trong khu vực như Singapore (25 tuyến), Indonesia (21 tuyến), Malaysia (20 tuyến),...

Quote 2-1

Để Việt Nam trở thành một Digital Hub trong khu vực, lãnh đạo Tập đoàn đề xuất Chính phủ có các chính sách để thúc đẩy tiến độ đầu tư hạ tầng số quốc gia, trong đó bao gồm:

Phát triển cách chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với các doanh nghiệp trong nước đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam thay vì để doanh nghiệp chủ động đầu tư như hiện nay, việc phát triển hạ tầng số sẽ không có những đột phá trong giai đoạn tới do doanh nghiệp phải chú trọng đến lợi nhuận.

Đẩy nhanh độ đấu giá, cấp phát tần số cho 4G, 5G, đặc biệt là băng tần thấp 700Mhz để phủ sóng cho các khu vực lõm sóng, vùng sâu, vùng xa. Yêu cầu thi tuyển tần số cần cân nhắc cam kết về việc phủ sóng vùng sâu, vùng xa. Tới nay, Viettel đã có kinh nghiệm về đầu tư  tần số tại các thị trường cũng có các yêu cầu, điều kiện tương tự như Peru, Tanzania,...

Giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp Nhà nước có tiềm lực, thế mạnh trong lĩnh vực này như Viettel là đơn vị dẫn dắt, trụ cột trong xây dựng hạ tầng số.

Viettel là đơn vị hiện đang tập trung phát triển hạ tầng số từ việc phủ sóng 4G, nghiên cứu và làm chủ công nghệ 5G. Đồng thời, từ năm 2022, Viettel đã ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud với tầm nhìn “mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ có một kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây của Viettel”.

Xây dựng cửa khẩu thông minh

Ngày 26/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến lễ ký và trao Thỏa thuận khung về cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu nghị Lạng Sơn.

Trước thuận lợi này, Chủ tịch Tập đoàn đề xuất Chính phủ đồng ý chủ trương, cho phép Viettel triển khai đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh bao gồm hệ thống cửa khẩu thông minh sử dụng xe không người lái điều khiển bằng 5G, hệ thống thông quan quốc tế thông minh kết nối và đồng bộ dữ liệu hệ thống hải quan hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

"Chúng tôi tin Việt Nam là cửa ngõ rất tốt cho khu vực Đông Nam Á chuyển hàng hoá sang Trung Quốc và ngược lại", Chủ tịch Tào Đức Thắng nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn cũng chia sẻ các thế mạnh cho thấy hiện nay, Viettel là doanh nghiệp phù hợp để tham gia dự án xây dựng cửa khẩu thông minh như vị trí hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực logistic với hạ tầng kho, vận tải, chuỗi cung ứng, mạng lưới chuyển phát lớn nhất tại Việt Nam và khả năng kết nối với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor.

Quote 3-2

Ngày 30/8/2023, Viettel đã giới thiệu phương án triển khai với UBND tỉnh Lạng Sơn, theo đó, sau khi triển khai cửa khẩu thông minh, năng lực thông quan sẽ tăng từ 4 đến 5 lần so với hiện tại, chi phí thông quan giảm tương đương 50% so với hiện tại.

Ngoài 3 đề xuất về giải pháp thúc đẩy SXKD và tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng cũng đề xuất Chính phủ thường xuyên lắng nghe khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về quy định, chính sách để kịp thời phát hiện và tháo gỡ tồn tại, bất cập. Đồng thời, Chính phủ cần có quy định khuyến khích, tạo động lực và bảo vệ đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, những cán bộ dám nghĩ, dám làm ngay cả trong doanh nghiệp Nhà nước.

Sáng 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, thông điệp của hội nghị là chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tinh thần là hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp.

"Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân", Thủ tướng phát biểu.

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến và đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, trình Thủ tướng ban hành văn bản phù hợp là sản phẩm của hội nghị để tổ chức thực hiện hiệu quả, với mong muốn sau hội nghị, các doanh nghiệp Nhà nước có thêm nhiều món quà tặng Nhà nước, tặng Nhân dân.

  • 4694
  • 9

Google hợp tác Viettel phát triển giải pháp Cloud, AI và giáo dục số

  • 1585

03 lời đề nghị hợp tác được Microsoft gửi đến Viettel

  • 928

Sản phẩm của Viettel Media vào top 10 chương trình thực tế nhiều tương tác nhất

  • 268

Giá trị của Movitel: Hơn cả một nhà mạng

  • 697

Công nghệ VoIP và bước ngoặt chuyển mình của Viettel

  • 774

'Vì Viettel tôi sẽ…' không ngừng tìm kiếm chủ nhân của 35 giải thưởng

  • 465
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua