Cuốn sách giúp PTGĐ VTG Nguyễn Thị Hoa giải mã sự thay đổi thần kỳ của 'vương quốc xa xỉ' UAE

Nguyễn Thị Hoa (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 16:31 - 20.10.2022

Nếu nhìn vào ngôi nhà lợp lá của người dân UAE cách đây khoảng 70 năm trước thì sự giàu có và xa hoa của quốc gia này hiện tại giống như một giấc mơ. Tại sao lại có sự thay đổi thần kỳ trong thời gian ngắn như vậy? Chị Nguyễn Thị Hoa, PTGĐ VTG đã tìm thấy lời giải đáp qua cuốn sách "Tầm nhìn thay đổi quốc gia".


Chị Nguyễn Thị Hoa, PTGĐ TCT Đầu tư Quốc tế Viettel (VTG) trong chuyến công tác UAE vào đầu năm 2022

Tôi đến Dubai lần đầu tiên vào năm 2017. Một chuyến đi rất ngắn, vội vã và không có thời gian tìm hiểu gì nhiều, ấn tượng xuyên suốt thấy một Dubai xa hoa, sang trọng, có hãng máy bay Emirates xếp hàng đầu thế giới. Trong nhận thức tôi, UAE là một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dồi dào, sự giàu có và xa hoa có vẻ như một điều hiển nhiên.

Đầu năm 2022, tôi có dịp trở lại UAE. Sự xa hoa vẫn như vậy, nhưng tôi có thời gian tìm hiểu hơn một chút. Khi đi thăm bảo tàng tại Abu Dabi, tôi thấy một ngôi nhà lợp lá được trưng bày và được chú thích là ngôi nhà này là nhà người dân UAE sống khoảng năm 1950, tức là mới khoảng 70 năm trở về trước. So với những gì tôi nhìn thấy bây giờ, đó thực sự là một sự khác biệt không thể tưởng tượng.

Ngày hôm sau, khi tôi có dịp đến thăm triển lãm Dubai 2020, là một triển lãm do UAE tổ chức để tất cả các quốc gia trên thế giới có cơ hội giới thiệu về quốc gia mình. Tại gian hàng của nước chủ nhà UAE là những đoạn phim tái hiện quốc gia này trong suốt những chặng đường lịch sử và tiêu đề toát lên tại triển lãm là “Như một giấc mơ”. Với năng lực kinh tế như hiện nay, với sự xa hoa hiện tại sau một khoảng thời gian không quá dài, dù có trữ lượng dầu mỏ dồi dào (nhiều quốc gia châu Phi khác cũng có nguồn lực dầu mỏ rất lớn) thì sự phát triển thần kỳ này đúng là một giấc mơ.

Tất cả những điều trên làm tôi tò mò về một đất nước UAE, tại sao họ có thể làm như thế, tại sao có thể có sự thay đổi thần kỳ trong thời gian ngắn như vậy. Cuốn sách Tầm nhìn thay đổi quốc gia với tên tiếng anh là “My Vision” là một cuốn sách mang tới lời giải thích cho những thắc mắc đó của tôi.

Cuốn sách do tác giả - là Quốc vương Dubai - Mohammed bin Rashid Al Maktoum viết - là một cuốn sách viết mô tả Dubai và những thành tựu cũng như lý do để có những thành tựu đó. Sự thật là, nguồn thu từ dầu mỏ ở đây chỉ chiếm khoảng 5-6% tổng thu nhập của Dubai vì hiện tại 95% thu nhập của họ đến từ du lịch và bất động sản. Nhưng họ đã biết tận dụng lợi thế ban đầu của mình trở thành một trung tâm kinh tế thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ, du lịch cảng biển, hàng không và các công trình nhân tạo như: Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, cảng nước sâu nhân tạo lớn nhất thế giới Jebel Ali. Cuốn sách đã cung cấp các thông tin quan trọng với những đúc kết từ tác giả trong suốt quá trình tham gia lãnh đạo đất nước cùng với cha mình.

Một số nét chính mà tác giả khẳng định là:

1. Tầm nhìn là yếu tố quyết định đến việc xây dựng một quốc gia: Yếu tố cốt lõi như tác giả thấy chính là tầm nhìn chiến lược của những người lãnh đạo khiến đất nước đã thay đổi. Chính vì có tầm nhìn mà Dubai đã xây dựng cảng biển nước sâu lớn nhất, khoan giếng phun ở sa mạc để sử dụng cho trồng trọt mặc dù những ý tưởng tầm nhìn đó ban đầu bị phản đối bởi những người xung quanh. Sự kiên định, dũng cảm và có lòng tin với những mục tiêu chính là những đức tính mà một người lãnh đạo cần.

Vậy Tầm nhìn là gì, nó phải bao gồm các yếu tố nào? Đối với tác giả, tầm nhìn bao gồm các nhiều yếu tố, trong đó một số yếu tố ấn tượng với tôi như: Mối quan tâm của quốc gia trong tầm nhìn của ông ta là gì? Ai được hưởng lợi từ tầm nhìn ấy và bằng cách nào?  Tầm nhìn có thực tế và khả thi hay là phi thực tế và không có nguồn lực về tài chính và con người có thể thực hiện? Thời gian, cách thức để thực hiện tầm nhìn là gì? Nguồn lực thực hiện nó đã sẵn sàng hay cần phải làm gì để họ có kỹ năng thực hiện? Nguồn vốn, thuyết phục nhà đầu tư và những người xung quanh? Sản phẩm cuối cùng là gì và đâu là mục tiêu cho sản phẩm đó.

Tầm nhìn theo tác giả cần xuất sắc về hình thức, bản chất và cách thực hiện. Ngoài ra nó cần bao gồm cả trí tưởng tượng, toàn diện và có tầm xa. Việc ra đời tầm nhìn phải có tác động mạnh tới xã hội và cần mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

2. Tầm nhìn của lãnh đạo phải gắn với việc đặt lợi ích của người dân lên trên: Cuốn sách nhận định rằng nếu lãnh đạo làm vì lợi ích của người dân thì chắc chắn sẽ thành công.

3. Lòng quyết tâm là sức mạnh lớn nhất: Đi cùng với tầm nhìn xuất sắc phải là lòng quyết tâm đạt được tầm nhìn đó. Không bao giờ dừng lại cho đến khi mọi việc được hoàn thành.

4. Năng lực xuất sắc của những người thực hiện: Những người cùng thực hiện phải hiểu tầm nhìn đó, và phải cùng thực hiện. Nếu người lãnh đạo không nhìn thấy các năng lực xuất sắc, thì phải dồn mọi nguồn lực để tạo ra các năng lực xuất sắc đó.

Mặc dù quyển sách này nói về tầm nhìn của lãnh đạo một quốc gia nhưng tôi cho rằng triết lý của nó luôn đúng với mọi tổ chức, dù to hay nhỏ. Giống như ở Viettel, chúng ta đã rất may mắn khi có những lãnh đạo có tầm nhìn lớn, vượt ra khỏi thực tế hiện tại của Doanh nghiệp. Chính vì vậy mới có một Viettel như ngày hôm nay. Tôi hy vọng rằng mỗi Lãnh đạo Viettel các cấp sẽ luôn ý thức về việc đó, để Viettel ngày càng phát triển hơn.

Nói như vậy nhưng cũng phải hết sức thực tế rằng, làm thế nào để tầm nhìn trở nên thực thi, không viển vông thì cần rất nhiều sự đầu tư tâm sức, hiểu biết về nội tại, về nguồn lực của tổ chức mình. Vì thế để áp dụng những bài học này một cách hiệu quả tôi nghĩ rằng, đối với lãnh đạo các đơn vị ở mỗi cấp, nên có một KPI cho bản thân mình về tỷ lệ thời gian, tâm sức những việc mang tính tầm nhìn, thời gian còn lại để giải quyết dứt điểm những công việc mang tính quản lý hàng ngày.

Trong mỗi cấp quản lý luôn tồn tại hai chức năng: Leader và Manager. Tầm nhìn để tổ chức đi xa hơn nhưng cũng phải giải quyết dứt điểm việc hàng ngày để tổ chức tồn tại bền vững. Ở cấp càng cao thì tỷ lệ thời gian cho tầm nhìn phải lớn hơn, cấp dưới thì cần để thời gian dứt điểm các việc tồn đọng, không đẩy lên cho lãnh đạo trên mình để họ có thời gian tư duy về hướng phát triển tương lai.

Chỉ như vậy tổ chức mới vừa bền vững, vừa đi xa hơn.

  • 3663
  • 9
  • 2

'Một đời thương thuyết' của PTGĐ VTG Nguyễn Thị Hoa

  • 5574

Học tư duy hệ thống từ anh Giám đốc huyện ở Viettel Ninh Bình

  • 1831
  • 11
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua