Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:41 - 18.06.2024
Trong không khí cởi mở, Chủ tịch - TGĐ Tào Đức Thắng giới thiệu năng lực của Viettel với kết quả nổi bật những năm qua trên các lĩnh vực như viễn thông, công nghệ,... Chủ tịch cho biết Viettel đang tìm cơ hội hợp tác với Australia về an ninh mạng, cáp quang biển, tận dụng giải pháp cũng như kinh nghiệm từ quốc gia châu Đại Dương. Ở các lĩnh vực khác như logistics, thương mại điện tử, Viettel cũng sẵn sàng lắng nghe đề xuất và đón nhận các cơ hội tiềm năng.
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam đánh giá cao vị thế của Viettel lúc này và cho biết phía Australia muốn tham gia nhiều hơn ở chuyển giao công nghệ. Ông Andrew Goledzinowski cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các cuộc gặp đã chỉ rõ 3 yếu tố Việt Nam cần cải thiện là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ.
Đại sứ chỉ rõ 6 khía cạnh Australia muốn hợp tác với Việt Nam, bao gồm: quan hệ chính trị song phương; kinh tế và thương mại; công nghệ và khoa học, giáo dục; năng lượng xanh; biến đổi khí hậu và cuối cùng là hợp tác khu vực. Đại sứ Australia giới thiệu bà Justin Jones, Tổng Cục trưởng Trung tâm An ninh mạng. Bà Jones cùng Đại sứ quán Australia tổ chức một lớp học tổng thể kéo dài 2 ngày về công nghệ cáp quang biển, đặc biệt về khía cạnh quả trị cơ sở hạ tầng cũng như ưu và nhược điểm.
Tại cuộc gặp với Viettel, bà Justin Jones giới thiệu về khung pháp lý của Australia, điểm qua các ngành công nghiệp quan trọng như năng lượng, lưu trữ xử lý dữ liệu, công nghệ không gian và quốc phòng, thực phẩm, vận tải... "Chúng tôi khuyến khích các công ty Australia trở thành lãnh đạo dẫn dắt ngành, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đặc biệt về an ninh mạng", bà Justin Jones giới thiệu về các công ty của Australia.
Về khả năng hợp tác với Viettel, bà Jones tiết lộ Australia mong muốn các công ty được học hỏi từ mô hình thành công như Viettel.
Đại diện Australia nhấn mạnh cáp quang biển là một trong những thế mạnh của quốc gia này. Chủ tịch Tập đoàn giao TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel sẽ là đầu mối nghiên cứu, đánh giá cơ hội hợp tác giữa hai bên. Phía Australia cũng để ngỏ khả năng mở trung tâm dữ liệu (Data Center) tại Việt Nam. Trước đó, Australia đã đầu tư mở tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia.
"Những ông lớn công nghệ như Microsoft hay Apple đặt niềm tin cao nhất vào các quốc gia có Data Center", Đại sứ Goledzinowski nhấn mạnh. Nói về 5G, Chủ tịch Tào Đức Thắng cho biết Viettel đã có giấy phép từ tháng 3 vừa qua và sẽ triển khai dịch vụ rộng khắp vào cuối năm nay.
Cuối cùng, Chủ tịch Tập đoàn cũng chia sẻ lại câu chuyện trong quá khứ khi một công ty Australia và Viettel từng thất bại trong việc tìm tiếng nói chung để hợp tác phát triển mạng viễn thông. Vì điều này, Viettel quyết định tự làm, sau đó tìm ra phương án mua thiết bị trả chậm từ nước ngoài, nhờ vậy Viettel nhanh chóng mở rộng vùng phủ, chiếm lĩnh thị phần số một Việt Nam.
"Chúng tôi thật sự đã bỏ lỡ cơ hội với Viettel sao? Thật không thể tin nổi. Nhưng không sao, mọi chuyện trong tương lai sẽ khác!", Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết.
Cách đây 20 năm, Viettel khao khát làm di động nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên dự định đi theo con đường mọi dự án viễn thông di động trước đó phải đi: Liên doanh với đối tác nước ngoài. Ở thế cửa trên, đối tác duy nhất đến từ Australia đưa ra những điều khoản dồn ép đến mức động chạm vào lòng tự trọng của những người Viettel.
Theo điều khoản đối tác đưa ra thì họ đầu tư tiền, Viettel góp vốn bằng giấy phép, thị trường, khách hàng là toàn bộ người dân Việt Nam. Nhưng chỉ khi đối tác thu đủ tiền đầu tư 250 triệu USD, họ mới bắt đầu chia lợi nhuận cho Viettel.
Không chấp nhận bị dồn ép trên chính sân nhà, Viettel đối diện với bài toán tự xây dựng mạng di động, trong khi vốn của Viettel khi ấy chỉ đủ xây trạm phát sóng di động ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhân sự của Viettel lúc đó cũng chỉ có 100 người với kinh nghiệm chủ yếu là xây lắp công trình viễn thông.
Trăn trở, đau đáu với khát vọng làm di động, nên ngay cả một cuộc nói chuyện bên lề hội nghị quốc tế cũng giúp lãnh đạo Viettel tìm ra giải pháp tháo gỡ những nút thắt. Bài toán về vốn đầu tư ít ỏi được giải quyết bằng phương án mua thiết bị trả chậm trong vòng 4 năm. Viettel bé nhỏ khi ấy có thể đàm phán được điều khoản này là nhờ tận dụng được cơ hội từ khủng hoảng kinh tế thế giới, các nhà khai thác không tiếp tục đầu tư thêm nên dư thừa thiết bị đã được sản xuất. 5.000 trạm phát sóng được đặt hàng. Nhưng đó cũng lại là áp lực đặt lên vai Viettel khi phải xây dựng nhanh chóng để đưa vào kinh doanh, có tiền trả nợ.
Bài toán về triển khai nhanh được giải quyết bằng phương án xây dựng quy chuẩn trạm điển hình để tổ chức hàng chục đội triển khai đồng loạt trên tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong vòng hơn hai năm, Viettel đã sở hữu số trạm lớn hơn tất cả các mạng khác cộng lại đã triển khai trong 10 năm trước đó, góp phần đưa mật độ điện thoại ở Việt Nam từ 4% lên 95% vào năm 2007 và hiện tại đã là 130%. Dịch vụ di động vốn bị coi là xa xỉ bỗng trở thành thiết yếu.