Mỹ Hoa (TCT Bưu chính Viettel) đã đăng lúc 15:02 - 26.12.2024
Ngày 17/1/2024, tại sự kiện khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh ở KCN Quang Minh, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã nhấn mạnh một nhiệm vụ quan trọng: "Viettel tiếp tục xây dựng hạ tầng logistics, giảm chi phí logistics và biến Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực". Đây chính là kim chỉ nam cho mọi chiến lược và nỗ lực của VTPost trong việc hoàn thiện hạ tầng logistics quốc gia.
Chỉ sau một năm, VTPost đã hoàn tất quy hoạch 5 nhóm hạ tầng logistics trọng điểm, bao gồm: Cửa khẩu thông minh, Trung tâm logistics nông sản, Trung tâm logistics trong khu công nghiệp, Hạ tầng chuỗi cung ứng, và Mạng lưới vận tải đa phương thức. Tất cả đã tạo ra một hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không.
Những thách thức trong bối cảnh giao thương quốc tế
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch song phương dự kiến, đạt 200 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó, khu vực cửa khẩu Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương giữa hai quốc gia, với hơn 70% hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường bộ đi qua khu vực này, kim ngạch dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2024.
Ngoài ra, Lạng Sơn còn là tuyến đường chính kết nối Trung Quốc với các quốc gia ASEAN, với khoảng 60-70% trái cây Thái Lan và 80% hàng hóa Campuchia nhập khẩu từ Trung Quốc đi qua Việt Nam, trong đó gần 50% qua cửa khẩu Lạng Sơn.
Tuy nhiên, năng lực hạ tầng logistics tại đây còn nhiều hạn chế, gây ùn tắc kéo dài tại các cửa khẩu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thương.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy kinh tế biên giới, VTPost xác định rằng bên cạnh việc tiên phong ứng dụng công nghệ trong logistics, việc thiết lập một trung tâm logistics hiện đại là yếu tố quan trọng nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc và hư hỏng hàng hoá tại cửa khẩu, giúp làm tăng giá trị hàng hóa, kết nối hiệu quả với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn chính là bước đi đầu tiên, mở ra một chương mới trong lộ trình xây dựng hạ tầng logistics quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vượt qua khó khăn để đi đến thành công
Dù có nhiều tiềm năng nhưng dự án vẫn gặp phải một số vướng mắc quan trọng để đi vào hoạt động.
Đầu tiên, dự án cần hoàn tất hàng loạt các thủ tục pháp lý, giấy phép chưa có tiền lệ như giấy phép cho xe container Trung Quốc ra vào khu vực, thủ tục cho hải quan Trung Quốc làm việc tại khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam… Hàng loạt hạ tầng chưa hoàn tất xây dựng, các quy trình, hệ thống còn chưa hoàn chỉnh.
Xác định đây là dự án trọng điểm, Đảng ủy, Ban TGĐ và các cơ quan Tập đoàn đã chung sức, đồng lòng, cùng VTPost tháo gỡ từng vấn đề để dự án có thể triển khai nhanh chóng và kịp tiến độ. Đặc biệt, ngày 14/11/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm Công viên logistics Viettel và trực tiếp chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Tổng cục Hải Quan… tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dự án đi vào hoạt động ngay trong tháng 12/2024
VTPost đã tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng và công nghệ với sự giúp đỡ của các cơ quan chứng năng và các đối tác chuyên nghiệp trong việc thiết kế, xây dựng, vận hành cửa khẩu như Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp, đối tác Maxvision, đối tác Bắc Đầu...
Chỉ trong trong 3 tuần, toàn bộ hạ tầng đã được hoàn thiện với sự góp sức của gần 500 người làm việc 24/7; 50 hệ thống công nghệ với gần 1.500 tính năng đã được lặp đặt và hoàn thiện. Đặc biệt những giấy phép quan trọng nhất như giấy phép công nhận địa điểm Hải quan kiểm tra hàng hoá tập trung, giấy phép cho xe Trung Quốc hoạt động, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đã được cấp ngay trước ngày khai trương.
Hạ tầng hiện đại và kết quả vượt trội
Ngày 11/12/2024, Công viên Logistics Viettel chính thức khai trương, với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu từ chính phủ, chính quyền địa phương và các đối tác. Công viên được xây dựng trên diện tích 143,7 ha, với hạ tầng đồng bộ, hiện đại bậc nhất tại Việt Nam. Các công nghệ tiên tiến như kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu hải quan của Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thời gian thông quan từ 4 - 5 ngày xuống dưới 24 giờ, đặc biệt có ý nghĩa với các mặt hàng nông sản, thủy sản, vốn yêu cầu khắt khe về thời gian và chất lượng bảo quản.
Sau lễ khai trương, chính quyền các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bình Dương đánh giá cao dự án, coi đây là hình mẫu để các địa phương khác học tập và triển khai các dự án tương tự. Hiện tại, 90% diện tích văn phòng dịch vụ, 70% diện tích trung tâm nông sản và 40% kho bãi đã được các doanh nghiệp đăng ký thuê dài hạn, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển của Công viên Logistics Viettel.
Tầm nhìn mở rộng và phát triển bền vững
Sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, ngay cả trước khi dự án chính thức đi vào hoạt động, đã khẳng định đây là một giải pháp đột phá trong ngành logistics Việt Nam. Điều này không chỉ phản ánh sự tin tưởng vào chất lượng hạ tầng, dịch vụ mà Viettel cung cấp, mà còn cho thấy nhu cầu cấp bách về một trung tâm logistics hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực biên giới.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VTPost sẽ triển khai Giai đoạn 2 của dự án với các mục tiêu mở rộng như Trung tâm dữ liệu tập trung, kết nối dữ liệu hải quan của 2 nước để phục vụ thí điểm cửa khẩu thông minh tại Đồng Đăng, ga đường sắt 8 ha phục vụ vận tải liên vận Đồng Đăng - Bằng Tường, và các khu hạ tầng khác như nhà xưởng và khu chế xuất.
Khi hoàn thiện và vận hành, Công viên Logistics Viettel sẽ không chỉ giải quyết những vấn đề hiện tại như ùn tắc và chi phí cao mà còn góp phần thúc đẩy giao thương xuyên biên giới. Với các dịch vụ toàn diện từ kho bãi, trung tâm giao dịch nông sản đến văn phòng, công viên đang dần khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế và thương mại Việt Nam vươn tầm quốc tế.