Viettel Family đã đăng lúc 16:20 - 18.03.2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, chủ trì và chỉ đạo Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cùng dự phiên họp tại điểm cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan liên quan.
Tại phiên họp, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng nhấn mạnh cam kết của Viettel trong thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc, xây dựng trung tâm dữ liệu lớn và phát triển tuyến cáp quang biển quốc tế.
Là nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam, Viettel xác định phát triển hạ tầng 5G là nhiệm vụ then chốt để đáp ứng nhu cầu truyền tải dữ liệu tốc độ cao, phục vụ quá trình chuyển đổi số toàn diện. Chủ tịch Tào Đức Thắng cho biết Viettel đã đăng ký với Bộ Khoa học & Công nghệ về kế hoạch xây dựng 20.000 trạm BTS 5G trong năm 2025. Khi hoàn thành, hệ thống này sẽ nâng tốc độ truyền tải dữ liệu lên hơn 2,5 lần so với hiện tại.
Ngay sau khi Nghị quyết 03 của Chính phủ được ban hành, Viettel đã khẩn trương thực hiện các thủ tục đấu thầu, báo cáo Bộ Quốc phòng và xúc tiến nhập khẩu thiết bị. Dự kiến, lô thiết bị đầu tiên sẽ được đưa về Việt Nam vào tháng 8/2025.
"Với số lượng lớn thiết bị như thế, chúng tôi sẽ dồn tất cả nguồn lực để đưa các trạm vào phát sóng chậm nhất là tháng 12. Đây là kế hoạch về phát triển 5G. Làm được việc này, gần như là các thủ phủ từ thành phố, huyện, khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch cơ bản chúng ta đã phủ sóng 5G tốc độ cao và 4G đến vùng sâu, vùng xa", Chủ tịch Tập đoàn khẳng định tại Phiên họp.
Bên cạnh việc phát triển mạng 5G, Viettel cũng tập trung đầu tư trung tâm dữ liệu lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và chính phủ trong công tác quản lý, lưu trữ và phân tích dữ liệu.
Tháng 4/2025, Viettel dự kiến sẽ phối hợp với UBND TP.HCM để khai trương Trung tâm dữ liệu lớn tại TP.HCM, với quy mô gấp 4 lần trung tâm hiện có tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Theo kế hoạch, trung tâm này sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2026, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng số của khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tào Đức Thắng cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ trong việc mua sắm GPU - một thành phần quan trọng để xử lý dữ liệu tại trung tâm. Do các quy định hạn chế từ Mỹ, Viettel mong muốn Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao làm việc với đối tác Hoa Kỳ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nhập khẩu GPU, đảm bảo tiến độ vận hành trung tâm dữ liệu.
Ngoài 5G và trung tâm dữ liệu, Viettel cũng tham gia vào dự án cáp quang biển quốc tế, đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường năng lực kết nối internet của Việt Nam với thế giới.
Hiện tại, các nhà mạng trong nước đã hoàn thành tuyến cáp quang biển ADC, cuối năm 2024 - đầu năm 2025 chính thức đưa vào khai thác. Viettel cũng đang thúc đẩy tiến độ triển khai tuyến ALC, phấn đấu đưa vào hoạt động năm 2026.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 193 của Quốc hội, Viettel đang hợp tác với Singapore và các nhà mạng Việt Nam để xây dựng một tuyến cáp quang biển mới, do chính các doanh nghiệp trong nước đầu tư. Tuyến cáp này dự kiến sẽ được thi công năm 2027 và hoàn thành vào năm 2028. Chủ tịch Tào Đức Thắng cho rằng với tốc độ triển khai hiện tại, chương trình cáp quang biển quốc tế của Việt Nam có thể về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Bên cạnh đó, Viettel cũng sẽ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đấu thầu, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến cáp quang biển quốc tế.