Thanh Hường (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 15:50 - 27.11.2024
Peru những ngày đầu hè tháng 11, Viettel Peru căng mình trước hai sự kiện lớn diễn ra vào 2 ngày liếp tiếp: Đại lễ kỷ niệm 10 năm kinh doanh và sự kiện vinh dự đón Chủ tịch nước CHXHCNVN đến thăm và làm việc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới.
Trong buổi tổng duyệt đón Chủ tịch nước, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng cho rằng nên có môt phim về chặng đường 10 năm trên đất bạn để bổ trợ cho bài phát biểu của TGĐ Bitel. Chỉ còn vỏn vẹn 1 ngày nữa là diễn ra sự kiện đón Chủ tịch nước, trong khi ngay tối hôm đó sự kiện đại lễ kỷ niệm 10 năm kinh doanh diễn ra trong đó các hoạt động tổng duyệt, đạo diễn và chạy sự kiện đều do một tay Cao Hà Linh - cô gái Việt Nam bé nhỏ phụ trách.
Ấy vậy mà cô nàng sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm lại bộ phim hoàn toàn mới. Nghĩa là bộ phim chỉ có 10 tiếng đồng hồ để viết kịch bản, dựng và lồng tiếng.
Được đồng hành cùng cô bé, được làm cùng cô bé, tôi mới chứng kiến nguồn năng lượng vô hạn và sự tháo vát tài tình từ dáng hình mỏng manh, bé nhỏ ấy. Chiều hôm đó, chị em tôi đã tổng duyệt sự kiện kỷ niệm kinh doanh tận 4 lần. Tối, chúng tôi vẫn điều hành đại lễ diễn ra thành công tốt đẹp với quan điểm làm tốt từng việc.
Chỉ khi ánh đèn sân khấu vừa tắt, tiệc tan, khách ra về, đến chiếc bánh mì đêm muộn cũng chẳng kịp ăn, tôi bắt tay vào viết kịch bản và cô gái ấy bắt tay vào dựng phim. Để kịp tiến độ, chúng tôi làm việc cuốn chiếu, viết và dựng theo từng đoạn. Sau khi kịch bản hoàn thành, bằng mối quan hệ của mình, cô bé gửi về Việt Nam nhờ MC nổi tiếng của VTV đọc lời.
Thật may mắn, đêm muộn của Peru lại là ban ngày của đất mẹ. Chính vì vậy, người MC đó đã kịp hỗ trợ cho Bitel. Tuy nhiên, sau khi phim dựng xong, tôi nhận thấy cần bổ sung thêm một đoạn kết để khẳng định tình yêu Tổ quốc. Đó là tình cảm của người Viettel ra đi để dựng xây đất nước, cái tình cảm đang nung nấu, thiêu đốt và thắp sáng chúng tôi hàng ngày, hàng giờ.
Để kịp tiến độ, cô gái bé nhỏ ấy lại vào cuộc. Cô tự thu tiếng bằng iPhone và tự ghép vào phim. Để mọi thứ thật tự nhiên, không để người xem nhận ra đó là giải pháp tình thế, chúng tôi lồng ghép một đoạn giọng nam và một đoạn giọng nữ luân phiên.
Phim hoàn thành, xuất bản cũng là lúc lượt tổng duyệt lần 2 bắt đầu. Chúng tôi nhìn nhau hồi hộp, không biết sản phẩm có được chấp nhận không. Cái gật đầu của Chủ tịch đã hất bay tảng đá nặng đè trên lồng ngực hai chị em.
Gương mặt thon dài, nụ cười rạng rỡ, đôi mắt sáng long lanh, dáng hình nhỏ xíu. Đừng ngạc nhiên, đó chính là Cao Hà Linh - người đứng đằng sau thước phim ấy. Bộ phim phóng sự làm bằng cả tấm lòng đã chạm đến trái tim của Chủ tịch nước và các đồng chí trong đoàn công tác cấp Nhà nước Việt Nam.
Đến tận hai ngày sau, mọi người vẫn nhắc đến bộ phim như một dấu ấn khó phai. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang còn dặn dò: “Nhớ dịch phim sang tiếng Tây Ban Nha để các bạn Peru cũng được xem nhé”. Như lời chị Thu Hằng - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, đã nói: “Bộ phim như vậy mà làm trong một ngày, đó là kỳ tích”.
Cao Hà Linh chính là hình ảnh tiêu biểu cho gần 9.000 người Viettel quốc tế. Đầu tư nước ngoài sẽ không bao giờ hết khó khăn, thách thức. Nhưng núi để người Viettel trèo, trở ngại để người Viettel vượt.
Những chàng trai, cô gái sẵn sàng lên đường ra nước ngoài, xa quê hương cả nửa vòng trái đất. Hành trình đầu tư nước ngoài của Viettel chính là hành trình thúc đẩy ngoại giao văn hóa, đối ngoại quốc phòng, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người và những thành tựu của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.