Viettel Family đã đăng lúc 09:04 - 15.05.2024
Năm 1995, Viettel được cấp giấy phép kinh doanh bưu chính viễn thông; nhưng đến năm 1997, Viettel mới kinh doanh dịch vụ đầu tiên là bưu chính. Loay hoay mãi vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường viễn thông. Một số dự án như: cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài trong nước, đường dài quốc tế, làm di động, internet, liên kết sản xuất thiết bị… đã được lập ra nhưng đều không khả thi. Phần vì giá trị đầu tư quá lớn trong khi vốn không có; phần vì chưa tạo được sự tin tưởng năng lực bộ máy.
Sau nhiều lần hội họp, thảo luận, có những lúc “tranh luận nảy lửa” đã nổ ra, mỗi người một ý, rồi hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng”, mất đoàn kết nảy sinh, khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều năm sau khi xin được giấy phép vẫn chưa triển khai được dịch vụ viễn thông nào. Có ý kiến cho rằng nên chọn dịch vụ di động trước. Tuy nhiên trong điều kiện cơ sở vật chất Công ty còn nhỏ bé; việc triển khai dịch vụ di động trước là không khả thi. Cần phải có kế sách “lấy ngắn nuôi dài”.
Trong “cái khó, ló cái khôn”, đến năm 2000 Viettel tìm ra giải pháp kinh doanh viễn thông đường dài, với công nghệ mới VoIP phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Công ty lúc bấy giờ.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn (lúc đó là Phó phòng Đầu tư) kể: “Một buổi chiều cuối năm 1999, sau giờ làm việc, tôi và anh Nguyễn Mạnh Hùng (lúc đó là Trưởng phòng Đầu tư, nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) ngồi bàn với nhau: Dù đang bế tắc, nhưng vẫn phải thử thêm một lần nữa xem có cách nào để tham gia thị trường viễn thông hay không? Ta chọn dịch vụ dễ làm, đầu tư ban đầu thấp, nhưng phải là công nghệ mới để làm xem sao? Và rồi, sau một đêm suy nghĩ, chúng tôi quyết định chọn dịch vụ điện thoại đường dài trong nước, sử dụng công nghệ VoIP làm dự án đột phá",
"Dự kiến mức đầu tư dự án không quá lớn (khoảng 10 tỷ đồng) nên có khả năng thuyết phục được Ban Lãnh đạo Công ty. Công nghệ này thế giới đã sử dụng đạt chất lượng, chúng ta có thể chứng minh ở Việt Nam công nghệ VoIP là dịch vụ hoàn toàn mới, tạo ra được một mức giá cạnh tranh với dịch vụ truyền thống mà VNPT đang cung cấp. Đây là căn cứ, cơ chế để Tổng cục Bưu điện chấp thuận. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi lên gặp Ban Lãnh đạo Công ty và được đồng ý ngay”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhớ lại.
Ngay trong tháng 1 năm 2000, công văn xin cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đường dài, sử dụng công nghệ VoiP 178 đã được trình lên Tổng cục Bưu điện. Không ít ý kiến phản đối ở Tổng cục Bưu điện và trong ngành bưu chính viễn thông. Khi đó Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện còn kiêm Tổng Giám đốc VNPT, chính đồng chí này đã nói với cán bộ Công ty: “bên em có bao nhiêu cán bộ, nhân viên kỹ thuật, chuyển sang bên này (VNPT) bọn anh nhận hết, các em xin kinh doanh làm gì”. Trong bối cảnh viễn thông ở thời kỳ độc quyền, việc để một Công ty Viettel “tý hon” cung cấp dịch vụ cạnh tranh với “người khổng lồ” VNPT là rất khó chấp nhận, rất khó thành công và cũng là một quyết định không hề dễ dàng.
Song, đồng chí Mai Liêm Trực, khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã rất công minh, nắm bắt xu thế phát triển tất yếu của ngành viễn thông nước nhà trong thời kỳ đổi mới đất nước, nên đã nhanh chóng ký giấy phép cho Viettel cung cấp dịch vụ VoIP 178 đúng vào ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - ngày 03 tháng 02 năm 2000.
Đây là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được cấp phép lúc bấy giờ. Với hơn hai tỷ tiền vốn, các lãnh đạo của Viettel khi đó vượt qua bài toán về đầu tư bằng phương án mua trả chậm thiết bị từ đối tác nước ngoài. Giấy phép đã có, thiết bị đã sẵn sàng, người Viettel bước vào cuộc đua triển khai hạ tầng để đảm bảo thông đường dây vào ngày vận hành chính thức: 15/10/2000.
Ngay sau đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã cử một nhóm 5 cán bộ kỹ thuật có trình độ nhất sang học tập kinh nghiệm VoIP tại Hong Kong với thời gian 1 tháng. Đây là Trung tâm Đào tạo của Hãng Viễn thông Lucent Technologies (Mỹ), tại Văn phòng Châu Á. Nhân sự gồm các đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (Trưởng phòng Đầu tư), Lê Đăng Dũng (Phó Phòng Đầu tư), Lê Đức Hoàng (Trợ lý Phòng Đầu tư); Tạ Hồng Cương (Trợ lý Phòng Đầu tư), Đặng Trần Hùng (Trợ lý Chi nhánh Miền Nam).
Sau 8 tháng đàm phán, kết nối với VNPT và mua sắm lắp đặt thiết bị, 0h ngày 15 tháng 10 năm 2000, dịch vụ điện thoại đường dài công nghệ VoIP được cung cấp thử nghiệm tuyến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; sau 6 tháng thử nghiệm được đánh giá là thành công toàn diện. Và tiếp đó 3 năm, Viettel kiên trì đàm phán kết nối với từng Bưu điện tỉnh thành trong cả nước. “VoIP 178 - Mã số tiết kiệm của bạn” nhanh chóng trở thành nổi tiếng và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt với giá cước giảm gần 50% so với giá cước gọi đường dài truyền thống.
Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử, đưa Viettel từ “thân phận” công ty làm thuê sang địa vị một công ty “làm chủ”.
Với hai đầu kết nối Hà Nội và TP HCM thông qua 4 luồng, trong thời gian đầu, tổng đài 178 của Viettel chỉ có thể kết nối đồng thời 120 cuộc gọi Bắc Nam. Là dịch vụ mới, lại được thực hiện bởi doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm triển khai kinh doanh, những hiểu biết về luật pháp, đấu soát, back-office chưa từng kinh qua…, người Viettel đã phải vượt qua những ngày cuối của năm 2000 với bộn bề khó khăn và thử thách.
Nhưng vượt trên mọi trở ngại, 178 thành công, mang về cho Viettel những nguồn lực rất lớn. Từ kinh nghiệm triển khai tại Hà Nội và TP HCM, Viettel mở rộng dịch vụ 178 tới 62 tỉnh thành khác (lúc đó Hà Nội và Hà Tây chưa sáp nhập), và nhanh chóng hoàn vốn chỉ sau 9 tháng đưa vào khai thác toàn mạng. Nguyên Chánh Văn phòng Viettel Phan Hữu Vinh nhớ rằng “mỗi ngày, người Viettel mở mắt ra đã có 3 tỷ đồng – con số lớn hơn cả vốn tích góp qua nhiều năm làm thuê của Viettel trước khi bắt đầu với 178”.
Dịch vụ viễn thông đầu tiên này mang lại cho Viettel dòng doanh thu lớn gấp hàng chục lần những năm trước đó, và bắt đầu có tích lũy vốn chuẩn bị cho việc cung cấp các dịch vụ viễn thông. Sau đó 1 năm, ngày 5 tháng 12 năm 2001, Viettel tiếp tục cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế, việc ký kết hàng trăm hợp đồng kết nối với đối tác viễn thông nước ngoài đã đưa tên tuổi Viettel ra thế giới. Nhờ dịch vụ VoiP này, Viettel đã phát triển rất nhanh các nguồn lực tài chính, con người, kinh nghiệm. Thực tế đã chứng minh quyết định trên là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế công nghệ và hoàn cảnh nước ta, đánh dấu một sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử ngành Viễn thông Việt Nam có 2 doanh nghiệp cùng kinh doanh viễn thông.
Trong trí nhớ của đồng chí Lê Đức Hoàng – nguyên Giám đốc Viettel IDC – những cuộc họp đầu tiên của phòng đầu tư Viettel nói về dự án VoIP trong căn phòng cấp 4 trưng dụng của Binh chủng thông tin liên lạc năm 2000 đầy ắp không khí lo lắng, nhưng sôi nổi. “Chúng tôi xác định dự án chỉ 50/50, bởi anh em đều mơ hồ về làm dịch vụ viễn thông. Sau đó, 5 người được cử đi học ở Hong Kong trong 3 tuần để nắm bắt kỹ thuật về đấu nối dịch vụ mới, là phụ trách kỹ thuật đầu tiên của Viettel về dịch vụ này, chúng tôi - những người lính Viettel đã phải trải qua rất nhiều khó khăn do công nghệ mới nhưng thiết bị cũ (đi đào tạo được học trên thiết bị mới, nhưng về làm lại phải thực hiện trên thiết bị cũ), thiếu vật tư dự phòng và thời gian triển khai gấp rút",
"Người kỹ thuật viên của VoIP 178 lúc đó cũng không hiểu hết rằng hệ thống này chính là bước đệm đưa Viettel từ kẻ làm thuê lên thành người làm chủ, bước vào địa hạt kinh doanh, nơi trục trặc thiết bị đồng nghĩa với việc mất tiền. Người Viettel khi ấy ăn ngủ cùng máy, thậm chí một tuần có tới 6 ngày ngủ lại phòng máy, trực kỹ thuật, chỉ có 1 ngày để về thay quần áo khác", đồng chí nói.
Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) khẳng định: “VoIP là kế sách “Lấy ngắn nuôi dài”, trước mắt có kinh phí trang trải và bổ sung lực lượng, tích lũy để tiếp tục triển khai các dịch vụ viễn thông khác. Đây cũng là lần đầu tiên Viettel bắt tay vào làm những việc chưa từng có như: marketing, quảng cáo, thu cước, phát triển hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng. VoIP 178 là một quyết định sáng suốt, là dấu ấn lịch sử quan trọng; mở ra trang mới trong lịch sử phát triển của Viettel”.
Đến năm 2004, Viettel ra đời dịch vụ di động với đầu số 098, và đây cũng là năm khép lại dịch vụ 178. 178 đã trở thành dấu son đánh dấu việc Viettel khởi tạo một thực tại mới cho chính mình (chuyển từ làm thuê sang làm chủ) và một thực tại mới cho ngành viễn thông Việt Nam (gọi điện thoại cố định đường dài từ giá cao sang giá thấp hơn).
Còn đồng chí Vinh gọi VoIP là “con voi sữa” – sản phẩm đã tạo nên thời kỳ tích luỹ vốn quan trọng cho Viettel, là bước đệm xâm nhập vào địa hạt di động cùng kỷ nguyên phát triển bùng nổ.
“Dù Viettel có thiên thời, địa lợi, nhân hoà, nhưng bởi chỉ có ở đó, những người trí thức, am hiểu kỹ thuật đi làm thuê lại khát khao làm giàu vươn lên thì tổ chức ấy mới thành công được. Muốn làm giàu thì phải làm chủ, và từ VoIP, Viettel đã chính thức làm chủ, tạo nên kỳ tích như bây giờ”.