Phong cách lãnh đạo Viettel là gì?

Bùi Ngọc Điệp (Ban Thương hiệu & Truyền Thông) đã đăng lúc 14:53 - 19.04.2023

Từ khi còn là một chuyên viên, được công tác tại cơ quan có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng công chúng ngoài Viettel, hay thi thoảng được mời chia sẻ về văn hoá doanh nghiệp, tôi hay nhận được câu hỏi: Phong cách lãnh đạo Viettel là gì?

Trong lý thuyết 8 phong cách lãnh đạo phổ biến trong xã hội, phong cách lãnh đạo Viettel nằm trong lý thuyết nào? Lãnh đạo uỷ quyền, lãnh đạo đạo dẫn đường, lãnh đạo chuyên quyền, lãnh đạo dân chủ, lãnh đạo phục vụ, lãnh đạo chuyển đổi, lãnh đạo giao dịch hay lãnh đạo thuyết phục?

Dù luôn có câu trả lời về phong cách lãnh đạo Viettel, nhưng tôi thường chưa trả lời được chính xác phong cách ấy theo lý thuyết nào.

Một ngày nọ, Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng trao đổi về sự hy sinh của người lãnh đạo. Tôi liền có ý định tìm hiểu về chủ đề này và bắt gặp quan điểm của Stephen R.Covey (nhà giáo dục, một tác giả, một doanh nhân, và một nhà diễn giả người Mỹ được những người lãnh đạo Viettel biết đến qua chương trình 7 thói quen của người thành đạt).

Trong lời tựa cho cuốn sách “Lãnh đạo phục vụ” của tác giả Robert K. Greenfeaf, Stephen R. Covey nói về quyền lực đạo đức (lương tâm) và ông khẳng định: Cái cốt lõi của quyền lực đạo đức hay lương tâm là sự hy sinh - hy sinh cái tôi của chính mình cho một mục đích hay một nguyên lý cao cả hơn. Sự hy sinh này có thể có nhiều hình thức khi nó biểu hiện thành 4 chiều kích của cuộc sống: hy sinh về thể chất và kinh tế (cơ thể); nuôi dưỡng một tâm trí cởi mở và ham học hỏi (tâm trí); thể hiện sự tôn trọng và tình yêu với người khác (trái tim); và hy sinh mong muốn của bản thân cho mong muốn một điều tốt lớn hơn (tâm hồn).

Và ta có thể thấu cảm hơn quan điểm này khi đọc cuốn sách “Lãnh đạo phục vụ- Servant leadership”. Cuốn sách mà ngay trang bìa đã được định vị: Một tác phẩm kinh điển về lãnh đạo, một tác phẩm không thể thiếu cho những ai muốn tìm hiểu về chủ đề lãnh đạo.

Khái niệm lãnh đạo phục vụ được Robert K. Greenleaf phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước, sau thời gian dài ông làm việc cho AT&T, tiếp đó là Công ty Điện thoại và Điện báo Hoa Kỳ, nghiên cứu về quản lý, phát triển và giáo dục.

Ý tưởng về người phục vụ trong vai trò người lãnh đạo đến với ông từ việc đọc tác phẩm có tính chất hư cấu: Hành trình về phương Đông của Hermann Hesse. Nhân vật trung tâm là một người phục vụ và cũng là người nâng đỡ lữ đoàn bằng tinh thần và bài hát của mình. Khi người phục vụ biến mất, cả nhóm rơi vào sự xáo trộn và hành trình bị gián đoạn. Người kể câu chuyện hành trình về phương Đông - một thành viên trong nhóm sau này được tham gia vào tổ chức đã tài trợ cho chuyến đi khám phá được danh tính người phục vụ chính là Chủ tịch chính thống của tổ chức - một nhà lãnh đạo vĩ đại và cao quý.

Trả lời câu hỏi: Ai là người lãnh đạo phục vụ? Robert K. Greenleaf cho rằng Nhà lãnh đạo phục vụ trước hết là một người phục vụ. Điều đó bắt đầu từ cảm giác tự nhiên muốn phục vụ trước hết - người luôn đảm bảo rằng những nhu cầu quan trọng nhất của người khác phải được đáp ứng. Tác giả đã đúc kết những đặc điểm của người lãnh đạo phục vụ.

Lắng nghe và thấu hiểu

- Tác giả đưa ra ví dụ về một người tiếp quản một tổ chức quan trọng, quy mô lớn và không hài lòng với cách mà mọi thứ đang vận hành. Trong khoảng thời 3 tháng, ông ta dừng đọc báo và nghe tin tức trên đài, ông hoàn toàn dựa vào những gì gặp phải trong công việc. Kết quả, những vần đề về quản trị của ông được giải quyết. Tác giả đặt câu hỏi: Tại sao ngày nay có quá ít sự lắng nghe? Điều gì làm cho ví dụ này trở lên đặc biệt? Tác giả tin rằng một phần do nhà lãnh đạo khi gặp khó khăn có khuynh hướng phản ứng bằng cách cố gắng tìm ai khác để đổ lỗi, thay vì tự động phản hồi theo cách: Tôi có một vấn đề, nó là gì? Tôi có thể làm gì với vấn đề của tôi? Người khôn ngoan sẽ chọn cách lắng nghe, rồi ai đó trong tình huống này có thể sẽ cho người đó biết vấn đề là gì, và cần làm gì để giải quyết. Hoặc họ sẽ lắng nghe đủ cho đến khi có một trí tuệ mang tính trực giác để giải quyết điều đó.

Ngôn ngữ và sự tưởng tượng

- Tác giả trích dẫn phát ngôn của North Whitehead: Ngôn ngữ tạo ra sự khó hiểu, đòi hỏi sự tưởng tượng để hiểu được ý nghĩa của nó trong sự phù hợp với kinh nghiệm ngay lúc đó”. Chẳng điều gì có ý nghĩa cho đến khi nó liên quan đến kinh nghiệm của người nghe. Trong vai trò của nhà lãnh đạo, ta phải làm sao để dẫn dụ người nghe đi vào “bước nhảy của trí tưởng tưởng”. Tác giả khuyên những nhà lãnh đạo phục vụ nên nói vừa đủ để giúp tạo ra bước nhảy đó.

Rút lui - tìm ra điểm tối ưu của một người

- Có những người mà cả về mặt thể chất lẫn cảm xúc yêu thích áp lực- họ tìm kiếm áp lực, làm việc tốt nhất dưới áp lực. Lại có những người không thích áp lực, không phát triển được dưới áp lực nhưng muốn được dẫn dắt và sẵn sàng chịu áp lực để đón nhận cơ hội. Khả năng rút lui và tái định hướng bản thân tốt cho cả hai nhóm đối tượng này nhằm tập trung vào cái quan trọng hơn. Tác giả nhắc nhở luôn có những việc khẩn cấp, chính vì vậy, điều tối ưu bao gồm việc duy trì một năng lượng “dự trữ” trong tất cả các giai đoạn của nhu cầu bình thường, để có đủ sức bền khi đối diện vói những trường hợp khẩn cấp.

Nhà lãnh đạo phục vụ phải liên tục hỏi: Làm thế nào tôi có thể sử dụng bản thân để phục vụ một cách tốt nhất?

Chấp nhận và đồng cảm

- Người phục vụ luôn chấp nhận và đồng cảm con người, nhưng đôi khi không chấp nhận nỗ lực hay thành tích của người khác là đủ tốt. Chấp nhận con người đòi hỏi sự chịu đựng cái bất toàn, vì trên đời không có ai hoàn hảo. Tác giả còn nhấn mạnh, những bậc cha mẹ cố gắng nuôi dạy những đứa con hoàn hảo thì chắc chắn đang nuôi dạy những đứa bị thần kinh!

Người ta phát triển khi những người dẫn dắt họ biết đồng cảm và khi họ được chấp nhận như những con người hiện tại của họ, ngay cả khi thành tích của họ có thể bị đánh giá theo năng lực. Những nhà lãnh đạo đồng cảm và hoàn toàn chấp nhận những người đi với họ trên nền tảng này thì có khuynh hướng được tin cận.

Biết được điều không biết - vượt ra khỏi lập luận ý thức

- Nhà lãnh đạo cần hai khả năng trí tuệ mà thường không được đo lường một cách chính thức theo hình thức học thuật: Một cảm nhận về điều không thể biết và khả năng nhìn thấy điều không thể thấy trước. Từ góc độ thực tiễn, có một khoảng trống thông tin giữa thông tin chắc chắn mà ta có được và lượng thông tin cần thiết để ra quyết định, khi thực hiện những quyết định quan trọng nhất.

Vì vậy, những nhà lãnh đạo phải sáng tạo hơn hầu hết những người khác. Sự sáng tạo phần lớn là sự khám phá, sự lao mình vào cái không biết và cái chưa được khám phá. Khi cần một quyết định trong thực tế thế giới kinh doanh, nếu bạn chờ đợi cho đến khi có đủ tất cả mọi thứ thông tin cần thiết để ra quyết định tốt, cái thứ bạn chờ đợi đó… không bao giờ đến.

Tầm nhìn xa - đạo đức cốt lõi của sự lãnh đạo

- Tầm nhìn xa là một dự đoán “tốt hơn mức trung bình” về điều gì đang xảy ra, vào lúc nào đó trong tương lai. Người có tầm nhìn xa có một dạng tinh thần “trung bình động”, trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai là một, gộp chung với nhau và di chuyển tương ứng khi đồng hồ đều đặn tích tắc. Nhà lãnh đạo phải thực hành mỗi ngày trong đời với vai trò vừa là nhà lịch sử, nhà phân tích hiện tại, vừa là nhà tiên tri. Sống theo cách này một phần là vấn đề của đức tin.

Ý thức và nhận thức

- Mở rộng các cánh cửa của nhận thức để cho phép ta có được nhiều hơn những gì có sẵn về trải nghiệm cảm giác và các tín hiệu khác từ môi trường nhiều hơn mức ta thường có thể đón nhận. Khi ta có ý thức, sẽ có thường xuyên và nhiều hơn sự tỉnh táo, tiếp xúc các tình huống với một cường độ cao hơn, và nhiều thứ nữa được lưu trữ trong cái máy tính vô thức để tạo ra nhưng trí tuệ mang tính trực giác trong tương lai khi ta cần đến. Các nhà lãnh đạo phải có nhiều “vũ khí tự tin” trong việc đối phó với những điều họ chưa biết - nhiều hơn những người chấp nhận sự lãnh đạo của họ. Đây là một phần dự đoán và chuẩn bị, nhưng nó cũng là niềm tin vững chắc rằng trong tình trạng căng thẳng của tình huống thực tế, ta có thể tự mình làm theo cách cho phép khởi động quá trình sáng tạo.

Để mô tả về những người lãnh đạo phục vụ, cuốn sách tóm lược những hành động nổi bật của nhà lãnh đạo rất khác nhau vì lợi ích chung. Một người là tín đồ Giáo hội Tín hữu đã một mình giải thoát các nô lệ ra khỏi các tín đồ giáo hội bằng cách thuyết phục nhẹ nhàng, rõ ràng và bền bỉ.

Một người khác là kiến quốc phụ và là tổng thống thứ 3 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở các vị trí khác nhau đã thực hiện từng hành động để một số điều vĩ đại được hoàn thành.

Còn người nữa có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành ý thức dân tộc hiện đại của Đan Mạch. Bằng cách lãnh đạo mang tính tư tưởng, đất nước Đan Mạch đã có sự chuyển đổi xã hội, chính trị và kinh tế đáng kinh ngạc.

Nghiên cứu của tác giả cuốn sách về 3 ví dụ cho thấy, sự lãnh đạo của những người tiên phong mang tính chất hết sức “tình huống”, hiếm khi dựa trên những mô hình lãnh đạo phổ biến nào. Những gì nhà lãnh đạo đó cho đi là tình yêu dành cho đối tượng của họ, tầm nhìn rõ ràng về điều mà đối tượng phải làm cho bản thân, sự tận tụy nhiều năm của các nhà lãnh đạo (trong đó có những khoảng thời gian khốc liệt). Quan trọng hơn cả là đức tin được truyền tải một cách đầy đam mê về những giá trị của đối tượng.

Phía cuối cuốn sách có một chương mang tựa đề: Trách nhiệm phục vụ trong một xã hội quan liêu có một câu chuyện ngụ ngôn khá thú vị về câu chuyện của hai vợ chồng để truyền thông điệp về lựa chọn phản ứng với cuộc sống. Trách nhiệm của mỗi người trước hết là sự quan tâm đến bản thân để có sự phát triển bên trong, từ đó chuyển sang phản ứng lại với môi trường, tạo ra một lực lượng thích hợp quan tâm đến người khác.

Cũng phải nói rằng, cuốn sách này được chuyển ngữ chưa hay, câu từ chưa thật phổ dụng, không dễ đọc với số đông mọi người. Nhưng nghiền ngẫm kỹ từng nội dung, sẽ có thể chọn cho mình những bài học.

Trở lại với câu chuyện phong các lãnh đạo Viettel, có lẽ trong thời đại nhiều biến động như hiện nay, Viettel không cực đoan theo một lý thuyết lãnh đạo nào. Nhưng từ tất cả trải nghiệm của mình ánh xạ vào nghiên cứu của Robert K. Greenleaf, tôi cho rằng phần lớn phong cách lãnh đạo Viettel chính là tinh thần PHỤC VỤ. Từ triết lý kinh doanh của Viettel định nghĩa mỗi khách hàng, mỗi nhân viên như một cá thể riêng biệt, cần được tôn trọng, quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu, phục vụ theo một cách riêng biệt, đến triết lý không ai là số không trong tổ chức.

Phong cách lãnh đạo Viettel luôn được nhắc đến với khái niệm 3 trong 1 (lãnh đạo, điều hành, chuyên gia). Tỷ trọng của 3 vai trò tuỳ theo giai đoạn phát triển, quy mô của từng đơn vị. Lãnh đạo Viettel là người có kiến thức, biết định hướng, biết gợi mở để mọi người tham gia, biết giao việc cho mọi người làm, biết tiến độ công việc, biết đánh giá nhận xét, biết đào tạo nhân viên, biết nhúng tay vào tháo gỡ khó khăn… Lãnh đạo Viettel không sợ người khác giỏi hơn mình, bởi lãnh đạo Viettel giỏi trong việc đặt người đúng vị trí. Lãnh đạo Viettel quyết đoán, chính trực. Khi phải đưa ra quyết định, lãnh đạo Viettel đưa ra bàn bạc với phương châm 70% là quyết và vừa làm vừa điều chỉnh theo thực tế. Lãnh đạo Viettel không chỉ quan tâm, đồng cảm với nhân viên, mà còn chịu học, chịu đọc, chịu nghe và chịu đi cơ sở.

Ở vị trí lãnh đạo, Viettel còn đòi hỏi mỗi người biết viết cho mọi người hiểu, biết nói cho mọi người thông, biết làm và biết điều để xử sự tốt trong mỗi bối cảnh.

Lãnh đạo Viettel tận tụy để cấp dưới thương yêu, gương mẫu để cấp dưới tôn trọng, sáng tạo để cấp dưới có thêm việc làm và thu nhập chính đáng, dân chủ để cấp dưới dễ gần và có thông tin, kỷ cương để người tốt luôn có chỗ dựa, người chưa tốt được giáo dục, rèn luyện, tiến bộ, trưởng thành.

Trên tất thảy, làm lãnh đạo Viettel là sự hy sinh. Hy sinh mong muốn của bản thân cho mong muốn những điều tốt hơn cho tổ chức.

Robert K. Greenleaf là tác giả của 4 cuốn sách khác liên quan đến lãnh đạo phục vụ: The Power of Servant Leadership; On becoming a Servant Leader; Seeker and Servant; Teacher as Servant.

Lãnh đạo phục vụ được Ken Blanchard - là một chuyên gia về lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trên thế giới tiếp tục nghiên cứu. Ông tập hợp những bài tiểu luận hay chia sẻ niềm say mê về lãnh đạo phục vụ của hơn 42 tác giả mà Ken yêu thích, họ không chỉ là những chuyên gia về lãnh đạo phục vụ mà còn là tác giả của rất nhiều cuốn sách trong lĩnh vực này thành một cuốn sách cũng có tên là Lãnh đạo phục vụ. (https://www.youtube.com/watch?v=malkf0KBKJU&t=34s)

Suy ngẫm về Viettel từ cuốn sách 'Tâm thức lãnh đạo'

  • 2

PTGĐ VTS Bùi Thế Hùng lan tỏa 'Sức mạnh của sự tử tế'

  • 1

PTGĐ VTNet bật mí cuốn sách thay đổi cách sống, làm việc và tư duy

Tinh thần 'Thép đã tôi thế đấy' của CEO Halotel

  • 2

TGĐ VHT Nguyễn Vũ Hà: 'Hạnh phúc cũng có phương trình'

  • 4
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua