Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 15:24 - 10.12.2024
Từ ngưỡng chỉ hoàn thành 5% chỉ tiêu khi thời hạn còn vỏn vẹn chưa đầy 3 tuần, Viettel đã “về đích” mỹ mãn với những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng ý chí trên dưới một lòng. Chuyện gì thực sự đã diễn ra trong thời gian đó?
Thách thức bão Yagi
Viettel đã thực hiện first call từ năm 2019. Nhưng để triển khai diện rộng và kinh doanh chính thức, mọi chuyện chỉ bắt đầu sau khi xin được giấy phép vào ngày 8/3 năm nay. Trong 4 tháng, tổng công ty mạng lưới (VTNet) cùng các cơ quan chuyên môn bắt tay ngay vào việc lập và xin phê duyệt pháp lý của gần 300 dự án A, B, C tại tất cả các mảng vô tuyến, cơ điện, truyền dẫn, mạng lõi, kiên cố và củng cố hạ tầng.
Trong hai tháng 8-9, VTnet điều hành đối tác triển khai công tác cải tạo và đảm bảo hạ tầng, bao gồm rất nhiều các hạng mục: cải tạo nâng cấp hệ thống điện, cải tạo truyền dẫn, cải tạo củng cố nhà trạm. Tất cả nhằm đảm bảo cho quá trình lắp đặt thiết bị 5G chính thức từ ngày 8/9. Song mọi kế hoạch đều bị hoãn. Đúng 1 ngày trước thời điểm bắt đầu lắp trạm, bão Yagi đổ bộ.
Phần quan trọng nhất của kế hoạch, vật tư thiết bị, không thể đến các khu vực cần lắp đúng hạn. Đây là phần rất khó kiểm soát, vì thế giới chưa có nhiều, đối tác phải dồn từ vùng này sang vùng kia để đem về cho Viettel.
Khu vực duy nhất có sẵn VTTB tại thời điểm đó là các Tỉnh/TP chịu ảnh hưởng bão tại KV1. Quá trình lắp VTTB và THPS gần như dừng lại hoàn toàn. 100% nhân sự khu vực 1 bao gồm VTNet và VCC phải đi ứng cứu bão. Khu vực 2, 3 lần lượt là 43% và 31% nhân sự. Ở thời điểm 8-15/9 khu vực 2, khu vực 3 gần như không có vật tư thiết bị.
“Ngay lập tức chúng tôi xin ý kiến Ban TGĐ để điều chỉnh kế hoạch, phân bổ dịch chuyển VTTB có thể dịch chuyển ở mức tối đa, thay vì chờ đồng bộ tất cả các hạng mục vô tuyến, cơ điện, truyền dẫn như kế hoạch trước đó. Chúng tôi điều hành lắp đặt từng hạng mục, căn cứ vào tính sẵn sàng của thiết bị, tình hình thời tiết và nhân sự đáp ứng”, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, phó chánh văn phòng Khối cơ quan tập đoàn TCT Mạng lưới Viettel.
Việc điều hành trở nên khó khăn và tồn nguồn lực hơn nhiều, nhưng đó là cách duy nhất để có thể bắt đầu công việc. Song tốc độ lắp trạm từ ngày 15-22/9 rất chậm. Đến ngày 26/9, Viettel mới chỉ lắp đặt và hoàn thành tích hợp phát sóng 318 trên tổng số hơn 5000 trạm trước thời điểm khai trương.
“Phó TGĐ TĐ Đào Xuân Vũ hết sức lo lắng và chỉ đạo lập tiếp kế hoạch chi tiết triển khai cho giai đoạn nước rút 3 tuần sau đó. Các đơn vị rất quan ngại khi nhận 1 kế hoạch rất thách thức ở thời điểm chỉ còn 3 tuần trước khai trương”, chị Hằng tiếp tục.
Khi thách thức dồn thách thức, bản lĩnh của người Viettel đã lên tiếng đúng lúc.
Với người Viettel, không có việc khó
Giải pháp duy nhất của người Viettel khi ấy, là làm việc cật lực kết hợp điều hành chuẩn xác trong mọi khâu. Ở khối văn phòng, các nhân sự vạch kế hoạch và điều phối như chị Hằng bám nắm, đôn đốc anh em từng giờ để bảo đảm được kết quả thực hiện.
Hàng đêm sau khi tổng hợp tiến độ ngày để Báo cáo Ban TGĐ VTnet, Ban TGĐ TĐ; chị Hằng cùng đội ngũ lại tiếp tục căn cứ vào lộ trình hàng về, lập kế hoạch thách thức hơn cho ngày tiếp theo từ tất cả các hoạt động nhập kho, KCS, vận chuyển, xuất VTTB, lắp đặt, THPS và tối ưu đo kiểm.
Tất cả các kế hoạch nhỏ theo ngày sẽ được gửi trước 12h đêm hôm trước cho các đơn vị, công ty liên quan, để sáng hôm sau các đơn vị lấy làm căn cứ cho các tổ đội bố trí nguồn lực và tập trung điều hành trước khi bắt đầu lại từ đầu vào ngày kế tiếp.
Ở tuyến đầu, các nhân sự làm việc để hoàn thành bằng được mục tiêu. “Toàn thể VTnet và các đơn vị VCC, VTP, XNK trở thành một “công trường” chung. Tất cả cùng cộng hưởng và hướng về 5G”, chị Hằng nhớ lại.
Không có ngày nghỉ, tất cả đều đặn giữ nhịp độ công việc như vậy trong 3 tuần, mỗi ngày nhân sự Viettel tuyến đầu và hậu phương chỉ ngủ 4-5 giờ để đảm bảo công việc sát nhất, hiệu quả nhất. Tất cả làm mọi cách để “tỉnh” nhằm chinh phục bằng được thách thức.
Chia sẻ với Viettel Family, Giám đốc Viettel Quảng Ninh, Đào Như Quỳnh không quên thời điểm lắp trạm 5G. Là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão Yagi, nhưng Quảng Ninh lại là một trong những tỉnh hoàn thành việc lắp trạm nhanh nhất dù gặp vô vàn khó khăn từ sự phối hợp của người dân đến thiếu vật tư thiết bị.
“Đội truyền dẫn phải làm cả đêm để xong việc. Anh em đặt mục tiêu trạm chưa thông thì chưa về”, anh Quỳnh nhớ lại. “Có trạm đặc biệt tại Hạ Long phục vụ UBND thành phố, nhưng chủ nhà lại không cho phép nhân sự vào lắp vì trước đó mắc lỗi. Tôi phải điều phối nhân sự cấp cao đến giải quyết bằng được khúc mắc với chủ nhà”.
Ngoài ba tỉnh chịu ảnh hưởng của bão, Hà Nội cũng là đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc lắp đặt và tích hợp phát sóng 5G, vì số lượng lắp đặt lên tới gần 900 trạm trong giai đoạn đầu. Với thời hạn chỉ 1 tháng, Viettel Hà Nội trung bình phải lắp 29 trạm/ngày thì mới đảm bảo tiến độ trong trường hợp làm việc không nghỉ.
Anh Vũ Văn Chinh, Phó Giám đốc Kỹ thuật chinh nhánh Công trình Viettel Hà Nội tiết lộ trong giai đoạn đầu lắp, số trạm lên chậm vì không có nhân sự do ứng cứu bão cũng như các nhà mạng khác triển khai lắp đặt đồng loạt. “Vào thời điểm neo người nhất, chúng tôi chỉ có 5 đội lắp trạm kể cả nhân sự thuê ngoài. Các nhân sự công trình khi đó của Viettel Hà Nội thường xuyên làm việc từ 8h sáng đến 11-12h đêm”, anh kể lại.
“Vì là địa bàn đặc thù, nhân sự VCC phải tìm cách hiệp đồng với chủ nhà để đưa thiết bị vào nhà lúc 9-10h tối để sáng hôm sau có thể thực hiện quá trình lắp đặt. Với các cơ quan Bộ ban ngành, chúng tôi phải linh hoạt tối đa để có thể hoàn thành trong thời hạn”, anh Chinh tiết lộ.
Giải pháp cho những thách thức lớn không chỉ tới từ nội lực. “Chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo để điều chuyển bổ sung nhân sự cho Hà Nội, để muc tiêu Viettel Hà Nội đảm bảo phủ sóng ở mức tối đa theo yêu cầu của Ban TGĐ Tập đoàn”, chị Hằng nhớ lại khoảnh khắc hiệp lực giúp đỡ bằng được Viettel Hà Nội.
Nhờ sự sát sao của Ban TGĐ TĐ, số nhân sự lắp trạm nhiều nhất Viettel Hà Nội có để thực hiện lên tới 32 đội/ngày và quá trình lắp đặt được tăng tốc tối đa.
Đêm 6/10, 9 ngày trước khi khai trương VTTB mới về khu vực 3 với số lượng lớn gần 700 tủ/1800 tủ 5G, KV1 khoảng 500 tủ SRT cũng về sát ngày khai trương (12/10), Ban TGĐ VTnet vẫn chỉ đạo việc lắp đặt hết toàn bộ số VTTB đã về để đảm bảo chất lượng và an toàn mạng lưới 5G cho khai trương.
“Các anh chị em từ khâu nhập hàng, KCS, vận chuyển, lắp đặt, thông link phải đi làm cả đêm thứ 7, chủ nhật. Không kể nắng mưa bão lũ vẫn đội mưa, đeo đèn pin đi lắp trạm, thông tuyến”, chị Hằng cho biết.
Thậm chí với những lỗi thường mắc phải trong quá trình nhập hàng, khả năng giải quyết vấn đề trong áp lực của người Viettel cũng được bộ lộ rõ nét. Có những lỗi cần ít nhất 1 tuần để xử lý lại, trong khi thời điểm khai trương chỉ còn 9 ngày, thì chị Hằng với sự đồng lòng của lãnh đạo/chỉ huy các đơn vị liên quan đã xử lý xong chỉ trong vòng 3 giờ xuyên trưa, để VTTB kịp đi về các sân bay lắp vào chiều thứ 6 cuối tuần.
KPI nhập - xuất kho thiết bị thường kéo dài 10 – 15 ngày, các nhân sự Viettel đặt KPI tổng thời gian gian 3 ngày, trong khi vẫn tuân thủ hết các công đoạn của quy trình, hệ thống. Khâu trước bảo khâu sau làm việc, rất nhịp nhàng dù là ở các cơ quan/đơn vị khác nhau.
Với sự đồng tâm hiệp lực cùng khả năng tập trung tuyệt đối, Viettel đã hoàn thành mỹ mãn quá trình lắp đặt 5G với hơn 5000 trạm vào mốc 15/10. Toàn bộ các tỉnh thành đều hoàn tất chỉ tiêu, đưa Viettel thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thương mại 5G.
Khi ngồi lại với Viettel Family, anh Quỳnh Giám đốc Viettel Quảng Ninh thừa nhận quá trình lắp đặt 5G thần tốc bằng tính từ “kỳ diệu”. Nhưng có lẽ, đấy chỉ là cách ví von của những người đã vượt qua “cơn bão” khó khăn. Không có gì là kỳ diệu nếu người Viettel đồng lòng từ trên xuống dưới bung sức. Khi đó, bất kỳ thách thức nào cũng sẽ ở dưới chân.