Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 15:46 - 17.06.2024
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã phát biểu tham luận, đề xuất các giải pháp để Viettel nói riêng và các doanh nghiệp Nhà nước nói chung thúc đẩy hoạt động SXKD hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đóng góp đặc biệt của Viettel
Giữa bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và trong nước cũng đối diện nhiều khó khăn, Hội nghị nhận định, các DNNN đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của nền kinh tế Việt Nam.
Riêng năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt hơn 1,652 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Trong đó, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước của khu vực DNNN là hơn 166.000 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt hơn 823.200 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28.200 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 70.700 tỷ đồng.
Báo cáo tại Hội nghị cũng nêu rõ, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội là doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách lớn nhất trong số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng trong 5 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất của Viettel đạt gần 75.000 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch, tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế là 19.700 tỷ, lợi nhuận trước thuế là 25.500 tỷ đồng, hoàn thành 124% kế hoạch, tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu của Viettel tương đương gần 10% tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; giá trị nộp ngân sách tương đương 34% và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn tương đương tới hơn 90% tổng lợi nhuận của 19 doanh nghiệp này.
Ngoài thông tin trong báo cáo chung của Hội nghị, những kết quả SXKD nổi bật của Viettel cũng Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng trình bày cụ thể khi phát biểu tham luận. Theo đó, Viettel là một Tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, quy mô rộng cả trong và ngoài nước nên đã chủ động lường trước các nguy cơ trong 5 tháng đầu năm và xác định đây là khó khăn chung của đất nước, của ngành.
Tập đoàn đã triển khai nhiều giải pháp toàn diện, CBNV đã đặt quyết tâm cao khi hành động, nhờ đó hoàn thành tốt các chỉ tiêu SXKD, tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Ngoài tăng trưởng chung của toàn Tập đoàn, các lĩnh vực cũng đều đạt kết quả tích cực, đóng góp vào thành công chung của Viettel.
Lĩnh vực viễn thông: Tăng trưởng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 30% vào tăng trưởng của Tập đoàn, đặc biệt viễn thông nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, trên 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Lĩnh vực Giải pháp CNTT và dịch vụ số: Tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 22% vào tăng trưởng của Tập đoàn.
Lĩnh vực logistics, chuyển phát và thương mại: Tăng trưởng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 21% vào tăng trưởng của Tập đoàn.
Lĩnh vực NCSX công nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác: Tăng trưởng trên 20%, đóng góp 28% vào tăng trưởng của Tập đoàn.
Cơ cấu đóng góp trên cho thấy, việc phát triển đa dạng, đồng đều trên nhiều lĩnh vực đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tăng trưởng và tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trên phạm vi toàn cầu như Viettel.
Với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng, tiên phong trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, từ đầu năm đến nay, Viettel tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao trên tất cả các lĩnh vực.
4 kiến nghị của Viettel với Chính phủ
Tại Hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng đã đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình SXKD với đặc thù của một doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Thứ nhất, về thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài để tiếp tục tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động: Với những doanh nghiệp Nhà nước như Viettel hay PVN, nguồn tăng trưởng từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã trở thành một trong những động lực quan trọng. Tuy nhiên, một số cơ chế chính sách về đầu tư ra nước ngoài vẫn còn bất cập, nguy cơ bỏ lỡ cơ hội để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Khi đầu tư ra nước ngoài, Viettel phải cạnh trạnh với những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới như Telefonica của Tây Ban Nha, Orange của Pháp, Vodafone của Anh,… Do đó, Viettel nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung rất cần có chiến lược toàn diện và những cơ chế chính sách thuận lợi, linh hoạt để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Viettel đề xuất Chính phủ chỉ đạo, xây dựng chiến lược toàn diện về đầu tư ra nước ngoài để phát huy được tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong công tác đầu tư nước ngoài đang gặp phải.
Thứ hai, về hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước: Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã triển khai một số giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể tham gia đấu thầu, dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu. Với một số sản phẩm công nghệ cao, có yếu tố an toàn thông tin thì các chính sách này chưa đủ mạnh, chưa đủ để cạnh tranh với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới thường là các công ty có vài chục năm kinh nghiệm, có công nghệ tiên tiến, có quy mô thị trường, sản xuất hàng triệu sản phẩm, nên tối ưu được giá thành… trong khi các doanh nghiệp công nghệ của Việt còn non trẻ, mới thâm nhập thị trường, quy mô chỉ bằng 0,1% của các hãng trên thế giới nên giá thành thường cao hơn 20-30%.
Do đó, Viettel đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có chính sách đồng bộ và mạnh hơn nữa để các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp Việt được đưa vào khai thác sử dụng tại thị trường trong nước, tiến tới hoàn thiện sản phẩm và xuất khẩu.
Thứ ba, về kiến tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp Nhà nước: Các DNNN thường được tổ chức theo lĩnh vực hẹp như viễn thông, dầu khí, điện lực, hàng không… Khi các DNNN phát triển đến một giai đoạn nhất định thì không gian tăng trưởng bị hạn chế. Để tiếp tục phát triển, các DNNN cần được mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, việc tổ chức sắp xếp bộ máy, kinh doanh các ngành nghề mới, mua bán sáp nhập,… DNNN phải thực hiện theo các quy trình nhất định, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội.
Chủ tịch Tào Đức Thắng đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp “đầu đàn” chủ động hơn trong việc mở rộng không gian tăng trưởng như cơ chế cho phép các DNNN lớn được chủ động hơn trong việc triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp start up,… liên kết tạo hệ sinh thái để các doanh nghiệp cùng phát triển.
Cùng với đó, Viettel kiến nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực cho các DNNN một cách hợp lý, kịp thời, hiệu quả, dựa trên quy mô, năng lực của doanh nghiệp, xu thế công nghệ và tín hiệu thị trường,… giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn lực để phát triển.
Thứ tư, về việc hỗ trợ triển khai các dự án lớn của Quốc gia: Hiện nay, nhiều nhiệm vụ, chương trình nghiên cứu công nghệ cấp quốc gia đòi hỏi nguồn kinh phí lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, như xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất chip bán dẫn, nghiên cứu thiết bị hàng không vũ trụ,… Nhu cầu này vượt quá khả năng đáp ứng của Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ tại doanh nghiệp. Trong khi đó, việc chi nguồn ngân sách nhà nước phục vụ khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế.
Trên cơ sở đó, Viettel đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế phân bổ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ trọng điểm của Quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu tại Hội nghị; giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các báo cáo, ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp sau Hội nghị. Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn, tri ân các DNNN đã đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và mong các doanh nghiệp tiếp tục tham mưu kịp thời cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong và các bộ, ngành quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất để “mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh, thành có một Becamex”.
“Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu. đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các DNNN, nhất là những DNNN quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.