Nguyễn Mạnh Quý (Trung tâm Không gian mạng) đã đăng lúc 18:41 - 23.12.2022
Cuốn sách phân tích các động lực thúc đẩy đằng sau các yếu tố này thông qua việc khai thác chuyên sâu các bài học thành công của các công ty áp dụng các phương thức mới và sự suy yếu/sụp đổ của các công ty truyền thống. Qua đó, doanh nghiệp thấy sự cần thiết phải thực hiện các chuyển dịch: chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số, chuyển dịch từ phát triển sản phẩm sang phát triển nền tảng, chuyển dịch từ sử dụng nguồn lực nội bộ sang tận dụng nguồn lực từ cộng đồng.
Cuốn sách giới thiệu về 3 yếu tố chính định hình lại cuộc sống và nền kinh tế trong kỷ nguyên mới: máy móc, nền tảng, cộng đồng. Ba yếu tố này được định hình thông qua các sự kiện: chiến thắng của AlphaGo trước kỳ thủ cờ vây xuất sắc nhất thế giới; thành công của các công ty mới như Facebook, Airbnb… khi không có tài sản truyền thống nào; GE sử dụng trang gọi vốn cộng đồng trực tuyến để giúp họ thiết kế và tiếp thị một sản phẩm phù hợp với chuyên môn của mình.
Cách đây khoảng 20 năm, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã giải quyết sự phân chia công việc giữa con người và máy tính. Máy móc sẽ thực hiện các công việc liên quan đến toán học cơ bản, lưu trữ hồ sơ và truyền dữ liệu. Điều này sẽ giúp con người tập trung vào việc ra quyết định, thực thi phán đoán, sử dụng dự sáng tạo, trực giác và tương tác với nhau để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ngày nay trên thực tế có rất nhiều quyết định hoàn toàn tự động đang diễn ra xung quanh chúng ta mà không có sự can thiệp của con người, ví dụ: mô hình chấm điểm tín dụng; Amazon và các trang web thương mại điện tử đưa ra các đề xuất cho người mua hàng; giá của chuyến bay và phòng khách sạn, hàng hóa tự động thay đổi theo luật cung – cầu;…
Trong nhiều trường hợp, việc dựa vào thuật toán và dữ liệu thường dẫn đến các quyết định và dự báo tốt hơn là dựa vào phán đoán của những người thậm chí có “kinh nghiệm” và có khả năng. Ở một khía cạnh khác, thuật toán là không hoàn hảo nếu chúng dựa trên dữ liệu không chính xác hoặc bị sai lệnh. Vì vậy, cần một mối quan hệ làm việc cộng tác giữa người – máy để đạt hiệu quả tốt hơn.
Nhiều giao dịch và tương tác từng diễn ra giữa con người với nhau trong thế giới hữu hình giờ đây đã được hoàn thành thông qua giao diện kỹ thuật số, và các quy trình cung cấp dịch vụ trong thế giới thực dần được “ảo hóa”. Ví dụ: thực khách của nhà hàng Eatsa có thể gọi món, trả tiền và nhận thức ăn mà không gặp bất kỳ một nhân viên nào; khách hàng của nhiều hãng hàng không có thể đặt vé máy bay, check-in tại các quầy ki-ốt tự phục vụ; Ngân hàng trực tuyến cho phép khách hàng kiểm tra sao kê, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn trên máy tính hoặc điện thoại thông minh tại bất cứ đâu…
Quá trình “ảo hóa” cung cấp dịch vụ làm bùng nổ các thế hệ máy tự động hay robot thông minh, khi máy móc có thể quan sát, tương tác, ra quyết định. Nơi nào có công việc buồn tẻ, bẩn thỉu, nguy hiểm và đắt đỏ thì nơi đó có cơ hội cho robot phát triển. Và khi máy móc có thể làm nhiều việc hơn trong thế giới thực, chúng ta sẽ ngày càng được giải phóng sức lao động chân tay, thay vào đó vận dụng bộ não để xử lý các vấn đề mà máy móc xử lý chưa tốt hoặc làm các công việc mang tính sáng tạo, đưa ra các ý tưởng mới.
Nền tảng là môi trường trực tuyến tận dụng lợi thế kinh tế miễn phí, hoàn hảo và tức thời. Công nghệ kỹ thuật số là công cụ mạnh nhất từng được sử dụng bởi những kẻ gây rối thông minh, làm suy yếu hoặc gây ra sự sụp đổ nhiều công ty truyền thống, ví dụ: Kodak, Washington Post, Tower Records, HMV, General Grownth Properties,… Hai thuộc tính quan trọng của hàng hóa thông tin là: miễn phí và hoàn hảo. Khi một thứ gì đó được số hóa, về cơ bản việc tạo ra một bản sao bổ sung của loại hàng hóa này là gần như miễn phí hay chi phí cận biên gần như bằng 0 (chi phí lữu trữ thấp và các gói Internet có giá cố định rất phổ biến). Khi một bản gốc kỹ thuật số được tạo, các bản sao sẽ tốt như bản gốc kỹ thuật số của chúng, điều này tạo lên sự hoàn hảo của bản sao kỹ thuật số.
Sức mạnh kinh tế của hàng hóa thông tin tăng lên khi mạng lưới có sẵn vì các mạng lưới có thêm thuộc tính quan trọng thứ ba là: tức thời. Mạng lưới cho phép phân phối một bản sao hoàn hảo và miễn phí của loại hàng hóa thông tin từ nơi này sang nơi khác hoặc từ nơi này đến nhiều nơi khác, gần như ngay lập tức. Năm 2009, Jan Koum và Brian Acton đã phát hành WhatApp, ứng dụng cho phép mọi người nhắn tin cho nhau, và đến năm 2016 ứng dụng này đã có 1 tỷ người dùng. Điều này cho thấy các nền tảng có dựa trên 3 lợi thế kinh tế đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, tạo ra “hiệu ứng mạng lưới”. Mô hình kinh doanh “Freemium” ngày càng trở lên phổ biến, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ cơ bản miễn phí, sau đó tính phí các tính năng bổ sung.
Sự phát triển của các nền tảng không chỉ là các sản phẩm kỹ thuật số (phần mềm, âm nhạc, dịch vụ ngân hàng,…) mà còn diễn ra trong thế giới vật chất, cung cấp các dịch vụ O2O (online-to-offline, tức là từ trực tuyến đến ngoại tuyến). Ví dụ như: Lyft, Uber, Grab, GoJek với dịch vụ vận chuyển; Airbnb với dịch vụ cho thuê nhà ở; Grubhub và Caviar với cung cấp thực phẩm; Honor với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà; Rent the Ruway với dịch vụ cho thuê quần áo, Netflix với dịch vụ cho thuê DVD, Edaixi với dịch vụ giặt là, Guagua Xiche với dịch vụ sửa xe tại nhà, Hao Chushi với dịch vụ cung cấp đầu bếp nấu ăn tại nhà, 58 Daojia cung cấp dịch vụ vệ sinh, trông trẻ và chăm sóc sắc đẹp,... Lượng dữ liệu khổng lồ mà các doanh nghiệp O2O tạo ra khiến chúng trở thành môi trường màu mỡ cho học máy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chiếm ưu thế.
Chuyên gia mà bạn biết không phải là người bạn cần. Khi mọi thứ thật phức tạp, đừng tìm kiếm chuyên gia, thay vào đó, hãy kêu gọi những kẻ nghiệp dư. Topcoder là một cộng đồng khoảng 400.000 nhà phát triển phần mềm trên khắp thế giới, những người đã đến với nền tảng này vì họ thích được thử thách. MegaBLAST đã đưa bài toán của mình lên nền tảng Topcoder để tìm kiếm các giải pháp mới, kết quả là có 30 giải pháp đạt độ chính xác cao hơn giải pháp do các chuyên gia của họ tự phát triển, trong khi tổng số tiền thưởng cho cuộc thi là 6.000 đô la. Kaggle cũng áp dụng điều tương tự cho các cuộc thi khoa học dữ liệu.
Tại sao lại như vậy? có lẽ là các chuyên gia lĩnh vực phải chịu một loạt các thiên kiến tác động đến chất lượng công việc của họ hoặc có thể có rất nhiều “chuyên gia” không thật sự là chuyên gia. Trên thực tế, những kiến thức mới, quan trọng đang được tạo ra liên tục trong hầu hết các nghành và kiến thức đó chưa thể tiến vào cốt lõi của tổ chức. Phần lớn cộng đồng mang lại nhiều giá trị, nó chứa một số lượng lớn người có trí thông minh, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, ngoan cường, có động lực và ở khá xa so với cốt lõi của tổ chức.
Nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter cho rằng các công ty nhỏ hơn, trẻ hơn và tự khởi nghiệp sẽ có nhiều khả năng mang lại hàng hóa và dịch vụ mới. Ông nói: “Nhìn chung, chủ sở hữu của các xe ngựa không phải là những người xây dựng đường ray”. Nhiều gã khổng lồ công nghệ ngày nay dường như đã chú ý đến các bài học của Schumpeter, từ năm 2011-2016, Apple đã mua lại 70 công ty, Facebook mua lại 50 công ty và Google mua lại gần 200 công ty. Facebook đã trả 1 tỷ đô la cho Instagram và hơn 20 tỷ đô la cho WhatApp, nhưng cái giá này vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với với việc bị thụt lùi.