Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:32 - 29.07.2024
Sáng 26/7, workshop Công nghệ eKYC và sinh trắc học diễn ra với sự góp mặt của 3 diễn giả từ TT Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Viettel AI), TCT Dịch vụ số Viettel (VDS) và Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) cùng các nhà báo mảng công nghệ. Cả 3 bài phát biểu của các diễn giả gần như làm rõ trọn vẹn mọi vấn đề của công tác eKYC tại Việt Nam cũng như giải pháp của thế giới nói chung và Viettel nói riêng. Trong khi vấn đề lừa đảo qua eKYC đang nhức nhối khắp Việt Nam thì Viettel đang làm tốt việc này.
Anh Lê Đăng Ngọc, PGĐ Khối Nền tảng Trí tuệ nhân tạo của Viettel AI cho biết công nghệ nhận diện gương mặt của Viettel AI đang là tốt nhất Việt Nam và đứng thứ 4 trên thế giới tại hạng mục khuôn mặt nghiêng 90 độ, chỉ sau những gã khổng lồ sinh trắc học với truyền thống lâu đời từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Công nghệ này được Viettel tự nghiên cứu và phát triển trên nền tảng Deep Learning. Không chỉ ở Việt Nam, công nghệ eKYC của Viettel có thể áp dụng nhiều nơi trên thế giới khi được huấn luyện trên bộ dữ liệu hàng trăm triệu gương mặt trải dài qua 3 châu lục (Á, Mỹ, Phi), và nhận chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 cấp độ 2 về chống giả mạo sinh trắc học từ tổ chức uy tín hàng đầu Tayllorcox.
Khách mời từ VCS, Trưởng phòng Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo - anh Nguyễn Đăng Khoa cho biết một rủi ro khác của việc eKYC ồ ạt hiện nay là kẻ gian có thể đánh cắp dữ liệu người dùng từ đó rao bán, hoặc tệ hơn, là giả mạo thực hiện các hành vi lừa đảo.
Giải pháp của VCS mang tên Hệ thống phát hiện gian lận theo thời gian thực (VCS-F2DR). Anh Khoa tiết lộ trong 19 tháng, từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2024, hệ thống này đã cảnh báo 257.340 lần về các hoạt động liên quan đến gian lận định dạnh và mở mới tài khoản, trung bình 13.544 cảnh cáo/tháng.
Hệ thống của VCS F2DR được xây dựng trên hơn 10 kịch bản gian lận phổ biến trên thị trường, từ định danh trùng thông tin giấy tờ, mạo danh khách hàng, trục lợi chính sách hoa hồng của kênh đại lý với tài khoản mở mới đến làm giả giấy tờ, tài khoản giả mạo theo điểm rủi ro… Từ các kịch bản gian lận được tính toán trước này, VCS F2DR can thiệp vào từng giai đoạn để phát hiện gian lận và cảnh báo.
Đại diện của VDS, Phó phòng CNTT - anh Trần Anh Dũng cho biết Viettel Money đang tích hợp toàn bộ các công nghệ của Viettel AI và VCS vào quá trình eKYC, từ đó biến hệ sinh thái tài chính số của VDS trở nên đặc biệt an toàn trong việc bảo mật thông tin khách hàng và chống giả mạo. Luồng định danh khách hàng của Viettel Money phát hiện và ngăn chặn ở hai giai đoạn.
Đầu tiên là các trường hợp giấy tờ tùy thân không phải bản gốc, không còn giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật khi quét thông tin qua hình ảnh CCCD gắn chip. Thứ hai là ngăn chặn các trường hợp không phải người thật, gian lận như: deepfake, đeo mặt nạ, chụp qua thiết bị, thông qua việc quét khuôn mặt. Viettel Money đạt tỷ lệ thành công tới 99% khi xác thực hàng chục nghìn giao dịch nhờ công nghệ này.
Trong phần giao lưu đặc biệt với các khách mời tham dự workshop, 3 đại diện của Viettel cũng trực tiếp mang tới các công cụ giả mạo thường thấy tại Việt Nam lúc này như mặt nạ, ảnh tĩnh để các khách mời trực tiếp thử nghiệm. Không có cách nào "qua mặt" được hệ thống của Viettel Money.
Các diễn giả của Viettel cũng trả lời và làm rõ nhiều thắc mắc của nhà báo về phân quyền cũng như hậu kiểm dữ liệu eKYC, mã độc, chữ ký số cũng như việc để lộ hình ảnh cá nhân khi eKYC. Đại diện Viettel AI nhấn mạnh dữ liệu thuộc về khách hàng cuối, tức ngân hàng hoặc VDS, phía VAI chỉ lưu giữ các vector 512 chiều của khuôn mặt.
Đại diện VDS cho biết một trường hợp phổ biến nhân sự phải tiếp cận dữ liệu khách hàng là khi hậu kiểm thông tin. Khi khách hàng thực hiện eKYC sai, nhân sự VDS với tư cách chăm sóc khách hàng phải tiếp nhận để bóc tách lý do và hướng dẫn. Về mặt bảo mật, đại diện VDS cho biết Viettel Money tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin người dùng.
Về chữ ký số, Viettel Money đang xây dựng và hướng tới việc tích hợp thêm chữ ký số để đảm bảo thêm an toàn. Trả lời chuyện sinh trắc học nên mặc quần áo đầy đủ vì bên tiếp nhận có thể lưu giữ lại hình ảnh hoặc video nhạy cảm, đại diện VDS cho biết chuyện này có khả năng xảy ra đồng thời nhấn mạnh phía Viettel tuyệt đối tuân thủ luật nhưng đối với nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc, việc khách hàng bị lộ hình ảnh là hoàn toàn khả dĩ.