Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 12:00 - 31.10.2024
Workshop đã giúp các nhà báo ICT tại Việt Nam như VnExpress, Vietnamnet, Dân trí, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ, Đầu tư, Nhân dân, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ,... hiểu hơn về công nghệ 5G và chiến lược phát triển 5G của Viettel sau khi chính thức khai trương dịch vụ ngày 15/10.
Anh Hoàng Đức Thanh, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu của VTNet giới thiệu với các nhà báo về ưu điểm, lợi thế khác biệt của mạng 5G so với 4G trên thế giới, tại Việt Nam và bức tranh tổng quan cũng như lộ trình về 5G của Viettel.
Đã triển khai 63 tỉnh/Tp với vùng phủ rộng khắp từ các khu công nghiệp, du lịch trọng điểm đến cảng biển, sân bay, bệnh viện và các trường đai học lớn, Viettel tự tin 5G sẽ mang tới "cuộc sống mới" cho khách hàng với tốc độ gấp 10 lần công nghệ 4G.
Ở góc độ kinh doanh, anh Nguyễn Trọng Tính, Phó TGĐ VTT đã chỉ ra các ứng dụng 5G có thể mang tới cho khách hàng tại Việt Nam, bao gồm AR/VR, Video 4K, Cloud gaming, đô thị thông minh, y tế từ xa... Hàng loạt gói cưới 5G cho nhu cầu sử dụng dịch vụ di động, cố định cùng dịch vụ số cũng được giới thiệu tới các nhà báo 2 miền Nam - Bắc.
"Khách hàng chỉ phải trả thêm 13% nhưng được sử dụng gấp đôi lưu lượng", anh Tính khẳng định. Phó TGĐ VTT cũng giải mã nhiều thắc mắc cơ bản của khách hàng như: cách sử dụng 5G, tương quan cước phí 5G so với giá trị trường, ảnh hưởng tới thiết bị, cách kiểm tra thiết bị có tương thích với 5G,...
Phần quan trọng và hấp dẫn nhất của workshop tới khi các nhà báo đặt các câu hỏi cho lãnh đạo, chuyên gia Viettel giải đáp. Nhiều câu hỏi khó, trực diện đã xuất hiện.
Nhà báo Hữu Tuấn từ báo Đầu tư đặt câu hỏi thẳng thắn: "Sau 10 ngày thương mại, tại sao tốc độ 5G lại chậm hơn 4G, có phải do trạm ít, vùng phủ chưa được tốt?".
Anh Hoàng Đức Thanh trả lời: "Nếu thấp tải, người dùng có thể đo được tốc độ cao. Hiện tại, nhiều người dùng đang háo hức test tốc độ nên mạng 5G sẽ phải chia tài nguyên, nên tốc độ có thể chỉ ngang 4G".
Chị Nguyễn Thị Tâm, Phó TGĐ VTNet bổ sung: "Quá trình test tốc độ mạng còn phụ thuộc vào tương quan vị trí với trạm, số người test. Server dùng để test ở các bên thứ ba như Speedtest hay iSpeed sẽ đo gần và chọn server ngẫu nhiên để thực hiện tác vụ. Các server này có thể cũ, cấu hình thấp nên kết quả sẽ khác nhau. Nếu qua quá trình test, người dùng cảm thấy tốc độ thấp liên tục thì có thể liên hệ Viettel để kiểm tra".
Đối mặt với câu hỏi về công suất tối đa, bán kính phủ và Viettel đã nghiên cứu nhu cầu ra sao, có kế hoạch thêm thế nào khi đầu tư không ít vào công nghệ 5G, chị Tâm cho biết: "Quá trình nghiên cứu của Viettel với 5G kéo dài từ 2018. Từ nay đến 2030, công nghệ chủ đạo vẫn là 4G. 5G đóng vai trò song song, cung cấp ứng dụng mới trên hạ tầng viễn thông, giúp chuyển đổi số, kinh tế số, theo đúng sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của Viettel".
Phó TGĐ VTNet cũng cho biết Viettel luôn lường được việc mạng 5G phụ thuộc vào thiết bị đầu cuối, nên chiến lược của 5G sẽ là triển khai ở thành thị trước và lan tỏa dần ra nông thôn đồng bằng và nông thôn miền núi, theo khách hàng và hạ tầng 4G. Giai đoạn 1, Viettel sẽ triển khai hơn 6.000 trạm 5G phủ tới 90% dân số, năm sau phủ sâu hơn ở thành thị. Kế hoạch phát triển, mở rộng thêm sẽ được Viettel tính toán, phân tích và triển khai kịp thời dựa trên hiệu quả và tín hiệu thị trường.
Nhà báo Trần Lưu, báo Sài Gòn Giải Phóng, đặt câu hỏi 4G sẽ thế nào khi Viettel đầu tư nhiều cho 5G, liệu Viettel có làm chủ hoàn toàn 5G không hay vẫn phải đi nhập từ nước ngoài và mạng lưới 5G tập trung vào khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp.
Phó TGĐ VTNet cho biết với 4G, Viettel vẫn sẽ mở rộng mạng lưới với những khu vực sóng chưa tốt. 5G cung cấp dịch vụ tới 2 nhóm khách hàng cơ bản: cá nhân và doanh nghiệp. Hàn Quốc là một hình mẫu khi phát triển mạnh 5G mạnh với lợi nhuận chủ yếu tới từ khách hàng cá nhân khi biết cách khai thác với nhiều ứng dụng dịch vụ. Khối khách hàng doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình khai phá.
Về làm chủ 5G, chị Tâm nhấn mạnh: "Thứ nhất, với 2G, 3G, 4G, trong khi các nhà mạng khác phải thuê đối tác, chuyên gia thực hiện tối ưu thì Viettel tự triển khai, tự vận hành, tự tối ưu. Thứ hai, về khía cạnh nghiên cứu sản xuất, chúng tôi gọi là hệ sinh thái 5G thì có 2 phần lớn: các thiết bị trung tâm (mạng lõi) và thiết bị truy nhập. Với phần mạng lõi, Viettel khẳng định đã làm chủ hoàn toàn".
Đối với mạng truy nhập gồm các thiết bị vô tuyến, truyền dẫn,... Viettel sẽ từng bước làm chủ. "Hiện tại, Viettel đã sản xuất thành công thiết bị này và triển khai chính trên tòa nhà trụ sở của Tập đoàn, đã đưa vào vận hành trên mạng lưới thật tại Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận. Kết quả đo kiểm cho thấy, thiết bị 5G do Viettel sản xuất đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn của thế giới và quy chuẩn của Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, có 10 - 15% thiết bị tự sản xuất trong mạng lưới và Viettel dần dần sẽ tăng tỷ lệ % đó lên", Phó TGĐ VTNet chia sẻ.