Chủ tịch Tập đoàn kiến nghị Tổng Bí thư giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Tuấn Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 10:24 - 16.01.2025

Đây là những giải pháp để doanh nghiêp công nghệ Việt nam đóng góp tích cực vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57.

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo TW về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tới dự và phát biểu tại diễn đàn.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện và có những chính sách đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua. Ví dụ như: cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; Cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; Cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; Thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược,…

Tại Diễn đàn, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã trình bày tham luận với chủ đề “Làm chủ công nghệ 5G, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam”. Trong tham luận, Chủ tịch Tào Đức Thắng kiến nghị 3 nội dung góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

ThamluanNQ57 (4)
Chủ tịch Tào Đức Thắng khẳng định: "Viettel xin hứa tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".

3 giải pháp thúc đẩy vai trò doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Chủ tịch Tập đoàn đề xuất ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới. Nghị quyết 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.

Do đó, thay mặt Tập đoàn, Chủ tịch Tào Đức Thắng kiến nghị Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của Pháp luật. Tập đoàn mong muốn có hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Kết quả sau mỗi lần nghiên cứu, dù thành công hay thất bại, đều mang lại những bài học quý báu để từ đó mau chóng đạt được thành công trong tương lai.

Nội dung thứ hai là đề xuất triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược.

Viettel kiến nghị Nhà nước sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ này để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng an ninh lưỡng dụng,… tránh việc phân bổ dàn trải, chia nhỏ.

thamluannq57-2
Chủ tịch Tào Đức Thắng mong muốn sớm có hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới.

Thứ ba, Chủ tịch Tập đoàn đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Việt Nam. Trong phần giải pháp thực hiện của nghị quyết 57 có nêu: “Có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra”, đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất trong nước. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã phát biểu tại cuộc gặp các doanh nhân thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ rằng không một tập đoàn lớn nào không khởi nguồn từ doanh nghiệp nhỏ. Các nhà cung cấp thiết bị lớn trên thế giới cũng khởi đầu từ những doanh nghiệp với quy mô nhỏ và chi phí nghiên cứu phát triển rất lớn.

Chủ tịch Tào Đức Thắng nêu vấn đề: “Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã nghiên cứu, phát triển được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà cung cấp lớn trên thế giới tuy nhiên giá thành chưa thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô, và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu công nghệ, sản phẩm mới”. Do đó, Viettel đề xuất Nhà nước sớm ban hành các quy định cụ thể để khuyến khích mua sắm, ưu tiên sử dụng đối với các sản phẩm công nghệ cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất. 

Làm chủ công nghệ 5G, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Tào Đức Thắng cũng phân tích vai trò của 5G và báo cáo Tổng Bí thư cùng các đại biểu những dấu mốc trong làm chủ công nghệ 5G của Viettel. Theo đó, mạng viễn thông 5G có vai trò quan trọng, đóng góp vào việc triển khai các chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Với tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị đầu cuối của công nghệ 5G là nền tảng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế như: Sản xuất thông minh; y tế thông minh; giao thông thông minh, giáo dục thông minh,…

Chiến lược hạ tầng số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ cũng đã xác định đến 2030 phải triển khai mạng 5G trên diện rộng, đảm bảo phủ sóng 5G đến 99% dân số. Chính vì vậy, từ những năm 2018, Tập đoàn đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ 5G, đến nay đã làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G từ thiết bị mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng vô tuyến đến thiết bị đầu cuối vạn vật với chất lượng tương đương các nhà cung cấp lớn trên thế giới.

vthanoi2

Đối với mạng lõi 5G, Viettel đã triển khai trên mạng lưới hệ thống mạng lõi 5G - 5G core, đáp ứng được các tiêu chuẩn Bộ TT&TT ban hành; hệ thống tính cước thời gian thực vOCS đã được triển khai trên mạng lưới của Viettel với hàng trăm triệu thuê bao đang hoạt động.

Đối với mạng truyền dẫn, Viettel đã sản xuất và triển khai các thiết bị truyền dẫn Site Router tốc độ 100Gbps, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải dữ liệu tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu băng thông lớn của các ứng dụng như IoT công nghiệp, AI và thực tế ảo.

Đối với trạm thu phát sóng 5G, Viettel đã nghiên cứu thành công, triển khai trên mạng lưới trạm 5G 32 thu – 32 phát, và đang nghiên cứu sản xuất thiết bị 64 thu, 64 phát trong năm 2025.

Đến nay, các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G đang được sử dụng trên hầu hết các thị trường mà Viettel đầu tư và bước đầu xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, UAE.

Ngoài ra, thiết bị viễn thông của Viettel cũng được đưa vào triển khai tại các phòng thí nghiệm của các trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông,… phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên được tiếp cận sớm với các công nghệ tiên tiến như 4G, 5G,… qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như thiết bị 5G cấp độ tiên tiến – 5G Advanced để cải tiến tốc độ, mở rộng khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực như tự động hóa công nghiệp và thực tế ảo tăng cường; Đồng thời tham gia tổ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ 6G.

"Việc làm chủ các hệ thống, thiết bị trong hệ sinh thái 5G sẽ là nền tảng để Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng. Với tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới không ngừng, Viettel xin hứa tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", Chủ tịch Tào Đức Thắng nhấn mạnh.

  • 429
  • 3
  • 1

Trí tuệ nhân tạo sẽ là trụ chiến lược thứ 5 của Viettel

  • 1153

Viettel là 'Đơn vị vững mạnh Việt Nam' và có 'Trái tim dũng cảm'

  • 1074

Great Place to Work đánh giá Viettel là nơi làm việc xuất sắc 2024-2025

  • 355

Viettel mang không gian số đến Hội nghị toàn quốc về khoa học công nghệ

  • 1344

Chủ tịch Tập đoàn kiến nghị Tổng Bí thư giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

  • 429
  • 1
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua