Văn Tấn (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 19:35 - 14.10.2022
Cuba chúng ta đã biết quá rõ, bởi vậy, hôm nay tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về một đất nước ngay bên cạnh người anh em của chúng ta – Peru - một đất nước cũng xinh đẹp và cũng cách Việt Nam chúng ta nửa vòng trái đất, nơi có những người Việt đang cống hiến cho Bitel- một công ty thành viên của ngôi nhà chung – Viettel.
Sau gần một năm gia nhập Bitel, bản thân tôi đã luôn cố gắng để học tập và thích nghi về cuộc sống, con người, cách làm việc của Bitel - một công ty với phần lớn là các bạn người bản địa, mang đậm phong cách Nam mỹ trẻ trung, năng động.
Năm nay là năm thứ tám Bitel kinh doanh tại thị trường Peru, một dấu mốc rất quan trọng đánh dấu những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ CBCNV cả Người Việt và Người Bản địa. Tôi cảm nhận rõ mức độ cạnh tranh khốc liệt của các nhà mạng tại đây. Peru- Quốc gia có diện tích gần 1,3 triệu km2 với dân số chỉ có 32 triệu người, gần bằng 1/3 dân số nước ta vậy nhưng có tới 4 nhà mạng đang cung cấp dịch vụ tại đây, trong đó Bitel là công ty trẻ nhất.
Ấn tượng với tôi về Bitel đó là Bitel đã luôn làm mới mình để có thể cung cấp những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất đến tay người tiêu dùng, nhờ đó Bitel đã không ngừng cải thiện vị thế trong những năm qua.
Một hình ảnh truyền thông của Bitel tại tỉnh Ucayali
Ngành của tôi đã làm mới mình như thế nào?.
Là người chuyên môn về Tài chính- kế toán, công việc thường bị giới hạn bởi các chế độ, chuẩn mực kế toán chung. Tuy nhiên khi làm việc tại đây tôi cảm nhận rõ chuyển đổi số có ảnh hưởng to lớn tới tất cả cách ngành nghề và nghề của tôi cũng không ngoại lệ.
Tại đây, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng giám đốc Công ty, cùng với những tri thức của khoa học, chúng tôi đã phối hợp cùng Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS) để xây dựng bài toán xử lý hóa đơn điện tử đầu vào tự động và giải pháp import dữ liệu ngân hàng vào hệ thống BCCS tự động (RPA- Robotic Process Automation).
Như chúng ta đều biết, hiện nay hầu hết các Quốc gia đã bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử để tối ưu trong các công tác quản lý/khai thác và sử dụng dữ liệu thuế. Số lượng hóa đơn điện tử là rất lớn đối với một doanh nghiệp như Bitel. Khi đó, nếu Doanh nghiệp không linh hoạt áp dụng giải pháp tự động ngay từ khâu tiếp nhận đến khâu xử lý kế toán, thuế thì sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực con người để làm việc này.
Tôi còn nhớ cách làm cũ của các bạn ở đây là cầm từng tờ hóa đơn, nhập thủ công các chỉ số trên từng tờ hóa đơn, từ số hóa dơn, ký hiệu hóa đơn, cho đến số tiền…để có thể tra cứu xem hóa đơn hợp lệ hay không, rồi sau đó mới tiến hành nhập thủ công vào phần mềm kế toán. Với cách làm này, khi số lượng hóa đơn lớn thì sẽ không thể xử lý kịp trong kỳ kế toán, nhất là các thời điểm cuối tháng/quý hay năm tài chính, ngoài ra chưa kể đến việc con người làm thì hoàn toàn có thể xảy ra các sai sót do nhầm lẫn….
Giao diện RPA tại Bitel
Với việc áp dụng RPA vào công việc chuyên môn giúp con người đóng vai trò kiểm tra/giám sát Robot làm việc và chỉ cần xử lý khoảng 10% chu trình của một nghiệp vụ, từ đó năng suất lao động được cải thiện đáng kể.
Tôi cảm nhận rõ sự phấn khích của các bạn bản địa khi đón nhận và sử dụng sản phẩm bởi chúng ta đều biết khi tối ưu được thời gian để làm các công việc mang tính chất thủ công, lặp đi lặp lại thì sẽ có thêm thời gian để suy nghĩ thêm các cách làm hay, sáng tạo, mang lại những hiệu quả, giá trị to lớn hơn cho tập thể.
Trong thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ cùng nhau tìm hiểu và áp dụng nhiều cách làm mới nữa để áp dụng những thành tựu của chuyển đổi số trong mỗi lĩnh vực mà chúng tôi đã và đang làm tại Bitel.