Việt Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 16:33 - 04.06.2024
Từ ngày 23 - 29/5, đoàn đã thăm, tặng quà tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Nhà giàn DK-1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Cùng đi với các thành viên Viettel trong chuyến công tác đặc biệt này có Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân; đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Vũ Hải Sơn, Cục trưởng Cục CNTT, Kho bạc Nhà nước Việt Nam; chỉ huy các đơn vị trong Quân chủng Hải quân và nhiều đại biểu đến từ các đơn vị khác.
Bên cạnh thăm hỏi, động viên quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, chuyến đi có ý nghĩa quan trọng khi diễn ra vào dịp kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tập đoàn. Lãnh đạo và CBNV Viettel khi tới Trường Sa sẽ thêm trân quý cơ hội được làm việc, cống hiến cho đất nước, cho quân đội. Những trải nghiệm quý giá như chuyến đi này là điều mà không nhiều doanh nghiệp có được.
Đúng 7h30 ngày 23/5, đoàn khởi hành trên tàu kiểm ngư KN491. Ba tiếng còi tàu chào đất liền gợi lên sự háo hức, đồng thời cũng không khỏi khiến cả đoàn bồi hồi khi vẫy tay chào tạm biệt đội nghi lễ vùng 4, chính thức tạm biệt đất liền.
Trong chuyến hải trình này, đoàn ghé thăm 7 đảo bao gồm: Song Tử Tây, Cô Lin, Sinh Tồn, An Bang, Đá Đông C, Đá Tây A và Trường Sa Lớn. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác là đảo Song Tử Tây. Vì tàu lớn, đảo lại có diện tích và điều kiện hạn chế, vì vậy các thành viên phải di chuyển thành nhiều chuyến bằng cano nhỏ để lên đảo.
Sự đón tiếp hết sức ân cần, chu đáo của các chiến sỹ, cũng như dân cư trên đảo làm vơi đi hết cái nắng chói chang của mùa hè tại nơi biển đảo xa xôi. Cảm nhận đầu tiên về cảnh vật nơi đây là sự sạch sẽ, gọn gàng. Đảo còn khá hoang sơ, cây cối ở đây cũng khá khô cằn vì thiếu nước. Trao đổi với các chiến sỹ, đoàn được biết từ tháng 11/2023 đến nay đảo chưa có được một cơn mưa đúng nghĩa nào. Đoàn cũng đã tới dâng hương tượng đài Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây.
Từ ngày 25 - 27/5, đoàn tiếp tục đi thăm các đảo Cô lin, Sinh Tồn, An Bang, Đá Đông C, Đá Tây A. Khi di chuyển ngang qua bãi đá Gạc Ma, một buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức ngay trên sân đáp trực thăng của tàu. Tất cả hơn 200 thành viên của đoàn công tác đều xúc động khi nghe câu chuyện về 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong các đảo đoàn đi qua, chỉ có 4 đảo nổi là Song Tử Tây, Sinh Tồn, An Bang và Trường Sa Lớn. 3 đảo Cô lin, Đá Đông C và Đá Tây A đều là những đảo chìm với điều kiện vật chất ít ỏi. Thông thường, các hệ thống đảo chìm đánh dấu chủ quyền đều gồm hai nhà nổi kiểu nhà ống, được liên kết với nhau bằng hệ thống hành lang được xây kiên cố để phục vụ di chuyển giữa hai nhà. Riêng ở Đá Đông C, nơi còn đang được hoàn thiện, thì mới chỉ có nhà chính - nơi gắn bia chủ quyền, phần công trình còn lại đang được xây dựng.
Do đó, đoàn phải chia tốp nhỏ ra, thay phiên nhau tới thăm các chiến sĩ thay vì gần 200 con người tiến vào cùng một lúc. Được trải nghiệm cuộc sống khó khăn, vất vả của những chiến sĩ đang còn độ tuổi mười tám đôi mươi, đoàn công tác không khỏi xúc động, có những người khóe mắt đẫm lệ.
Sau khi ghé thăm các đảo Colin, An Bang, Đá Tây A, đoàn dừng chân tại đảo Trường Sa Lớn, "thủ phủ" của huyện đảo Trường Sa. Tại đây, đoàn đã được tiếp đón với nghi lễ chào cờ đặc biệt. Vẫn bài Quốc ca ấy, vẫn đứng dưới màu cờ ấy nhưng cảm xúc khi thực hiện nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn là một cảm giác khác biệt hoàn toàn, khơi gợi nên cảm xúc mãnh liệt, xúc động trong từng người, trong từng nhịp đập trái tim, từng hơi thở.
Đồng chí Trương Quang Việt, Phó TGĐ VDS chia sẻ với Viettel Family: "Lễ chào cờ ở Trường Sa thực sự là một sự kiện hết sức thiêng liêng cho những người được tham gia, chứng kiến. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới hòa trong tiếng nhạc, lời hát của Tiến quân ca, tôi không thể không xúc động, nghẹn ngào, có những lúc tiếng hát không thể cất lên. Tự hào lắm khi được đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Việt Nam trên biển Đông, không chỉ là nơi đánh dấu lãnh thổ, chủ quyền trên biển, mà còn là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của con người, ý chí sắt đá của quân, dân Việt Nam đang ngày đêm bám đảo".
Tổng số quà tặng bằng tiền mặt và hiện vật được Bộ Tư lệnh Hải quân, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Viettel và các cơ quan, đơn vị trao tặng đến quân, dân các đảo, Nhà giàn trong chuyến thăm này trị giá hơn 3,3 tỷ đồng. Trên hành trình tới các đảo, đoàn công tác đã duy trì thực hiện tốt phong trào thi đua đột kích: Đoàn kết - Nghĩa tình - Lập công - Quyết thắng với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa, trong đó có cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo Tổ quốc.
Bản tin Chào buổi sáng đưa tin về chuyến thăm & làm việc của đoàn công tác tại Trường Sa.