Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:50 - 10.01.2024
Trung tâm Không gian mạng mới đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí Tuệ nhân tạo (Viettel AI). Đổi tên này có giá trị gì đối với đơn vị và với cá nhân anh là người đứng đầu?
Việc hình thành 1 đơn vị kinh doanh về AI và Phân tích dữ liệu đã nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn, đồng thời rất phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn của Trung tâm Viettel AI trong giai đoạn hiện nay.
Từ góc nhìn của khách hàng, việc sử dụng tên cũ tạo ra ít nhiều khó khăn khi đi kinh doanh, nhiều khách hàng thường nhầm chúng tôi là trung tâm về an ninh mạng. Thực tế thì trước đây thì chúng tôi cũng đã từng làm 1 số dự án như tường lửa quốc gia, giám sát không gian mạng. Tuy nhiên, bây giờ không gian phát triển của chúng tôi đã mở rộng sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vì vậy thực sự cần 1 cái tên mới để định vị trên thị trường.
Từ góc nhìn trong nội bộ Tập đoàn, việc đổi tên cũng cho thấy sự tin tưởng của Ban Tổng giám đốc Tập đoàn với chúng tôi, Viettel AI nay đã là đơn vị chủ lực về trí tuệ nhân tạo của Viettel với tầm nhìn là đơn vị số một về AI tại Việt Nam và Top 30 khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Từ góc nhìn của CBCNV của Trung tâm, việc đổi tên này là sự mong đợi của mọi người, việc đổi tên thể hiện đúng hơn với những gì chúng tôi đang làm trong thời gian qua. Việc tuyển dụng cũng dễ dàng hơn khi những nhân sự bên ngoài nhìn nhận Viettel AI nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Sau khi mang tên mới, Viettel AI được Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn giao chủ trì sự kiện Viettel AI Day. Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ chủ trì tổ chức 1 sự kiện có quy mô cấp Tập đoàn, cảm xúc của anh thế nào?
Tôi thấy đây là cơ hội. Vì nhân sự của trung tâm giờ đã hiểu AI là gì, nhưng các doanh nghiệp, tổ chức, thậm chí chính người trong Viettel đôi khi cũng chưa rõ, hiểu cách ứng dụng AI vào công việc. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi cập nhật vể xu thế phát triển, quảng bá sản phẩm, dịch vụ AI trong nội bộ Tập đoàn. Khi truyền thông về sự kiện này, tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của khách hàng, đối tác, và người Viettel về việc đăng ký tham gia sự kiện này ra sao.
Trong thời gian gần đây, AI bùng nổ với các ứng dụng như ChatGPT, Midjourney, Stable Diffusion… giúp tạo ra các chatbot thông minh, hay sáng tạo nội dung hình ảnh, video bằng một đoạn văn bản. Sự ra đời của ChatGPT kéo theo mức độ cạnh tranh cấp toàn cầu, giữa các tập đoàn công nghệ lớn, thậm chỉ các quốc gia lớn. Sự tham gia của các Big Tech như Google, Microsoft, NVIDIA, ASUS, TWSC sẽ giúp chung ta hiểu rõ hơn các xu hướng, từ đó định hướng phát triển sản phẩm AI theo cách hiệu quả hơn.
Lợi thế của Viettel ở đâu khi phát triển AI so với Google, Microsoft, OpenAI?
Các tập đoàn lớn (Big Tech) chỉ đi nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi như mô hình ngôn ngữ lớn, Generative AI,… trên nền tảng điện toán đám mây. Nhưng việc tạo ra sản phẩm còn cần nhiều yếu tố, thành phần khác.
Ví dụ, trợ lý ảo cần module tương tác người dùng, quản lý dữ liệu, công cụ nhập dữ liệu… các Big Tech sẽ không bao giờ làm điều này. Các doanh nghiệp phải tự phát triển. Đó sẽ là cơ hội của Viettel AI. Google lúc này cũng rất muốn hợp tác với Viettel. Vì họ chỉ có công nghệ lõi, trong khi để sản phẩm đi vào đời sống, họ buộc phải có bên hiểu khách hàng, triển khai ứng dụng hiệu quả. Cả hai kết hợp cùng nhau sẽ tạo ra sản phẩm kinh doanh. Rất khó để Google tự cạnh tranh với chúng ta về việc bán sản phẩm, bởi chúng ta sẽ hiểu khách hàng của mình hơn, có giải pháp phù hợp với bài toán thực tiễn của Việt Nam, của các lĩnh vực mà chúng ta đang kinh doanh.
Theo anh, xu hướng thị trường quốc tế và trong nước về AI đang diễn ra thế nào?
Khi ChatGPT ra đời, người dùng gần như không muốn sử dụng các chatbot kiểu cũ nữa. Khi Viettel AI tiếp cận khách hàng và giới thiệu trợ lý ảo với mô hình ngôn ngữ lớn tương tự ChatGPT, khách hàng cả cá nhân và doanh nghiệp đều rất hứng thú, mong muốn đầu tư để triển khai ngay, hoặc nâng cấp sản phẩm cũ của họ.
Ngoài Chatbot, có nhiều ứng dụng AI cho công việc marketing hay sáng tạo nội dung. Ví dụ, nhân sự marketing có thể yêu cầu AI viết một khung cho sự kiện sắp diễn ra. Để làm hình ảnh, nhân sự có thể yêu cầu Midjourney thiết kế. Chính Viettel AI đã sử dụng AI để làm hình nền cho chương trình Viettel AI Day. Đội marketing hoàn toàn không cần dùng nhân sự thiết kế, thời gian thiết kế bây giờ chỉ cần 1 giờ đồng hồ từ lúc có ý tưởng đến lúc ra thành phẩm.
Viettel AI có đào tạo nhân sự sử dụng Midjourney, Table Diffusion hay các công cụ AI khác không?
Đội công nghệ của Viettel AI đang bắt đầu tìm hiểu, sử dụng, đào tạo đội ngũ marketing để sử dụng. Chúng tôi muốn nhân rộng quy mô để phát huy hiệu quả. Qua sự kiện Viettel AI Day, chúng tôi cũng muốn giới thiệu cho các lãnh đạo hiểu thêm, từ đó chỉ đạo cho các bộ phận tìm hiểu về AI. Sau đó, Viettel AI sẽ tổ chức đào tạo cho các đội chuyên môn.
Nhiều người tò mò không biết Viettel AI Day có gì thú vị, anh có thể hé lộ vài điều bất ngờ?
Có nhiều đơn vị của Viettel đã và đang nghiên cứu AI, nhưng sản phẩm lại chưa được truyền thông đủ mạnh ra ngoài. Viettel AI Day vì thế là cơ hội để làm điều đó. Lần này, nhiều đơn vị khác của Viettel sẽ cùng giới thiệu sản phẩm - thành quả của mình, như VTS với AI tự động hóa quy trình hay VTT có đại sứ thương hiệu ảo. Viettel AI chúng tôi có trợ lý ảo pháp luật, trợ lý ảo cho cán bộ công chức.
Vừa qua, Viettel vừa chuẩn hóa các khung quy trình trong công việc. Với AI của VTS, chúng ta sẽ tự động hóa được quy trình này. RPA của VTS sẽ kết hợp cùng công nghệ OCR (Nhận dạng kí tự quang học - là công cụ hỗ trợ tự động hoá các tác vụ nhập dữ liệu và số hoá giấy tờ, đặc biệt là các tài liệu định danh) của Viettel AI để hỗ trợ các cơ quan, đơn vị số hóa và tự động hóa quy trình nhanh chóng, hiệu quả.
Với VTT, việc trợ lý ảo giờ sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn mới sẽ thông minh hơn, giúp các câu trả lời được tự nhiên hơn. Chúng tôi cũng sẽ mang tới Viettel AI Day những use case (tình huống hoặc kịch bản cụ thể về cách hệ thống sẽ được sử dụng) và các sản phẩm mới khác.
Mong muốn lớn nhất của anh khi tổ chức Viettel AI Day là gì?
Chúng tôi muốn để mọi người hiểu giá trị của AI trước. Từ đó, có thể đưa ra quyết định đúng đắn và hành động quyết liệt. Lẽ dĩ nhiên, nếu chỉ nói hãy áp dụng AI vào công việc đi, không phải tất cả mọi người đều có thể hiểu ngay. Trên thế giới, có hàng nghìn use cases. Tùy các lĩnh vực, sẽ lại có những use cases hiệu quả khác nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính có 3 use cases tiêu biểu. Chúng tôi sẽ tư vấn để lụa chọn use case hiệu quả và phù hợp với bối cảnh của khách hàng nhất để làm trước.
AI không thay thế con người, việc tăng cường ứng dụng AI sẽ giúp nhân sự bớt được các quá trình làm việc lặp đi lặp lại, nhàm chán, tốn thời gian, từ đó cải thiện hiệu suất. Ví dụ, trợ lý ảo thẩm phán sẽ không giúp thẩm phán ra quyết định, nhưng có thể tự động hóa quy trình xử án. Trong quá trình làm việc, các thẩm phán phải mất thời gian điền biểu mẫu, trợ lý ảo có thể lấy thông tin vụ án để điền, hỗ trợ mã hóa bản án.
Hay trong quá trình quản trị nhân lực, AI có thể tự động đăng ký nghỉ phép cho nhân sự , hoặc chúng ta có thể hỏi các câu hỏi về chính sách lao động. Trợ lý ảo sẽ luôn ở đó, hỗ trợ bạn 24/7.
Trong năm 2024, hiệu năng của trợ lý ảo AI sẽ được cải thiện theo hướng nào?
Trợ lý ảo hướng đến việc phục vụ công việc, tức phải đảm bảo thông tin chính xác, nâng cao năng suất công việc. Ví dụ khi hỏi trợ lý ảo pháp luật về các thông tin liên quan đến luật thương mại là phải trả lời được. Gần đây, Viettel AI có triển khai trợ lý ảo cho Ban Tổ chức Nhân lực về cơ chế, chính sách của Tập đoàn. CBNV hỏi trợ lý thì sẽ nhận được câu trả lời chính xác.
Ngoài kiến thức chung, Viettel AI sẽ cá nhân hóa trợ lý ảo theo dữ liệu của ngành để hoạt động hiệu quả hơn. Viettel cũng dùng OCR để nhận diện thông tin hồ sơ ứng viên, trích xuất thông tin thiết yết để cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Đội ngũ ngành nhân lực không phải làm thủ công nữa.
Trong buổi làm việc với CEO NVIDIA, ông Jensen Huang, anh có hỏi về mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Với lời gợi ý của ông Huang, Viettel AI đã có kế hoạch gì cho năm 2024?
Nghiên cứu mô hình ngôn ngữ lớn có vài bước. Đầu tiên là đào tạo để mô hình có thể “hiểu” được tiếng Việt, sau đó là bồi đắp kiến thức chuyên môn theo từng lĩnh vực chuyên ngành. Từ đó, tích hợp với Trợ lý ảo AI và đưa vào sử dụng. Trong thời gian đầu đưa vào sử dụng, dĩ nhiên AI sẽ gặp những sai sót, nhưng chúng ta sẽ “dạy” trợ lý ảo thông qua chấm điểm hoặc like/ dislike câu trả lời. Trí tuệ nhân tạo có đặc điểm quan trọng là càng dùng càng thông minh. Vì khi chúng ta càng dùng nhiều, thì sẽ càng có thêm nhiều dữ liệu giúp huấn luyện ra các mô hình thông minh hơn, và khi mô hình càng thông minh hơn thì chúng ta sẽ sử dụng nhiều hơn. Quá trình này được gọi là HITL (Human-in-the-loop).
Có thể khẳng định: theo thời gian, AI sẽ ngày càng thông minh từ đó ứng dụng được nhiều hơn, sâu rộng hơn ở cả trong và ngoài Viettel, mở ra những không gian mới, tạo ta những giá trị mới, hướng tới mục tiêu vì con người, vì cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi và chúc sự kiện Viettel AI Day thành công tốt đẹp!