Thủ tướng mong mỗi bộ, ngành có một Viettel

Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:36 - 17.06.2024

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam cần có những doanh nghiệp đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Chiều ngày 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và hơn 150 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước.

Đại diện Viettel, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã tham gia Hội nghị quan trọng này.

Thu tuong 2
Thủ tướng mong các doanh nghiệp Nhà nước trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Phát huy vai trò chủ lực và chuyển mình đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chuyển lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các DNNN; cho biết, Tổng Bí thư mong các DNNN tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, gặt hái thành công lớn hơn nữa, thực hiện tốt trọng trách với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thủ tướng hoan nghênh, bày tỏ cảm ơn, tri ân các DNNN đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong 5 tháng đầu năm 2024; mong các DNNN tiếp tục tham mưu kịp thời cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực DNNN - khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phức tạp, kinh tế trong nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức, vai trò DNNN một lần nữa được khẳng định và phát huy, tiếp tục là công cụ hữu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.

Thủ tướng khẳng định những kết quả đạt được nổi bật của DNNN trong 5 tháng đầu năm nay:

Thứ nhất, DNNN bám sát, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động.

Thứ hai, DNNN tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển và đạt nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo kế hoạch được phê duyệt. Đến hết tháng 5, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đạt trên 76.000 tỷ (bằng 38% kế hoạch năm và 120% so với cùng kỳ).

Thứ ba, DNNN tiếp tục giữ vững vị trí, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn thông qua cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, vận tải đường hàng không, đường biển, đường sắt, viễn thông, công nghệ thông tin…, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, khu vực DNNN từng bước chuyển mình trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm và áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín trong nước và thế giới. Một số DNNN lớn vươn lên đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

9bd4f82b-cb0d-482d-b30d-719ea168f144
Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng phát biểu tham luận tại Hội nghị, trong đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel nói riêng và doanh nghiệp Nhà nước nói chung

Kỳ vọng “mỗi bộ, ngành có một Viettel”

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa tăng tốc hết sức quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thời gian từ nay đến lúc đó không còn nhiều, do đó chúng ta phải phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn 3 năm qua, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, bất cập do chủ quan và khách quan.

Thủ tướng nêu bật một số định hướng, trước hết là luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, DNNN là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các DNNN.

Phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này; Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Thứ hai, tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án đúng thời hạn quy định.

“Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của DNNN một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…; chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của DNNN để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.

“Nếu DNNN không làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội thì thành phần kinh tế nào có thể làm được?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thứ năm, ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Phân tích thêm về nội dung này, Thủ tướng cho biết Nghị quyết 29 của Trung ương xác định rõ xây dựng và phát triển một số tập đoàn kinh tế, DNNN, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, DNNN và doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược.

Thu tuong 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng mỗi bộ, ngành có một Viettel để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mong muốn, kỳ vọng “mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh, thành có một Becamex”. Thủ tướng cho rằng mô hình đã có, vấn đề là cần được nhân rộng ra.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị cũng xác định nghiên cứu chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

“Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Thủ tướng phát biểu và đề nghị các DNNN, nhất là những DNNN quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

“5 tiên phong” của doanh nghiệp Nhà nước

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị DNNN thực hiện tốt “5 tiên phong”:

(1) Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

(2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả;

(3) Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

(4) Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội;

(5) Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh.

Thủ tướng cũng yêu cầu một số nhiệm vụ cụ thể đối với các lĩnh vực, đồng thời đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, doanh nghiệp hưởng thụ thật”, “nói ít, làm nhiều”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được”.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng với vai trò nòng cốt trong sử dụng, quản lý nguồn lực khổng lồ, với sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, các DNNN tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, trong đó có kết quả tích cực trong 5 tháng đầu năm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổng quát của năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn theo đúng tinh thần “đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đột phá CNCNC của Viettel

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đột phá CNCNC của Viettel

Sáng 9/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn về chương trình T-09 và hoạt động nghiên cứu sản xuất công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận 6 thành công lớn nhất của Viettel

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận 6 thành công lớn nhất của Viettel

Chứng kiến sự phát triển nhanh và bền vững của một doanh nghiệp Nhà nước như Viettel, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Thành công của Viettel: nguyên nhân và bài học được đúc kết bởi Thủ tướng Chính phủ

Thành công của Viettel: nguyên nhân và bài học được đúc kết bởi Thủ tướng Chính phủ

Trong chuyến thăm và làm việc tại Tập đoàn ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lý giải và đúc kết những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm dẫn tới sự thành công của Viettel sau 30 năm xây dựng và trưởng thành.

8 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Viettel

8 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Viettel

Dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng chiến lược, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, tham gia tích cực vào chuyển đổi năng lượng xanh,… là những nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Viettel trong chuyến làm việc ngày 16/8.

  • 2702
  • 6

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đột phá CNCNC của Viettel

  • 7986

Ngày làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Viettel

  • 3166

Viettel Hà Giang và 20 năm biến giấc mơ thành sự thật nơi địa đầu Tổ quốc

  • 53

Nghe hacker mũ trắng Viettel bật mí cách đặt mật khẩu

  • 953

Tư lệnh Quốc phòng Malaysia 'cực kỳ ấn tượng' với khí tài của Viettel

  • 263

Giám đốc Viettel Bắc Giang chia sẻ khát vọng vào Top 10 chi nhánh tốt nhất

  • 733
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua