Phương Việt (TCT Đầu tư quốc tế Viettel) đã đăng lúc 09:10 - 23.01.2024
Hàng ngày, bà Marianella Vidal, một người dân tỉnh Cusco, Peru, nằm trên dãy Andes, nơi có kỳ quan Machupichu nổi tiếng thế giới, cho biết tình hình an ninh phức tạp khiến mỗi khi ra đường. Bản thân bà rất lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra với mình. Do vậy, bà cố gắng hoàn tất các công việc cần thiết vào giờ hành chính để kịp trở về nhà lúc trên đường vẫn đông người và trời chưa tối.
Ông Arturo Fernández, quận trưởng quận Moche nay đã đắc cử tỉnh trưởng tỉnh Trujillo thuộc phía tây bắc Peru, cách tỉnh Cusco hơn 1.600 km cho biết: “Cam kết bảo đảm an toàn an ninh, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và an toàn giao thông… đã góp phần giúp tôi nhận được sự ủng hộ không nhỏ của người dân trong cuộc tranh cử”.
Điều đó cho thấy tình hình an ninh bất ổn là vấn đề nhức nhối mà bộ máy Chính quyền và người dân Peru cùng mong muốn giải quyết.
Ở Timor - Leste, bác Larasana Magalahes, hiện làm giúp việc tại thủ đô Dili hàng tháng đều phải xắp xếp thời gian đi ra bến xe để gửi tiền về quê cho người thân do ở đất nước non trẻ nhất Đông Nam Á này mạng lưới ngân hàng chưa phát triển, đường xá khó đi lại nên những người dân ở vùng sâu vùng xa khá khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Đơn cử, có những người muốn lĩnh lương phải đi một vài ngày đường để vào trung tâm thành phố, đến một điểm giao dịch của ngân hàng.
Đó chỉ là hai trong nhiều bài toán xã hội mong mỏi có lời giải tại các thị trường mà Viettel đang đầu tư.
Cũng trong năm 2023, các công ty thị trường của Viettel phải đối mặt với không ít khó khăn như bất ổn chính trị, nội chiến (Myanmar, Haiti, Peru…) hay chính sách mới của Chính phủ các nước sở tại gây bất lợi ở một số thị trường (Tanzania…). Bên cạnh đó, xu thế món ăn truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông là doanh thu dịch vụ từ thoại và sms ngày càng nhỏ dần. Điều đó khiến các thị trường nước ngoài của Viettel đã không ngừng tìm kiếm các không gian tăng trưởng mới nhằm mang lại thêm doanh thu và hướng tới sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi số giải quyết bài toán xã hội và cải thiện đời sống người dân
Đầu tư ra nước ngoài không chỉ là một trong những trụ phát triển chính của Viettel mà còn là lời giải cho vấn đề của người dân và Chính phủ các nước. Đối với mỗi khu vực, VTG và các công ty thị trường đã vạch ra chiến lược riêng, phù hợp với đặc điểm phát triển.
Tại Châu Phi, phát triển thuê bao 4G vẫn rất tiềm năng, các thị trường nước ngoài của Viettel tại Châu Á hướng đến dịch vụ FTTH. Bên cạnh đó, tất cả các thị trường nước ngoài của Viettel cũng tích cực thực hiện chuyển đổi số. Tính năng của các dịch vụ số, thanh toán điện tử mà các thị trường cung cấp được may đo cho phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người dùng để tạo sự khác biệt. Để làm được điều đó, các công ty thị trường đã phải xây dựng mạng lưới kênh rộng khắp như đã làm với hạ tầng mạng lưới viễn thông.
Đây là điều mà nhiều nhà mạng khác trên thị trường e ngại chưa dám làm do hiệu quả kinh tế không cao. Việc triển khai tiêu tốn nhiều thời gian, tiền của, nhất là tại các khu vực vùng sâu vùng xa. Nhưng với định hướng “kinh doanh đi liền với trách nhiệm xã hội”, các công ty thị trường của Viettel đã đưa dịch vụ đến mọi ngõ ngách.
Theo đó, từng bài toán xã hội, nhu cầu của người dân đã được giải quyết nhờ sản phẩm, dịch vụ mà các công ty thị trường cung cấp.
U-Money đã trở thành kênh thanh toán hỗ trợ cho Chính phủ Lào tại các tỉnh, như Vientiane, Bolikhamxay, Xayabuli, Luang Prabang, Bokeo, Xai Somboun, Phongsaly. Hàng nghìn người dân đã hưởng lợi từ dịch vụ u-money, nhờ hệ thống kênh rộng khắp với hơn 8,000 điểm thanh toán và giao dịch trên cả nước. Các cơ quan công sở đánh giá cao U-Money vì tính thuận tiện, dễ sử dụng, khả năng giải ngân nhanh chóng, đúng hạn và an toàn.
Với Ví Mosan (Telemor) thì nay bác Larasana Magalahes đã không phải ra bến xe buýt để chuyển tiền về nhà như trước đây nữa. Hiện nay Mosan có gần 2.000 điểm đại lý cho nạp rút tiền phủ rộng tất cả các xã tại Timor. Tương tự như vậy, ví điện tử của các thị trường khác như E-Mola (Movitel), Lumicash (Lumitel) đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện đời sống người dân ở Mozambique và Burundi, những nước mà hệ thống Ngân hàng còn kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng các dịch vụ cơ bản của khách hàng.
Bà Marianella Vidal cho biết kể từ khi Bitel đưa Smart City đến đây, chính quyền đã kiểm soát tốt hơn tình hình an ninh so với trước. Mỗi khu vực đều có camera giám sát giúp cảnh sát thành phố dễ dàng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó khiến bà đã cảm thấy an tâm khi ra đường. Bà Marianella hy vọng hệ thống này sẽ nhanh chóng được nhân rộng trên toàn quốc để mang lại sự yên tâm và an toàn hơn cho người dân Peru.
Trong khi đó ở Myanmar, nổi bật nhất trong hệ sinh thái số của Mytel là MyID - super App, hiện đã có 30 triệu người dùng, 11 triệu người dùng hàng tháng và 5 triệu người dùng hàng ngày. Đây là con số “khủng” kể cả so với các app của Việt Nam. MyID được coi là app quốc dân tại đất nước 50 triệu dân này, thậm chí còn thay thế cả Facebook và Viber.
Không gian tăng trưởng mới giúp viễn thông nước ngoài duy trì đà tăng trưởng
Chuyển đổi số không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân tại các nước Viettel đầu tư mà nó còn mang lại nguồn doanh thu mới cho khối viễn thông nước ngoài. Dự kiến năm 2023, doanh thu dịch vụ đã ghi nhận mức tăng trưởng 20,5% so với năm trước. Doanh thu tài chính tăng trưởng 9,3%, gấp 2,2 lần so với trung bình ngành trên thế giới và ~ 3,5 lần so với Việt Nam (Theo GSMA Intelligence). Đây là một thành tựu đáng chú ý, đặc biệt khi đó không chỉ đơn thuần là kết quả của hoạt động kinh doanh viễn thông bền vững, mà phần nhiều do sự đổi mới trong lĩnh vực chuyển đổi số tại các thị trường nước ngoài.
Tại lục địa đen, dịch vụ ví điện tử đã chứng kiến sự phát triển sôi động hơn cả Việt Nam. Các thương hiệu ví tại Châu Phi đóng góp quan trọng trong tăng trưởng doanh thu dịch vụ của các công ty. Đáng chú ý, ví eMola tại Mozambique bùng nổ với doanh thu tăng trưởng xấp xỉ 422% so với năm 2022, số lượng thuê bao ví tăng xấp xỉ 187%. Năm 2023, toàn thị trường dự kiến tăng trưởng 3.87 triệu thuê bao ví, trong đó e-Mola tăng trưởng 3.36 triệu. Đây không chỉ là con số ấn tượng mà còn đưa eMola trở thành ví điện tử có lượng thuê bao lớn nhất trong số các thị trường nước ngoài của VTG.
Tại Burundi, nơi dòng tiền giao dịch qua ví điện tử tương đương với GDP của cả nước, doanh thu ví Lumicash tăng trưởng ~81% so với năm 2022. Tỷ trọng doanh thu từ ví trên tổng doanh thu tăng tăng từ 4,3% (2022) lên 5,7% (2023). Lumicash giữ vững ngôi vị số 1 và gia tăng khoảng cách với các đối thủ tại thị trường.
Sự bùng nổ của dịch vụ data tại khu vực Đông Nam Á đặc biệt rõ nét tại thị trường Campuchia khi tỷ lệ sử dụng data cao vượt ngưỡng 90%. Trong đó Metfone tại Campuchia là nhà mạng chuyển dịch tốt nhất với 91% doanh thu đến từ thuê bao data (Tỷ trọng thuê bao data/thuê bao thực tăng từ 90% lên 92% và doanh thu data tăng từ 87% lên 91%). Doanh thu dịch vụ của Metfone tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây (đạt 14,2%) trong bối cảnh thị trường di động đã bão hòa.
MyID của Mytel không chỉ là một ứng dụng công nghệ hiện đại, mà còn là một công cụ tiện ích mang lại lợi ích cho hàng triệu người dùng. Mytel đã cá thể hóa các tính năng giải trí số và nội dung phù hợp với văn hóa, sở thích người Myanmar. Liên tiếp nhận được giải thưởng quốc tế kể từ khi khai trương (4 năm liền), MyID đã chứng tỏ vai trò tiên phong trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ đột phá. Dự kiến đến cuối năm 2023, MyID sẽ có 12 triệu người dùng hàng tháng và 6 triệu người dùng hàng ngày, 80% thuê bao di động sử dụng SuperApp này.
"Công nghệ từ trái tim" đã thúc đẩy các thương hiệu của Viettel tại các thị trường nước ngoài đem đến những thay đổi quan trọng cho cuộc sống của người dân thông qua sự kết hợp độc đáo giữa công nghệ hiện đại và triết lý sáng tạo vì con người.
Biểu tượng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước
Các công ty thị trường không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel mà còn là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam và các nước Viettel đang đầu tư. Bên cạnh việc kinh doanh hiệu quả, đóng góp ngân sách và giải quyết vấn đề việc làm, thực hiện các trách nhiệm xã hội, các đơn vị này còn mang đến một diện mạo mới cho ngành viễn thông và công nghệ thông tin của nước sở tại.
Vùng phủ sóng khắp đất nước ngay từ những ngày đầu thành lập, cho phép người dân tiếp cận với dịch vụ viễn thông và Internet. Kết nối viễn thông giờ đây đã vươn tới khắp mọi nơi, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin và nắm bắt những tri thức phục vụ đời sống, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung của Chính phủ nước sở tại. Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào, Boviengkham Vongdara nhấn mạnh: “Không thể chuyển đổi số nếu thiếu Unitel” hay Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông José Agostinho da Silva cũng khẳng định: “Telemor đã có rất nhiều đóng góp quan trọng cho Timor kể từ khi có mặt, do đó, xin chúc mừng tất cả mọi người và nhân viên làm việc tại Telemor và cảm ơn sự đầu tư của Viettel vào đất nước chúng tôi” là những minh chứng về việc Chính phủ các nước ghi nhận vai trò quan trọng của các công ty thị trường đối với công cuộc phát triển của đất nước họ.
Dù ở bất cứ đâu, Việt Nam hay các nước mà Viettel đang đầu tư, hình ảnh con người Viettel năng động luôn ghi đậm dấu ấn đối với các đồng nghiệp và người dân nước sở tại. Hoạt động trên nhiều múi giờ, tại ba châu lục Á, Phi và Mỹ Latinh cho nên mặt trời sẽ không bao giờ lặn ở Viettel. Các công ty thị trường của Viettel luôn nhận thức được mình là doanh nghiệp đầu tàu, tiên phong và ý thức được trách nhiệm khi phải đảm bảo đầu tư sao cho hiệu quả nhất, góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Viettel là một doanh nghiệp tử tế với quan điểm xuyên suốt ngay từ những ngày đầu bước chân ra nước ngoài là luôn nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của xã hội, đất nước đang đầu tư. Nhiều chương trình xã hội gây tiếng vang dành cho giáo dục, y tế đã được các công ty thị trường triển khai như Internet miễn phí cho trường học, tài trợ cho trẻ em mắc bệnh tim, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Trong thời gian tới, viễn thông nước ngoài sẽ tối ưu hóa lợi nhuận viễn thông, đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng chuyển đổi công nghệ hiện đại, xây dựng hệ sinh thái đối với từng thị trường. Chiến lược 2025 là doanh thu các dịch vụ mới chiếm 15-25% tổng doanh thu các thị trường nước ngoài. Theo đó, các công ty thị trường sẽ phải tách các bộ phận về dịch vụ số để làm những điều đó, tỷ lệ nhân sự công nghệ cần đạt 10-20%.
Bên cạnh đó, VTG sẽ trở thành hub để đưa toàn bộ Viettel ra nước ngoài bao gồm các sản phẩm, dịch vụ của VTS, VDS, Viettel Media, VMC, VHT… Điều đó chứng tỏ Viettel không ngừng đổi mới để vượt qua những khó khăn để chinh phục thử thách trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài và tiếp tục ghi những dấu ấn mới, nâng tầm Viettel nói riêng cũng như Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.
Kết quả SXKD của khối viễn thông nước ngoài năm 2023:
Doanh thu dịch vụ: Đạt 3,6tỷ USD, hoàn thành 105% KH năm, tăng 20,5% so với 2022.
Tổng doanh thu: Đạt 1,71 tỷ USD, hoàn thành 106% KH năm, tăng 9,3% so với 2022.
Thuê bao thực tăng thêm: 4,73 triệu, hoàn thành 133% KH năm.
Thuê bao 4G tăng thêm: 5,06 triệu, hoàn thành 118% KH năm.
Dòng tiền về Việt Nam: Đạt 392,5tr USD, hoàn thành 114% KH năm.
Lợi nhuận trước thuế: Đạt 198,2tr$ USD, hoàn thành 134% KH năm.
Dòng tiền ròng: 296,7tr$, hoàn thành 120% KH năm.