Trọng Đại (Cơ quan Chính trị) đã đăng lúc 16:15 - 23.04.2025
- Thưa anh, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa qua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất lao động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định đây là yếu tố then chốt trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Vậy với Viettel, điều này được thể hiện như thế nào?
Chúng ta đang sống trong một thời khắc đặc biệt của dân tộc: kỷ nguyên Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện.
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ: khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là con đường tất yếu để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 - trong đó, tăng năng suất lao động là nhiệm vụ trung tâm.
Tinh thần đó được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 03 của Chính phủ, Nghị quyết số 3488 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 168 của Đảng ủy Tập đoàn - đều đặt ra yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ, hướng đến mô hình tổ chức lấy hiệu quả, năng suất làm trọng tâm.
Trong bối cảnh mới, tăng năng suất lao động trở thành yêu cầu cấp thiết tại Viettel, giúp nâng cao hiệu quả công việc, tối ưu chi phí sản xuất, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.
- Với mỗi cá nhân, việc tăng năng suất lao động có ý nghĩa ra sao, thưa anh?
Tăng năng suất ở Viettel không chỉ là yêu cầu, mà là sứ mệnh của người chiến sĩ thời bình - người lính công nghệ trong thời đại mới. Nó không chỉ nhằm đáp ứng mục tiêu kinh doanh, mà còn là cách để nâng cao hiệu quả công việc, tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, khuyến khích sự đổi mới và phát triển cá nhân, từ đó đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã hội.
Tăng năng suất lao động không chỉ là yêu cầu - đó là danh dự. Trong thời đại mới, năng suất không đơn thuần là thước đo kinh tế, mà là chỉ số danh dự, là bản lĩnh của tổ chức và từng con người. Ở Viettel - nơi mỗi người vừa là chiến sĩ, vừa là kỹ sư công nghệ - năng suất còn là biểu hiện của phẩm chất quân nhân trong môi trường sản xuất kinh doanh: kỷ luật, hiệu quả và cống hiến.
- Anh có thể làm rõ hơn khái niệm tăng năng suất lao động trong một Tập đoàn công nghệ như Viettel không?
Tăng năng suất không có nghĩa là làm nhiều hơn, mà là làm thông minh hơn - làm nhanh hơn - làm đúng việc hơn. Đó là khi một kỹ sư rút ngắn 10% quy trình, một kỹ thuật viên vận hành hệ thống trong 50% thời gian cũ, hay một nhân viên chăm sóc khách hàng ứng dụng AI để trả lời gấp đôi số câu hỏi mà vẫn giữ được sự hài lòng của khách hàng. Đó là lao động sáng tạo, không phải lao động khổ cực.
Trong hệ sinh thái số, mỗi cá nhân là một mắt xích của năng suất tổng thể. Nếu mỗi người tốt lên 5%, cả hệ thống có thể tiến nhanh hơn 50%.
- Vậy mỗi người Viettel cần hành động như thế nào để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu ấy?
Mỗi nhân sự Viettel cần cụ thể hóa thành 3 nhóm hành động rõ ràng.
Thứ nhất, đổi mới tư duy. Cần hiểu đúng về năng suất là làm ra nhiều giá trị hơn bằng ít nguồn lực hơn; từ bỏ tư duy “đủ ngày, đủ giờ”, hướng đến “đủ hiệu quả, đủ đóng góp”; không đợi giao việc, mà chủ động đề xuất và tự động cải tiến.
Thứ hai, làm chủ công nghệ và tối ưu quy trình. Cần tận dụng triệt để các công cụ số, nền tảng AI và hệ thống phân tích dữ liệu; cắt bỏ thủ tục không tạo giá trị, tự động hóa công việc lặp lại; ứng dụng công nghệ không chỉ ở thao tác mà còn trong tư duy, phối hợp và ra quyết định.
Thứ ba, sáng tạo mỗi ngày - cải tiến không ngừng. Mỗi quý nên đề xuất ít nhất một sáng kiến nâng cao hiệu quả công việc; tích cực tham gia các nhóm cải tiến liên phòng, liên ngành, liên khu vực; xây dựng thói quen đo lường - đánh giá - tối ưu công việc thường xuyên.
- Trong vai trò đồng hành, Công đoàn Viettel xác định nhiệm vụ như thế nào trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động?
Tăng năng suất lao động không chỉ là chủ trương lãnh đạo mà còn là danh dự, quyền lợi và niềm tự hào của người lao động. Vì vậy, Công đoàn sẽ tập trung vào các hành động cụ thể.
Đó là phát động chiến dịch “Tăng năng suất lao động là sứ mệnh” trên toàn hệ thống; tổ chức truyền thông, đào tạo kỹ năng làm việc hiệu quả, chia sẻ các sáng kiến tối ưu thời gian; kết nối các cá nhân tiêu biểu, mô hình năng suất tốt để lan tỏa; vinh danh những người lao động có sáng kiến thực chất, tạo ra giá trị cụ thể.
Công đoàn không chỉ nói về năng suất - mà sẽ đồng hành cùng người lao động để kiến tạo năng suất, với mục tiêu “Vì Viettel bứt phá - Vì Việt Nam hùng cường”.
Trong bối cảnh quốc gia chuyển mình, Viettel không được phép đứng yên - và mỗi người Viettel càng không thể dửng dưng với hai chữ “năng suất”. Bởi năng suất chính là danh dự, trách nhiệm và hành động của chúng ta.
- Theo anh, các thành viên của Viettel nên bắt đầu từ đâu?
Hãy bắt đầu không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể: từng giờ làm việc hiệu quả hơn, từng cuộc họp ngắn hơn mà ra quyết định tốt hơn, từng lần cộng tác linh hoạt hơn, mỗi người bớt “chờ” và thêm “chủ động”.
Mỗi người Viettel hãy làm việc như những chiến binh công nghệ. Hãy sáng tạo như những nhà cách mạng số. Và hãy coi tăng năng suất lao động như một sứ mệnh cá nhân.
Người Viettel làm việc không chỉ để hoàn thành KPI - mà để hoàn thành trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Đó chính là sứ mệnh của chúng ta.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.