Sự kiện đã kết thúc. Viettel Family sẽ cập nhật các thông tin chính, các tri thức được chia sẻ mới nhất của Hội nghị tại bài viết này. Kính mời đồng chí theo dõi.
Viettel Family đã đăng lúc 10:41 - 15.04.2025
Sự kiện đã kết thúc. Viettel Family sẽ cập nhật các thông tin chính, các tri thức được chia sẻ mới nhất của Hội nghị tại bài viết này. Kính mời đồng chí theo dõi.
Giải bài toán bảo vệ khách hàng nhưng không xâm phạm quyền riêng tư
Anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc đối tác, Công ty An ninh mạng Viettel chia sẻ về biện pháp xác định tin nhắn lừa đảo nhưng không xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng: "Để bảo vệ quyền riêng tư, chúng ta có thể xử lý hoàn toàn dữ liệu trên thiết bị của người dùng, tránh việc thu thập thông tin nhạy cảm lên hệ thống bên ngoài. Ngoài ra, cần xây dựng một khung chính sách rõ ràng, minh bạch, trong đó khách hàng và thuê bao đồng ý chia sẻ thông tin cần thiết để phát hiện lừa đảo. Các giải pháp phải được thiết kế để bảo vệ dữ liệu của người cung cấp thông tin. Ví dụ, trước khi tích hợp API bảo mật với ngân hàng, hệ thống có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường và chuyển thông tin đó cho cơ quan chức năng, như cảnh sát, để xử lý. Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này đảm bảo sự cân bằng giữa bảo mật và quyền riêng tư một cách toàn diện".
Nói về giải pháp trước tình trạng lừa đảo qua mạng tràn lan hiện nay, anh Thành cho biết chìa khóa sẽ là định danh (eKYC): "Những kẻ lừa đảo hoạt động giống như những doanh nhân chuyên nghiệp, đầu tư mạnh và phát triển nhanh, khiến việc ngăn chặn trở nên khó khăn. Tôi tin rằng giải pháp then chốt là định danh cá nhân thực. Hiện nay, có quá nhiều tài khoản giả mạo trên các nền tảng OTT, làm phức tạp việc truy vết hành vi lừa đảo".
"Thử tưởng tượng các nền tảng OTT giả mạo, như Telegram yêu cầu định danh cá nhân thực, điều này chắc chắn sẽ tạo ra bước tiến lớn. Việc định danh người dùng thực yêu cầu tất cả tài khoản phải được xác minh lại, sau đó tích hợp thông qua các giao diện API mạng. Điều này giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu tài khoản giả, và hạn chế các hành vi lừa đảo hiệu quả", anh Thành khẳng định.
Dấu ấn 5G Viettel với nhà máy thông minh
Ông CY Feng, TGĐ BU6 Pegatron ( Nhóm Kinh doanh Sản phẩm Truyền thông) trân trọng với sự trợ giúp của Viettel với nhà máy thông minh tại Hải Phòng, được xây dựng từ năm 2023.
"Trong những nhà máy thông minh của Pegatron lúc này, sự kết hợp giữa AI và mạng di động 5G private giúp các nhà máy được vận hành mà gần như cần nhân công, được tự động hóa gần như 100%", ông nói. Ông Cy Feng giới thiệu mạng 5G Private Mobile Network do Viettel cung cấp mang lại tốc độ cao, độ trễ thấp, và khả năng kết nối nhiều thiết bị đồng thời hỗ trợ các ứng dụng như: Công nghệ thực tế tăng cường (AR) cho các cuộc gọi video trên Public Cloud. Quản lý các trạm lắp ráp (Assembly Station). Quản lý hoạt động kiểm tra sản phẩm. Giám sát và quản lý trực tiếp các quy trình sản xuất.
"Việc triển khai mạng di động 5G giúp giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao lợi nhuận, thu thập dữ liệu thời gian thực, cải thiện điều kiện làm việc, và giảm thiểu tai nạn lao động. Trong 6 tháng tới, Pegatron sẽ tiếp tục cải tiến và xây dựng tiếp nhà máy tại Hải Phòng", ông Cy Feng nhấn mạnh.
Mối nguy hiện hữu từ AI
Stefan Kostic, Giám đốc Điều hành, Ipification nhấn mạnh trong phiên thảo luận về phương pháp xác thực: "AI là một con dao hai lưỡi. Ở mặt tích cực, nó thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, xem lại các quy trình cũ. Nhưng AI cũng tạo ra thách thức, đặc biệt với các hiện tượng như giả giọng hay deepfake. Đây là vấn đề nhạy cảm trong các ngành như ngân hàng hay fintech, nơi bảo mật là tối quan trọng. Các hệ thống xác thực cũ đang trở nên lỗi thời vì không thể theo kịp tốc độ phát triển của AI. Một hệ thống xác thực lý tưởng cần nhanh, đơn giản và riêng tư. Người dùng muốn quy trình ngắn gọn – không ai muốn trải qua 5 bước để đăng nhập. Đồng thời, dữ liệu của họ phải được bảo vệ. Trong nhiều thị trường, đặc biệt là những nơi có quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư, doanh nghiệp cần tập trung vào ba yếu tố: tốc độ, bảo mật và quyền riêng tư. Nếu thiếu một trong ba, hệ thống sẽ không bền vững".
Mạng phi mặt đất hứa hẹn là bước ngoặt thu hẹp khoảng cách số
Yischen Chan, Giám đốc Phổ tần khu vực châu Á, Thái Bình Dương của GSMA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng internet di động, mạng phi mặt đất (NTN) và cơ sở hạ tầng số. "Đây là bước ngoặt cần thiết để thu hẹp khoảng cách số, tăng cường tiếp cận các dịch vụ số và hỗ trợ triển khai các công nghệ mới như 5G. Việt Nam có bước tiến lớn trong việc hỗ trợ người dân trong việc tiếp xúc với smartphone, điều không nhiều quốc gia có được trên thế giới. Mạng phi mặt đất sẽ thay đổi cách tiếp cận của nhiều nhà mạng trên toàn thế giới. Đảm bảo chi phí hợp lý, kỹ năng số và niềm tin của người dùng sẽ là chìa khóa của quá trình này", ông Yischen Chan nhấn mạnh.
James Alderdice, Phó Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Lynk Global, nhấn mạnh công nghệ đang dẫn đầu mọi xu hướng. "Lợi ích của mạng phi mặt đất là rất lớn với toàn bộ người dùng. NTN sẽ kéo lùi lại khoảng cách giữa các người dùng ở các khu vực khác nhau nhưng không làm người dùng phải sử dụng dữ liệu nhiều hơn", ông Alderdice khẳng định.
Vai trò trung tâm của hạ tầng viễn thông
Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Đạt khẳng định vai trò trung tâm của hạ tầng viễn thông trong chiến lược số quốc gia. Việt Nam đã phổ cập 4G tới 98% dân số, nhưng để phát triển kinh tế số một cách mạnh mẽ và hỗ trợ doanh nghiệp, 5G là yếu tố không thể thiếu. Viettel đã triển khai hơn 6.000 vị trí 5G và đang ghi nhận kết quả tích cực từ doanh thu thuê bao – cho thấy tín hiệu khả quan trong việc thương mại hóa công nghệ này.
Viettel và hành trình làm chủ công nghệ lõi 5G: Từ lý thuyết đến triển khai thực tế
Một trong những điểm nhấn quan trọng là phiên "Shaping the Future of Networks with OpenRAN Innovation", đại diện của TCT Công nghiệp Công nghệ cao (VHT) – đồng chí Trần Văn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Vô tuyến băng rộng – đã có phần chia sẻ về hành trình làm chủ công nghệ Open RAN và 5G. Anh cho biết, ban đầu Viettel chỉ phát triển hạ tầng 4G, nhưng với định hướng rõ ràng, đội ngũ đã nhanh chóng tiến sang nghiên cứu và phát triển 5G từ năm 2018. Dù không phải nhà khai thác sớm, VHT lại là một trong những đơn vị tiên phong trong R&D công nghệ lõi.
Open RAN không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là nền tảng hợp tác giữa nhà mạng, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chính phủ. Nhờ sự hỗ trợ từ Qualcomm và nhiều đối tác công nghệ, VHT đã tiếp cận sớm với chipset hiện đại và là một trong những nhà sản xuất Open RAN hàng đầu toàn cầu. Anh Tùng nhấn mạnh: “Chúng tôi đi nhanh, nhưng không dễ dàng”. Công nghệ vô tuyến vẫn còn nhiều khoảng trống mà Viettel phải tự nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm. Tuy chỉ có vài trăm kỹ sư, VHT đã tạo ra khác biệt nhờ sự tập trung và chiến lược rõ ràng.
Trong sáng 15/4, các đại biểu đã thảo luận về những biện pháp thực tiễn để chống gian lận kỹ thuật số, bao gồm xác minh giao dịch theo thời gian thực, xác thực đa yếu tố, giải pháp Silent OTP và tăng cường hợp tác giữa các nhà mạng, ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính.
Các phiên thảo luận cũng đề cập đến nguy cơ gian lận đánh tráo SIM - một vấn đề mà 78% người tiêu dùng Việt Nam lo ngại, cao hơn nhiều mức trung bình của khu vực – cũng như cách tích hợp hiệu quả các công cụ bảo mật dựa trên API, như những công cụ được triể khai trong sáng kiến GSMA Open Gateway, vào các lĩnh vực khác nhau.
Một phiên thảo luận chuyên sâu tập trung vào thách thức rộng lớn hơn mang tên "nền kinh tế lừa đảo", nhấn mạnh rằng nếu không được kiểm soát, gian lận có thể cản trở việc ứng dụng các dịch vụ số và làm suy yếu nền tảng của hệ sinh thái số. Các diễn giả nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp các hành động trong việc bảo vệ người tiêu dùng, từ việc tăng cường giám sát gian lận đến các chiến dịch giáo dục cộng đồng.
"Kỳ vọng những giải pháp thiết thực đảm bảo tương lai số của Việt Nam"
Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của GSMA (thứ 2 từ trái vào) nhận định: "Việt Nam đang đứng trước thời khắc quyết định trong hành trình số hóa. Một mặt, tỷ lệ sử dụng di động cao và thị trường ví điện tử phát triển mạnh mẽ đang mở ra những cơ hội to lớn cho tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện. Mặt khác, lừa đảo gia tăng và đe dọa liên quan đến danh tính đang làm lung lay niềm tin của người dùng. Hội nghị này quy tụ các nhà lãnh đạo trong ngành và chính phủ để đưa ra những hành động thiết thực - từ quy định sáng suốt hơn đến các giải pháp chống gian lận sáng tạo - nhằm đảm bảo tương lai số của Việt Nam duy trì được sự an toàn, toàn diện và dựa trên sự tin cậy.”
Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc trong các dịch vụ di động và có thể sớm trở thành một quốc gia số hàng đầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhờ vào tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, kết nối mạnh và các chính sách hỗ trợ.
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước vào top 30 quốc gia số hàng đầu thế giới vào năm 2030, với các mục tiêu táo bạo như phủ sóng 5G và cáp quang trên toàn quốc, phát triển hơn 100.000 doanh nghiệp công nghệ số với lực lượng lao động 1,5 triệu người có kỹ năng về công nghệ số. Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về việc triển khai IPv6, với hơn 55% người dùng kết nối qua giao thức mới này - một dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng của hạ tầng kỹ thuật số vững chắc.
Các công nghệ mới nổi như AI, 5G và Open Gateway đang định hình lại các ngành công nghiệp, cải thiện các dịch vụ công và thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, song hành với tiến trình này, làn sóng lừa đảo kỹ thuật số gia tăng đang đe dọa làm suy giảm niềm tin của công chúng và kìm hãm tiềm năng đổi mới của công nghệ di động.
Thách thức cấp bách tại Hội nghị
Năm nay, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế, các nhà lãnh đạo từ Chính phủ, ban ngành và doanh nghiệp công nghệ đã có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Quốc gia số GSMA , nhằm giải quyết một trong những thách thức cấp bách nhất đối với vấn đề chuyển đổi số của khu vực: nguy cơ lừa đảo ngày càng gia tăng và sự suy giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Cùng với Viettel, GSMA Digital Nation Summit có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như Qualcomm, Nokia, Ericsson, LG,...
Về GSMA
Đại diện cho hơn 750 nhà mạng và 400 công ty công nghệ, GSMA là một tổ chức toàn cầu thống nhất hệ sinh thái di động nhằm khám phá, phát triển và mang đến những đổi mới mang tính nền tảng cho môi trường kinh doanh tích cực và sự thay đổi xã hội.
Tầm nhìn của tổ chức là khai thác tối đa sức mạnh của kết nối để con người, ngành công nghiệp và xã hội cùng phát triển. Đại diện cho các nhà mạng di động và các tổ chức trong hệ sinh thái di động và các ngành công nghiệp liên quan, GSMA mang lại lợi ích cho các thành viên thông qua ba trụ cột chính: Kết nối vì lợi ích cộng đồng, Dịch vụ và giải pháp ngành và Tiếp cận. Các hoạt động này bao gồm thúc đẩy chính sách, giải quyết các thách thức lớn của xã hội hiện nay; hỗ trợ công nghệ và khả năng tương thích để di động hoạt động; và cung cấp nền tảng lớn nhất thế giới để tập hợp hệ sinh thái di động tại chuỗi sự kiện MWC và M360.
Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số – Hành trình định hình tương lai quốc gia số bền vững
Được tổ chức lần đầu tại Jakarta vào tháng 12/2023, Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số GSMA đã nhanh chóng khẳng định vai trò là diễn đàn cấp quốc gia quan trọng, kết nối chính phủ và doanh nghiệp viễn thông nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số toàn diện, bền vững. Hội nghị được tổ chức bởi Hiệp hội Di động Toàn cầu (GSMA) – tổ chức uy tín toàn cầu trong lĩnh vực di động.
Trên hành trình phát triển, Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số không chỉ là nơi diễn ra những cuộc đối thoại chiến lược giữa các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp công nghệ, mà còn là nơi lan tỏa tầm nhìn chung về xây dựng các quốc gia số năng động và có khả năng thích ứng cao trong kỷ nguyên mới. Tại đây, các bên cùng thảo luận về những ưu tiên trong phát triển kinh tế di động quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho những thách thức đang nổi lên, như lừa đảo kỹ thuật số, bảo mật thông tin và đảm bảo tính bao trùm số.
Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số là nền tảng để cộng đồng công nghệ và quản lý cùng hành động, góp phần đưa công nghệ di động trở thành động lực cốt lõi trong chiến lược phát triển quốc gia. Từ vai trò thúc đẩy phủ sóng 5G, mở rộng hạ tầng số, đến định hình các chính sách công nghệ tương lai, Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số đang từng bước củng cố vị thế như một hội nghị không thể thiếu trong tiến trình chuyển đổi số toàn cầu.
Ai sẽ tham dự Hội nghị?
Ngày 15/4/2025, tại khách sạn Sheraton West (Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh Quốc gia số(Digital Nation Summit) quy tụ các lãnh đạo Chính phủ, các nhà tiên phong trong ngành và các bên liên quan trong nền kinh tế số để cùng thảo luận về cách Việt Nam có thể xây dựng một hệ sinh thái số đáng tin cậy, bền vững và được thúc đẩy bởi đổi mới sáng tạo.
Đây là sự kiện do Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức với sự kết nối, đồng hành và tài trợ của Viettel. Chủ đề của hội nghị là Kết nối Việt Nam - Vai trò của ngành di động trong xây dựng quốc gia số.
Các cuộc thảo luận tại hội nghị sẽ tập trung vào việc mở rộng kết nối giá rẻ, các chương trình phổ cập kỹ năng số và đào tạo AI để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời tăng cường bảo vệ dữ liệu, phòng chống gian lận và các khung pháp lý để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các dịch vụ số. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về cách mà công nghệ 5G, AI, các giải pháp Open Gateway và công nghệ Open RAN có thể mở ra các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy các ngành công nghiệp thông minh và tạo điều kiện cho hợp tác liên ngành.