Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Viettel hãy mạnh mẽ hơn nữa’

Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 18:44 - 16.01.2024

Viettel phải tham gia tích cực vào 2 chuyển đổi lớn nhất mang tính thế kỷ của nhân loại là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tìm kiếm không gian mới phải là việc thường xuyên, liên tục của Viettel.
Viettel Family kính mời đồng chí theo dõi toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Quân chính Tập đoàn năm 2023 TẠI ĐÂY.

Hội nghị Quân chính của Viettel năm 2023 tổ chức ngày 12/1/2024, tại Hội trường cây Bao Báp, trụ sở Tập đoàn. Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tào Đức Thắng chủ trì Hội nghị với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ quản lý của Tập đoàn, cơ quan, đơn vị trong nước và các thị trường nước ngoài.

Hội nghị vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Trung tướng Vũ Văn Sỹ - Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng và các đồng chí lãnh đạo đại diện cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu trong chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng nhiều nội dung quan trọng để Viettel mở rộng không gian phát triển, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của ngành, của đất nước.

Theo Bộ trưởng, đất nước phát triển thì phải dựa vào không gian mới. Không gian phát triển mới thì chủ yếu là không gian số. Không gian mới thì cần hạ tầng mới. Đó là hạ tầng số - nền tảng để phát triển kinh tế số, phát triển đất nước.

ADS_4127

Những chuyển dịch quan trọng của ngành

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, 10-20-30 năm tới sẽ chứng kiến những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của ngành và của các nhà mạng.

Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số.

Từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số.

Từ công nghệ thông tin sang công nghệ số

Từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số.

Từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo.

Từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới.

Từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số.

Từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Vietnam (thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam).

Từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ.

Từ doanh nghiệp khai thác sang doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ứng dụng số.

Từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính.

Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển.

“Chuyển đổi thường là việc khó khăn nhất của một tổ chức, tổ chức càng lớn thì càng khó. Khó là vì chuyển đổi thì chưa mang lại giá trị ngay, lại chưa biết có thành công hay không, trong khi cái cũ thì quá lớn, lại đang rất ổn. Nhưng đó là ổn trong ngắn hạn. Còn trong trung và dài hạn, nếu như nhà mạng không chuyển đổi, không mở ra không gian mới thì sẽ không có tương lai. Nhưng cái quan trọng ở đây là, đất nước cũng vì vậy mà không phát triển được. Chưa bao giờ lĩnh vực viễn thông - CNTT - công nghệ số lại có ảnh hưởng mang tính quyết định lớn đến như vậy đối với sự phát triển của một quốc gia”, Bộ trưởng nhận định.

Khái niệm hạ tầng số của Việt Nam

Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.

Định nghĩa trên cũng mở ra các không gian mới của nhà mạng. Bộ trưởng đề nghị các nhà mạng phải luôn ghi nhớ, nghề chính của mình là nghề hạ tầng, sức mạnh chính của mình là sức mạnh hạ tầng, trách nhiệm chính của mình với đất nước là trách nhiệm hạ tầng, lợi thế cạnh tranh chính của mình là hạ tầng.

“Sứ mệnh chính của mình là sứ mệnh hạ tầng để những người khác, doanh nghiệp khác đứng trên vai mình mà kinh doanh, chứ không phải một mình mình đứng trên hạ tầng của mình”, Bộ trưởng nói.

Việt Nam không có nhiều nhà mạng hạ tầng viễn thông, hạ tầng số nhưng có hàng ngàn, hàng chục ngàn công ty làm ứng dụng CNTT. Do đó, việc định vị đúng vẫn luôn là việc đầu tiên của một doanh nghiệp. Nhất là một doanh nghiệp lớn.

Bộ trưởng cho rằng, nguồn thu chính của một nhà mạng, một doanh nghiệp hạ tầng là đến từ các dịch vụ thuê bao đăng ký, thu phí hàng tháng, chứ không phải từ các dự án thu tiền một lần.

BotruongTTTT

5G và cách kinh doanh 5G

Năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc và các nhà mạng nên sử dụng 5G độc lập (5G SA). Theo Bộ trưởng, Viettel khi làm 5G nên đặt mục tiêu tốc độ tối thiểu 100Mbps và trung bình trên 300Mbps.

Về kinh doanh, công nghệ 2/3/4G chủ yếu phục vụ B2C với những dịch vụ mà người dân đã biết. Nhà mạng không phải đầu tư nhiều để nghiên cứu phát triển (NCPT) các dịch vụ mới.

“Với 5G thì B2B sẽ là chính. Nhà mạng phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để bán cho doanh nghiệp, để chuyển đổi số các doanh nghiệp, các ngành”, Bộ trưởng định hướng.

Thị trường các ứng dụng 5G toàn cầu sẽ đạt 670 tỷ $ vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020, trung bình mỗi năm tăng 10%. Đây là không gian mới quan trọng của nhà mạng. Không có 5G thì không có tăng trưởng 10% mỗi năm, nhưng tăng trưởng 10% thì không chỉ là 5G mà là một hệ sinh thái ứng dụng 5G.

Bộ trưởng cho rằng, Viettel cần đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

“Viettel từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu tầm vóc mới của Tập đoàn. Viettel làm 5G và các ứng dụng số công nghiệp 5G cũng chính là góp phần tăng năng suất lao động cho quốc gia.

Khi chuyển từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số, nghề chính của nhà mạng cũng thay đổi. Hạ tầng thông tin liên lạc chỉ xoay quanh 3 dịch vụ: thoại, nhắn tin và data. Nhưng hạ tầng của nền kinh tế có hàng trăm ngàn, hàng triệu ứng dụng mới. Vì vậy, nghề mới của các nhà mạng là nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, nhờ đó mà các nhà mạng sẽ có tăng trưởng.

Cơ hội từ công nghiệp bán dẫn

Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử cũng chính là cơ hội để cho Viettel chuyển từ một doanh nghiệp công nghiệp - viễn thông thành một doanh nghiệp công nghệ.

Người Việt Nam có gen về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gen là quan trọng nhất, không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

ADS_4134

Phát triển công nghệ bán dẫn cũng là cơ hội Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử - viễn thông, thiết bị diện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp…), nhất là khi ngành này đang bước giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp CĐS. Công nghiệp CĐS là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam với 100 triệu dân là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, CĐS nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn.

Muốn phát triển lĩnh công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, Bộ trưởng cho rằng Viettel phải có tầm nhìn lớn hơn và một quyết tâm lớn hơn.

“Ngành công nghiệp điện tử đang lớn gấp 3 lần viễn thông. Ngành công nghiệp chuyển đổi số lớn hơn 20 lần viễn thông. Hãy nhìn vào đây nhiều hơn là nhìn vào những phân đoạn chưa đến 5%, chưa đến 10% viễn thông - là những phân đoạn vừa nhỏ vừa đông người”, Bộ trưởng gợi ý.

Viettel phải là doanh nghiệp AI lớn nhất

Năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo. AI thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Vậy nên, cứ việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để AI làm.

Bộ trưởng định hướng: “Viettel hãy phát triển các trợ lý ảo để giúp bộ ngành và địa phương chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn”.

Hiện tại, Viettel đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trợ lý ảo pháp luật trong ngành tòa án và đang tiếp tục triển khai Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức trên cả nước.

TTH_6548

AI là công nghệ cốt lõi nhất của cách mạng công nghệ lần thứ 4. Nó sẽ có mặt trong mọi hoạt động, mọi sản phẩm của kinh tế - xã hội.

“Không nắm bắt được điều này là đứng ngoài vòng của sự phát triển. Bởi vậy, Viettel phải là doanh nghiệp AI lớn nhất của Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định vai trò của Viettel trong lĩnh vực AI.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên Viettel hãy mạnh mẽ hơn nữa trong các quyết tâm chiến lược, vừa là để phát triển chính mình, vừa góp phần phát triển đất nước.

“Hãy luôn ghi nhớ và tự hào, Viettel là doanh nghiệp hạ tầng quốc gia, và đặc biệt, là doanh nghiệp xây dựng hạ tầng mới cho sự phát triển mới của đất nước, đó là kinh tế số. Viettel còn là một doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ của Việt Nam. Làm công nghiệp và công nghệ thì hãy luôn nhớ, dân sinh là 90% còn quân sự chỉ 10%”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

  • 4454
  • 15

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Mỗi thế hệ Viettel hãy kể câu chuyện của mình’

  • 5837
  • 2

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Đất nước sẽ khó khăn nếu không có những doanh...

  • 3101

Giá trị của Movitel: Hơn cả một nhà mạng

  • 594

Công nghệ VoIP và bước ngoặt chuyển mình của Viettel

  • 663

'Vì Viettel tôi sẽ…' không ngừng tìm kiếm chủ nhân của 35 giải thưởng

  • 365

Chủ tịch Tào Đức Thắng giao 6 nhiệm vụ lớn cho Mạng lưới Viettel

  • 1366
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua