Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:33 - 19.08.2024
20 năm trôi qua từ ngày Viettel bắt đầu đưa dịch vụ viễn thông tới Hà Giang. Đó cũng là hai thập kỷ Viettel thực hiện sứ mệnh góp phần đưa cuộc sống của người dân địa đầu Tổ quốc tốt lên, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Giá trị của sóng Viettel
Khởi đầu của Viettel Hà Giang vào ngày 19/8/2004 khiêm tốn giống hầu hết các chi nhánh tỉnh/thành trên cả nước. Đấy chỉ là một căn nhà đi thuê cùng tên gọi “Trung tâm Viễn thông Hà Giang”. Ngày ấy, di động vẫn là xa xỉ phẩm phục vụ cho 2% dân số cùng mức phí theo phút lên tới 3.000 - 5.000 đồng, tương đương bữa sáng của một người lao động.
Với chiến lược chung lấy nông thôn bao vây thành thị, lãnh đạo Viettel đặt mục tiêu người dân ở những vùng sâu, vùng xa của Hà Giang cũng có thể tiếp cận và sử dụng với mức phí rẻ. Chỉ sau 2 năm, với nỗ lực từ toàn bộ đội ngũ, sóng viễn thông Viettel đã tràn ngập địa đầu Tổ quốc. Ai cũng có thể sử dụng dịch vụ di động.
Đời sống người dân tại Hà Giang thay đổi rõ rệt lúc này sau khi Viettel thành công phủ sóng rộng khắp địa bàn. Ông Lý Tả Dũng, người dân huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang kinh doanh chè Shan Tuyết cổ thụ tại nhà với thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm. Tất cả đều nhờ nền tảng là mạng viễn thông 4G không gặp bất kỳ trục trặc gì của Viettel. “Tôi livestream bán hàng và liên lạc với khách đều qua mạng 4G của Viettel. Từ khi mạng Viettel phổ biến, đời sống trong bản đều khấm khá hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Giang vẫn quen du canh, du cư kiếm ăn manh mún. Nhưng với sóng viễn thông Viettel ngập tràn, người dân giờ an cư lạc nghiệp, kiếm tìm ổn định và nâng cao chất lượng sống - điều gần như không tưởng vào những năm đầu thế kỷ 21.
20 năm đã đi qua từ những ngày khó khăn ấy, từ một trung tâm viễn thông nhỏ bé, Viettel Hà Giang giờ vươn mình trở thành doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu tại địa phương với quy mô doanh thu trên 600 tỷ đồng.
Đóng góp ngân sách nhà nước của Viettel Hà Giang trung bình hàng năm trên 10 tỷ đồng. Chi nhánh giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương và tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn đại lý, cộng tác viên toàn tỉnh.
Viettel Hà Giang còn có những đóng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh như: Xây dựng hạ tầng mạng lưới sâu rộng đến 11/11 huyện, thành phố, hạ tầng mạng Cố định băng thông rộng đã phủ đến 193/193 xã, phường/thị trấn, phủ sóng di động đến 95% diện tích, trong đó, phủ sóng tới 100% các đồn biên phòng và các xã, các thôn.
Không chỉ là kinh doanh
Không chỉ đảm bảo yêu cầu kinh doanh, nền tảng hạ tầng mạng lưới của Viettel Hà Giang còn đảm bảo an ninh quốc phòng, sẵn sàng cùng đất nước đi vào cuộc cách mạng 4.0. Viettel Hà Giang hiện tại có 733 vị trí trạm, 4.500km cáp quang. Dự kiến cuối 2024, vùng phủ 4G sẽ tương đương 2G, ở mức 98%.
Đến giờ, hàng trăm đoàn khách vẫn lên điểm cao 468 mỗi ngày để thăm viếng Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên. Không nhiều người biết vào tháng 10/2020, từ kết luận của Bộ trưởng Bộ TTTT và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Viettel Hà Giang nhận lệnh phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để khảo sát từ đó xây dựng trạm, kéo truyền dẫn. Kết quả chỉ sau 2 tuần, Viettel hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào việc tìm kiếm hài cốt các Anh hùng liệt sĩ trên mặt trận Vị Xuyên. Với 300 km mạng lưới phủ rộng khắp đường biên giới, Viettel Hà Giang đóng vai trò then chốt trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc từ xa.
Không chỉ đảm bảo vai trò kinh doanh và quốc phòng, với sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số” của Tập đoàn, chi nhánh Viettel Hà Giang đã triển khai các nền tảng và hạ tầng số, giải pháp chuyển đổi số tại địa phương góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về chuyển đổi số.
100% dân số tỉnh Hà Giang đã được đưa thông tin lên hệ thống hồ sơ sức khỏe của Viettel trong đó 70% đã có thông tin y tế. 100% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng phần mềm y tế cơ sở V20 do Viettel cung cấp. Toàn bộ việc ra soát kiểm định chất lượng giáo dục, trường học được thực hiện theo kỳ hạn trên phần mềm kiểm định giáo dục do Viettel triển khai trên toàn tỉnh.
Những đóng góp lớn lao vào công cuộc phát triển kinh tế cũng như xã hội giúp Viettel Hà Giang là điểm sáng của tỉnh. Chi nhánh vinh dự nhận Cờ thi đua của tỉnh vào năm 2013, 2015, 2021; đồng thời được UBND tỉnh tặng bằng khen 6 lần (2010, 2012, 2018, 2019, 2021, 2023). Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng khẳng định: "Những đóng góp của Viettel Hà Giang vào sự phát triển kinh tế cũng như công nghiệp viễn thông của tỉnh là rất quan trọng trong 20 năm qua và cả tương lai”.
Cùng với đó, Viettel Hà Giang luôn quan tâm, đồng hành với chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội như triển khai quỹ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Vì em hiếu học, Trái tim cho em, Chung tay phòng chống Covid, Xây dựng nhà tình nghĩa… Tổng giá trị các chương trình an sinh xã hội của Viettel Hà Giang lên tới 120 tỷ đồng.
Bệ phóng cho thành công của Viettel Hà Giang là đội ngũ nhân sự đoàn kết đồng lòng, không quản ngại khó khăn để vượt qua các thách thức. Hồi tháng 7, cả nước từng ấm lòng với khoảnh khắc một nhân sự Viettel không ngại hiểm nguy để cứu em bé trong cơn sạt lở ở Hà Giang. Nhân sự ấy, anh Nguyễn Đức Tài, một người lính kỹ thuật của Viettel trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Tròn 20 tuổi, Viettel Hà Giang vẫn đang hướng tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai. Giám đốc Viettel Hà Giang, anh Vũ Hồng Quân đặt mục tiêu lớn cho chi nhánh phải giữ vững vị thế doanh nghiệp di động số 1 tại tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng thuê bao cố định băng rộng, đảm bảo dẫn đầu thị trường,…
"Viettel Hà Giang cam kết đầu tư vào hạ tầng số, đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số tỉnh đã đặt ra, đồng thời đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt mọi khó khăn", Giám đốc Viettel Hà Giang nhấn mạnh.