Chia sẻ từ MWC 2024: Phủ sóng 'anywhere' nhờ công nghệ vệ tinh

Đỗ Mạnh Hùng (Viện Hàng không vũ trụ Viettel) đã đăng lúc 15:12 - 01.03.2024

Với công nghệ truyền thông vệ tinh, nhu cầu phủ sóng sẽ được giải quyết triệt để. Khái niệm "anywhere" đề cập đến việc truy cập mọi nơi nay mới thực sự được sử dụng chính xác.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) đòi hỏi sự hội tụ của nhiều công nghệ dựa trên nền tảng điện toán đám mây như Ảo hóa (Virtualization), Internet vạn vật (IoT), Băng thông rộng 5G, Thực tế ảo và Thực tế ảo tăng cường (VR - Virtual Reality và AR - Augumented Reality), Dữ liệu lớn (Big Data), Bản sao kỹ thuật số (Digital Twin), Trí tuệ nhân tạo (AI) và một số công nghệ khác.

Tất cả những công nghệ này có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng cũng cần phải có một hạ tầng truyền thông tốc độ cao hoặc rất cao để kết nối mọi lúc (anytime), mọi nơi (anywhere). Giới hạn về vùng phủ của hạ tầng viễn thông mặt đất sử dụng cáp quang tạo không đảm bảo "phủ đủ" cũng là một rào cản cho quá trình chuyển đổi số.

Picture1-3
Ứng dụng của công nghệ vệ tinh trong phát triển xã hội số

Với công nghệ truyền thông vệ tinh, nhu cầu phủ sóng sẽ được giải quyết triệt để. Từ nay, khái niệm "anywhere" đề cập đến việc truy cập mọi nơi nay mới thực sự được sử dụng chính xác, khi mà kể cả những khu vực xa xôi hẻo lánh vùng núi cao hay hải đảo, nơi hệ thống cáp quang khó vươn tới, bây giờ đã được phủ sóng viễn thông.

Ở chiều ngược lại, "đám mây" nay cũng có thể mở rộng đến mọi nơi, "anywhere", nhờ có mạng Internet vệ tinh được phủ sóng toàn cầu, bằng hệ thống chùm vệ tinh đa tầng quỹ đạo bổ trợ lẫn nhau để cải thiện cả: vùng phủ, độ trễ và tốc độ truyền tải.

2-6
Các tầng quỹ đạo vệ tinh

Các công nghệ vệ tinh được phát kiến trong những năm gần đây đã đem lại một vị trí quan trọng cho vệ tinh trong các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật số, đặc biệt trong những dự án tận dụng các dịch vụ điện toán đám mây. Trong khi vệ tinh không phải là sản phẩm công nghệ mới thì các sáng kiến mới trong việc kết hợp công nghệ vũ trụ và điện toán đám mây lại mang đến nhiều giá trị làm lợi to lớn.

Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức không chỉ sử dụng vệ tinh cho việc kết nối từ xa hay sử dụng để bổ trợ cho mạng lưới viễn thông mặt đất, mà còn mở ra nhiều tiềm năng phát triển mới trong Điện toán phân tán (Edge Computing), Mạng 5G chuyên dụng (Private 5G), IoT, Dữ liệu lớn và nhiều công nghệ chuyển đổi số khác. Một số giá trị mà vệ tinh có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi số bao gồm:

1. Cho phép tự động hóa hệ thống mọi lúc, mọi nơi (Automation): vệ tinh cho phép các công nghệ tự động hóa có thể điều khiển từ xa hệ thống ở mọi nơi. Ví dụ điển hình trong ngành hàng hải, mạng viễn thông vệ tinh giúp kết nối các tàu vận tải biển mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong những chuyến tàu vượt đại dương rộng lớn, nơi không có hạ tầng viễn thông mặt đất. Việc kết nối này giúp nhà vận hành theo dõi, quản lý, tối ưu được lộ trình, nhiên liệu tiêu hao, cải thiện hiệu suất, tiết kiệm thời gian và chi phí.

2. Tăng hiệu suất của các quy trình công nghiệp (Process Efficiencies): ví dụ điển hình cho việc vệ tinh giúp cải thiện hiệu quy trình công nghiệp là trong ngành khai thác dầu mỏ. Bằng việc sử dụng vệ tinh để truyền tải dữ liệu thăm dò từ các giàn khoan trên biển cùng hàng ngàn cảm biến khác lên hệ thống điện toán đám cho quá trình phân tích trường dữ liệu lớn, vị trí các mỏ dầu sẽ được cập nhật tức thời cho các giàn khoan để tối ưu quá trình khai thác.

3. Giúp các doanh nghiệp truyền tải dữ liệu số hiệu quả (Data-driven): vệ tinh cho phép khả năng kết nối tốc độ cao từ vị trí bất kỳ tới trung tâm dữ liệu, nơi mà dữ liệu được thu thập, lưu trữ và phân tích.

Đảm bảo tính liên tục của các hoạt động quan trọng (Continuity): hạ tầng viễn thông mặt đất dễ bị ảnh hưởng bởi các thiên tai, khiến gây đứt gãy đường truyền. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng khắc nghiệt, riêng trong năm 2023, Việt Nam đã hứng chịu hàng loạt cơn bão và xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Tuy nhiên, thiên tai không thể tác động tới vệ tinh ở trên quỹ đạo có độ cao cách hàng trăm hàng ngàn kilômét so với mực nước biển. Tần số vô tuyến được vệ tinh sử dụng để truyền tải dữ liệu có thể xuyên qua mọi điều kiện thời tiết.

Vào cuối năm 2022, việc Apple giới thiệu tính năng gọi điện và nhắn tin qua vệ tinh của dòng sản phẩm iPhone, bắt đầu từ iPhone 14, đã mở đường cho sự phát triển mang tính bước ngoặt trong ngành viễn thông vệ tinh khi mà đã tạo ra sự liền mạch trong việc kết nối bằng vệ tinh giữa người dùng. Tính năng đột phá này, cùng với sự mở rộng phạm vi phủ sóng của các hệ thống vệ tinh viễn thông quỹ đạo thấp (LEO) như Starlink, OneWeb/Eutelsat và Amazon Kuiper, đánh dấu sự thay đổi đột phá trong bối cảnh ngành viễn thông vệ tinh. Giá trị thị trường Internet vệ tinh tăng trung bình 16% mỗi năm từ 2017 đến nay, hiện đang ở mức 9,2 tỷ USD, và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Theo EY, thị trường Internet vệ tinh sẽ đạt 17 tỷ USD vào năm 2030. Các doanh nghiệp lớn vẫn liên tục đầu tư vào việc phát triển các chùm vệ tinh viễn thông quỹ đạo thấp.

Hiện dẫn đầu thị trường là Starlink của SpaceX với 5.402 vệ tinh đang hoạt động, dự kiến phóng thêm gần 7.000 vệ tinh nữa để hoàn thành hệ thống thế hệ đầu với tổng mức đầu tư lên tới 10 tỷ USD.

Đứng thứ hai là OneWeb với 634 vệ tinh đang hoạt động, hoàn thành gần 98% quy mô hệ thống, tổng mức đầu tư hoàn thiện hệ thống khoảng 5 tỷ USD.

Ngoài ra, các dự án chùm vệ tinh viễn thông tầm thấp khác vẫn liên tục được rót vốn đầu tư như Telesat Lightspeed, Amazon Kuiper, SES O3b, Rivada,v.v.

3-6
Chùm vệ tinh Starlink thế hệ I

Có thể thấy, hệ thống vệ tinh viễn thông có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như Logistic, Hậu cần, Y tế, Hoạt động quân sự, Hạ tầng và dịch vụ thông minh, Vận tải, Kinh tế số, Dịch vụ tài chính, Giáo dục và Khai thác tài nguyên. Đồng thời, vệ tinh thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, bằng việc đảm bảo vùng phủ mà các mạng truyền thống không thể đáp ứng.

Với mục tiêu "tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số" cùng định hướng nghiên cứu, phát triển vệ tinh, Viettel đang có những bước đi phù hợp với xu thế hiện đại. Viễn thông vệ tinh sẽ thực hiện đúng chiến lực "4 Any" của Viettel, đưa Internet tới mọi nơi (anywhere) tại mọi lúc (anytime) cho mọi người (anybody) với giá phù hợp (anyprice). Bằng công nghệ vệ tinh, Viettel đảm bảo không bỏ ai lại phía sau như thông điệp Technology with heart (Công nghệ từ trái tim).

4-4

Hội nghị di động thế giới MWC 2024 tại Barcelona, Tây Ban Nha, có chủ đề chính là "Tương lai là trên hết" (Future First), nhấn mạnh tầm quan trong của việc hợp nhất các ngành, lục địa, công nghệ và cộng đồng để hiện thực hóa tiềm năm của tương lai. Các vấn đề thảo luận chính tại sự kiện bao gồm 5G and Beyond (5G và xa hơn nữa), Connecting Everything (Kết nối vạn vận), Humanising AI (Nhân văn hóa AI), Manufacturing DX (Chuyển đổi kỹ thuật số ngành sản xuất), Game Changers (Nhân tố thay đổi cuộc chơi công nghệ), Our Digital DNA (DNA kỹ thuật số).

Theo báo cáo "Digital Transformation Market by Offering (Solutions & Services), Technology (Cloud Computing, Big Data & Analytics, Blockchain, Cybersecurity, AI), Business Function (Accounting & Finance, IT, HR) Vertical, & Region - Global Forcast to 2030" xuất bản bởi tạp chí MarketandMarkets, quy mô thị trường chuyển đổi số có thể tăng trưởng từ 695,5 tỷ USD đến ~3.145 tỷ USD vào năm 2030.

  • 2821
  • 3

Chia sẻ từ MWC 2024: Thế giới nói gì về xu hướng hệ thống nguồn?

  • 2111

Chia sẻ từ MWC 2024: Phủ sóng 'anywhere' nhờ công nghệ vệ tinh

  • 2821

Chia sẻ từ MWC 2024: Băng tần 6G và đề xuất với Viettel

  • 5307
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua