Quỳnh Nguyễn (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 15:45 - 31.12.2022
Tại Hội nghị Quân chính tổ chức vào ngày 30/12/2022, Bí thư Đảng ủy, PTGĐ Tập đoàn Nguyễn Thanh Nam đã đánh giá kết quả năm vừa qua và định hướng nhận thức, cách làm cho các lĩnh vực, đơn vị phụ trách.
Về công tác Đảng, công tác Chính trị: Năm 2022, Tập đoàn có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, tái cấu trúc bộ máy, tối ưu mô hình tổ chức nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động SXKD và vẫn duy trì nhịp tăng trưởng, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp; làm tốt việc bố trí, sắp xếp luân chuẩn cán bộ theo đúng quy định, công khai, khách quan, qua đó giúp Tập đoàn lựa chọn được những nhân sự đủ phẩm chất, năng lực phù hợp với đơn vị trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, cảnh báo tình hình, biểu hiện tiêu cực, diễn biến tư tưởng được đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Về công tác đối ngoại: Viettel là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có hoạt động đối ngoại mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trọng yếu của đất nước và phạm vi toàn cầu. Năm qua, Viettel nhận được sự quan tâm rất lớn của quốc tế, của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội. Tập đoàn đã thành lập đơn vị chuyên trách là Ban Đối ngoại, thực hiện đón tiếp hàng trăm đoàn khách trong năm 2022. Thời gian tới, Ban Đối ngoại cần nhanh chóng xây dựng hệ thống ngành dọc đồng bộ tới các đơn vị trong Tập đoàn để tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, thể hiện vai trò, vị thế của Viettel, đặc biệt là góp phần mở rộng cơ hội hợp tác, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
Về TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel: Năm 2022, VTS thể hiện sự cố gắng, chuyển biến rõ rệt, tích cực dù chưa hoàn thành chỉ tiêu. Doanh thu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 2 con số (25%) trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Doanh số tăng gấp 3 lần, trong đó Bộ/ngành tăng 5,4 lần; doanh nghiệp tăng 2,7 lần; chính quyền tỉnh/Tp tăng 1,7 lần. VTS đã mạnh dạn triển khai tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp lớn; tổ chức nhiều sự kiện được lãnh đạo Bộ Quốc phòng biểu dương.
Theo PTGĐ Tập đoàn Nguyễn Thanh Nam, 2023 là năm “lò xo bung” đối với VTS khi đứng trước nhiều cơ hội để khai phá. Các sản phẩm, dịch vụ đã được đóng gói để sẵn sàng kinh doanh như đô thị thông minh, y tế, giáo dục, giao thông,… nhất là doanh nghiệp. VTS là doanh nghiệp uy tín trong nước, có lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài về giá. VTS cần lưu ý đẩy mạnh kinh doanh nền tảng số dạng đóng gói và bán dịch vụ thay vì làm dự án “may đo” tồn nguồn lực, hiệu quả thấp; Tăng cường các sản phẩm hợp tác nhưng phải gia tăng giá trị của VTS vào sản phẩm của hãng; Tập trung vào các sản phẩm nền tảng, giao đầu mối chủ trì, làm chủ dự án, làm chủ công nghệ; Kiểm soát tiến độ, chất lượng các dự án theo đúng cam kết.
Về TCT Công trình Viettel: Kết quả SXKD năm 2022 hoàn thành ở mức cao, vượt kế hoạch tất cả các chỉ tiêu chính. VCC cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm tới. Bên cạnh lĩnh vực vận hành khai thác, VCC đã tích cực định vị thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, tổ chức hiệu quả bộ máy ở 63 tỉnh/Tp để triển khai dứt điểm các công trình.
Để tăng lợi nhuận trong mảng vận hành khai thác hạ tầng viễn thông, năm 2023, VCC cần “go global”, nghiên cứu mở rộng hoạt động ra các thị trường phát triển, có thu nhập cao. Tự hào là Towerco số 1 Việt Nam, nhưng tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng của VCC còn hạn chế, do đó cần xây dựng kế hoạch “thâm canh” chi tiết và tổ chức bộ máy kinh doanh sát với thị trường.
Về TCT Bưu chính Viettel: Tuy không hoàn thành kế hoạch năm 2022 nhưng thành công lớn nhất của VTPost là nhìn ra các vấn đề lớn, tồn tại hạn chế trong 3-5 trước đây khiến hiệu quả kinh doanh chuyển phát – lĩnh vực chính của Bưu chính bị suy giảm, buông lỏng trong thời gian dài. Vừa qua, VTPost đã xác định đây là dịch vụ cốt lõi và tập trung nguồn lực để tìm giải pháp chặn đà suy giảm doanh thu. Các chỉ số kinh doanh tốt dần lên, cải thiện thu nhập cho CBNV, tối ưu được chi phí, tạo ra niềm tin cho khách hàng và người lao động. Tỷ lệ giao hàng thành công tăng lên giúp VTPost lấy lại được nhiều khách hàng cũ. Song song với đó là tổ chức lại bộ máy CNTT để cải thiện tối ưu các hệ thống lõi chuyển phát, app/web, công cụ, phần mềm để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
Năm 2023, VTPost có nhiều cơ hội khởi sắc, nhiều không gian phát triển mới. Chính sách Zero Covid tại Trung Quốc sẽ được nới lỏng, sản lượng hàng hóa giao thương 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc tăng sẽ là cơ hội để VTPost hợp tác cung cấp dịch vụ hậu cần logistics cho thương mại điện tử xuyên biên giới. VTPost cũng có nhiều tiềm năng với các khách hàng B2B, vừa rồi đã tổ chức lại lực lượng và bước đầu có hiệu quả. Đối với các dịch vụ mới như chuỗi logistics, vận tải hàng không, kho phân phối,… VTPost cần chú ý nghiên cứu, tiếp cận triển khai vào năm tới. Đối với lĩnh vực outsource dịch vụ viễn thông, VTPost phải coi đây là hoạt động bán hàng chuyên nghiệp, đưa bán hàng trở thành một nghề.
Về Công ty Giao thông số Việt Nam: VDTC là đơn vị dẫn dắt về công nghệ và hiệu quả kinh doanh. Năm qua, VDTC đã hoàn thành kế hoạch sớm, làm tốt công tác tối ưu chi phí. Năm 2023, VDTC phải nhanh chóng phát huy lợi thế về hệ sinh thái dịch vụ, về hạ tầng viễn thông, công nghệ,… và hoạt động đúng chức năng như tên gọi. Hiện nay, dung lượng thị trường còn khoảng gần 400.000 xe trên toàn quốc chưa dàn thẻ, VDTC cần tập trung nguồn lực, phối hợp với các đơn vị VTPost, VCC, VCM đặt mục tiêu phát triển thuê bao mới để nâng thị phần ngay trong Quý 1/2023. Đồng thời, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng ePass làm tăng cơ cấu doanh thu dịch vụ VAS từ 1% lên 10%.
Phấn khởi trước thành quả của các đơn vị trong năm vừa qua, PTGĐ Tập đoàn Nguyễn Thanh Nam khẳng định Viettel tự tin bước vào năm 2023 - một năm sẽ có nhiều khó khăn, nhưng cũng nhiều cơ hội, thuận lợi. “Tuy nhiên, để tiếp tục giành thắng lợi, điều quan trọng nhất là toàn thể CBNV Viettel phải tiếp tục lao động và lao động một cách thông minh”, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn nhấn mạnh tại Hội nghị Quân chính năm 2022.