Kiều Hải (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 18:47 - 23.10.2023
Ngày 17/10, Hội thảo Khai phá trí tuệ nhân tạo diễn ra tại Trụ sở Tập đoàn. Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng. Diễn giả gồm PGT.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS.TS Trần Thế Truyền - Trưởng khoa AI, Sức khỏe và Khoa học, Viện AI ứng dụng tại Đại học Deakin, Australia cùng CBNV trong Tập đoàn.
Hội thảo nhằm cập nhật quan điểm của Chính phủ trong phát triển Trí tuệ nhân tạo (chiến lược đến năm 2030); tìm hiểu xu hướng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Generative AI (AI tạo sinh) trên thế giới. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn các nhân sự chủ chốt trong lĩnh vực CNTT của Tập đoàn được kết nối, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về chủ đề AI.
Kỹ sư Viettel trăn trở về ứng dụng AI
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn tái khẳng định sức mạnh của AI trong kỷ nguyên số. Chủ tịch Tào Đức Thắng chia sẻ việc AI đã “len lỏi” vào rất nhiều hoạt động trong Tập đoàn. Đơn cử như trong kinh doanh, AI giúp thấu hiểu và cá nhân hoá dịch vụ cho khách hàng tốt hơn. Trong kỹ thuật, AI góp phần vào khai thác hiệu quả, tự động hoá, tránh sai sót. Trong quản trị thì AI phân tích dữ liệu, dự đoán, giúp Tập đoàn đưa ra quyết định chuẩn xác…
Về bên ngoài, Tập đoàn cũng được Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) giao những nhiệm vụ khó, thách thức liên quan đến lĩnh vực AI. Tập đoàn mới đây được đồng chí Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ phát triển trợ lý ảo cho công chức, viên chức, giúp công nhân viên chức cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật từ luật, nghị định, thông tư và cập nhật các nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm của các bộ, ngành…
Theo Chủ tịch Tào Đức Thắng, Viettel từ lâu đã ý thức tầm quan trọng của AI và đã đào tạo, xây dựng đội ngũ kỹ sư AI để đáp ứng các bài toán khó về mặt công nghệ cả trong, ngoài Tập đoàn. Chủ tịch nhấn mạnh việc liên tục đào tạo nên những kỹ sư, chuyên gia đầu ngành cho Viettel, cho đất nước là truyền thống của Tập đoàn, đồng thời các kỹ sư của Viettel cũng luôn trăn trở, mong mỏi để đổi mới, tạo ra những sản phẩm dịch vụ tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
“Tập đoàn rất tự hào khi có những lứa lớp kỹ sư luôn khao khát cống hiến, khao khát đổi mới. Như tại VTNet, các bạn rất trăn trở để làm sao ứng dụng AI vào các hoạt động của công tác vận hành khai thác, tạo ra dịch vụ khác biệt, chất lượng tốt, ổn định. Trong mảng kinh doanh, các bạn rất khao khát ứng dụng AI để đáp ứng những dịch vụ rất cá thể từng người dân”, Chủ tịch Tào Đức Thắng chia sẻ.
Cùng với đó, Chủ tịch Tập đoàn cho biết: “Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, ứng dụng AI để biến các máy móc, thiết bị thành thiết bị thông minh, có sự tương tác rất gần gũi với con người là một thách thức. Hay trong lĩnh vực quản trị, người Viettel đang giải những bài toán được đặt ra bởi nhà nước cho trợ lý ảo như góp phần giải quyết sự chồng chéo trong những văn bản pháp luật, hỗ trợ cho công chức viên chức trong việc xây dựng các chính sách”.
Gợi mở về công nghệ AI tại Viettel
Cũng tại Hội thảo, người Viettel đã được các diễn giả cập nhật những quan điểm, xu hướng tri thức mới về AI ở Việt Nam và thế giới.
PGS.TS Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ về chiến lược quốc gia, mục tiêu về phát triển Trí tuệ nhân tạo đến 2023 của Việt Nam, từ đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp cho các doanh nghiệp.
“Chiến lược phát triển AI của Việt Nam trong 10 năm tới là tập trung vào ngách hẹp, đầu tư có trọng điểm gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, với bài toán về quản lý xã hội, với bảo đảm an ninh quốc phòng. Đây là điều không quốc gia nào giúp chúng ta. Các bạn hãy tập trung vào nghiên cứu, giải mã và làm chủ công nghệ để từng bước chuyển giao làm chủ thay vì tập trung làm cái mới. Đây là con đường mà Viettel đang đi”, Thứ trưởng kỳ vọng.
Về bức tranh AI tạo sinh (Generative AI) hiện nay trên thế giới, PGS.TS Trần Thế Truyền - Trưởng khoa AI, Sức khỏe và Khoa học, Viện AI ứng dụng tại Đại học Deakin đã gợi mở những vấn đề mà các kỹ sư công nghệ tại Viettel cần tập trung để bắt kịp với thế giới trong cuộc đua phát triển AI.
“Trong tương lai, các mô hình AI dự báo sẽ mở rộng, tiến tới Human-level AI (AI có trình độ như con người), có thể tự cải thiện, tự thay đổi chính mã nguồn của mình để tốt lên. Để chuẩn bị cho tương lai “chung sống” cùng AI, các doanh nghiệp hãy đầu tư vào tài năng, năng lực của nhân sự, hãy phát triển thật tốt kỹ năng tự học suốt đời cũng như kỹ năng đánh giá tình huống, đưa ra quyết định”, PGS.TS Trần Thế Truyền gợi ý.
Cũng tại hội thảo, trợ lý ảo Vi An đến từ Tổng Công ty viễn thông Viettel đã có phần chia sẻ đặc biệt về bản thân và cảm nghĩ về tương lai của AI tại Việt Nam.
“Vi An tin chắc rằng với chiến lược “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, sự đầu tư ủng hộ từ lãnh đạo, tinh thần “công nghệ từ trái tim” và văn hóa số được xây dựng trong toàn Tập đoàn, Viettel sẽ nhanh chóng đưa ra các nền tảng AI mạnh nhất, tốt nhất, ứng dụng được AI trong mọi lĩnh vực tại Tập đoàn cũng như đóng góp các sản phẩm AI vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước”, trợ lý ảo Vi An phát biểu.