Viettel Family đã đăng lúc 18:50 - 16.04.2024
Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng bày tỏ vinh dự được trực tiếp Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TT&TT trao giấy phép về tần số cho dịch vụ 5G. Chủ tịch Tập đoàn cảm ơn lãnh đạo Bộ, các đơn vị liên quan của Bộ đã quyết liệt chỉ đạo các buổi đấu giá thành công.
Chủ tịch Tào Đức Thắng cũng cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi Luật Viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện ra đời mới tổ chức đấu giá như thế này. Cuộc đấu giá được lãnh đạo Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan giám sát trực tiếp và kết thúc thành công.
Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn đánh giá buổi đấu giá có sự tham gia nghiêm túc đến cùng với mong muốn đấu giá được tần số của các nhà mạng, góp phần tạo nên sự thành công của các buổi đấu giá. Công tác tổ chức chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.
“Viettel đấu giá và sở hữu được tần số để triển khai 5G là niềm vinh dự lớn. Khi có tần số kịp thời như thế này, chúng tôi cũng rất quyết tâm để năm nay đưa dịch vụ 5G cung cấp chính thức cho nhân dân cũng như là tăng cường cho hạ tầng viễn thông công cộng”, Chủ tịch Tào Đức Thắng phát biểu.
Người đứng đầu Tập đoàn cũng chia sẻ Viettel xác định tần số này không chỉ có giá trị mang tính chất cho 4G hay 5G, mang tính chất công nghệ mà còn có giá trị kịp thời cho nhu cầu của từng nhà mạng và cam kết tiếp tục tham gia xây dựng hạ tầng, cung cấp nhiều dịch vụ tốt và hiện đại hơn nữa cho xã hội, cho người dân.
Về phía Bộ TT&TT, đồng chí Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông phát cho biết sau khi các doanh nghiệp đấu giá thành công tần số 5G trong tháng 3/2024 thì vào ngày 11/4, Bộ TT&TT đã chính thức cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G. Đồng chí Cục trưởng tin tưởng các doanh nghiệp vừa được cấp phép sẽ nhanh chóng triển khai thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024, hình thành một hạ tầng mới, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số tại Việt Nam.
Sau 15 năm có quy định về việc đấu giá tần số vô tuyến điện tại Luật Tần số vô tuyến điện 2009, năm 2024, lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần triển khai 5G. Hai doanh nghiệp trúng đấu giá là Viettel với khối băng tần 2500 - 2600 MHz và VNPT với khối băng tần 3700 - 3800 MHz.
Với Viettel, băng tần 2500 - 2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là băng tần hiệu quả để Viettel triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz). Khối băng tần 2500 MHz - 2600 MHz vẫn là sự lựa chọn tốt nhất nếu Viettel phải chọn giữa tần số này và tần số C2 (3700 - 3800 MHz) và C3 (3800 - 3900 MHz) - 2 tần số chỉ triển khai được cho mạng 5G.