Lê Ngọc Quý (TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) đã đăng lúc 22:42 - 10.03.2024
Công cuộc chuyển đổi số sẽ dựa vào 3 động cơ chính: 5G, AI và IoT.
Tuy nhiên, thực tế 4 năm qua, kể từ khi cuộc gọi 5G đầu tiên của Viettel thành công, các nền tảng dạng concept của IoT và AI của Viettel bắt đầu thử nghiệm, thì toàn bộ quá trình chuyển đổi số diễn ra vẫn còn rất chậm, 5G mới chỉ thử nghiệm ở quy mô nhỏ vì vướng bài toán hiệu quả đầu tư, IoT cũng mới chỉ phục vụ cho một số công tác quản lý theo quy định của pháp luật, AI mới phục vụ cho các ứng dụng hỏi đáp CSKH…
Tại MWC 2024 năm nay, 2 điều nổi bật dễ nhận thấy.
Thứ nhất, công nghệ mang tính hạ tầng gồm 5G và công nghệ IoT đã ở giai đoạn Marture (trưởng thành). Bên cạnh các hãng lớn như Ericsson, Nokia, Huawei, ZTE, Samsung trình diễn các công nghệ mới nhất về Massive MIMO diện rộng (macro) và ứng dụng đáp ứng URLLC, thì có tới khoảng 600 doanh nghiệp khác (trong tổng số hơn 2700 doanh nghiệp) trình diễn các công nghệ liên quan tới 5G về ứng dụng và các công nghệ vô tuyến tầm ngắn (small cell). Với lĩnh vực IoT, thì có khoảng 350 doanh nghiệp trình diễn công nghệ liên quan tới các ứng dụng IoT và các công nghệ tạo lập kết nối.
Thứ hai, các ý tưởng về ứng dụng kiếm tiền trên các công nghệ 5G và IoT không hề thiếu như chúng ta nghĩ, từ các ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường (VA/VR), các ứng dụng xe hơi thông minh dùng công nghệ 5G, robot thú cưng, drone giao hàng, hay các thiết bị gia dụng thông minh có khả năng giám sát hỗ trợ chăm sóc sức khỏe…
Có thể nói, các ứng dụng 5G và IoT cũng đã sắp đến từng căn nhà, từng góc con phố, ngay trên đầu, hay dưới chân của chúng ta, nhưng ở các nước khác chứ chưa phải ở ta.
Quay trở lại với Việt Nam, mọi công nghệ mới, để thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc đạt tới trạng thái hoạt động ổn định, bền bỉ (của công nghệ), còn phải chờ độ chín của 1 hệ sinh thái các ứng dụng (bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ), đem tới các giá trị gia tăng thiết thực và sau đó quay trở lại tài trợ cho đầu tư mở rộng công nghệ. Đây là chu trình tự nhiên nhất để thúc đẩy nhanh tốc độ triển khai công nghệ vào cuộc sống, cũng hiệu quả vượt trội hơn các mệnh lệnh hành chính hay các quy định pháp luật thông thường.
Tại MWC 2024 có tới 800 doanh nghiệp khởi nghiệp (trong tổng số hơn 2700 doanh nghiệp), chỉ lấy riêng 2 trong số các lĩnh vực mà tôi quan tâm: IoT nói chung và IoT trong công nghiệp thì số lượng doanh nghiêp tương ứng là 26 và 20.
Bên cạnh đó, các đất nước có quy mô dân số ít, cũng tham gia triển lãm với các đại diện doanh nghiệp công nghệ quy mô vừa và nhỏ. Lấy 1 ví dụ cụ thể như Estonia (1,3 triệu dân) có 13 doanh nghiệp tham gia, điều thú vị là trong số đó có những doanh nghiệp đã xây dựng các giải pháp quản lý đội xe với các tính năng xuất sắc, vận hành được 7 năm (Feet Complete-Estonia).
Ngoài ra, còn rất nhiều những doanh nghiệp xuất sắc trong các lĩnh vực Smart City, Factory (IoT Factory - Bỉ) cũng được tìm thấy trong các nhóm khởi nghiệp và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ này đều có những sản phẩm dịch vụ tốt, đã chứng minh được chỗ đứng trên thị trường và đang trên đường tìm kiếm không gian mới bên ngoài những thị trường truyền thống của họ. Trong đó, Việt Nam chắc chắn là một thị trường hấp dẫn, với quy mô dân số hơn đất nước họ tới cả trăm lần (Estonia) hay hàng chục lần (Bỉ).
Muốn nhanh, chúng ta cần tích cực hợp tác để học hỏi, tham gia vào chuỗi giá trị ở những công đoạn Viettel có thế mạnh gồm hạ tầng vô tuyến 4G, 5G, là hạ tầng Cloud, nền tảng quản lý kết nối, quản lý thiết bị và đồng thời tận dụng được kinh nghiệm chuyên ngành của đối tác (ở lớp ứng dụng) để xây dựng các dịch vụ tạo giá trị gia tăng, nâng cao hiệu suất cho khách hàng cuối.
Để thực hiện được mục tiêu đó, có 2 định hướng quan trọng:
- Xây dựng các công nghệ hạ tầng (5G/IoT) theo hướng nền tảng mở: không những cho các đối tác trong nước khai thác hạ tầng để xây dựng các ứng dụng, mà còn cho phép tích hợp các lớp ứng dụng phạm vi ngoài Việt Nam.
- Xây dựng đội ngũ Marketing xuất sắc, gồm 2 mục tiêu: thấu hiểu được nhu cầu thị trường (đặc biệt là dịch vụ công nghệ), đồng thời có kỹ năng tìm kiếm đối tác phù hợp (phạm vi toàn cầu) tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ. Lâu nay, tại Viettel cả 2 chức năng này đang chưa được quan tâm đủ lớn.
Để thực sự làm đầu tàu trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, đòi hỏi chúng ta có tư duy mở hơn về công nghệ và phạm vi ngoài biên giới, khi đã đẩy nhanh được tốc độ triển khai các ứng dụng thiết thực 5G và IoT, thì làn sóng chuyển đổi số trên phạm vi khắp cả nước sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, trong tương lai gần.
Trước đây, chúng ta thường nghe, “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” (Warren Buffett), đối với chúng ta, càng cần tìm kiếm được các đối tác tốt, phù hợp và đi cùng. Để chúng ta có thể đi được thật nhanh và thật xa nếu không muốn bị bỏ lại trong 1 thế giới ngày càng phẳng như hiện nay.