Cổ tích về 1A - đường trục 'thần thánh' của Viettel

Viettel Family đã đăng lúc 18:25 - 09.09.2022

Năm 1999, Viettel hoàn thành đường trục cáp quang 1A với dung lượng 2,5 Gbps và là kỳ tích của Viettel khi áp dụng thành công sáng kiến thu, phát trên một sợi quang. 1A được coi là đường trục “thần thánh” của Viettel vì nó là điểm khởi đầu cho nhiều thành tựu lớn sau này trong lĩnh vực viễn thông.


Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) thuyết trình phương án triển khai đường trục 1A

Đường trục 1A có tất cả 10 sợi quang dọc theo đường điện 500 KV Bắc - Nam. Trong đó, EVN được 4 sợi, nhưng chỉ dùng 2 sợi hoạt động, để 2 sợi dự phòng. VNPT cũng được 4 sợi và sử dụng với công thức tương tự. Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Thông tin Liên Lạc hồi đó rất tích cực vận động nên xin được 2 sợi dư thừa còn lại với lời hứa: xây dựng một đường trục dành riêng cho quân đội mang tính bảo mật cao nhất.

Khi đó, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phạm Văn Trà chỉ thị: Nếu độ an toàn, bảo mật cao nhất thì người Việt Nam phải tự làm, không thuê Tây làm. Mệnh lệnh đã ra và nhiệm vụ của những người lính Viettel là tìm cách vượt qua. Bài toán được đặt ra với 2 điểm chính: vừa thu vừa phát trên 1 sợi, và người Việt phải tự làm.

Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, khi đó Viettel chưa từng có một chút kinh nghiệm gì về việc này. Nhưng “quân lệnh như sơn”, trên đã giao nhiệm vụ thì cứ tiếp nhận. Qua tìm hiểu sau đó, công nghệ thu phát trên 1 sợi quang không phổ biến, nghe nói có 2 nơi dùng: 1 là ở Mỹ, 1 ở bên Anh. Sau đó nghiên cứu kỹ thì biết Mỹ chưa áp dụng còn ở Anh cũng chỉ dùng có 1 tuyến dài khoảng 200 km gì đó. Ở Châu Á thì không có nước nào triển khai cả. Trong khi đó, Viettel cần phải triển khai cả một đường trục Bắc - Nam, khoảng gần 1.500 km như vậy.

Đồng chí Lê Hoài Nam (nay là Phó Giám đốc Viettel IDC) được nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Mạnh Hùng giao soạn giáo án trong vòng 1 tuần với mục tiêu giúp đội ngũ Viettel và các cán bộ kỹ thuật của các quân khu, quân đoàn tham gia đào tạo hiểu được công nghệ truyền dẫn thu phát trên cùng 1 sợi.

Đào tạo xong nhân sự, khi bắt tay vào lắp đặt, đội ngũ kỹ thuật của Viettel lại gặp phải khó khăn lớn. Để có thể cấu hình và khai thác được đường trục, Viettel phải mua phần mềm của Israel với giá rất đắt. Không đủ tiền, Viettel chỉ có thể mua được 3-4 bộ phần mềm cùng thiết bị có khóa mã, trong khi có tới 21 điểm mạng cần triển khai đồng loạt. “Thế là tôi phải tìm cách riêng để nhân bản những cái máy đó lên, cung cấp cho đội lắp đặt”, anh Nam nhớ lại.

Trên xe của những người đi triển khai đường trục lúc ấy chỉ toàn là sách. Bí ở đâu, các anh lại mở sách ra đọc, tra cứu, bí nữa thì chạy ra khỏi cái trạm mấy chục km đến nơi có sóng điện thoại di động để gọi cho chuyên gia ở nước ngoài tham khảo. Cuối cùng cũng có cách triển khai.

Hai tháng cuối cùng của dự án, Thiếu tướng Hồ Tri Liêm - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc lúc đó đã gần như dừng lại mọi công việc điều hành, để lên tuyến cùng anh em đi thông tuyến. Trong những ngày cuối cùng, đồng chí Tư lệnh nói với những người lính Viettel về quyết tâm của mình một cách rất tếu táo: “Các cậu làm gì thì làm, tôi đã mang quần áo theo đây rồi. Một là về, hai là ở trên này với khỉ!”.

Đến lúc thông tuyến, Viettel chia làm 3 nhóm, anh Tống Viết Trung (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn) ở miền Trung, anh Lê Đăng Dũng (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn) ở miền Nam, còn anh Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn) ở miền Bắc. Những việc thông tuyến đầu tiên là ở miền Bắc, có cả Tư lệnh cùng các quan chức của Bộ vì dự án này rất quan trọng, anh Nguyễn Mạnh Hùng làm loay hoay suốt từ sáng đến chiều mà không thông được. Đồng chí Tư lệnh cứ đi ra đi vào, đến một lúc nghe chừng căng thẳng quá, đồng chí Tư lệnh gọi giật hỏi: “Cậu có hút thuốc không?”. Anh Hùng bật cười gật đầu, thấy đồng chí Tư lệnh còn căng thẳng hơn cả mình. Quân tướng chia nhau điếu thuốc, may thế nào sau đó 30 phút thì thông mạng.


Tư lệnh Hồ Tri Liêm kiểm tra thông tuyến cáp quang 1A

Theo lời kể của anh Lê Đăng Dũng, khi triển khai đường trục 1A, Viettel phải làm việc với rất nhiều đối tác nước ngoài cung cấp công nghệ cáp quang để tìm giải pháp cho đường trục chỉ có 2 sợi, rồi làm sao để thuyết phục được Hội đồng khoa học của Bộ Quốc phòng chấp nhận công nghệ này. Rất nhiều cuộc họp đã diễn ra, mâu thuẫn cũng có, năn nỉ cũng có.

Để chứng minh là công nghệ này chạy được, các cán bộ của Viettel đã sang tận Anh làm việc với những nhà cung cấp dịch vụ để lập cấu hình trong phòng thí nghiệm. Thực lòng khi ấy, người Viettel không còn con đường nào khác, bắt buộc phải lựa chọn công nghệ đó. Đây là dự án của quân đội, bí mật quốc gia, không có đối tác nên Viettel phải học đi học lại, thiết kế đi thiết kế lại, thử đi thử lại nhiều lần trong phòng thí nghiệm. Chỗ nào không có điện phải dùng pin mặt trời, chỗ nào phải dùng máy nổ, Viettel lại phải giải bài toán tích hợp thiết bị của các đối tác khác nhau để làm sao cho đường trục hoạt động.

“Kỷ niệm đẹp nhất, sâu sắc nhất về đường trục 1A là khoảnh khắc chúng tôi ôm nhau khi gọi được cuộc gọi thông suốt từ Tp.HCM ra Hà Nội. Chúng tôi vẫn luôn cám ơn dự án 1A và những người tham gia xây dựng tuyến cáp này. Bài học lớn nhất của 1A chính là tự lực cánh sinh. Tuyến cáp đã củng cố niềm tin rằng chúng tôi hoàn toàn có đủ trí tuệ để làm những dự án lớn. Sau khi có đường trục này rồi, Viettel mới mạnh dạn làm dịch vụ VoIP 178”, anh Dũng nhớ lại.

Đường trục cáp quang quân sự 1A đã tạo nên tiền đề phát triển cho Viettel. Đây cũng khối tài sản lớn đầu tiên do Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc giao cho Viettel quản lý, điều hành.

Hoàn thành xong đường trục Bắc - Nam này, Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy đã lên xin ý kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Chính phủ cho nhận xét về chất lượng, các lãnh đạo đều đánh giá tốt, nghe rõ và đảm bảo bí mật.

1A - Thuở cầm sợi cáp như 'nâng trứng'

  • 1

Khoảnh khắc đẹp của đường trục lịch sử 1A

Những cột mốc sinh tử: 1A - Dựng kỳ tích từ quyết tâm làm điều không tưởng

Viettel nghiên cứu đầu tư trung tâm logistic tại Nam Ninh, Trung Quốc

Tập đoàn thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin

3 từ đồng nghiệp dành tặng Viettel Family

Viettel cam kết đưa Bệnh viện 175 là bệnh viện mẫu trong toàn quân

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua